Hotline 24/7
08983-08983

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời câu hỏi của bạn đọc về đột quỵ

Xuất huyết não có điều trị khỏi được không? Tắc mạch máu có phải uống thuốc suốt đời không? - Đây là một trong những câu hỏi mà bạn đọc thường thắc mắc và đã được GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam trả lời trong bài viết này.

1. Tôi đang bị rối loạn tiền đình, mỗi lần nằm xuống là chóng mặt, BS có thể giải thích tại sao tôi lại gặp phải tình trạng này được không ạ?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông: Rối loạn tiền đình thường biểu hiện (chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn, v.v.) khi thay đổi tư thế đầu và cổ. Ngoài ra còn do nhiều nguyên nhân khác như: rối loạn hệ thống ốc tai, tiền đình, bệnh lý viêm xoang, đeo kính không phù hợp, bệnh thoái hóa cột sống cổ, chóng mặt khi đi tàu xe, chứng sợ độ cao, là triệu chứng của một số bệnh thần kinh trung ương khác, huyết áp thấp, chứng thiếu máu, vữa xơ động mạch, rối loạn giấc ngủ, v.v. Trong đó bệnh thoái hóa cột sống cổ và bệnh của hệ thống ốc tai - tiền đình là thường gặp. Khi thay đổi tư thế (của đầu hoặc tư thế cơ thể) sẽ ảnh hưởng đến cơ quan ốc tai - tiền đình và co mạch não do các gai xương kích thích hệ giao cảm cổ, gây thiếu máu não tạm thời của tuần hoàn sau (động mạch sống nền) gây chóng mặt. 

2. Thưa BS, tôi không ăn món chiên xào, nướng và gần như không ăn thịt. Hàng ngày tôi ăn trái cây ít ngọt và tập yoga thường xuyên nhưng vẫn bị cholesterol cao. Tại sao lại như vậy ạ?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông: Có một trong các khả năng sau:

- Căng thẳng, stress kéo dài

- Rối loạn giấc ngủ

- Cơ địa dễ hấp thu mỡ

- Ăn quá nhiều tinh bột mà ít tập luyện cũng dễ chuyển hóa thành mỡ tích lũy

- Hút thuốc lá hoặc lạm dụng rượu-bia.

3. Khi bị mỡ máu cao nên kiêng những loại thực phẩm nào, thưa BS?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông:

- Hạn chế ăn mỡ động vật và thịt đỏ, đồ biển. Ăn tăng cá, và các loại đậu, không ăn quá mặn.

- Ăn nhiều rau xanh và hoa quả chín sẽ tăng các chất xơ, mang các cholesterol dư thừa ra ngoài cơ thể.

- Không ăn đồ ăn nhanh, chiên rán

- Uống thuốc hạ mỡ máu theo chỉ dẫn của bác sĩ.

4. Tôi bị thiếu máu não do thoái hóa đốt sống cổ, ốc tai gây tiền đình muốn điều trị bệnh từ xa thì có được không thưa BS?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông: Tốt nhất bạn nên đến khoa thần kinh, khoa tai mũi họng để các bác sĩ chuyên khoa xác định rõ nguyên nhân do bệnh gì là chủ yếu và sẽ hướng dẫn các bài tập. Sau đó bạn có thể tự tập và uống thuốc tại nhà.

5. Rối loạn thần kinh thực vật là gì?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông: Rối loạn thần kinh thực vật hay (rối loạn thần kinh tự trị) là tình trạng tăng hoạt động của hệ thần kinh tự trị hoặc do hệ thần kinh động vật bị suy giảm không kiểm soát được hệ thần kinh thực vật dẫn đến một số biểu hiện sau:

- Tăng tiết mồ hôi

- Nhịp tim nhanh hoặc chậm, huyết áp dao động

- Tăng co thắt ruột dẫn đến tình trạng rối loạn chức năng ruột, đau dạ dày

- Hay hồi hộp đánh trống ngực, khó thở, mệt mỏi, cảm giác nóng - lạnh bất thường.

- Căng thẳng, dễ xúc động, khó ngủ, làm việc dễ mệt mỏi...

6. Em đang khỏe mạnh bình thường, tự nhiên buồn nôn, quay cuồng, em mua thuốc tại tiệm thuốc thì có uống thuốc bổ não thấy khỏi. Em có cần đi khám lại không? 

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông: Bạn nên tiếp tục theo dõi, nếu thấy không có biểu hiện gì khác và mọi sinh hoạt vẫn bình thường thì không cần đi khám. Chỉ cần sinh hoạt điều độ và tập thể dục thường xuyên.

7. Em bị ve kêu và tàu chạy trong tai, giảm trí nhớ. Triệu chứng này cảnh báo bệnh gì và em nên thăm khám thế nào ạ?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông: Tiếng ve kêu và tàu chạy trong tai, giảm trí nhớ có nhiều nguyên nhân:

- Bệnh lý của tai trong.

- Bệnh lý vữa xơ động mạch và tăng huyết áp, đái tháo đường.

- Có thể có bệnh lý của não nếu có thêm các dấu thần kinh khu trú.

Bạn nên đi khám chuyên khoa thần kinh và tai mũi họng để tìm nguyên nhân và điều trị.

8. Thưa BS, em thường xuyên bị chóng mặt và mất thăng bằng. Bệnh này về lâu dài khi điều trị có trở lại bình thường không?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông: Bạn thường xuyên bị chóng mặt và mất thăng bằng, phải đi khám chuyên khoa thần kinh và khoa tai mũi họng để xác định bệnh và điều trị. Tùy theo tính chất và mức độ của bệnh cũng như sự điều trị mới có thể quyết định được bệnh có thể trở về bình thường hay không. 

9. Người bị cao huyết áp có uống cà phê được hay không?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông: Cà phê là thứ nước uống có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, trong cà phê có cafein làm tăng nhịp tim và kích thích não. Nếu uống quá nhiều, quá đặc thì có thể gây tăng huyết áp. Ở nhiều nước, thường uống cà phê pha loãng và uống nhâm nhi nhiều giờ thì có thể giảm sự kích thích với tim. Tốt nhất, bạn nên uống cà phê pha loãng và đo huyết áp trước và sau uống xem huyết áp có tăng không? Nếu HA không tăng thì có thể sử dụng.

10. Xuất huyết não có điều trị khỏi được hay không?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông: Chảy máu não (xuất huyết não) là một bệnh nặng nề, tỷ lệ tử vong và di chứng khuyết tật cao. Tuy nhiên, có thể điều trị khỏi mà không để lại di chứng. Tùy theo dạng chảy máu (nhu mô, chảy máu dưới nhện vỡ phình mạch, chảy máu do huyết khối tĩnh mạch não, chảy máu do bệnh mạch máu tinh bột, v.v.) và vị trí cũng như mức độ tổn thương của não, điều trị tích cực đúng phác đồ và tập phục hồi chức năng, duy trì huyết áp mục tiêu, có thể hồi phục.

11. Thường xuyên đau đầu, rù đầu, có khi bị mất thăng bằng và ngất xỉu là triệu chứng của bệnh lý gì, thưa BS?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông: Bạn thường xuyên đau đầu, rù đầu, có khi bị mất thăng bằng và ngất xỉu là triệu chứng của nhiều bệnh, không đặc trưng cho một bệnh cụ thể. Bạn phải đi khám tại chuyên khoa thần kinh, Bác sĩ sẽ hỏi, thăm khám lâm sàng và làm một số xét nghiệm, chụp cắt lớp hoặc MRI não để xác định bệnh.

12. Tắc mạch máu khi đã chữa trị xong, có phải uống thuốc suốt đời không ạ?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông: Tắc mạch não sau điều trị cơ bản, vẫn phải uống thuốc kéo dài và nên khám định kỳ để bác sĩ sẽ quyết định vấn đề dùng thuốc, dùng thuốc gì, loại thuốc nào và thời gian dùng.

13. Người bình thường không có bệnh, mua thuốc uống để phòng ngừa đông máu khi tiêm Vaccine có được không thưa BS?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông: Người bình thường, không có bệnh, không nên uống thuốc phòng đông máu (thuốc phòng đông máu uống phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa đột quỵ hoặc tim mạch). Nếu tự mua thuốc chống đông máu và đang uống, khi tiêm vaccine, cần phải báo cho bác sĩ để quyết định có tiêm hay không?

14. Tôi hay bị đau đầu phía bên phải, đau khi sắp bị kinh nguyệt hàng tháng, vậy có nguy hiểm không và là triệu chứng của bệnh lý gì?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông: Đau nửa đầu một bên và đau khi sắp hành kinh. Nếu đau nhoi nhói, từng cơn, có buồn nôn và gia đình có người bị, thường là đau đầu Migraine. Bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa thần kinh để thăm khám và xác định bệnh. Nếu đúng là Migraine thi bệnh mang tính gia đình, điều trị chủ yếu làm giảm triệu chứng và hay bị lại.Về lâu dài bạn nên điều trị dự phòng cơn đau nửa đầu theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa thần kinh.

15. Tôi đang bi tai biến và uống thuốc chống cục máu đông có nên kiêng rau xanh và những loại thực phẩm nào khác nữa không?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông: Bạn bị đột quỵ đang uống thuốc chống đông máu dự phòng, không phải kiêng rau xanh và các thực phẩm khác. Chỉ không nên ăn quá mức những loại thực phẩm gây giảm tác dụng của thuốc như các thực phẩm chứa nhiều kiềm hoặc axít (dấm, chanh), mỡ động vật và không uống rượu-bia.

16. Có thể dùng aspirin để ngăn ngừa máu đông được không? Nếu được thì cách dùng như thế nào, thưa BS?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông: Aspirin là thuốc chống kết tập tiểu cầu nên có tác dụng trong dự phòng huyết khối. Thuốc là tiêu chuẩn vàng trong điều trị dự phòng đột quỵ thiếu máu não do tắc mạch não. Tuy nhiên, không có đột quỵ, không nên tự ý dùng và nếu đã bị đột quỵ thiếu máu não thì phải dùng thường xuyên và theo chỉ dẫn của bác sĩ.

17. BS cho hỏi, tôi đã từng bị mỡ máu và hở van tim 2 lá 3 lá. Đã điều trị đột quỵ tai biến, khi đi khám tại các bệnh viện báo là xơ vữa động mạch từng điều trị bị viêm đa cơ do tắc mạch máu, vậy tôi cần dùng loại thuốc gì để chống máu đông?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông: Anh đã bị đột quỵ ổn định và hiện tại có xơ vữa động mạch, nhưng đã từng điều trị viêm đa cơ. Tuy nhiên, anh bị loại đột quỵ nào (chảy máu hay tắc mạch não) và viêm đa cơ có còn đang hoạt động và đang phải điều trị không? Vần phải cho biết cụ thể. Nếu đột quỵ do thiếu máu não ổn định không do tim và hiện không phải uống thuốc điều trị viêm đa cơ, cần trao đổi với bác sĩ đang theo dõi và điều trị cho anh xem có cần phải dùng thuốc chống đông hay không? 

18. Tôi có sơ vữa mạch nhẹ, xin hỏi BS làm xét nghiêm gì để biết có cục máu đông hay không? Cục máu đông lẫn trong máu hay ở chỗ xơ vữa?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông: Anh có xơ vữa mạch nhẹ, chỉ cần làm xét nghiệm nghiệm mỡ máu (cholesterol, triglycerid, HDL-C, LDL-C) và siêu âm mạch máu để đánh giá thành mạch vậy.

19. Em bị đột quỵ nhẹ và đã thay van tim cơ học, uống thuốc chống đông rồi có tái lại nữa không thưa BS?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông: Vẫn có thể tái phát. Bạn phải uống thuốc thường xuyên theo chỉ dẫn của bác sĩ và thăm khám bệnh định ký để phòng chống tái phát vậy

20. Làm sao để nhận biết cơ thể bị tắc nghẹn mạch máu?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông: Để nhận biết tắc nghẽn mạch máu thì các triệu chứng đau và tê bì, cũng như mất sự đập của mạch theo đường đi của mạch máu, nếu nặng có thể hoại tử chi, các cơn đau thắt ngực ổn định hoặc không ổn định, đột quỵ, v.v. 

Chẩn đoán quyết định cần phải siêu âm mạch hoặc chụp mạch (CTA, MRA hoặc DSA).

21. Thưa BS, tai biến nhẹ có nên chụp MRI không? Chụp MRI có lợi ít gì cho người mới bị tai biến nhẹ?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông: Chụp MRI là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại và không xâm nhập, không có tia X, cho biết hình ảnh nhu mô và mạch máu não, tuy nhiên đắt tiền và không phải cơ sở y tế nào cũng có sẵn. Chụp MRI được chỉ định trong các trường hợp đột quỵ và nghi ngờ đột quỵ hoặc các bệnh lý não khác. Nếu bạn có điều kiện, có thể chụp MRI não để khảo sát nhu mô não và mạch máu não.

22. Tôi cao tuổi, đã từng bị thiểu năng tuần hoàn não (tiền đình) cách đây 28 năm). Mặc dù đã uống thuốc đông y, tuy nhiên hiện nay tôi vẫn thường xuyên bị chóng mặt. Vì vậy, khi ra ngoài tôi vẫn uống thuốc Serc 16mg (ngày uống 3 viên, chia 3 lần) . Xin hỏi BS tôi nên uống thuốc nào là tốt nhất và có bài tập nào cho người bị tiền đình không?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông: Anh tuổi cao, thường xuyên bị chóng mặt, anh phải đi khám chuyên khoa thần kinh và tai mũi họng để xác định nguyên nhân chóng mặt (do HA, do xoang, do tai, do cột sống cổ, do thiếu máu não-vữa xơ động mạch, do tim,...) thì mới giúp anh điều trị và tập luyện được.

>>> Bạn đọc thắc mắc gì về đột quỵ?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X