- BV Tân Bình
U nướu thai kỳ có ảnh hưởng thai nhi?
Câu hỏi
Xin chào AloBacsi, Em đang mang thai, ở giữa tuần thứ 30 thì xuất hiện cục u nướu dẹp mọc sau chân răng cửa bên trái (giữa răng cửa số 1 và số 2), lúc đầu cục u nhỏ nhưng càng ngày càng lớn dần. Hiện tại em đang mang thai ở tuần thứ 33 và cục u này dài xuống gần bằng răng cửa số 2, nó gây cho em nhiều bất tiện khi giao tiếp và có lúc em cảm giác nó buốt buốt gần chân răng. Lúc cục u mới xuất hiện 5 ngày thì em có lấy cây kim chọc vào cục nướu khiến nó chảy máu rất nhiều, sau 2 phút em mới cầm được máu. Sau đó em tới phòng khám nha khoa để cắt cục u nhưng nha sĩ nói không cắt được vì em đang mang thai và em đang gặp phải tình trạng u nướu thai kì, họ dặn em là sau khi sinh xong thì tới cắt. Hiện tại cục u nướu đang ngày một phát triển khiến em hoang mang, không biết là từ giờ tới lúc em sanh bé thì nó có dài thêm nữa hay không và cục nướu này có ảnh hưởng gì tới em bé không? Nếu sau sanh em đi cắt cục nướu này thì nó có mọc lại không? Từ lúc mới mang thai tới hiện tại (thai được 33 tuần) thì em hay bị chảy máu chân răng, nhất là những lúc đánh răng thì chảy máu rất nhiều, em vẫn thường xuyên súc miệng và đánh răng đều đặn. Mong AloBacsi giải đáp giúp em. Xin cám ơn.
Trả lời
Phụ nữ khi mang thai thường gặp vấn đề răng miệng do ảnh hưởng của sự thay đổi bên trong cơ thể. Bắt đầu từ tháng thứ hai của thai kỳ tình trạng viêm nướu đã xuất hiện và có thể phát triển nhanh hơn trên những phụ nữ đã có tiền sử bệnh răng miệng.
Biểu hiện lâm sàng là nướu sưng lớn, đỏ ửng, dễ chảy máu, khối sưng dọc theo đường viền nướu và giữa các kẽ răng. Nặng hơn là u nướu thai kỳ, đó là một khối tăng sinh mềm, đỏ ửng, phát triển nhanh trong 3 tháng giữa nhưng nó không phải là một khối u thật sự, thường tự biến mất sau khi sinh nhưng đôi khi vẫn phải tiểu phẫu nếu u to ảnh hưởng đến chức năng.
Bệnh viêm nướu khi mang thai là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến sinh non và trẻ sơ sinh nhẹ cân. Tuy nhiên bạn không nên quá lo lắng, hiện tại bạn đang ở ba tháng cuối của thai kỳ nên không thể can thiệp nha khoa.
Do vậy bạn hãy vệ sinh răng miệng thật cẩn thận, đúng cách, chải răng theo chiều dọc ít nhất 2 lần/ngày, sau bữa ăn. Chọn bàn chải lông mềm vì nướu răng lúc này nhạy cảm, dễ chảy máu nhưng dù chảy thì vẫn phải chải bình thường chứ không được bỏ qua vùng răng này. Súc miệng bằng nước muối ấm pha loãng kết hợp dùng chỉ tơ nha khoa, không được tự ý dùng thuốc, chế độ ăn bổ sung vitamin C, canxi, hạn chế ăn đồ ngọt...
Chúc bạn nhiều sức khoẻ.
Thân mến.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình