Hotline 24/7
08983-08983

Hệ miễn dịch của trẻ em hoạt động thế nào? Làm sao giúp trẻ tăng sức đề kháng chống dịch bệnh?

BS Trương Hữu Khanh nhấn mạnh: dinh dưỡng, nước, giấc ngủ, vận động, chủng ngừa là những yếu tố then chốt giúp em có được một hàng rào miễn dịch mạnh mẽ chống lại tác nhân nguy hại bên ngoài môi trường.

1. Hệ miễn dịch của trẻ được hình thành thế nào?

Thưa BS Trương Hữu Khanh đầu tiên xin được hỏi BS hệ miễn dịch của trẻ được hình thành thế nào? Cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch ra sao?

BS Trương Hữu Khanh:

Hệ miễn dịch của trẻ cũng như người lớn; được hình thành như một hệ thống phòng vệ cho cơ thể khi bất kỳ một tác nhân nào đó tấn công.

Hệ thống miễn dịch có 3 phần: bên ngoài cơ thể, bên trong cơ thể và hệ tiêu hóa

  1. Bên ngoài là da của chúng ta sẽ có những hệ thống phòng ngừa để bảo vệ khi có bất kì một tác nhân nào đâm vào da lúc này có hệ thống miễn dịch cản lại.
  2. Bên trong là hệ hô hấp: Khi chúng ta hít bất kì một vật nào vào cơ thể sẽ có hệ thống bên trong đẩy những thứ độc hại ra.
  3. Hệ thống về tiêu hóa: khi chúng ta ăn vào sẽ có những tế bào trong đường ruột chống lại những tác nhân gây bệnh.

Khi không may những tác nhân gây hại xâm nhập vào máu, lúc này bạch cầu sẽ có những hệ thống riêng để sản xuất ra một lượng kháng thể nhất định. Hãy tưởng tượng khi có bất kỳ tác nhân nguy hại nào vừa mới đi vô lọt ra khỏi lưới ban đầu lúc này hệ miễn dịch sẽ vây lại để tiêu diệt.

Hệ thống cuối cùng là bộ nhớ nằm ở sâu bên trong - hệ thống huyết học; nằm trong lách, gan, tủy xương của chúng ta, ở đây sẽ có những hệ thống của tế bào nhớ lại: lúc trước cơ thể đã chích ngừa, cơ thể đã từng mắc bệnh hay chưa? (hệ thống tạo một trí nhớ trong tế bào) nếu có gặp lại toàn bộ hệ thống sẽ kích hoạt để sản xuất ra toàn bộ kháng thể vây và bắt lại và tiêu diệt, để chúng ta không bị bệnh.

Tuy nhiên, khi cơ thể lớn lên lúc này có rất nhiều tác nhân gây hại mạnh cũng như khả năng miễn dịch của chúng ta xây dựng không còn tốt nữa.

2. Ở độ tuổi nào trẻ có hệ miễn dịch mạnh nhất?

BS Trương Hữu Khanh:

Không có một độ tuổi nào để chúng ta khẳng định được cơ thể có hệ miễn dịch mạnh nhất. Giữa em bé nhỏ, trẻ lớn và người lớn có những thế mạnh khác nhau, còn khi đã lớn tuổi thì chắc chắn hệ thống miễn dịch sẽ bị giảm xuống hoặc khi mới sinh ra hệ thống miễn dịch của chúng ta cũng có thể chưa đủ mạnh và đủ đầy.

3. Những yếu tố nào khiến cho hệ miễn dịch của trẻ bị suy yếu?

Với một đứa trẻ điều gì khiến cho hệ miễn dịch của chúng ngày càng suy yếu thưa BS Khanh? Nhờ BS có thể chia sẽ rõ với quý vị khán giả rối loạn hệ thống miễn dịch là gì?

BS Trương Hữu Khanh:

Nhóm 1: Nếu em bé không được bú sữa mẹ hoặc trong lúc mang thai và trước khi mang thai người mẹ không chích ngừa đủ; thì những em bé này sẽ khá thiệt thòi vì hệ thống miễn dịch sẽ bị yếu đi. Vì cả trong vắc xin hay sữa mẹ đều có nhiều kháng thể để giúp em bé được khỏe mạnh hơn.

Nhóm 2: Nếu em bé không được chích ngừa đầy đủ thì khi tiếp xúc với môi trường em bé sẽ không có được một lượng kháng thể đầy đủ đặc biệt là sau quãng thời gian ngừng bú mẹ lại càng khiến trẻ thiệt thòi hơn về hệ miễn dịch.

Nhóm 3: Những em bé có mắc phải các bệnh lý bẩm sinh làm cho hệ thống miễn dịch cơ thể không sản xuất ra được kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh; đây được gọi là suy giảm hệ thống miễn dịch bẩm sinh.

Nhóm 4: Suy giảm miễn dịch mắc phải: ví dụ em bé bị nhiễm HIV mà người lớn không biết hoặc uống thuốc không đàng hoàng thì tất cả hệ thống miễn dịch sẽ bị giảm xuống hết.

Có những đợt em bé sẽ bị suy giảm hệ thống miễn dịch tạm thời ví dụ như:

  • Không điều độ trong giấc ngủ. Bởi giấc ngủ đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của trẻ, chúng ta có một khoảng thời gian 9h tối đến 2h sáng lúc này các tế bào được ngủ và dưỡng sức để ngày mai cơ thể chống lại được những tác nhân gây bệnh.
  • Ăn uống không đủ dinh dưỡng
  • Uống không đủ nước

Tất cả những yếu tố trên đều ảnh hưởng đến sức miễn dịch của mỗi con người.

Rối loạn hệ thống miễn dịch có nhiều khả năng xảy ra:

Ví dụ cơ quan/ tế bào nào đó của chúng ta có hệ miễn dịch lại mạnh đến nỗi tưởng không phải là của cơ thể và sau đó hệ thống nhảy vào “đánh” như vậy chúng ta có những bệnh lý được gọi là “bệnh tự miễn”. Nghĩa là tự cơ thể mình đánh vào cơ thể mình, đây là một bệnh lý khá nặng, tốn kém nhiều tiền bạc cũng như thời gian điều trị ví dụ như bệnh lupus,…

Nhóm thứ 2: hệ thống miễn dịch bị rối loạn không điều hòa được và xảy ra những bệnh liên quan đến viêm nhiễm của tự cơ thể tạo ra.

Nhóm thứ 3: hệ miễn dịch suy giảm và rối loạn khiến cơ thể dễ mắc bệnh hơn hoặc tái đi tái lại và khó hết.

4. Với một em bé có hệ miễn dịch yếu, làm cách nào có thể sống khỏe mạnh hơn?

Làm cách nào để gia cố hàng rào miễn dịch cho trẻ được tốt hơn? Với một em bé có hệ miễn dịch yếu làm cách nào để em bé này có thể sống khỏe mạnh hơn?

BS Trương Hữu Khanh:

Đơn cử với một em bé sinh non lại cần phải được chích ngừa sớm; đừng nghĩ vì sinh non em bé yếu quá nên không cần chích ngừa. Hãy nhớ điều quan trọng nhất của một em bé sinh non là phải được chích ngừa sớm, chích đúng tuổi đẻ ra chứ không phải tuổi thai - nghĩa là vừa mới đẻ ra (lọt lòng mẹ) được tính là 1 ngày. Chích ngừa sớm mới có thể giúp em bé đạt được miễn dịch.

Phải cung cấp đúng và đầy đủ dinh dưỡng cho một em bé sinh non, như vậy sẽ giúp tạo ra cho cơ thể em bé những kháng thể chống lại bệnh dịch tốt hơn. Đừng nghĩ em bé sinh non mà không chích ngừa.

Thông thường khi chúng ta nhìn thấy một em bé hay bị bệnh vặt, chúng ta hay thắc mắc “sao em bé này yếu quá, chắc có lẽ do hệ miễn dịch yếu”, điều này có thể do cơ địa đòi hỏi phụ huynh phải chăm tốt chứ không có cách nào khác.

Để gia tăng hệ miễn dịch cho trẻ cần lưu ý thực hiện đúng về: dinh dưỡng, nước, giấc ngủ, vận động, chủng ngừa bắt buộc chúng ta phải làm và tuân thủ để giúp em bé khỏe.

  • Phụ huynh phải cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, nước (với trẻ nhỏ sữa cũng tương đương với nước).
  • Phải ngủ đủ giấc, đúng giờ, sớm
  • Tập vận động không ngồi một chỗ xem tivi nhiều
  • Chích ngừa đủ tất các loại vắc xin có trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Như vậy trẻ mới có một cơ thể khỏe mạnh được.

5. Tiêm chủng đóng vai trò quan trọng thế nào với hệ miễn dịch?

BS Trương Hữu Khanh:

WHO cho biết có 2 điều giúp bảo vệ sức khỏe con người từ nhiều thế kỷ qua đó là “nước sạch và chủng ngừa”. Bạn chỉ cần uống nước sạch thôi là đã tránh được rất nhiều bệnh, bên cạnh đó chủng ngừa đầy đủ cũng giảm được rất nhiều.

Cơ thể chúng ta cũng có thể tạo ra miễn dịch sau 1 lần mắc bệnh. Nhưng nếu chúng ta để tự mắc bệnh và để cơ thể tự tạo ra miễn dịch thì gánh nặng điều trị căn bệnh đó rất tốn kém; không may sẽ để lại di chứng thậm chí tử vong; vì thế người ta luôn đề cao vai trò của chủng ngừa trong đời sống.

Hãy nhớ chủng ngừa là tạo miễn dịch chủ động trong khi tất cả những điều khác là bạn đang phòng vệ một cách thụ động. Có thể thấy vai trò của vắc xin trong việc tăng sức đề kháng là rất quan trọng với trẻ.

6. Cần lưu ý gì về chế độ dinh dưỡng, giấc ngủ và việc vệ sinh cá nhân cho trẻ vào mùa dịch?

Trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện nên rất dễ bị ảnh hưởng. Do đó, việc tăng cường sức đề kháng cũng như tạo thói quen sinh hoạt phù hợp cho trẻ nên thực hiện như thế nào?

BS Trương Hữu Khanh:

Dinh dưỡng để tạo ra được hệ miễn dịch bao gồm: chất chính, vitamin và vi chất, trong đó:

  • Đạm là chính, phải đủ mới tạo ra được kháng thể huy động năng lượng,
  • Dầu ăn, mỡ: là những chất dẫn của vitamin tạo ra năng lượng.
  • Rau xanh với nhiều vitamin và vi chất quan trọng
  • Đường bột: đóng một vài trò không nhỏ

Uống đủ nước, ngủ đủ giấc và đúng giờ

Tất cả những điều trên đều góp phần đảm bảo cho nguồn năng lượng và vi chất được sinh ra đủ để trẻ tạo được kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh.

Về thức ăn cụ thể thế nào tôi xin nói luôn:

Tất cả những gì chúng ta đề cập đến về thức ăn thì nên sử dụng linh hoạt. Đơn cử như nước cam: không phải bạn cho trẻ uống nước cam hoài là tốt, nếu uống sai cách lại khiến trẻ dư vitamin, nhiều quá lại khiến trẻ bỏ ăn; trong khi đó trẻ cần ăn mới có dinh dưỡng và sức đề kháng.

Thật ra trẻ chỉ cần ăn những thức ăn rất bình thường, trái cây tươi, điều độ là đã có thể giúp trẻ tạo ra đầy đủ sức đề kháng. Ngoại trừ trường hợp có những em bé quá biếng ăn, thiếu vi chất thì cần thiết phải bổ sung bằng thuốc. Còn nếu một em bé ăn uống điều độ và đủ chất thì không cần thiết phải bổ sung bất cứ thứ gì.

Với trẻ lớn cần dạy bé thế nào trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân?

BS Trương Hữu Khanh:

Hãy giáo dục cho trẻ biết những tác nhân gây bệnh sẽ tấn công trẻ qua 3 con đường:

  • Hít thở: phải thở mới có thể sống được
  • Ăn uống: phải ăn uống sạch sẽ hợp vệ sinh không ăn uống lề đường quá nhiều
  • Những tác nhân xuyên qua da để đi vào cơ thể

Với 3 tác nhân trên cần giáo dục cho trẻ biết:

  • Nơi nào có nguy cơ gây bệnh thì không cần đến
  • Nếu bắt buộc phải đến nơi nào thì phải mang khẩu trang
  • Rửa tay thường xuyên, bỏ thói quen đưa tay lên vùng mặt
  • Dứt khoát không ăn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh
  • Trước khi ăn phải rửa tay
  • Hạn chế chạy chơi hay chơi những đồ vật dễ gây rách da tổn thương da

Riêng với COVID-19

  • Phải giữ đúng 5 K
  • Với trẻ đã lớn cần nhắc trẻ ghi nhớ lại những nơi nào đã đi qua để nhỡ có người mắc bệnh thì bản thân trẻ biết được mình có yếu tố nguy cơ hay không.

Giấc ngủ của bé đóng vai trò quan trọng thế nào trong mùa dịch này ạ?

Nếu em bé ngủ nhiều và ngủ ngày thì rất nguy hiểm. Nếu em bé không ngủ đúng giờ - thức đêm ngủ ngày về lâu dài khiến vòng xoay sinh hoạt bị sai, khiến giấc ngủ của trẻ không điều độ.

Nếu trẻ thức khuya nhiều gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe hay bệnh vặt chẳng hạn.

Nên lưu ý trước khi ngủ cần hạn chế cho em bé coi tivi nhiều với các phim hành động, chơi điện tử nhiều khiến mắt bé bị ảnh hưởng; như vậy khiến một đứa trẻ đi vào giấc ngủ khó khăn hơn, về lâu dài chính những điều này gây ảnh hưởng lớn đến sức đề kháng. Trẻ không đủ sức đề kháng chắc chắn sẽ dễ bị bệnh đặc biệt cần lưu tâm trong mùa dịch này.

7. Đại dịch cũng là lúc nhìn lại giá trị của sum họp gia đình

Lời khuyên của BS Trương Hữu Khanh ở cuối chương trình là gì ạ?

BS Trương Hữu Khanh:

Hiện nay điều chúng ta cần quan tâm là:

  • Phải thực hiện đúng lệnh giãn cách xã hội.
  • Thực hiện đúng 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế)
  • Vẫn sinh hoạt bình thường, và đây chính là cơ hội để mỗi người nhìn thấy được giá trị của sum họp gia đình. Bao lâu chúng ta chưa ngồi lại với nhau để nói chuyện.

Tuy COVID-19 là một căn bệnh nguy hiểm, nguy cơ luôn rình rập nhưng vẫn là cơ hội để chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình, chúc tất cả sớm vượt qua đại dịch!

Hiền Thục

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X