Hotline 24/7
08983-08983

Nóng rát cổ họng, đau bao tử, dấu hiệu bệnh gì?

Câu hỏi

Cháu chào BS, BS ơi, cháu bị viêm họng gần 3 tuần nay rồi, cháu có uống thuốc viêm họng tại BV cũng như nhà thuốc nhưng không đỡ. Gần đây cháu lâu lâu bị khó chịu, hơi đau trong bao tử nên cháu không uống thuốc kháng sinh, kháng viêm nữa. Ra nhà thuốc thì họ cho cháu uống Omeprazole, cháu uống vào thì 2 ngày sau hết bị rát họng, nhưng vẫn bị ho. Tối qua cháu quên uống Omeprazol thế là sáng dậy bị rát họng lại, nhưng đường thanh quản thì lại không bị nóng rát. Vậy là cháu bị sao đó ạ? Cháu cảm ơn BS nhiều ạ. (Nguyễn Mậu Tuấn - maut…@gmail.com)

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào Mậu Tuấn,

Theo thông tin em cung cấp thì BS nhận thấy em có tình trạng viêm dạ dày kèm trào ngược dạ dày thực quản.

Trào ngược dạ dày thực quản và viêm họng là 2 nhóm bệnh khác nhau nhưng là yếu tố thúc đẩy của nhau tạo thành 1 vòng tròn bệnh lý.

Trào ngược dạ dày thực quản vừa là hậu quả của các thuốc điều trị viêm họng, vừa là nguyên nhân gây viêm họng.

Dịch acid từ dạ dày trào lên làm viêm niêm mạc vùng họng miệng, gây kích thích ho, gây loạn cảm họng. Ngược lại thuốc trị viêm họng thì có thể làm nặng hơn tình trạng trào ngược dạ dày.

Cả 2 bệnh đều không phải bệnh nan y, tuy nhiên việc điều trị cần trị song song cả 2 bệnh và cần kiên trì, vì không phải ngày 1 ngày 2 là hết.

Mà phải khám BS chuyên khoa Tiêu hóa, BS chuyên khoa Tai mũi họng nhiều kinh nghiệm và chỉnh thuốc vài lần mới phù hợp với cơ địa được.

Như vậy, em nên khám lại tại BS chuyên khoa Tiêu hóa hoặc BS chuyên khoa Tai mũi họng để được điều trị thích hợp, bài bản.

Ngoài ra, em cần chú ý là lối sống ảnh hưởng rất nhiều lên hiệu quả điều trị bệnh, chứ không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc của BS.

Nếu em càng lo lắng nhiều thì cả 2 bệnh này càng khó trị và kéo dài, do việc lo lắng làm tăng trào ngược dạ dày thực quản.

Do vậy em cần tuân thủ lối sống sinh hoạt phù hợp, gồm hạn chế ăn đồ chua cay nước có gas, nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, café, bia, rượu,…

Không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý.

Không nằm sau khi ăn trong vòng 2 giờ, ngủ nên nằm đầu cao, giữ ấm vùng hầu họng đặc biệt là khi trời lạnh, đi ra đường nhớ đeo khẩu trang, không để quạt hay điều hòa chiếu thẳng vào đầu, mặt, cổ, uống nước ấm thay vì nước lạnh.

Thân mến!

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X