Kỹ thuật chăm sóc giảm nhẹ các vấn đề bệnh lý thường gặp phải ở người cao tuổi
Vấn đề chăm sóc giảm nhẹ được đề cập tại phiên Lão - Chăm sóc giảm nhẹ với chủ đề “Cập nhật các vấn đề cần chú ý trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi”. Nội dung tập trung đề cập đến kỹ thuật chăm sóc giảm nhẹ các vấn đề bệnh lý thường gặp phải ở người cao tuổi như: sa sút trí tuệ, phù bạch huyết, chăm sóc răng miệng, trò chuyện với người bệnh khi có tiên lượng xấu. Phiên báo cáo nằm trong Tuần lễ đào tạo liên tục thường niên do Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM từ ngày 14 - 22/8/2023.
Chia sẻ tại phiên báo cáo, TS.BS Thân Hà Ngọc Thể - Ban Chuyên gia Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết: “Những bài báo cáo ngày hôm nay khá mới so với các kiến thức đã được học. Bởi vì bản chất, chăm sóc giảm nhẹ là một chuyên ngành rất mới tại Việt Nam. Từ Khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ có từ năm 2015 ở Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, tới nay đã được 8 năm. Bộ môn chăm sóc giảm nhẹ cũng mới thành lập tại Đại học Y dược TPHCM năm 2018. Đó là bộ môn đầu tiên giảng dạy về chuyên ngành chăm sóc giảm nhẹ trong số tất cả các trường đào tạo về sức khỏe tại Việt Nam.
Mọi người đang rất cố gắng để truyền đạt thông tin chính thống về chăm sóc giảm nhẹ đến những người nghe và quan tâm về vấn đề này. Đối tượng chăm sóc giảm nhẹ là bệnh nhân và gia đình người bệnh đang mắc các bệnh nan y và có thể không thể chữa khỏi. Vậy làm cách nào để có thể nâng cao chất lượng cuộc sống của nhóm người này?
Hy vọng những chủ đề báo cáo mang tính liên ngành sẽ giúp quý đồng nghiệp, những người quan tâm mở rộng kiến thức. Không chỉ chăm sóc đến các vấn đề thể chất của người bệnh mà còn để ý tới đời sống tinh thần cũng như kiểm soát triệu chứng tốt hơn”.
Dự kiến năm 2050, toàn cầu tiêu tốn 1000 tỷ USD cho chăm sóc người sa sút trí tuệ
Phiên báo cáo được mở đầu với một chủ đề được rất nhiều người quan tâm - “Chăm sóc cuối đời người bệnh sa sút trí tuệ”, TS.BS Thân Hà Ngọc Thể cho biết, sa sút trí tuệ là một bệnh có quá trình diễn tiến từ từ trong nhiều năm mới đi đến tử vong. Bệnh nhân và người chăm sóc phải sống chung với căn bệnh này
Những người chăm sóc cho bệnh nhân sa sút trí tuệ phải tiêu tốn 321 tỷ USD/năm và dự kiến năm 2050, con số này lên tới 1000 tỷ USD.
Vị chuyên gia chia sẻ, nguyên tắc trong chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân sa sút trí tuệ là cần phải tiếp cận chăm sóc giảm nhẹ ngay từ khi được chẩn đoán cho đến khi tử vong. Đồng thời, chú ý thảo luận mục tiêu chăm sóc trong từng giai đoạn bệnh.
“Bệnh nhân sa sút trí tuệ cũng là một con người. Vì vậy, phải đảm bảo cái sống và cái chết của họ trong phẩm giá. Mọi chuyện muốn làm cho bệnh nhân phải lấy bệnh nhân làm trọng tâm và phải phối hợp liên ngành”. TS.BS Thân Hà Ngọc Thể chia sẻ.
Đặc biệt, khi tiếp nhận một bệnh nhân sa sút trí tuệ cần chăm sóc giảm nhẹ, phải thiết lập sớm kế hoạch chăm sóc y tế (ACP) trong tương lai để tôn trọng quyền tự chủ, duy trì nhân phẩm và giá trị bản thân của người bệnh. Đoán trước được những nhu cầu của người bệnh và các triệu chứng có thể xảy ra ngay từ đầu.
Mục tiêu của việc này là đảm bảo những mong muốn của bệnh nhân sẽ được thực hiện trong tương lai, cải thiện chăm sóc cuối đời, tăng hài lòng, giảm stress, lo âu cho bệnh nhân và gia đình người bệnh. Đồng thời, giúp người đại diện về y tế của bệnh nhân và bác sĩ hiểu hơn về nguyện vọng chăm sóc cuối đời của người bệnh, từ đó dễ dàng hơn trong việc đưa ra quyết định.
TS.BS Thân Hà Ngọc Thể nhấn mạnh: “Ai đã từng thấy người chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân sa sút trí tuệ, sẽ thấy người chăm sóc rất khổ sở. Vì vậy, họ xứng đáng được chúng ta nâng đỡ cho tới khi bệnh nhân tử vong”.
Cuộc trò chuyện với bệnh nhân phải được tiến hành từ sớm
Bài báo cáo tiếp theo với chủ đề “Trò chuyện với người bệnh và gia đình khi người bệnh có tiên lượng xấu”, TS CTXH Trương Nguyễn Xuân Quỳnh - Bộ môn Chăm sóc giảm nhẹ, Đại học Y dược TPHCM, Phòng CTXH Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM chia sẻ, những cuộc trò chuyện với bệnh nhân giúp điều chỉnh việc chăm sóc và điều trị y tế với các giá trị, mục tiêu, ưu tiên và sở thích của người bệnh.
Trong cách tiếp cận y khoa mới, lấy người bệnh làm trung tâm, chúng ta sẽ bắt đầu từ giá trị, mong muốn, phẩm giá của người bệnh kết hợp với tình trạng bệnh hiện tại của bệnh nhân. Dựa theo đó sẽ thiết lập các mục tiêu.
Việc trò chuyện với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cũng giúp họ hình dung được diễn tiến sắp tới để có sự chuẩn bị sớm, tránh để bệnh nhân bối rối khi nhận tin muộn.
Trước khi tiến hành buổi trò chuyện, chúng ta cần có sự chuẩn bị, không nhất thiết bàn đến kế hoạch tương lai, đặt lợi ích của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân lên trên hết. Đồng thời, nên chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra như khiến bị gia đình và bệnh nhân tức giận.
Chuyên gia nhấn mạnh, khi trò chuyện với người bệnh, phải tìm hiểu đâu là giá trị của họ? Định nghĩa về sự thoải mái và đâu là mong ước về chất lượng cuộc sống? Nếu có trò chuyện với người nhà, phải tìm hiểu định nghĩa về tình thương của họ.
Các cuộc trò chuyện được thực hiện sớm với sự chuẩn bị tốt từ nhân viên y tế, từ người nhà, người bệnh, thì có thể lập được một kế hoạch chăm sóc hợp lý cho người bệnh. Không nên chờ đến khi bệnh nhân đã trở nặng mới tiến hành trò chuyện.
Nên bắt đầu trò chuyện với bệnh nhân từ sớm để khi tin xấu hơn, chúng ta đến thông báo, lúc này bệnh nhân đã có hình dung, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng và nhẹ nhàng hơn.
Trong bài báo cáo “Quản lý phù bạch huyết”, ThS.VLTL Trần Long Biên - Đại học Y dược TPHCM cho biết, có 3 phương pháp quản lý phù bạch huyết, bao gồm:
Thứ nhất, dẫn lưu bạch huyết bằng tay, giúp tăng hấp thụ protein vào hệ thống bạch huyết, tăng hồi lưu bạch huyết. Tuy nhiên cần một số lưu ý khi thực hiện phương pháp này như: phải làm căng da nhưng không được tạo ra ma sát vì sẽ kích thích viêm, khiến tình trạng của bệnh nhân trở nên tồi tệ hơn, và không được làm đau bệnh nhân. Áp lực tốt nhất là 40 mmHg, nhưng nếu vùng mô bị cứng, có thể tăng áp lực lên 60 mmHg.
Thứ hai, băng ép đa lớp, phương pháp này được tiến hành sau khi thực hiện xong phương pháp dẫn lưu bạch huyết. Băng ép đa lớp là phương pháp hiệu quả nhất trong 3 phương pháp quản lý phù bạch huyết.
Theo các nghiên cứu tổng quan hệ thống cho thấy, băng ép đa lớp có hiệu quả trong việc giảm thể tích của chi thể ở người phù bạch huyết. Có thể sử dụng như một phương pháp “độc lập”. Người bệnh cần được băng ít nhất 3 đêm mỗi tuần cho thấy khả năng suy giảm phù lâu dài tốt hơn.
Thứ ba, chăm sóc da, đây là một việc cần thiết vì da của người bệnh rất nhạy cảm, khô, dễ viêm nhiễm và nhiễm trùng.
Qua trình bày, ThS.VLTL Trần Long Biên đưa ra kết luận, khi người bệnh đã bị phù bạch huyết, nếu chỉ là dịch, sẽ đáp ứng điều trị tốt và thời gian giảm triệu chứng rất nhanh. Nhưng nếu đã biến đổi tính chất, cấu trúc của da, lúc này không chỉ dịch mà protein nên cần thời gian để đáp ứng lại.
Chúng ta sẽ đưa ra thời gian kỳ vọng để người bệnh có một cái nhìn thực tế vào quá trình điều trị, theo dõi thường xuyên và hướng dẫn người bệnh cách phát hiện ra những dấu hiệu bị nhiễm trùng, cách tự quản lý sưng phù tại nhà, duy trì kích thước và hình dáng của chi trong thời gian dài.
Hướng dẫn người bệnh tự quản lý sưng phù và duy trì kích thước, hình dáng của chi
Nối tiếp với với bài báo cáo “Chăm sóc răng miệng trong chăm sóc giảm nhẹ”. ThS.BS Lê Đại Cương - Khoa Lão chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, Bộ môn Chăm sóc giảm nhẹ Đại học Y dược TPHCM cho biết, Một số vấn đề về răng miệng người cao tuổi thường mắc phải hiện nay như: khô miệng, viêm niêm mạc miệng, nấm miệng, hôi miệng, năng tiết nước bọt,... Nguyên nhân là do không được chăm sóc răng miệng hay do việc điều trị bệnh như: xạ trị, hoá trị,...
Vị chuyên gia nhấn mạnh, chăm sóc răng miệng cuối đời là một vấn đề vô cùng quan trọng mà chúng ta không nên bỏ sót. Vì đây là một can thiệp lúc nào chúng ta cũng có thể làm cho người bệnh. Cần cân nhắc ngừng những thuốc gây khô miệng cho bệnh nhân.
Khuyến khích gia đình tham gia những hoạt động này để họ có thể tiếp tục hỗ trợ cho bệnh nhân với sự hướng dẫn và hỗ trợ của nhóm điều dưỡng, chăm sóc giảm nhẹ, y bác sĩ,... Đặc biệt là những bệnh nhân kém tỉnh táo, đang hôn mê, không ăn được. Nhóm người này thường sẽ bị bỏ quên sức khỏe răng miệng. Vì vậy, cần chú ý nhiều hơn về việc làm ẩm bằng bình xịt nước, que xốp, ống nhỏ giọt hoặc có thể cho đá viên vào miệng…
Qua trình bày, ThS.BS Lê Đại Cương đưa ra 3 thông điệp. Thứ nhất, thường xuyên chăm sóc răng miệng. Thứ hai, sáng tạo, thử nhiều phương pháp, công thức, chế phẩm chăm sóc răng miệng. Thứ ba, hai vấn đề trên là điều chúng ta hoàn toàn có thể làm cho người bệnh, do đó phải luôn luôn là cho người bệnh thoải mái thêm.
Lấy bệnh nhân làm trung tâm để thực hiện các mục tiêu chăm sóc vết thương ác tính
Kết thúc phiên báo cáo, hai báo cáo viên TS.ĐD Trần Thuỵ Khánh Linh và ThS.ĐD Đặng Thị Minh Phượng - Khoa điều dưỡng - Kỹ thuật Y học Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM mang đến chủ đề “Chăm sóc người bệnh có vết thương ác tính”.
Theo báo cáo từ hai vị chuyên gia, vết thương ác tính là sự xâm nhập và tăng sinh của tế bào các tính vào da, các mạch máu và bạch huyết. Có 1,7% vết thương mạn có thể chuyển thành ác tính. Vết thương ác tính thường biểu hiện dạng loét hoặc dạng sùi. Vết thương ác tính gây ảnh hưởng về thể chất của bệnh nhân, ảnh hưởng đến tinh thần và mối quan hệ vợ chồng khi thấy bản thân không hoàn thành được trách nhiệm.
Qua đó, TS.ĐD Trần Thuỵ Khánh Linh cho biết, khi chăm sóc người bệnh có vết thương ác tính, cần lấy bệnh nhân là trung tâm. Mục tiêu điều trị và chăm sóc phải đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của bệnh nhân. Tăng cường kiến thức, thông tin về vết thương cho người bệnh, cũng như các kỹ thuật chăm sóc vết thương để họ có khả năng tự chăm sóc.
Với một vết thương nhiễm, không nhất thiết phải tuân thủ quá nghiêm ngặt về kỹ thuật vô trùng. Người bệnh chỉ cần rửa sạch tay, thực hiện vệ sinh vết thương và đắp băng gạc. Vai trò của gia đình và bạn bè là hỗ trợ người bệnh về mặt cảm xúc, thể chất. Cần phối hợp liên ngành và chăm sóc liên tục.
>>> Vai trò và cập nhật mới về các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt
>>> Điểm mới trong phương pháp điều trị miễn dịch ở bệnh vảy nến trên đa chuyên khoa
>>> Cập nhật và xử trí các vấn đề đa chấn thương trong cấp cứu
>>> Hiệu quả của thuật toán và phối hợp dấu ấn sinh học trong phát hiện sớm ung thư
Tuần lễ đào tạo liên tục thường niên Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM năm 2023 được diễn ra từ ngày 14 - 22/8/2023. Đây là chuỗi các chương trình đào tạo dành cho các bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên và nhân viên y tế nhằm cập nhật các tiến bộ mới nhất trong y khoa từ các chuyên gia trong nước và quốc tế, công bố những công trình nghiên cứu khoa học và chia sẻ kinh nghiệm trong thực hành lâm sàng. Tuần lễ đào tạo liên tục thường niên, kết hợp hình thức trực tiếp tại Bệnh viện và trực tuyến trên nền tảng Zoom. Với sự tham gia của 31 chuyên khoa cùng hơn 200 bài báo cáo. Chương trình năm nay quy tụ các Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ đầu ngành trong cả nước, thu hút hơn 8.000 lượt tham gia trực tiếp và trực tuyến. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình