Hotline 24/7
08983-08983

Hướng dẫn mẹ nhận biết trẻ nhiễm giun và cách tẩy giun an toàn

Làm sao để biết trẻ đang bị nhiễm giun? Mẹ nên tẩy giun cho trẻ như thế nào? Có phải cứ ra tiệm thuốc mua đúng liều là dùng được? BS Trương Hữu Khanh sẽ giải đáp lý do vì sao mẹ cần tẩy giun định kỳ và những lưu ý khi sử dụng thuốc tẩy giun an toàn cho con.

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Nguyên nhân và tác hại khi trẻ bị nhiễm giun?

Nhiễm giun là một trong những tình trạng thường gặp ở trẻ. Xin hỏi BS Trương Hữu Khanh, nhiễm giun nguy hại như thế nào đối với sức khỏe trẻ em? Cơ thể người nhiễm giun qua đường nào và thời gian ủ bệnh ra sao ạ?

BS Trương Hữu Khanh:

Ở trẻ em và kể cả người lớn đều rất dễ bị nhiễm giun sán nguyên nhân là do:

  • Thứ nhất do môi trường ở nước ta được xếp vào vùng địa lý mà con người rất dễ bị nhiễm giun sán.
  • Thứ hai do thói quen sinh hoạt: chúng ta thường ít khi có ý thức rửa tay cộng thêm với việc đôi khi con nít hay bốc/ hốt đồ chơi bên ngòai và thói quen đưa tay lên miệng rất dễ bị nhiễm giun.
  • Thứ ba là nuôi thú cưng trong nhà.

Mọi đứa trẻ đều có khả năng bị nhiễm giun sán. Tuy nhiên, với trẻ em chỉ bị nhiễm những loại giun thông thường như: giun đũa, giun kim; còn những loại sán khác chúng phải sống ở những vùng rất đặt biệt.

Nhiễm giun gây ảnh hưởng khá nhiều đến trẻ:

  • Ảnh hưởng đến dinh dưỡng: giun cộng sinh vào cơ thể ăn những chất dinh dưỡng mà trẻ ăn vào, vì thế khiến trẻ còi cọc, chậm lớn.
  • Khiến trẻ khó ngủ, nghiến răng
  • Ngứa hậu môn
  • Đặc biệt khi một số trẻ nữ bị nhiễm giun kim thì có thể gây nhiễm trùng đường tiểu.

Trường hợp nặng hơn trẻ bị nhiễm giun móc thì sẽ khiến trẻ bị thiếu máu kéo dài; thậm chí nếu nhiễm giun đũa mà không chữa triệt để giun có thể chui lên hệ thống đường mật làm nhiễm trùng đường mật. Ngoài ra, còn có một số loại sán làm tổn thương gan.

Có 3 con đường nhiễm giun:

  • Nhiễm qua đường ăn uống: khi chúng ta ăn thức ăn có sán, trứng giun thì khi vào bụng chúng nở ra đi lên đường hô hấp, sau đó vòng xuống lại đường ruột, chu kỳ kéo dài 5-10 ngày tùy loại giun.
  • Nhiễm trực tiếp từ móng tay: đặc biệt là giun kim, khi ngứa trẻ gãi sau đó lại đưa tay lên miệng ngậm và nuốt xuống, trứng sẽ tiếp tục được nở ra giun
  • Nhiễm qua da: với những trẻ hay đi chân không (không mang dép) đi ở vùng có nhiều giun móc thì chúng sẽ xuyên qua da trẻ đi lên ruột và khiến trẻ bị nhiễm giun.

BS Trương Hữu Khanh

2. Loại giun trẻ dễ bị nhiễm?

Bé thường nhiễm các loại giun nào? Dấu hiệu nào cho biết trẻ đang bị nhiễm giun ạ? Làm xét nghiệm gì để biết trẻ có nhiễm giun hay không?

BS Trương Hữu Khanh:

Có 2 loại giun thường gặp nhất ở trẻ là giun đũa và giun kim.

Muốn biết trẻ bị nhiễm giun hay không:

  • Thứ nhất: nhìn thấy trẻ đi cầu ra giun hoặc trẻ ngứa hậu môn khó chịu hoặc khi phụ huynh kiểm tra thấy có giun kim.
  • Thứ hai: khi bị nặng một số trẻ có thể ói ra giun đũa hoặc đi cầu ra giun đũa lúc này chúng ta biết chắc trẻ đã bị nhiễm giun.

Tuy nhiên, đừng chờ đến khi biết trẻ bị nhiễm giun mới chữa trị, hãy có một thói quen xổ giun định kỳ cho trẻ và ngay cả người lớn.

3. Những lưu ý trước và sau khi tẩy giun cho trẻ

Có người nghĩ rằng cần phải theo dõi phân của bé, nếu thấy xác giun thì mới yên tâm là có hiệu quả, như vậy có cần thiết không ạ?

BS Trương Hữu Khanh:

Thật ra, thuốc xổ giun chúng ta có thể tự mua mà không cần kê toa, bởi nó là một loại thuốc rất dễ sử dụng.

Hiện nay thuốc xổ giun được bài chế làm tan xác của giun chứ không phải xổ ra nguyên con, nên chúng ta không cần thiết phải chờ khi nào giun được xổ ra ngoài.

Trên thị trường có rất nhiều thuốc tẩy giun, trong đó có các loại thuốc phổ biến sau; albendazol và mebendazol. Tổ chức Y tế Thế giới hiện đã cho phép trẻ em từ 1 tuổi trở lên được phép sử dụng được thuốc xổ giun; chứ không phải như ngày trước phải từ 2 tuổi trở lên mới được sử dụng. Sau 12 tháng là có thể bắt đầu xổ giun được cho trẻ với cách thức như sau:

  • Với em bé từ 1-2 tuổi thì sử dụng 200mg albendazol/ viên hoặc 500mg mebendazol/ viên.
  • Với em bé từ 2 tuổi trở lên thì sử dụng 400mg albendazol/ viên còn riêng với mebendazol vẫn chỉ nên sử dụng 1 viên 500mg mà thôi.

Lưu ý sau khi uống thuốc xổ giun nên ăn liền.

Trường hợp trẻ bị nhiễm giun kim có khả năng tái lại thì nên uống 1 liều sau đó 2-3 tuần nên uống nhắc lại; đặc biệt với những trẻ này cần cắt móng tay bởi khi trẻ ngứa và đưa tay gãi hậu môn thì trứng của giun lại nằm trong móng tay trẻ và trẻ thì rất hay đưa tay lên miệng, như vậy rất có thể bị tái nhiễm trở lại.

Thông thường có thể xổ giun định kỳ 6 tháng/ lần. Tuy nhiên, nếu mới xổ nhưng thấy trẻ bị nhiễm giun lại chẳng hạn trẻ đi cầu ra giun thì bắt buộc phải sổ lãi.

Chế độ ăn uống khi xổ giun và sau khi xổ giun

Thuốc xổ giun rất lành và hiền, chỉ cần uống định kỳ và uống theo liều chứ cũng không cần quan sát gì cả. Ăn uống bình thường và cũng không cần lưu ý gì.

Những trường hợp nào chống chỉ định tẩy giun cho trẻ?

Rất khó để có thể kiếm được thuốc xổ giun cho em bé dưới 1 tuổi. Thông thường nếu em bé dưới 1 tuổi với khả năng tiếp xúc của chúng sẽ ít bị nhiễm giun hơn đa số nếu có nhiễm thì lớn lên sẽ tự khỏi. Trường hợp nếu trẻ bị nhiễm quá nhiều thì chúng ta sẽ xổ bằng một loại thuốc chuyên dụng được BS kê dành riêng cho em bé dưới 1 tuổi loại này cũng có thể dành cho phụ nữ đang cho con bú nếu bé còn nhỏ dưới 1 tuổi.

Trường hợp nếu biết chắc bé nhà bạn bị di ứng với thuốc xổ giun thì không nên uống và hãy hỏi ý kiến BS, còn lại đa số thuốc rất lành và hiền không gây dị ứng.

Dùng thuốc tẩy giun vào thời điểm nào trong ngày là tốt nhất thưa BS?

Thường thuốc tẩy giun được uống vào buổi sáng, uống xong ăn liền; thật ra chúng ta có thể uống bất cứ lúc nào cũng được tuy nhiên vì hay quên nên đôi khi bạn cho trẻ uống vào buổi chiều tối khiến trẻ dễ bị nôn, ói.

Có loại giun nào cần thiết phải sử dụng thuốc đặc trị mới hết?

Trong những trường hợp trẻ nhiễm ký sinh trùng nội tạng thì mới cần thuốc đặc trị. Tuy nhiên, điều này cần được theo dõi và kiểm tra chính xác, vì thế chắc chắn cần đi khám. Bởi trong danh sách thuốc kê đơn của BS nếu thật sự bị nhiễm kí sinh trùng thì sẽ có những loại thuốc cần được uống kéo dài, nên lưu ý phải được chẩn đoán rõ ràng của BS chuyên khoa chứ không được tự ý uống.

Khi trẻ đã có những dấu hiệu bị nhiễm giun, dùng thuốc tẩy giun thời điểm này còn có tác dụng? Những nguyên tắc cần biết nếu trẻ phải điều trị giun?

Khi trẻ đang nhiễm giun thì chắc chắn thuốc sẽ có hiệu quả. Trường hợp nếu uống thuốc mà giun vẫn còn thì 3 tuần sau cho bé uống nhắc lại, và quá nhiều mới cần đi bệnh viện.

4. Làm sao phòng tránh trẻ bị nhiễm giun?

BS có thể đưa ra một vài lưu ý cần nhớ cho các ông bố, bà mẹ khi tẩy giun cho trẻ? Ngoài việc tẩy giun, cha mẹ cần lưu ý điều gì để tránh cho trẻ bị nhiễm giun?

BS Trương Hữu Khanh:

Không có bất cứ nguyên tắc nào đặc biệt, chỉ cần đừng ép trẻ quá bởi nếu ép thì rất có thể trẻ sẽ bị nôn/ ói như vậy thuốc không có tác dụng. Cần thiết thì có thể pha đường cho trẻ, vì hiện nay cũng đã có những loại thuốc xổ giun rất ngọt và dễ uống.

Cần chú ý xổ giun nên được thực hiện định kỳ không riêng trẻ em mà người lớn cũng vậy. Thông thường nên xổ 2 lần/ năm. Nhưng nếu bất cứ lúc nào thấy có giun thì nên cho trẻ uống thuốc để tẩy giun; đặc biệt với giun kim nên xổ 2 lần, cách nhau 3 tuần thì mới triệt để.

Để phòng ngừa nhiễm giun:

  • Thứ nhất: nên ăn uống sạch sẽ
  • Thứ hai: rửa tay
  • Thứ ba: khi nuôi chó mèo cần sổ giun cho chúng

Trong nhà nếu có trẻ bị giun lâu quá không hết thì phải xổ giun luôn cho cả gia đình. Bởi người lớn nhiễm giun rất nhẹ, vì thế khó cảm nhận được nhưng lại chính là nguồn lây trứng giun cho trẻ em.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X