Hotline 24/7
08983-08983

Hóa trị giúp ích gì cho người bệnh ung thư? Làm sao để giảm tác dụng phụ?

Có ý kiến cho rằng hóa trị có thể làm cho tình trạng bệnh nhân ung thư nặng hơn vì nhiều tác dụng phụ. Thực hư điều này ra sao? Câu trả lời đã được ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung Bướu, Bệnh viện Thành Phố Thủ Đức giải đáp.

1. Hóa trị là phương pháp điều trị thế nào?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Hóa trị tức là sử dụng thuốc đặc trị đưa vào cơ thể để tấn công tế bào ung thư. Hóa trị, cùng với xạ trịphẫu thuật, hay những phương pháp mới hiện nay như liệu pháp miễn dịch là một trong những liệu pháp chính trong điều trị bệnh ung thư.

Hiện đã có nhiều loại thuốc mới tốt hơn dùng trong hóa trị theo đường uống, tiêm hoặc truyền. Trước đây, bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối chỉ có thể sống được khoảng 3-6 tháng. Tuy nhiên, hiện nay với thuốc mới tốt hơncó thể giúp bệnh nhân kéo dài thời gian sống được 1-2 năm, thậm chí 5-6 năm.

Ưu thế của hóa trị là thuốc có thể theo đường máu để loại bỏ những tế bào ung thư ẩn nấp trong các cơ quan, vị trí khác nhau trong cơ thể.

2. Có phải bệnh nhân ung thư giai đoạn trễ mới cần hóa trị?

Vậy có phải chỉ có bệnh nhân ung thư ở giai đoạn trễ thì mới cần hóa trị không hay sẽ có một yêu cầu nào đó dành riêng cho bệnh nhân hóa trị ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Không phải bệnh nhân ung thư giai đoạn trễ mới cần hóa trị mà tất cả các giai đoạn của bệnh nhân ung thư đều có thể sử dụng liệu pháp hóa trị. Tuỳ theo mục đích, giai đoạn của khối u mà mục đích của hóa trị sẽ khác nhau.

Chẳng hạn, với bệnh nhân ung thư vú, khi khối u quá lớn không thể phẫu thuật được thì bác sĩ có thể cho họ dùng hóa trị để cho khối u nhỏ lại, giúp việc mổ dễ dàng hơn. Hoặc với bệnh nhân ung thư ruột, sau khi mổ cắt bỏ khối u,BS có thể cho bệnh nhân hóa trị để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại nhằm chữa hết bệnh.

Hay với khối ung thư phổi, khi bệnh di căn lên nhiều cơ quan khác nhau cũng có thể sử dụng thuốc đặc trị để kiềm chế khối u, giúp kéo dài thời gian cho bệnh nhân, cũng như cho bệnh nhân bớt đau, khó chịu do khối u gây ra.

Có thể nói, hóa trị có thể sử dụng xuyên suốt trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Tuỳ theo vị trí, loại khối u và giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ quyết định sử dụng hóa trị đơn thuần hoặc phối hợp với những phương pháp khác (ví dụ: phẫu thuật, xạ trị) nhằm kiểm soát bệnh, mang lại hiệu quả cao nhất cho bệnh nhân.

3. Làm sao để bệnh nhân giảm cảm giác mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn trong khi hóa trị?

Người nhà bệnh nhân thường gửi câu hỏi về AloBacsi rằng, khi bệnh nhân hóa trị như vậy thường có cảm giác mệt mỏi, chán ăn và buồn nôn. Vậy thưa BS, trong trường hợp này chúng ta nên làm gì để giúp các bệnh nhân có thể đảm bảo được dinh dưỡng ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Bên cạnh công dụng điều trị bệnh, hóa trị cũng có một số tác dụng phụ, chẳng hạn như ảnh hưởng của thuốc làm cho bệnh nhân cảm giác mệt mỏi, ăn không ngon, dẫn đến chán ăn, buồn nôn hoặc nôn.

Theo đó, để cải thiện những điều này, bệnh nhân nên lưu ý một số vấn đề sau trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày:

  • Nếu bệnh nhân cảm thấy chán ăn, ăn không ngon thì có thể chia nhỏ bữa, thay vì một ngày ăn 3 bữa thì có thể chia nhỏ ra thành 6-8 bữa.
  • Cố gắng uống nhiều nước.
  • Ăn đầy đủ các loại thành phần dinh dưỡng, chế độ ăn phải đầy đủ thịt, sữa, trứng, tôm, trái cây, và các chất khoáng.
  • Không nên kiêng cữ quá nhiều.
  • Hạn chế dùng những loại thức ăn nặng mùi hoặc thức ăn tái sống chúng có thể khiến cho bệnh nhân cảm giác khó tiêu.
  • Nên phối hợp với chế độ vận động thể dục thể thao giúp tăng cường sức khoẻ.

Trong quá trình điều trị ung thư kéo dài, người bệnh nên cố gắng đảm bảo được dinh dưỡng. Dù không trực tiếp trị bệnh nhưng dinh dưỡng sẽ giúp bệnh nhân đảm bảo sức khoẻ, từ đó có thể theo được quá trình điều trị ung thư kéo dài.

4. Xử lý tình trạng sạm da, rụng tóc khi hóa trị như thế nào?

Ngoài mệt mỏi, chán ăn, nhiều bệnh nhân sẽ gặp phải tình trạng là da sạm, rụng tóc. Thưa BS, làm sao để có thể giảm bớt được những tình trạng này ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Thuốc đặc trị trong hóa trị thường tác động lên tế bào tăng sinh nhanh. Theo đó, những tế bào như lông, tóc, móng, da là những vị trí dễ bị ảnh hưởng. Khi người bệnh sử dụng hóa trị có thể bị rụng tóc, sạm da, da nhạy cảm hoặc móng tay, chân bị hư.

Khi da bị nhạy cảm do thuốc, bệnh nhân có thể thoa kem chống nắng hoặc mặc quần áo, đội nón đủ rộng để có thể che phủ hết toàn bộ da trong cơ thể khi ra đường. Tốt nhất, hạn chế ra ngoài lúc trời nắng gắt.

Đối với trường hợp rụng tóc, bệnh nhân có thể chủ động cắt tóc ngắn đi. Một số bệnh nhân nữ có mái tóc rất dày, đẹp thì có thể cắt tóc và sử dụng chính tóc của mình để làm tóc giả. Việc tóc rụng vương vãi khắp nhà cũng sẽ khiến tâm trạng buồn hơn, khi đó bệnh nhân có thể dùng khăn trùm đầu để quấn tóc lại giúp tránh tóc rụng quá nhiều.

Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể sử dụng những dầu gội đầu nhẹ nhàng để vừa dưỡng tóc, vừa dưỡng da đầu. Khi gội đầu, không nên chà xát quá mạnh vì có thể làm tổn thương thêm da đầu.

Đối với móng tay, chân, người bệnh nên cắt ngắn lại, không nên để quá dài vì sẽ dễ hư, cũng như dễ bị trầy xước.

Đó là những bước đơn giản mà bệnh nhân có thể thực hiện để giúp bảo vệ được ngoại hình của mình trong thời gian sử dụng thuốc.

5. Bệnh nhân hóa trị có cần sinh hoạt tách biệt với người thân trong nhà?

Thưa BS, nhiều bệnh nhân chia sẻ rằng người nhà sẽ cho họ ăn, ngủ riêng bởi sợ thuốc đặc trị có thể gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. Liệu rằng thuốc đặc trị có gây ảnh hưởng như vậy không BS?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Câu trả lời là không cần như vậy. Bởi thuốc đặc trị chỉ trong cơ thể bệnh nhân và không phát tán ra ngoài nên hoàn toàn không ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Về cơ bản, bệnh nhân ung thư sau khi hóa trị vẫn có thể sinh hoạt như bình thường. Vì vậy, những người trong nhà không nên có thái độ kỳ thị, tránh xa, hay buộc bệnh nhân ăn, ngủ riêng bởi những chuyện này có thể gây thêm những sang chấn về mặt tâm lý cho bệnh nhân, khiến họ khó theo được quá trình điều trị kéo dài.

Một số ít bệnh nhân ung thư tuyến giáp có sử dụng phương pháp uống i-ốt phóng xạ, nếu uống với liều cao thì bệnh nhân cần được cách ly tại bệnh viện khoảng 1 hoặc vài ngày. Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra nồng độ phóng xạ đã ở mức an toàn mới cho bệnh nhân xuất viện. Đối với trường hợp này, bệnh nhân vẫn có thể sinh hoạt chung với gia đình một cách an toàn, không nên quá lo lắng về chuyện ảnh hưởng đến những người xung quanh.

6. Bệnh nhân đang hóa trị cần lưu ý gì để điều trị hiệu quả?

Thưa bác sĩ, vậy với những bệnh nhân đang hóa trị thì chúng ta có những lưu ý gì để việc điều trị được an toàn và hiệu quả ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Về phía bệnh nhân, trong quá trình hóa trị có thể sẽ gặp một số tác dụng phụ do thuốc gây ra như: sốt cao, tiêu chảy nhiều, đau rát họng, mệt lả người,… Khi có những triệu chứng này, bệnh nhân nên báo lại để bác sĩ điều trị hoặc quay trở lại bệnh viện tái khám.

Về phía bệnh viện, nên thông báo trước liệu trình điều trị, cũng như giải thích rõ các tác dụng của các thuốc mà bệnh nhân đang dùng.

  • Phần lớn các thuốc sử dụng hóa trị có thể gây giảm hồng cầu khiến bệnh nhân bị thiếu máu, xanh xao, dễ mệt.
  • Gây giảm bạch cầu: bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng.
  • Làm giảm tiểu cầu: bệnh nhân dễ bị chảy máu.

Do đó, trước khi bắt đầu quá trình điều trị, nhân viên y tế nên giải thích rõ để bệnh nhân có thể tự theo dõi.

Bên cạnh đó, khi dịch bệnh vẫn đang hoành hành, tốt nhất bệnh viện nên cung cấp đầy đủ hồ sơ cho bệnh nhân vì không phải lúc nào bệnh nhân cũng gần bệnh viện mà có thể ở xa.

Trong những trường hợp cấp cứu, bệnh nhân có thể đến bệnh viện gần nhất, khi có hồ sơ đầy đủ thì cơ sở y tế tiếp nhận có thể theo dõi và xử tốt hơn. Bởi không ít lần bác sĩ gặp một số bệnh nhân từ các bệnh viện khác khi có vấn đề khẩn cấp tìm đến Bệnh viện TP. Thủ Đức thì lại không có bất kỳ giấy tờ gì liên quan đến quá trình điều trị khiến việc xử lý vô rất khó khăn.

Một điều mà các bác sĩ cũng hay khuyên bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân trẻ bao gồm cả nam lẫn nữ, rằng khi điều trị bằng hóa trị thì có thể ảnh hưởng đến chức năng của trứng và tinh trùng. Chính vì vậy, trong thời gian bệnh nhân đang sử dụng thuốc đặc trị hóa trị thì nên chủ động ngừa thai vì nếu để có thai trong thời điểm đó có thể ảnh hưởng không tốt đến em bé.

Bất kỳ phương pháp cũng có thành công và thất bại.Mỗi loại thuốc trước khi được áp dụng rộng rãi thường qua nhiều giai đoạn thử nghiệm nghiêm ngặt, kết quả phải chứng tỏ được hiệu quả và tỷ lệ thành công cao.

Song, điều này không có nghĩa tất cả những trường hợp sử dụng thuốc đều thành công. Trong quá trình điều trị, đương nhiên sẽ có những bệnh nhân đáp ứng rất tốt và ngược lại.

Trên thực tế vẫn có một tỷ nhỏ các bệnh nhân gặp những tác dụng phụ nghiêm trọng, thậm chí có thể tử vong. Tuy nhiên, nếu sử dụng đúng cách và tuân thủ theo chỉ định, quá trình hóa trị được theo dõi sát thì tỷ lệ bệnh nhân bị biến chứng nặng sẽ rất thấp.

Do đó, không nên vì một vài trường hợp thất bại mà bệnh nhân nản lòng vì hóa trị có tỷ lệ thành công vẫn cao hơn là không trị. Nếu có bất cứ vấn đề gì, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để tìm được phương pháp và thuốc điều trị phù hợp nhất.

Đồng thời, bệnh nhân cũng không nên nghe theo những tin đồn truyền miệng trên mạng xã hội. Hiện nay, có rất nhiều thông tin tràn lan trên mạng xã hội, những thông tin rất khó kiểm chứng, không có căn cứ và cũng không có tính khoa học. Do đó, nếu có bất kỳ vấn đề gì, bệnh nhân nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị.

7. Nếu hóa trị khi ung thư vú ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể sống trên 50 năm

Bác sĩ có những lời động viên nào gửi đến những bệnh nhân ung thư đang hóa trị không ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Hiện nay, người ta chấp nhận bệnh ung thư là một bệnh mãn tính. Việc điều trị ung thư cũng có nhiều tiến bộ, một số loại ung thư có thể điều trị hết như: ung thư da, ung thư tuyến giáp, ung thư vú… với tỷ lệ điều trị khỏi rất cao.

Chẳng hạn, nếu điều trị ung thư vú trong giai đoạn sớm thì bệnh nhân có thể sống được trên 50 năm. Có thể thấy, khoa học đã có nhiều tiến bộ vượt bậc.Do đó, trong mọi tình huống bệnh nhân nên trao đổi thẳng thắn, trực tiếp với bác sĩ. Nếu được điều trị bằng phương pháp, thuốc phù hợp nhất với giai đoạn bệnh thì khả năng thành công sẽ cao hơn.

Anh Thi (ghi)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X