Lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Thần kinh học Đông Nam Á
Trong 3 ngày, từ 10/8 - 12/8/2023, Hội nghị Thần kinh học Đông Nam Á lần thứ 15 (ASNA 2023) diễn ra tại Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức hội nghị tầm cỡ quốc tế về Thần kinh học, quy tụ hàng loạt chuyên gia đầu ngành trong nước và thế giới về tham dự.
Với chủ đề “Vì một nền thần kinh ASEAN mạnh mẽ hơn sau đại dịch”, ASNA 2023 được đánh giá rất cần thiết cho thực hành lâm sàng với 4 phiên toàn thể, 16 phiên chuyên đề, 8 phiên vệ tinh cùng các workshop trước và sau hội nghị. ASNA 2023 thu hút sự tham dự của 850 y bác sĩ liên quan đến lĩnh vực Thần kinh trong nước và khoảng 250 y bác sĩ đến từ 21 quốc gia (Mỹ, Úc, Thụy Sỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…) để chia sẻ những kiến thức mới nhất trong ngành thần kinh học.
PGS.TS Nguyễn Hữu Công - Chủ tịch Hội Thần kinh Việt Nam thông tin, thông thường, ASNA sẽ được tổ chức 2 năm 1 lần tại các quốc gia phát triển cả về khoa học kỹ thuật lẫn kinh tế. Nhiều quốc gia trong khu vực chưa có cơ hội tổ chức như Campuchia, Lào. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các chuyên gia. Chương trình lần này cũng là sự kết hợp tổ chức hội nghị thường niên của Hội Thần kinh học Việt Nam.
Điểm đặc biệt, các phiên báo cáo tại ASNA 2023 đều diễn thuyết bằng tiếng Anh, kỹ năng này không chỉ giúp các bác sĩ trẻ hòa nhập quốc tế tại Việt Nam mà ngày càng trở nên tự tin tham gia, báo cáo tại các hội nghị quốc tế trong tương lai.
Chủ tịch Hội Thần kinh Việt Nam nhìn nhận: “Đây là đại hội ngành thần kinh học của Đông Nam Á, chúng ta là “chủ nhà” và do vậy các y bác Việt Nam có nhiều cơ hội để học hỏi, nâng cao hiểu biết, kinh nghiệm thực tế lâm sàng nhờ sự chia sẻ kiến thức của các chuyên gia hàng đầu Đông Nam Á và thế giới”.
Slogan của hội nghị năm nay cho thấy khát vọng của các chuyên gia nhằm phục hồi mạnh mẽ ngành thần kinh học sau đại dịch COVID-19. Với hơn 120 bài báo cáo nêu bật tất cả các khía cạnh của ngành Thần kinh học, tập trung chủ yếu vào các chuyên đề chính như Rối loạn vận động; Đột quỵ và Can thiệp mạch máu não; Sa sút trí tuệ; Động kinh; Đau đầu - chóng mặt - mất myeline thần kinh trung ương; Thần kinh Nhi; Thần kinh cơ; Nhiễm trùng Trung ương; Đau…
Trong đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Công đánh giá, Đột quỵ - Can thiệp mạch máu não chiếm một mảng rất lớn trong hội nghị, điển hình như các phiên chuyên đề và những bài báo cáo từ TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Liên chi hội Can thiệp Thần kinh TPHCM - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ được thực hiện rất tốt.
Rất nhiều vấn đề được khai thác trong lĩnh vực này như ICAD - Vai trò của điều trị thuốc và đặt stent; Can thiệp nội mạch trong điều trị AVM/AVF nội sọ; Bệnh lý mạch máu não và vai trò của điều trị nội mạch - Kinh nghiệm từ S.I.S Việt Nam; Bệnh lý mạch máu tủy sống và điều trị nội mạch; Vai trò của tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch trong điều trị đột quỵ cấp; Quy trình cấp cứu và điều trị bệnh nhân đột quỵ; Trình bày các ca lâm sàng khó trong lấy huyết khối nhồi máu não; Vai trò của điều trị nội mạch trong nhồi máu não tuần hoàn trước cấp tính với lõi nhồi máu lớn trong vòng 6 giờ kể từ lúc khởi bệnh...
Trong khi đó, theo TS Lê Văn Tuấn, Trưởng Ban tổ chức Hội nghị Thần kinh học Đông Nam Á lần thứ 15 - ASNA 2023, Trưởng Bộ môn Thần kinh Đại học Y Dược TPHCM chương trình năm nay cung cấp những kiến thức mới nhất về chuyên ngành cũng như làm sáng tỏ thêm những vấn đề còn tranh luận. Cùng với chương trình khoa học phong phú, hội nghị còn tạo cơ hội cho tất cả các đại biểu kết nối với nhau từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á.
GS Annette Baustica - Chủ tịch Hiệp Hội Thần kinh Đông Nam Á cho rằng, trong ba năm qua thực sự khó khăn đối với tất cả các quốc gia và đặc biệt là đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. "Tất cả chúng ta đều đã trải qua rất nhiều thử thách và bất ổn với khối lượng công việc ngày càng nhiều và tâm lý căng thẳng. Công nghệ, với tư vấn sức khỏe từ xa ở tuyến đầu, đã góp phần duy trì liên lạc và liên kết. Tuy nhiên, không gì có thể tạo nên mối liên kết mạnh mẽ hơn việc trao đổi trực tiếp, chúng tôi mong muốn được học hỏi, chia sẻ, vì "một nền thần kinh ASEAN mạnh mẽ hơn sau đại dịch” - Chủ tịch Hiệp hội thần kinh Đông Nam Á nói.
Đặc biệt, tại Hội nghị cũng giới thiệu hệ thống quản lý dữ liệu bệnh nhân tập trung và truy cập từ xa, tiến tới hội nhập số hóa y tế theo định hướng của Bộ Y tế.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình