Hiểu đúng về rối loạn tiền đình: Từ cơn chóng mặt đến cách điều trị
Rối loạn tiền đình ngày càng phổ biến do áp lực công việc, stress, mất ngủ kéo dài. Những chia sẻ từ BS Bùi Lê Nhật Tiên - Phòng khám Bernard, giúp bạn nhận diện nguyên nhân khởi phát, các phương pháp điều trị hiện đại như tái định vị sỏi tai, vai trò của dinh dưỡng, lối sống, và những lưu ý quan trọng để kiểm soát, phòng ngừa bệnh tái phát hiệu quả.
1. Rối loạn tiền đình khởi phát trong tình huống nào?
Rối loạn tiền đình thường dễ khởi phát trong những trường hợp nào, đặc biệt là trên nhóm người trẻ tuổi?
BS Bùi Lê Nhật Tiên - Chuyên khoa Y học dự phòng, Nội Tổng quát - Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp, Phòng khám Bernard trả lời: Triệu chứng chóng mặt có thể do nhiều yếu tố khởi phát, ghi nhận nhiều nhất ở người bị stress, áp lực công việc hoặc mất ngủ.
Tình trạng chóng mặt cũng có thể xảy ra khi thay đổi tư thế đột ngột. Tuy nhiên, có những bệnh nhân chỉ cần cử động đầu là đã bị chóng mặt. Khi có đợt khởi phát xây xẩm đột ngột, người bệnh cần chú ý nhiều hơn.
Không nên dựa vào thời điểm bị chóng mặt để chẩn đoán vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan khác.
2. Tái định vị sỏi tai điều trị rối loạn tiền đình
Hiện nay có những phương pháp nào được áp dụng để điều trị rối loạn tiền đình và có thể chữa dứt điểm bệnh này không?
BS Bùi Lê Nhật Tiên trả lời: Hiện nay, đối với chóng mặt kịch phát lành tính (BPPV) có thể áp dụng nghiệm pháp Epley (tái định vị sỏi tai). Về cơ bản, người bệnh sẽ tập một số tư thế để định vị lại sỏi tai. Việc lựa chọn phương pháp này phụ thuộc vào xác định vị trí sỏi trong các ống bán khuyên và tình trạng trôi hay bám dính của chúng trong tai trong.
Các loại thuốc hiện nay chưa được chỉ định cho trường hợp chóng mặt kịch phát lành tính. Tuy nhiên với các bệnh lý có triệu chứng chồng lắp tương tự như hội chứng Meniere, rối loạn tiền đình do viêm thần kinh sẽ có thuốc đặc trị. Ngoài ra còn có các loại thuốc hỗ trợ cân bằng hệ thống tiền đình hai bên.
3. Bị rối loạn tiền đình: Có nên tự ý uống hoạt huyết dưỡng não?
Câu hỏi khán giả: Tôi 35 tuổi, làm nội trợ. Nhiều hôm đang đi chợ hay làm việc nhà thì cơn choáng váng ập đến, thấy quay cuồng, suýt ngã. Đi khám thì được chẩn đoán bị rối loạn tiền đình. Uống thuốc hơn tháng nay thì tình trạng cải thiện tốt.
- Tôi nghe nói thuốc hoạt huyết dưỡng não, ginkgo biloba có thể giúp giảm chóng mặt, mất thăng bằng. Tôi có thể tự mua về uống không?
BS Bùi Lê Nhật Tiên trả lời: Bác sĩ không khuyến nghị bệnh nhân sử dụng thuốc ngoài chỉ định. Đặc biệt, trường hợp của bạn khán giả này đã được xác định chóng mặt kịch phát lành tính, rối loạn tiền đình thì cần tập trung điều trị bệnh lý này.
Việc bổ sung các loại thuốc hoạt huyết dưỡng não có thể có ích nhưng ở một khía cạnh khác. Bạn có thể bổ sung khi cảm thấy hay bị mệt mỏi, mất tập trung, có những triệu chứng thiếu máu não.
Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng thiếu máu não chỉ là phần ngọn. Cần phải tìm hiểu phần gốc, là các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu, tắc hẹp mạch máu não.
Khi đã loại trừ các nguyên nhân, kiểm soát tốt các yếu tố này, người bệnh có thể bổ sung hoạt huyết dưỡng não, ginkgo biloba, nhưng chỉ là phụ trợ.
4. Có bài tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân rối loạn tiền đình
Ngoài việc dùng thuốc thì có những bài tập nào có thể hỗ trợ người bệnh rối loạn tiền đình giảm triệu chứng, nhờ BS hướng dẫn?
BS Bùi Lê Nhật Tiên trả lời: Trong các khuyến nghị vẫn xây dựng những bài tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho bệnh nhân rối loạn tiền đình, suy giảm chức năng hệ thống tiền đình.
Bệnh nhân có thể tự tham khảo các tài liệu hướng dẫn và làm theo, hoặc liên hệ với khoa Phục hồi chức năng tại các bệnh viện để được kỹ thuật viên hỗ trợ.
5. Người bị rối loạn tiền đình cần tránh xa các chất kích thích thần kinh
Chế độ dinh dưỡng có liên quan đến bệnh rối loạn tiền đình không ạ? Người mắc rối loạn tiền đình nên ăn gì và kiêng gì?
BS Bùi Lê Nhật Tiên trả lời: Vai trò của dinh dưỡng đối với bệnh lý rối loạn tiền đình có thể chưa được chứng minh rõ ràng. Tuy nhiên, những bệnh nhân bị bệnh Meniere cần hạn chế muối, hạt nêm, bột ngọt trong các món ăn, đồng thời nên uống nhiều nước.
Bệnh nhân rối loạn tiền đình thường được khuyên hạn chế caffein, nước tăng lực, rượu bia, chất kích thích thần kinh.

6. Ba lưu ý vàng để ngăn rối loạn tiền đình tái phát ở người trẻ
Bác sĩ có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ để ngăn ngừa rối loạn tiền đình?
BS Bùi Lê Nhật Tiên trả lời: Với các bệnh nhân trẻ, chúng tôi thường khuyên họ nên lưu ý 3 nhóm cần dự phòng.
Đầu tiên là dự phòng các yếu tố nguy cơ để tránh mắc bệnh, trong đó có thể kể đến stress, thức khuya, sử dụng chất kích thích.
Thứ hai, khi đã có chẩn đoán bệnh rối loạn tiền đình, cần ngăn ngừa triệu chứng tái phát. Có thể áp dụng phương pháp thay đổi lối sống, bắt đầu từ hạn chế muối, gia vị mặn và tránh xa rượu, cà phê, các chất kích thích thần kinh. Bên cạnh đó là tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, nếu có.
Việc có sự tham gia điều trị của bác sĩ vật lý trị liệu có kinh nghiệm sẽ giúp phục hồi tiền đình, ngăn ngừa tái phát. Các bài tập bao gồm di chuyển nhãn cầu lên xuống và sang hai bên trong tư thế nằm ngửa hoặc ngồi sẽ giúp tăng cường độ linh hoạt của hệ thống tiền đình, lấy lại ổn định thăng bằng cho bệnh nhân.
Cuối cùng, khi bệnh đã ở giai đoạn điều trị ổn định, đừng chủ quan với các bệnh lý nguy hiểm khác có thể bị chồng lấp, không chủ quan khi xuất hiện cơn chóng mặt, buồn nôn, đau đầu bất ngờ.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình