Khi nào người bệnh cần đi khám chuyên khoa tim mạch
Bác sĩ chuyên khoa tim mạch sẽ giúp chẩn đoán và điều trị những bệnh lý tim mạch và các yếu tố nguy cơ đi kèm như bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, các rối loạn chuyển hóa (béo phì, béo bụng)… trước khi chúng gây ra biến chứng.
I. Khi nào cần khám chuyên khoa tim mạch
1. Đã được chẩn đoán các bệnh lý tim mạch hoặc nguy cơ tim mạch
Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh tim trước đây, người bệnh cần đi khám tim mạch thường xuyên và định kỳ. Điều này giúp bác sĩ theo dõi sức khỏe tim mạch để kịp thời tư vấn, can thiệp hoặc thay đổi phương pháp điều trị nếu cần thiết. Từ đó giúp ngăn ngừa các biến chứng theo thời gian. Một số bệnh tim mạch và yếu tố nguy cơ cần theo dõi gồm:
- Rối loạn nhịp tim
- Rung nhĩ
- Suy tim
- Bệnh động mạch vành
- Bệnh van tim
- Cơn đau thắt ngực
- Tăng huyết áp
- Rối loạn mỡ máu (rối loạn lipid máu)
- Đái tháo đường (tiểu đường) và rối loạn dung nạp đường
Sau lần chẩn đoán đầu tiên, người bệnh nên theo lời dặn của bác sĩ để tái khám, không nên chủ quan để tình trạng kéo dài.
2. Mắc các triệu chứng có thể liên quan đến bệnh tim
a. Khó thở
Bệnh nhân bị khó thở đột ngột, khó thở khi nằm nghỉ, phải bật dậy để thở, hay khó thở khi về đêm. Đặc biệt, người bệnh thường khó thở mỗi lúc gắng sức, chẳng hạn như sau khi tập thể dục, làm việc nặng.
Nguyên nhân của khó thở đôi khi là do chứng nghẽn mạch phổi do xuất hiện cục máu đông, làm nghẽn mạch máu trong phổi, dẫn đến thiếu oxy hoặc đang lên cơn đau tim, trụy tim.
Triệu chứng này tuy đôi lúc có vẻ mờ nhạt nhưng khá và nguy hiểm đến tính mạng, khiến người bệnh phải cố gắng thở gấp do tình trạng thiếu không khí và cảm thấy rất khó chịu. Khi rơi vào tình huống này, tốt nhất nên đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay.
b. Đau thắt ngực (đau vùng tim)
Đau thắt ngực là một trong những dấu hiệu cần đi khám tim mạch nhưng cũng có thể gặp ở nhiều bệnh lý khác không liên quan đến tim mạch. Đối với bệnh lý tim mạch, ngoài đau tức ngực do viêm cơ tim thì nguyên nhân gây ra tình trạng này còn là do giảm hoặc tắc nghẽn dòng máu tới oxy cho cơ tim (thường gặp do hẹp mạch vành). Đa phần các ca đau thắt ngực sẽ thuyên giảm rõ rệt khi dòng máu tới cơ tim được cải thiện (bằng việc dùng thuốc hay các phương pháp can thiệp khác).
Tuy nhiên, trên lâm sàng, biểu hiện cơn đau thắt ngực có khi ở mức độ nhẹ, thoáng qua và xảy ra khá bất chợt nên đa phần bệnh nhân khó có thể nhận biết. Mặt khác, nhiều người thấy có dấu hiệu đau tức ngực nhưng lại coi thường, bỏ qua, ít quan tâm vì nghĩ rằng tình trạng này không ảnh hưởng nhiều, trong khi đau thắt ngực có khả năng sẽ chuyển biến thành dạng nguy hiểm.
Vì vậy, nếu thường cảm thấy đau thắt vùng ngực, tức ngực bất thường thì người bệnh nên đến cơ sở y tế để thăm khám, tìm hiểu nguyên nhân và điều trị sớm nếu phát hiện bệnh. Trong cơn đau thắt ngực, nếu làm xét nghiệm điện tâm đồ thường sẽ thấy biểu hiện thiếu máu cơ tim.
c. Đánh trống ngực, hồi hộp
Dấu hiệu đánh trống ngực (hay tim đập mạnh) được mô tả là khi người bệnh có cảm giác tim đập thình thịch hoặc đập dồn dập trong lồng ngực, có thể xuất phát từ việc bệnh nhân đang hồi hộp, lo lắng vấn đề gì đó hoặc do vừa vận động thể lực cường độ mạnh, gặp phải căng thẳng kéo dài. Tuy nhiên, đánh trống ngực đôi khi lại là dấu hiệu cần đi khám tim mạch, vì rất có thể đó là báo hiệu của nhồi máu cơ tim hay loạn nhịp tim.
d. Phù chân (nhất là ở mắt cá chân)
Phù là hiện tượng ứ nước ở bên trong các tổ chức dưới da hoặc phủ tạng trong cơ thể. Đặc điểm của tình trạng phù do tim mạch là phù tím, thường gặp nhất là phù chân (đặc biệt nhận thấy rõ ở vùng mắt cá chân). Nếu phù do suy tim phải thì thường sẽ kèm theo các dấu hiệu ứ đọng dịch ở các cơ quan tuần hoàn khác như tĩnh mạch cổ nổi, hay tăng áp lực tĩnh mạch trung tâm.
