Hotline 24/7
08983-08983

Khi trời lạnh, cần lưu ý gì để giữ ấm cho trẻ?

Thời tiết thay đổi thất thường trẻ dễ bệnh, vậy làm sao để giữ ấm cho trẻ cũng như cách phòng bệnh và chăm sóc như thế nào là hợp lý? Các vấn đề này sẽ được BS Trương Hữu Khanh chia sẻ trong bài viết dưới đây.

1. Các bệnh trẻ thường gặp khi trời lạnh, trời rét là gì?

Trước tiên, nhờ BS chia sẻ thông tin về các bệnh trẻ thường gặp khi trời lạnh, trời rét là gì ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trẻ con cũng như người lớn, có 2 bệnh thường gặp khi trời trở lạnh:

- Bệnh đường hô hấp: Không khí bên ngoài khi đi vào trong đường hô hấp được bộ phận của đường hô hấp sưởi ấm và vào trong phổi, nhưng khi quá lạnh thì khả năng sưởi ấm không đủ.

- Bệnh về da: Khi trời lạnh thì da sẽ khô, môi khô, da tay, da mặt khô và có thể nứt nẻ.

2. Khi trời lạnh, vì sao có trẻ đổ bệnh, có trẻ lại khỏe mạnh?

Vì sao cũng là trời lạnh, nhưng có trẻ khỏe, nhưng lại có trẻ thường xuyên bị ốm vặt, thưa BS? Điều này là do sức đề kháng của trẻ hay do chúng ta chăm sóc chưa đúng cách ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Cả 2 khả năng đều có thể xảy ra: Do thói quen bẩm sinh của trẻ chịu lạnh tốt hơn những em bé khác hoặc trẻ được chăm sóc tốt khi thay đổi thời tiết lạnh.

3. Nên chăm sóc trẻ thế nào để phòng bệnh trong mùa lạnh?

Để phòng bệnh trong mùa lạnh cho trẻ, theo BS cha mẹ nên chăm sóc con như thế nào? Dinh dưỡng, sinh hoạt ra sao?

BS Trương Hữu Khanh trả lời:

- Khi trời lạnh quan trọng nhất là phải uống đủ nước vì nước cũng có thể giữ ấm cho cơ thể. Nếu uống được nước ấm sẽ rất tốt.

- Hạn chế thấp nhất không khí lạnh phải hít vào trong người.

- Giữ ấm đầu, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Cô gắng che khuôn mặt của mình để không khí lạnh hít qua lớp khăn sẽ bớt lạnh. Ngoài ra, cổ và ngực là những điểm nên chú ý giữ ấm.

4. Vị trí nào trên cơ thể trẻ dễ bị nhiễm lạnh nhất?

Vào mùa đông, những vị trí nào trên cơ thể trẻ dễ bị nhiễm lạnh nhất mà chúng ta cần chú ý ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Vào mùa đông ảnh hưởng nhất là thay đổi không khí trong khu vực đang ở. Ví dụ em bé đang trong phòng mát đi ra bên ngoài gặp gió lạnh đột ngột dẫn đến trẻ dễ bị nhiễm lạnh. Cần phải tính toán trước khi ra ngoài như mang theo khăn quàng cổ, đội nón kín, che lỗ tai, đeo găng tay,… Vì khi lạnh quá bàn tay cũng không thể cử động được. Mặc áo ấm, giữ ấm tất cả vị trí có thể khi thời tiết lạnh.

5. Những nguyên tắc giữ ấm cần lưu ý khi trời lạnh là gì?

Như vậy, để không đổ bệnh vào mùa lạnh, chúng ta cần lưu ý những nguyên tắc nào khi giữ ấm cho trẻ ra ngoài trời? Và còn khi ở trong nhà, nên giữ ấm sao cho đúng cách ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Cách tốt là theo dõi nhiệt độ bên ngoài và nhiệt độ bên trong. Khi ra ngoài phải giữ ấm ngay, đồng thời chuẩn bị áo ấm, khăn choàng, găng tay,… và nên mang theo nước ấm để uống. Không cần thiết thì không nên ra ngoài, nên chọn lúc nắng lên giảm bớt nhiệt độ lạnh.

6. Sử dụng miếng dán giữ nhiệt, áo giữ nhiệt sao cho đúng?

Sử dụng các miếng dán giữ nhiệt, áo giữ nhiệt cho trẻ, có nên không? Nhiều bậc phụ huynh còn dùng các tấm mạng che mặt trẻ khi ra ngoài trời, theo BS thói quen này có cần thiết?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Miếng dán nhiệt sẽ không hiệu quả vì không thể dán toàn bộ cơ thể nhưng có thể mặc áo giữ nhiệt, đặc biệt khi nhiệt độ quá thấp. Nên che mạng trước mặt nhưng đừng che tầm mắt của trẻ sẽ gây khó chịu. Che vừa đủ để trẻ hít thở vừa giảm được khí lạnh xộc thẳng vào mũi và đường hô hấp của trẻ.

7. Vì sao người lớn cảm thấy rất lạnh nhưng trẻ lại than nóng?

Thực tế, người lớn chúng ta luôn cảm thấy rất lạnh, nhưng trẻ thì lại thường xuyên than nóng. Quan điểm của BS như thế nào về vấn đề này ạ?

- Như vậy, làm cách nào để các bậc phụ huynh nhận ra trẻ không phải đang mè nheo, mà thực sự là nóng? Nhất là với những trẻ nhỏ, chưa thể diễn đạt cho bố mẹ hiểu?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Rất hiếm trẻ chịu nổi khi thời tiết lạnh, có thể là do trẻ không biết hoặc khuynh hướng chuyển hóa của trẻ tốt. Nhưng nếu trẻ không cảm thấy lạnh thì vẫn phải giữ ấm vì người lớn lạnh thì trẻ cũng sẽ lạnh. Trẻ thích cảm giác mát nhưng khi trời chuyển lạnh sẽ không biết cách tự giữ ấm. Do đó, dù trẻ nói gì thì ở trong nhà nhiệt độ cao sẽ an toàn hơn và khi ra ngoài phải lưu ý giữ ấm.

8. Cần lưu ý gì để giữ ấm cho trẻ?

Những thói quen sai lầm cần tránh khi giữ ấm cho trẻ mà cha mẹ cần nhớ là gì, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời:

- Bảo đảm đủ ấm, đủ đồ hãy đi ra ngoài.

- Trong mùa lạnh, khi phải tắm hết sức cẩn thận vì trẻ có thể bệnh trong lúc tắm. Chuẩn bị đủ dụng cụ, đủ nước ấm mới cho trẻ vào nhà tắm. Khi đang tắm nước ấm mà ngưng lại thì không khí lạnh sẽ vào, vì vậy phải chuẩn bị làm sao để lau, mặc đồ nhanh chóng.

- Uống nước ấm.

9. Trời lạnh, khi ra ngoài nên lưu ý gì để tránh bị bệnh cho trẻ?

Trời lạnh, trời rét, phụ huynh có nên cho trẻ ra ngoài vui chơi, sinh hoạt? Nếu có thì cần lưu ý những gì để tránh bị bệnh ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Phải canh thời tiết vì không phải lúc nào cũng nắng suốt ngày. Khi nắng lên, nhiệt độ lên cao hãy cho trẻ ra vận động, ngay cả mặc đồ mùa đông vẫn vận động được. Vì vận động sẽ tạo ra năng lượng, nhiệt độ để bù lại thời tiết lạnh.

10. Chuyển mùa, nên chăm sóc dinh dưỡng, sinh hoạt cho trẻ như thế nào?

Thưa bác sĩ thời tiết chuyển mùa là khoảng thời gian trẻ dễ dàng mắc các bệnh, đặc biệt là tiềm tàng sẵn một số dịch bệnh trong cộng đồng. Phụ huynh nên cần lưu ý vấn đề gì trong chăm sóc về dinh dưỡng cũng như là sinh hoạt thưa bác sĩ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời:

- Uống đủ nước.

- Ngủ đủ giấc.

- Ăn đủ chất.

- Vận động.

- Đảm bảo không thay đổi nhiệt độ đột ngột, không lạnh bất ngờ làm trẻ khó chịu, cảm lạnh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X