Hotline 24/7
08983-08983

Khám tiền thai, khám tiền sản với phụ nữ có sẵn bệnh lý

TS.BS Lê Văn Hiền hướng dẫn các chị em có sẵn bệnh lý: béo phì thừa cân, lạc nội mạc tử cung, viêm gan B và một số bệnh di truyền nên khám tiền thai, khám tiền sản thế nào để có thai kỳ khỏe mạnh.

Tiếp theo bài trước: Khám tiền hôn nhân, khám tiền sản, khám tiền thai là kiểm tra những gì?

TS.BS Lê Văn Hiền, Tổng Thư ký Hội Sản Phụ Khoa TPHCM (HOGA), Giám đốc Phòng khám Sản phụ khoa Hiền Đức

Phụ nữ bị viêm gan B cần chuẩn bị cho thai kỳ như thế nào để tránh lây cho con?

TS.BS Lê Văn Hiền:

Phụ nữ bị viêm gan siêu vi B khi mang thai sẽ có nguy cơ lây từ mẹ sang con, hoặc sau sinh cũng có nguy cơ lây nhiễm cho con.

Để phòng tránh điều này, khi chuẩn bị mang thai, bạn cần đến khám với bác sĩ chuyên khoa Gan mật, chúng ta sẽ xét nghiệm nồng độ virus trong máu như thế nào, chức năng gan, chức năng thận, các marker về viêm gan như thế nào… để có chỉ định điều trị. Mục đích điều trị là để giảm tải lượng virus trong máu rồi mới có thai.

Khi có thai, việc điều trị viêm gan B vẫn tiếp tục để phòng ngừa lây từ mẹ sang con trong bụng mẹ chứ không phải ngưng. Bạn cần thông báo với bác sĩ để bác sĩ kê loại thuốc an toàn cho phụ nữ mang thai.

Khi mang thai mới phát hiện mình bị viêm gan B, có điều trị được không?

TS.BS Lê Văn Hiền:

Trường hợp này chúng ta cần xét nghiệm định lượng virus viêm gan B trong máu. Nếu nồng độ virus trong máu không cao, xét nghiệm chức năng gan bình thường thì không cần điều trị hay can thiệp gì cả, và sau sinh sẽ chích ngừa cho em bé. Em bé sẽ được chích 2 mũi: 1 mũi vắc xin giống như các em bé khác, 1 mũi kháng thể thụ động (để phòng ngừa lây nhiễm từ mẹ sang con).

Nếu thai phụ xét nghiệm thấy nồng độ virus viêm gan B trong máu cao thì cần điều trị để giảm tải lượng virus trong máu, giảm nguy cơ lây từ mẹ sang con trong bụng mẹ.

Chưa kịp tiêm ngừa viêm gan B nhưng đã có thai thì phải làm sao?

TS.BS Lê Văn Hiền:

Với phụ nữ chưa tiêm ngừa viêm gan siêu vi B hoặc chưa có đủ kháng thể để phòng ngừa thì khi có thai không ảnh hưởng gì đến em bé cả, vì bạn chưa bị bệnh này. Tuy nhiên khi chưa có/ chưa có đủ kháng thể thì bạn là đối tượng có nguy cơ bị lây bệnh viêm gan B khi tiếp xúc với nguồn lây.

Vắc xin viêm gan B không có chỉ định tiêm với phụ nữ mang thai, nhưng nếu bạn là đối tượng nguy cơ thì vẫn có thể tiêm khi đang có thai, bởi vì vắc xin viêm gan B không ảnh hưởng gì đến thai kỳ cả. Đối tượng nguy cơ là trường hợp thai phụ chưa có kháng thể nhưng người chồng bị viêm gan B, hoặc sẽ tiếp xúc với người bị viêm gan B, hoặc thai phụ sắp phải truyền máu… thì những trường hợp này nên tiêm ngừa. Vắc xin viêm gan B không có chỉ định nhưng cũng không chống chỉ định với phụ nữ mang thai.

Phụ nữ thừa cân, béo phì cần khám tiền thai như thế nào?

TS.BS Lê Văn Hiền:

Quan niệm ngày xưa cho rằng béo quá mỡ lấp buồng trứng khiến khó có thai, thật ra không phải vậy nhưng béo phì, thừa cân là một trong những nguyên nhân làm cho ức chế rụng trứng, khó rụng trứng. Với tình trạng này thì chị em nên giảm cân bằng chế độ luyện tập và dinh dưỡng phù hợp. Chú ý không nên uống các thuốc giảm cân bán trên mạng, rất nguy hiểm đến sức khỏe.

Một vấn đề cần quan tâm nữa là hội chứng buồng trứng đa nang cũng có biểu hiện là phụ nữ thừa cân, béo phì, rậm lông. Nếu các biểu hiện này, bạn nên đến thăm khám với bác sĩ sản phụ khoa. Phụ nữ bị buồng trứng đa nang sẽ khó có thai nhưng với sự hỗ trợ của y khoa, chị em vẫn có con được.

Phụ nữ bị viêm âm đạo có cần chữa hết viêm rồi mới đi khám chuẩn bị mang thai hay không?

TS.BS Lê Văn Hiền:

Chị em bị viêm âm đạo có thể kết hợp vừa khám phụ khoa vừa khám mong con (khám vô sinh, hiếm muộn) vẫn được. Chính các bác sĩ khám vô sinh, hiếm muộn sẽ đánh giá tình trạng viêm âm đạo của bạn xem có cần điều trị gì không.

Một số người có dự tính là khám phụ khoa với bác sĩ này, rồi khám thai với bác sĩ khác… là không cần thiết vì chuyên ngành của chúng tôi là sản phụ khoa, tức là đã bao gồm cả “sản khoa” và “phụ khoa” nên một bác sĩ sẽ khám tất cả vấn đề này. Và chính những bác sĩ khám hiếm muộn sẽ có đánh giá tốt nhất về tình trạng viêm âm đạo của bạn đối với việc mang thai

Phụ nữ đau bụng kinh khám tiền thai cần kiểm tra gì?

TS.BS Lê Văn Hiền:

Phụ nữ đau bụng kinh cần đi khám để tìm xem có bị lạc nội mạc tử cung, đây là tình trạng nội mạc tử cung nằm lạc chỗ: vùng chậu, tử cung, buồng trứng,… mỗi tháng hành kinh thì những vùng đó cũng chảy máu làm cho chị em bị đau bụng nhiều. Bệnh này cần điều trị vì lạc nội mạc tử cung là một trong những nguyên nhân phổ biến gây vô sinh.

Nếu bạn đã đi khám và bác sĩ trả lời là không bị lạc nội mạc tử cung mà chỉ có triệu chứng đau bụng kinh hoặc hội chứng tiền kinh thì việc điều trị rất đơn giản, và tình trạng đau bụng này cũng không ảnh hưởng đến việc mang thai. Thậm chí là sau khi mang thai và sinh con thì hiện tượng đau bụng kinh này sẽ giảm đi, dân gian gọi là “đổi máu”, thật ra không phải do đổi máu nhưng thật sự tình trạng này có giảm.

Đã từng bị thai lưu, sảy thai thì chuẩn bị mang thai lần tiếp theo như thế nào?

TS.BS Lê Văn Hiền:

Đối với trường hợp bị thai lưu hoặc sảy trên 3 lần (từ lần thứ 4 trở đi) thì chị em cần làm xét nghiệm để xem có bất thường gì hay không để dự phòng cho lần mang thai tiếp theo. Tuy nhiên, với phụ nữ lớn tuổi hoặc đang mong con thì có thể làm những xét nghiệm này sớm hơn.

Đầu tiên phải khám sức khỏe tổng quát cho cả hai vợ chồng, xét nghiệm nhóm máu, công thức máu, viêm gan, giang mai, HIV… Ngoài ra có thể đánh giá xem dự trữ buồng trứng của người phụ nữ, làm xét nghiệm tinh dịch đồ cho người đàn ông; kiểm tra có bất thường nhiễm sắc thể ở cả 2 người hay không…

Với người bệnh tự miễn thì cần tìm xem họ có kháng thể chống lại việc mang thai hay không (kháng thể này chống lại bào thai dẫn đến sảy thai hoặc thai chết lưu). Nếu các xét nghiệm này dương tính thì cần làm thụ tinh trong ống nghiệm và chẩn đoán tiền làm tổ.

Còn với những trường hợp sảy thai và thai lưu 1-2 lần đầu thì sau khi chấm dứt thai kỳ thì chỉ cần 1 tháng (hết 1 chu kỳ) là chị em có thể có thai mới mà không cần chờ đợi lâu. Cả hai vợ chồng nên đi khám tổng quát và chuẩn bị có thai mới luôn ngay trong tháng sau.

Một số chị em lớn tuổi, có thai vốn đã khó khăn, chẳng may bị sảy thai rồi nghe người này người kia khuyên phải chờ cho cơ thể ổn định, trì hoãn 6 tháng tới 1 năm sau thì lúc đó cơ hội có thai càng giảm đi.

Đã có một con bị loạn dưỡng cơ do di truyền, muốn sinh thêm con không bị bệnh này?

TS.BS Lê Văn Hiền:

Nếu con đầu tiên của bạn đã được làm xét nghiệm nhiễm sắc thể về chuyển đảo đoạn nhiễm sắc thể và trả lời là có liên quan đến yếu tố di truyền thì tốt nhất lần sinh kế tiếp bạn lựa chọn thụ tinh trong ống nghiệm và chọn lựa phôi. Tức là chúng ta sẽ chẩn đoán tiền làm tổ, nếu những phôi nào có bất thường sẽ loại ra, chỉ dùng những phôi bình thường để chuyển phôi.

Hồng Nhung (ghi)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X