Bệnh nhân cần phân biệt triệu chứng với phù chân của suy tĩnh mạch sâu chi dưới hoặc suy bạch mạch chân. Mức độ phù ở 2 chân chênh nhau, sáng ngủ dậy thì phù biến mất và có thể đã kèm tình trạng khập khiễng cách hồi.
e. Chóng mặt vào sáng sớm ngủ dậy hoặc có ngất
Đây là một trong những dấu hiệu cần đi khám tim mạch. Bệnh nhân thường chóng mặt vào lúc sáng sớm, lý do thường gặp là vì hiện tượng tụt huyết áp tư thế đứng (hay huyết áp thế đứng), bắt nguồn từ bệnh lý tim mạch như trụy tim mạch, hay phản ứng phụ từ các loại thuốc điều trị bệnh đang dùng kể cả thuốc lợi tiểu và thuốc huyết áp, hoặc các bệnh lý khác như đái tháo đường, bệnh Parkinson.
Ngoài ra, chóng mặt nói chung cũng có thể là do rối loạn tiền đình ốc tai, dẫn đến mất cân bằng tư thế. Bên cạnh đó, những người hay bị ngất nhiều khả năng đã mắc bệnh tim mạch từ trước đó. Do vậy, bệnh nhân cần đi khám để xác định nguyên nhân và tiến hành điều trị sớm.
f. Tím tái da và niêm mạc
Thông thường với cơ thể khỏe mạnh, máu lưu thông và tuần hoàn tốt, da sẽ có màu hồng, chạm vào thấy ấm. Còn nếu có bệnh liên quan đến thiếu máu, dẫn đến thiếu oxy, da sẽ trở nên xanh tím, tái đi, lúc đầu có thể màu sắc da và niêm mạc chỉ xanh tím ở môi, móng tay, móng chân, sau quá trình làm việc nặng thì triệu chứng tím tái có thể xuất hiện toàn thân.
Nguyên nhân rất có thể là do mắc phải một bệnh tim mạch nào đó, dẫn tới hạn chế lưu thông máu, cần phải đi khám xác định bệnh.
3. Có hành vi lối sống gây ra bệnh lý tim mạch
- Thừa cân, béo phì
- Hút thuốc lá, thuốc lào
- Lối sống tĩnh tại, ít vận động
- Chế độ ăn nhiều: muối, chất béo bão hòa, phủ tạng động vật,…
Xem thêm: Top 12 nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch
II. Nên đi khám chuyên khoa tim mạch ở độ tuổi nào?
Khám tim mạch là cách tốt nhất để phát hiện các yếu tố nguy cơ có thể phát triển thành bệnh tim mạch, và cũng để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng do bệnh tim gây ra như đột quỵ và tử vong.
Độ tuổi thích hợp để đi khám tim mạch ở mỗi người không giống nhau. Nó phụ thuộc vào chẩn đoán bệnh tim, yếu tố nguy cơ tim mạch hoặc tiền sử gia đình của mỗi người.
Bệnh tim có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều loại bệnh tim phổ biến hơn khi lớn tuổi. Vì vậy, nam giới trên 45 tuổi và phụ nữ sau mãn kinh nên đi khám tim mạch định kỳ để kịp thời phát hiện nguy cơ.
Những người có người thân trong gia đình (đặc biệt là bố mẹ) bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường sớm nên khám tim mạch ở độ tuổi 30 trở đi để dự phòng nguy cơ.
Ngoài ra, những người có lối sống không lành mạnh, một số người trẻ có triệu chứng sụt kí nhanh và hay nhức đầu cũng nên đi khám tim mạch để kiểm tra chẩn đoán.
III. Các xét nghiệm khi khám tim mạch
Tùy vào tình trạng thực tế của mỗi người qua khám lâm sàng mà bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định cận lâm sàng khác nhau. Một số xét nghiệm và cận lâm sàng có thể được thực hiện khi khám tim mạch như:
- Xét nghiệm máu kiểm tra mức cholesterol toàn phần, HDL-C, LDL-C, lượng đường trong máu, kiểm tra chức năng thận và một số yếu tố khác.
- Điện tâm đồ theo dõi hoạt động tim.
- Siêu âm tim đánh giá chức năng co bóp của tim và loại trừ có bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ.
- Holter 24h/Holter điện tâm đồ để tìm rối loạn nhịp có thể gây ra đột tử.
- Siêu âm động mạch cảnh
- Siêu âm động mạch tĩnh mạch ngoại biên
-Siêu âm bụng
- Chụp X-quang ngực đánh giá bóng tim
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) đánh giá tình trạng động mạch vành và tim
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) cung cấp hình ảnh chi tiết về tim và mạch máu
- ECG gắng sức để phát hiện bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ im lặng.
IV. Lưu ý khi khám tim mạch
- Cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác, bao gồm các triệu chứng, tình trạng bệnh đang mắc phải và thuốc đang sử dụng.
- Đem theo kết quả, phim chụp hoặc đơn thuốc đang dùng của lần khám tim mạch trước (nếu có).
- Nên nhịn ăn tối thiểu 8 - 10 giờ trước khi khám vì có thể cần xét nghiệm máu.
- Nếu đang điều trị đái tháo đường, không nên sử dụng insulin vào buổi sáng trước khi đến khám.
- Tuyệt đối không sử dụng rượu, bia, thức uống chứa cafein, thuốc lá vào buổi tối trước khi đi khám.
- Mặc trang phục thoải mái thuận tiện cho việc thăm khám.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình