Lấy ra được hơn 200 viên sỏi đường mật bằng nội soi
BS.CK2 La Văn Phú - trưởng khoa ngoại tổng hợp BVĐK TP Cần Thơ - cho biết êkíp bác sĩ của khoa đã nội soi đường mật 2 lần lấy ra hơn 200 viên sỏi đường mật cho cô N.T.M.
Bệnh nhân N.T.M. 20 tuổi, quê ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, bị nhiễm trùng đường mật do sỏi ống mật chủ và hai nhánh gan.
Theo BS Phú, sỏi dạng này thường rất nhiều nên bác sĩ không thể lấy hết trong một lần phẫu thuật mà phải chia ra nhiều đợt.
Lần thứ nhất M. được phẫu thuật nội soi, kết hợp nội soi tán sỏi đường mật trong mổ, lấy ra hơn 100 viên sỏi lớn nhỏ (kích thước từ 3-10 mm). Bác sĩ đặt ống dẫn lưu Kehr để chủ động lấy sỏi trong lần tiếp theo và bệnh nhân xuất viện.
Lần thứ hai sau gần 1 tháng, M. tiếp tục nhập viện, lần này bệnh nhân được cho tiền mê và êkíp tiến hành lấy sỏi qua đường hầm Kehr. Sau hơn hai giờ nội soi tán sỏi đường mật điện - thủy lực, kết hợp lấy sỏi bằng rọ lấy sỏi (Dormia), đã lấy được trên 100 viên sỏi nằm ở đường mật trong gan người bệnh.
Theo BS Phú, trong đường mật và 2 nhánh gan vẫn có thể còn sót sỏi, nên thỉnh thoảng M. vẫn đau quặn bụng, dự kiến sẽ lấy thêm 1 đợt tiếp theo nữa mới hết sỏi. Thông thường các bệnh nhân bị sỏi đường mật và trong nhánh gan là do cơ địa, có rối loạn chuyển hóa dịch mật tạo thành sỏi.
Theo lời kể của bệnh nhân, M. đang làm công nhân ở Bình Dương, phát hiện bị sỏi mật cách đây 2 năm. Trong 2 năm liên tục bị đau bụng đi bệnh viện điều trị, nhưng nhiều bệnh viện ở Bình Dương, TPHCM đều nói phải mổ hở lấy sỏi và phải mổ nhiều lần... nên M. không dám mổ. Lần này về quê Vĩnh Long đột ngột đau bụng nên chuyển từ Vĩnh Long qua BVĐK Cần Thơ.
Hiện bệnh nhân đã giảm đau bụng, có thể ăn uống và sinh hoạt bình thường.
Theo T.Lũy - Tuổi trẻ
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình