Khi nào cần tầm soát biến chứng đái tháo đường để ngăn chặn suy thận, mù lòa, bệnh tim mạch?
Bác sĩ Nội tiết của Phòng khám Bernard cho biết, không chỉ gây tăng đường huyết, bệnh còn dẫn đến hàng loạt biến chứng nghiêm trọng như suy thận, mù lòa, thậm chí đột quỵ, đoạn chi. Bác sĩ cũng nhấn mạnh kiểm soát đường huyết, duy trì lối sống lành mạnh và kiểm tra sức khỏe thường xuyên là biện pháp tốt để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm này.
1. Đái tháo đường là bệnh gì?
Nhờ BS giải thích, đái tháo đường là bệnh lý như thế nào?
ThS.BS Đoàn Trúc Quỳnh - Chuyên khoa Nội tiết, Phòng khám Bernard trả lời: Đái tháo đường (ĐTĐ) hay còn gọi là tiểu đường là một bệnh lý chuyển hóa phức tạp. Biểu hiện rõ ràng nhất của bệnh là lượng đường glucose trong máu tăng rất cao.
Bệnh ĐTĐ xuất hiện khi cơ thể không sản xuất đủ lượng hormone insulin để đưa đường vào trong tế bào, cũng như khi cơ thể sử dụng không hiệu quả lượng insulin tiết ra vì đề kháng insulin.
Đường huyết tăng cao kéo dài sẽ gây tổn thương hệ thống mạch máu và nhiều cơ quan trong cơ thể như mắt, thận, thần kinh. Bệnh còn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
2. Hội chứng “4 nhiều” của bệnh đái tháo đường
Đâu là những triệu chứng điển hình của ĐTĐ, thưa BS?
ThS.BS Đoàn Trúc Quỳnh trả lời: Triệu chứng của ĐTĐ phụ thuộc nhiều vào type bệnh. Triệu chứng điển hình nhất là hội chứng “4 nhiều”: ăn nhiều, uống nước nhiều, đi tiểu nhiều, sụt cân nhiều.
Ở bệnh nhân ĐTĐ type 1, “4 nhiều” này có thể xuất hiện rất sớm và đột ngột. Bệnh nhân có thể nhập viện vì tình trạng tăng đường huyết cấp tính.
Hầu hết bệnh nhân ĐTĐ type 2 không có triệu chứng hoặc các triệu chứng rất mơ hồ. Giả sử nhóm bệnh nhân này có triệu chứng “4 nhiều”, đó là lúc lượng đường trong máu đã tăng rất cao, bệnh đã diễn tiến được một thời gian.
Do đó, đối với ĐTĐ type 2, điều quan trọng nhất là không chờ đến khi triệu chứng xuất hiện mà phải có chiến lược tầm soát sớm, từ đó chẩn đoán bệnh và điều trị hợp lý.

3. Ăn nhiều đường có gây tiểu đường không?
Nhiều người cho rằng bị tiểu đường là do ăn quá nhiều đồ ngọt. Điều này có đúng không, thưa BS?
ThS.BS Đoàn Trúc Quỳnh trả lời: ĐTĐ là một bệnh lý chuyển hóa hết sức phức tạp, bao gồm rối loạn chuyển hóa đường, đạm, mỡ trong cơ thể. Biểu hiện bề nổi là bệnh nhân có tăng lượng đường glucose trong máu.
Có nhiều nguyên nhân gây ĐTĐ, tùy vào type bệnh. ĐTĐ được chia làm nhiều loại: ĐTĐ type 1, ĐTĐ type 2, ĐTĐ thai kỳ, ĐTĐ do các nguyên nhân đặc biệt... Nhìn chung, ĐTĐ type 1 và ĐTĐ type 2 là hai thể phổ biến nhất.
Các nghiên cứu cho thấy 90 - 95% trường hợp tế bào beta tuyến tụy bị tổn thương trong ĐTĐ type 1 là vì hệ thống miễn dịch tấn công chính tế bào của cơ thể, làm tế bào beta bị tổn thương. Điều này khiến các tế bào beta không thể sản xuất đủ insulin để đưa đường glucose từ máu vào tế bào, đường huyết của người bệnh sẽ tăng cao.
Khoảng 5% bệnh nhân ĐTĐ type 1 không tìm được nguyên nhân.
Nguyên nhân gây ĐTĐ type 2 vẫn đang được tìm hiểu. Các nhà nghiên cứu nghiêng về cách lý giải do tình trạng đề kháng insulin, cơ thể không sử dụng hiệu quả insulin mà cơ thể tạo ra, tế bào có sự đề kháng với hoạt động của insulin.
Do vậy, hormone insulin không thể hoạt động hiệu quả, không đưa được đường glucose vào tế bào, dẫn đến đường huyết của bệnh nhân tăng cao.
Nguyên nhân gây ĐTĐ thai kỳ liên quan đến nội tiết, đến các hormone được tiết ra trong quá trình mang thai. Các hormone này có vai trò giúp ổn định thai kỳ nhưng đồng thời cũng khiến cơ thể thai phụ đề kháng với hoạt động của insulin.
Thông thường, tuyến tụy sẽ phải sản xuất nhiều insulin hơn để vượt qua hiện tượng đề kháng này. Trong trường hợp tuyến tụy không tiết đủ insulin, phụ nữ mang thai sẽ bị ĐTĐ.
Ngoài ra còn nhiều type ĐTĐ khác do bệnh lý tụy, bệnh lý nội tiết, do thuốc, nhiễm trùng...
4. Ai có nguy cơ mắc đái tháo đường?
Những người nào có nguy cơ cao mắc ĐTĐ, thưa BS?
ThS.BS Đoàn Trúc Quỳnh trả lời: Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những người thừa cân, béo phì hoặc người có số đo vòng eo lớn (nam từ 90cm, nữ từ 80cm) có nguy cơ mắc ĐTĐ type 2 cao hơn
Người có tiền căn gia đình trực hệ mắc bệnh ĐTĐ hoặc bản thân bệnh nhân đang điều trị các bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu... làm tăng khả năng bị ĐTĐ so với người khác.
Thế nhưng dù không có yếu tố nguy cơ nào, từ 45 tuổi vẫn nên đi tầm soát ĐTĐ.
5. Đái tháo đường có nguy hiểm không?
Dưới góc nhìn y khoa và chuyên môn, BS nhận định ĐTĐ là căn bệnh như thế nào, có thực sự nguy hiểm không?
ThS.BS Đoàn Trúc Quỳnh trả lời: ĐTĐ là bệnh lý rất nguy hiểm, không phải do lượng đường tăng cao mà vì các biến chứng, gây tổn thương đến các cơ quan, đặc biệt là mạch máu.
Biến chứng của ĐTĐ có thể ảnh hưởng đến mạch máu thận, dẫn đến suy thận, thậm chí là suy thận giai đoạn cuối phải điều trị thay thế thận hay ghép thận.
Bệnh lý này còn có thể ảnh hướng đến mạch máu ở vùng võng mạc gây giảm thị lực, nặng hơn là mù lòa. Về thần kinh, bệnh có thể ảnh hưởng đến thần kinh ngoại biên.
Biến chứng ở mạch máu lớn là xơ vữa động mạch gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim, thậm chí có thể phải đoạn chi.
Trường hợp ĐTĐ thai kỳ có nhiều nguy cơ cho cả mẹ và bé. Đối với mẹ là nguy cơ tiền sản giật, có thể phát triển thành ĐTĐ sau thai kỳ.
Nếu người mẹ bị ĐTĐ thai kỳ, em bé có nguy cơ bị thừa cân, thai lớn, dẫn đến khó khăn cho cuộc sanh. Em bé có thể tử vong trước hoặc sau sanh. Ngoài ra, khi lớn lên, trẻ có nguy cơ bị ĐTĐ type 2.
6. Tầm soát biến chứng đái tháo đường bằng cách nào?
Xin hỏi BS, hiện nay có những phương pháp tầm soát biến chứng ĐTĐ nào đang được áp dụng?
ThS.BS Đoàn Trúc Quỳnh trả lời: Tùy theo từng loại biến chứng mà bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ định phương tiện cận lâm sàng phù hợp.
Chẳng hạn để tầm soát biến chứng thận, bệnh nhân được chỉ định làm xét nghiệm máu để đánh giá độ lọc cầu thận còn tốt không; xét nghiệm nước tiểu để tìm vi đạm niệu .
Bệnh nhân được thăm khám với bác sĩ chuyên khoa mắt để xem liệu đã có biến chứng lên mạch máu võng mạc chưa.
Với biến chứng tim, mạch máu, ngoài việc kiểm soát những chỉ số huyết áp, mỡ máu, bác sĩ có thể phải chỉ định làm những siêu âm sâu hơn về mạch máu để kiểm tra tình trạng tổn thương mạch máu, xơ vữa động mạch.
Bên cạnh đó, bệnh nhân còn cần phải siêu âm tim hoặc có các chỉ định sâu hơn nữa để kiểm soát, theo dõi tình trạng mạch máu não...
Tóm lại, có rất nhiều phương pháp để tầm soát các biến chứng của ĐTĐ nhưng BS điều trị sẽ là người đánh giá và đưa ra quyết định bệnh nhân cần thực hiện xét nghiệm nào.
7. Bệnh nhân đái tháo đường cần tầm soát các biến chứng vào thời điểm nào?
Quy trình tầm soát biến chứng ĐTĐ diễn ra như thế nào, thưa BS?
ThS.BS Đoàn Trúc Quỳnh trả lời: Khi bệnh nhân có chẩn đoán ĐTĐ , bác sĩ điều trị sẽ là người theo dõi vấn đề tầm soát biến chứng hết sức chặt chẽ.
Nghiên cứu cho thấy rằng, tại thời điểm có chẩn đoán ĐTĐ type 2, trong 20 bệnh nhân sẽ có 2 người bị biến chứng thận hoặc mắt; 1 người có biến chứng về tim hoặc mạch máu.
Do vậy, đối với bệnh nhân ĐTĐ type 2, vấn đề tầm soát cần thực hiện sớm hơn, ngay tại thời điểm phát hiện bệnh.
Người mắc bệnh ĐTĐ type 1 thông thường sẽ cần tầm soát định kỳ các biến chứng sau mốc 5 năm kể từ khi phát hiện bệnh. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đã xuất hiện triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định sớm hơn.
8. Tất cả bệnh nhân đái tháo đường đều cần tầm soát biến chứng?
Theo BS, tất cả bệnh nhân ĐTĐ đều nên tầm soát nguy cơ biến chứng hay chỉ những trường hợp cụ thể nào mới cần tầm soát?
ThS.BS Đoàn Trúc Quỳnh trả lời: Tầm soát để phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng của bệnh ĐTĐ là việc tất cả các bệnh nhân đều nên làm.
Tuy nhiên, để tránh tốn kém quá nhiều chi phí chưa cần thiết, người bệnh nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ đang điều trị. Bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ phù hợp nhất cho từng trường hợp.
9. Kiểm soát đường huyết là cách tốt nhất để phòng ngừa biến chứng đái tháo đường
BS có lời khuyên nào để các bệnh nhân ĐTĐ có thể phòng ngừa biến chứng nguy hiểm?
ThS.BS Đoàn Trúc Quỳnh trả lời: Cách tốt nhất để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh lý ĐTĐ là kiểm soát tốt đường huyết.
Đồng thời bệnh nhân cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ về tim mạch như huyết áp, mỡ máu. Bệnh nhân nên giữ cân nặng lý tưởng bằng chế độ ăn uống, vận động, sinh hoạt điều độ và lành mạnh.
Người bệnh nên lưu ý vấn đề tầm soát định kỳ để có thể can thiệp sớm khi biến chứng xuất hiện, giảm nguy cơ tiến triển nặng.
>>> Phần 2: Thay đổi lối sống giảm 58% nguy cơ tiền đái tháo đường diễn tiến thành đái tháo đường
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình