Lao màng não, sát thủ ít được nhắc đến
Ước tính mỗi năm nước ta có 875 ca chết hoặc có di chứng nặng về thần kinh do lao màng não gây ra.
Sau 6 ngày nằm viện với hai lần chọc dịch não tủy, bé được chẩn đoán lao màng não và chuyển tiếp đến BV Phạm Ngọc Thạch. Ở đây, dù được điều trị tích cực bằng các loại thuốc đặc hiệu trong vòng bốn tháng, bé vẫn không qua khỏi.
Diễn tiến ảm đạm trên là một trường hợp khá điển hình về các ca lao màng não tại một số bệnh viện lớn trong TPHCM hiện nay.
Tỷ lệ tử vong: 32 – 67%
Lao là bệnh do vi trùng Kock gây nên, có thể gặp ở tất cả các bộ phận trong cơ thể, trong đó lao phổi là phổ biến nhất: chiếm 80 - 85% và là nguồn lây chính cho người xung quanh.
Lao ngoài phổi có lao hạch, lao xương, lao kê, phế quản, phế viêm lao và lao thần kinh trung ương (gồm lao màng não, lao não và lao tủy sống) mà chủ yếu là lao màng não.
Theo ước tính của tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam có khoảng 175.000 ca lao mới các thể, trong đó lao màng não chiếm khoảng 1%. Như vậy, hàng năm nước ta có khoảng 1.750 ca lao màng não.
Mặc dù chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng lao màng não là thể lao nặng nhất vì bệnh có thể giết chết hoặc gây tàn phế nặng cho khoảng một nửa bệnh nhân. Ở các nước phương Tây, lao màng não có khuynh hướng giảm song song với các thể lao khác.
Còn ở các nước đang phát triển, lao màng não vẫn là nguyên nhân gây viêm màng não phổ biến, đặc biệt ở người nhiễm HIV. Bệnh lao nói chung, lao màng não nói riêng, là bệnh lý cơ hội chủ yếu và là nguyên nhân tử vong hàng đầu cho người nhiễm HIV/AIDS.
Theo một nghiên cứu đa trung tâm và ngẫu nhiên ở Việt Nam về lao màng não, thực hiện bởi BV Phạm Ngọc Thạch, BV Bệnh nhiệt đới và đơn vị nghiên cứu lâm sàng đại học Oxford (Anh) từ 2001 - 2004, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân lao màng não người lớn không nhiễm HIV xấp xỉ 32%.
Nếu kể cả số bệnh nhân có di chứng thần kinh nặng sau điều trị thì con số này lên đến 50%. Như vậy, ước tính mỗi năm nước ta có 875 ca chết hoặc có di chứng nặng về thần kinh do lao màng não gây ra.
Một nghiên cứu khác cũng được thực hiện bởi ba đơn vị trên từ 2007 – 2008 cho thấy lao màng não ở những bệnh nhân nhiễm HIV có tỷ lệ tử vong lên đến 67% mặc dù có kết hợp với việc điều trị thuốc kháng virút HIV ngay từ khi điều trị lao. Đây quả là một thực tế đáng thất vọng!
Hy vọng một công thức điều trị mới
Để vượt qua những thách thức trong việc điều trị lao màng não, được sự chấp thuận của bộ Y tế và hỗ trợ tài chính từ Wellcome Trust (Anh), BV Phạm Ngọc Thạch, BV Bệnh nhiệt đới và đơn vị nghiên cứu lâm sàng đại học Oxford sẽ thực hiện dự án “Đánh giá độ an toàn và hiệu quả của việc phối hợp Rifamycine liều cao và Levofloxacine trong điều trị lao màng não người lớn có hoặc không có nhiễm HIV”. 750 bệnh nhân được chọn lựa tham gia dự án. Một khi tham gia, bệnh nhân sẽ được theo dõi sức khỏe liên tục trong vòng 9 tháng. Dự án này hy vọng tìm ra được một giải pháp hiệu quả, nhằm làm giảm tỷ lệ tử vong cũng như di chứng thần kinh nặng sau khi điều trị lao màng não. |
Triệu chứng chủ yếu là sốt nhẹ, có khi sốt cao vào lúc chiều tối, sau đó nhức đầu tăng dần và có thể có ói vọt. Khi diễn tiến nặng hơn, bệnh nhân rối loạn tri giác như lơ mơ, hôn mê và co giật.
Khám bệnh nhân lao màng não, bác sĩ sẽ phát hiện dấu hiệu cứng cổ, có thể có dấu hiệu tổn thương dây thần kinh sọ não, kèm theo liệt một tay, một chân hoặc nửa người. Bệnh nhân cũng có thể có tổn thương tuỷ sống dẫn đến liệt hai chân và bí tiểu. Đặc biệt trẻ em hay bị co giật nhiều hơn người lớn.
Do có triệu chứng trùng lắp nên việc chẩn đoán bệnh lao màng não hiện còn gặp nhiều khó khăn, phải dựa vào việc chọc dịch não tủy, một thủ thuật xâm lấn tuy an toàn nhưng khá đau đớn.
Các xét nghiệm về vi trùng học của dịch não tủy thì không nhạy và có thể mất rất nhiều thời gian đưa đến chậm trễ trong chẩn đoán (như ca của bé T.M. nêu trên đã mất đến sáu ngày nằm tại bệnh viện lớn mới có được chẩn đoán), có những trường hợp mất cả một, hai tháng mới có chẩn đoán bệnh.
Chậm trễ trong chẩn đoán sẽ dẫn đến chậm trễ trong điều trị và dĩ nhiên sẽ đi liền với tốn kém tiền bạc, công sức, đặc biệt là tỷ lệ tử vong và di chứng sẽ tăng vọt.
Mặc dù ngày nay y học đã đạt nhiều tiến bộ nhưng việc điều trị lao màng não dường như vẫn dẫm chân tại chỗ. Một phần là công thức điều trị lao màng não không có nhiều thay đổi kể từ năm 1959 là năm tìm ra loại thuốc lao chủ lực Rifamycine.
Cách phòng ngừa
Cho bản thân: trẻ sơ sinh phải được tiêm chủng BCG đầy đủ. Sống trong môi trường thoáng mát, sạch sẽ. Dinh dưỡng đầy đủ. Sinh hoạt điều độ: hạn chế thức khuya, dậy sớm. Không lạm dụng các chất gây nghiện như bia, rượu, thuốc lá và không sử dụng ma tuý.
Cho cộng đồng: nếu có triệu chứng ho kéo dài từ hai tuần trở lên phải đi khám phổi. Nếu bị phát hiện lao phổi, phải nghỉ ngơi tại nhà và hạn chế tiếp xúc với người thân ít nhất hai tuần sau điều trị, mỗi khi ho phải che miệng, phải đeo khẩu trang y tế. Uống thuốc đúng và đầy đủ theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Theo BS-CK1 Nguyễn Đức Bằng - Sài Gòn Tiếp Thị
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình