Bạn đọc thắc mắc gì về đột quỵ?
Trước những thắc mắc của bạn đọc xoay quanh vấn đề đột quỵ, tai biến,... GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam đã có những giải đáp trong bài viết dưới đây.
1. Thưa GS, những bệnh viện nào tầm soát nguy cơ đột quỵ hiện nay?
GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời: Các bệnh viện đa khoa bao gồm các Trung tâm y tế tuyến Huyện, Bệnh viện Đa khoa tuyến Tỉnh, các bệnh viện có: Đơn vị đột quỵ (Stroke unit), Khoa đột quỵ (Stroke department), Trung tâm đột quỵ (Stroke center), Bệnh viện đột quỵ (Stroke hospital) hoặc các chuyên khoa tim mạch tại các Bệnh viện đa khoa tuyến tình đều có thể tầm soát nguy cơ đột quỵ.
2. Tại sao nhiều phụ nữ không hút thuốc, không uống rượu bia nhiều nhưng vẫn mắc phải đột quỵ?
GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời: Phụ nữ có một số đặc điểm khác nam giới như: mang thai, sinh đẻ, ít hoạt động thể lực, rối loạn nội tiết kỳ mãn kinh, uống thuốc tránh thai, v.v. cũng là các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Hút thuốc, lạm dụng rượu bia chỉ là một trong các yếu tố nguy cơ của đột quỵ.
3. Thưa BS, làm thế nào để ngăn ngừa đột quỵ?
GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời: Các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân của đột quỵ có rất nhiều. Trong đó có một số yếu tố nguy cơ chủ yếu như:
- Tăng huyết áp: tăng huyết áp mãn tính gây vữa xơ động mạch, là nguyên nhân gây đột quỵ tắc mạch và đột quỵ chảy máu não. Vì vậy phải giữ huyết áp < 130/85 mmHg bằng nhiều biện pháp.
- Đái tháo đường: làm rối loạn tuần hoàn ngoại vi, tổn thương vữa xơ động mạch gây hẹp lòng mạch, thiếu máu não và đột quỵ.
- Rối loạn chuyển hóa lipid máu: gây vữa xơ và hẹp lòng mạch
- Lạm dụng rượu bia: Gây tăng và hạ huyết áp, tổn thương gan.
- Hút thuốc lá: gây vữa xơ động mạch.
- Chế độ ăn nhiều mỡ động vật, ít rau xanh và hoa quả, ăn quá mặn, ăn nhiều đồ chiên rán gây rối loạn chuyển hóa lipid và vữa xơ động mạch.
- Lối sống tĩnh tại, ít hoạt động, không tập luyện thể dục thường xuyên.
- Căng thẳng, stress kéo dài, rối loạn giấc ngủ gây tăng huyết áp.
- Tuổi cao
- Phụ nữ thai kỳ...
Đều là những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Vì vậy nếu có, phải tự điều chỉnh hoặc theo hướng dẫn của thày thuốc.
Một yếu tố khác gây đột quỵ ở người trẻ là phình mạch và vỡ dị dạng mạch (AVM). Thường biểu hiện đau đầu, đau một điểm cố định trên đầu lặp đi lặp lại, cần đi khám các bác sĩ chuyên khoa để tầm soát bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại để xác định hoặc loại trừ.
4. Chi phí mổ đặt stent hẹp động mạch vành là bao nhiêu, thưa BS?
GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời: Đặt stent động mạch vành do hẹp động mạch vành, tùy theo đặt loại stent nào? một hoặc nhiều stent? Và dụng cụ để tiến hành thủ thuật mà có giá tiền khác nhau vậy. Tuy nhiên, nếu bạn có bảo hiểm thì bảo hiểm sẽ thanh toán một phần tùy theo kỹ thuật và stent đặt.
5. Thưa BS, tôi bị liệt nửa người 3 năm vậy có chích thuốc để cơ được cho mềm ra được không?
GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời: Bạn bị liệt nửa người do đột quỵ hoặc chấn thương não nặng gây liệt và co cứng cơ nửa người đã 3 năm. Như vậy là di chứng của đột quỵ. Có nhiều giải pháp điều trị:
- Tập luyện phục hồi chức năng để làm mềm giãn cơ và phục hồi vận động
- Kết hợp dùng thuốc làm mềm giãn cơ đường uống
- Nếu các biện pháp trên không kết quả, các bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp tiêm độc tố uốn ván giảm độc lực (Dysport) để diệt các thụ cảm thể gây co cứng cơ cũng có hiệu quả. Tuy nhiên, phải có chỉ định và không chỉ tiêm một liệu trình là có kết quả. Một số trường hợp có kết quả hạn chế và cũng có thể có biến chứng nếu tiêm không đúng chỉ định và ở các cơ sở không đảm bảo kỹ thuật.
6. Bệnh viện Quân y 175 có điều trị nội trú bệnh nhân đột quỵ muốn phục hồi chức năng và có được bảo hiểm y tế không?
GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời: Các bệnh nhân đột quỵ cần phải tập phục hồi chức năng để phục hồi vận động, cảm giác, ngôn ngữ, trí nhớ, chống co cứng cơ và dự phòng tái phát. Thông thường, trong giai đoạn cấp, phục hồi chức năng sẽ trong liệu trình điều trị và bệnh nhân được thanh toán bảo hiểm y tế. Các giai đoạn sau ra viện, nếu bệnh viện chỉ định điều trị phục hồi chức năng thì bệnh nhân cũng không phải chi trả. Nếu bệnh nhân tự nguyện điều trị hoặc yêu cầu làm thêm hoặc thực hiện các kỹ thuật khác không có trong quy định thì vẫn phải chi trả.
7. Nếu bị tăng huyết áp, có cách nào can thiệp sớm bệnh đột quỵ và tai biến không, thưa BS?
Trả lời: Tăng huyết áp là nguyên nhân chủ yếu gây đột quỵ cả tắc mạch và chảy máu não. Vì vậy phải kiểm soát được huyết áp mục tiêu HA < 130/85 mmHg. Tăng huyết áp do nhiều nguyên nhân gây nên. Vì vậy, ngoài sử dụng thuốc HA thường xuyên theo chỉ dẫn cuả bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc, hoặc tăng giảm liều, hoặc tự động thay thuốc HA.
- Đo huyết áp hàng ngày để biết mức huyết áp của bản thân và điều chỉnh
- Có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý và khoa học, tập thể dục thường xuyên
- Điều trị các bệnh đồng diễn khác nếu có.
Nếu bạn thực hiện đúng và duy trì thường xuyên có thể phòng được đột quỵ.
8. Sau xuất huyết não có còn sử dụng được rượu bia không?
GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời: Rượu-bia nếu lạm dụng, uống quá nhiều hoặc nghiện đều có thể là yếu tố gây ảnh hưởng đến não, tim mạch và các cơ quan khác của cơ thể. Sau đột quỵ chảy máu não, tốt nhất, bạn không nên uống.
9. Thưa BS, bị vỡ túi phình, xuất huyết mạng nhện, đã can thiệp xong, vậy có phải là đột quỵ không?
GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời: Chảy máu não, chảy máu dưới nhện do vỡ túi phình mạch não mặc dù đã được can thiệp, là một dạng đột quỵ chảy máu não.
10. Tôi bị đột quỵ một lần, do tim gây ra, đã thay van tim cơ học và uống thuốc chống bệnh cả đời. BS cho tôi hỏi, tôi có khả năng bị tái lại không?
GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời: Bạn bị đột quỵ do tim, đã thay van tim cơ học do bệnh tim cấu trúc. Bạn cần uống thuốc đều đặn, cả đời theo chỉ dẫn của bác sĩ tim mạch và đột quỵ sẽ giảm tối thiểu tái phát đột quỵ. Tuy nhiên, có thể tái phát do dùng thuốc không thường xuyên hoặc không đủ liều, hoặc có hiện tượng kháng thuốc đang dùng.
11. Tôi ở quận Bình Thạnh thì bệnh viện điều trị đột quỵ nào là gần nhất?
GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời: Bạn ở quận Bình Thạnh, BV Nhân dân Gia Định là BV điều trị đột quỵ gần nhất
12. Tại TPHCM, bệnh viện nào tầm soát đột quỵ tốt nhất? Chi phí tầm soát là bao nhiêu?
GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời: Các Bệnh viện đa khoa của thành phố HCM đều có thể tầm soát đột quỵ. Tuy nhiên, BV Nhân dân 115, BV Chợ Rẫy là hai BV có đầy đủ các phương tiện và chuyên gia để tầm soát đột quỵ.
- Chi phí tùy theo chỉ định của bác sĩ, các bệnh nền và yêu cầu của người bệnh vậy.
13. Khi bị tai biến, liệt nửa người có điều trị khỏi được không?
GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời: Khi bị đột quỵ, tùy theo loại đột quỵ, vị trí và khối lượng mô não bị tổn thương, thời gian và biện pháp điều trị tích cực cũng như tập phục hồi chức năng mà liệt nửa người có thể hồi phục ở các mức độ khác nhau hoặc hồi phục hoàn toàn. Trong trường hợp đột quỵ thiếu máu não cấp, nếu đến trong thời gian vàng (4h và 6h) và điều trị kịp thời bằng thuốc tiêu huyết khối (tPA) hoặc can thiệp nội mạch lấy huyết khối (EVT), liệt nửa người có thể hồi phục hoàn toàn.
14. Ba em đang bị rối loạn tiêu hoá sau tai biến đang đặt ống ăn tại nhà, em có cho ba ăn bằng miệng luôn được không thưa bác sĩ?
GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời: Tùy theo mức độ nặng của đột quỵ (tai biến) và tính chất của rối loạn nuốt nên Ba của bạn phải đặt ống sonde qua mũi để nuôi dưỡng và đưa thuốc vào. Bạn không nên tự cho Ba bạn ăn đường miệng vì thức ăn và nước uống dễ vào đường khí quản và phổi gây viêm phổi hít, cần đưa Ba bạn đến bệnh viện (khoa chăm sóc đột quỵ, khoa phục hồi chức năng) để họ có kế hoạch rút sonde và tập ăn đường miệng.
15. Bác sĩ có thể giải thích giúp em, bị chóng mặt khi nằm nghiêng đầu qua trái thì có phải là một biểu hiện của đột quỵ không ạ?
GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời: Bạn bị chóng mặt khi nằm nghiêng đầu qua trái không phải là biểu hiện của đột quỵ. Bạn nên đi khám tai mũi họng và chụp cột sống cổ bốn tư thế (thẳng-nghiêng-chếch ¾ phải và trái, chụp các xoang mặt để xác định và không nên gối đầu bằng gối cứng hoặc quá cao.
16. Thưa BS, ở những người không mắc các bệnh như huyết áp cao, mỡ máu, đái tháo đường có nguy cơ đột quy không?
GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời: Những người không mắc các bệnh tăng huyết áp, mỡ máu cao, đái tháo đường, nếu bị bệnh tim cấu trúc (hẹp hở van tim hai lá nặng, còn lỗ thông bầu dục, rung nhĩ-loạn nhịp, suy tim); người cao tuổi, ít hoạt động thể lực, căng thẳng hoặc stress kéo dài hoặc mắc bệnh thận mạn, v.v. đều có thể bị đột quỵ.
17. Thưa BS, anh trai của tôi bị tai biến, nửa người trái bị liệt, hai chân có thể cử động và đi lại khập khiễ Nhưng hay nóng sốt và lạnh người, những triệu chứng này là gì và có nguy hiểm không?
GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời: Sau đột quỵ, liệt nửa người là những di chứng của đột quỵ. Nóng sốt và lạnh người không phải là biến chứng của đột quỵ. Tuy nhiên, sau đột quỵ, sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút dễ mắc các bệnh khác. Bạn phải nói anh trai khi sốt đến BV để tìm các nguyên nhân khác như viêm họng, viêm xoang, sốt siêu vi khuẩn, v.v. để điều trị.
18. Khi bị thiếu máu não thoáng qua, uống Nattoenzym, có phòng ngừa đột quỵ tái phát được không?
GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời:Nattoenzym là dược phẩm đã được chứng minh và trong thực tế lâm sàng đã được thế giới công nhận có tác dụng dự phòng đột quỵ thiếu máu não nếu dùng đúng và đủ liều thường xuyên theo chỉ dẫn đồng thời thuốc cũng giúp dự phòng đột quỵ tái phát.
19. Tôi bị đái tháo đường type 2, xin hỏi BS nguy cơ biến chứng gây đột quỵ có cao khi mắc bệnh đái tháo đường không?
GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời: Đái tháo đường là một trong những nguy cơ của đột quỵ và các bệnh tim mạch khác. Khi bị đái tháo đường type 2, nếu bạn duy trì được mức glucose máu tiêu chuẩn (<6mmol/l) và duy trì chế độ ăn, tập luyện thường xuyên có thể giảm nguy cơ bị đột quỵ cũng như tái phát đột quỵ.
20. Tôi bị đột quỵ não do dị dạng mạch máu não, vậy tôi có dùng Nattoenzyn được không?
GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời: Bạn bị đột quỵ não do dị dạng mạch não (AVM), nguy cơ gây chảy máu não là chủ yếu. Vì vậy, không nên dùng Nattoenzym.
21. Phương pháp điều trị bệnh đột quỵ như thế nào là tốt nhất?
GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời: Đột quỵ não đã được thế giới và việt Nam thống nhất quy trình điều trị cho từng loại đột quỵ.
- Đột quỵ thiếu máu não: Nếu trong thời gian vàng và có chỉ định, có thể điều trị tiêu huyết khối, can thiệp lấy huyết khối nội mạch hoặc điều trị nội khoa tiêu chuẩn, tập phục hồi chức năng và dự phòng tái phát. Phác đồ có điều chỉnh trên từng người bệnh và các bệnh đồng diễn của người bệnh cũng như điều chỉnh các yếu tố nguy cơ.
- Đột quỵ chảy máu não: Điều trị nội khoa tiêu chuẩn, phẫu thuật mở sọ lấy máu tụ, phẫu thuật định vị, nút mạch, đặt dẫn lưu tối thiểu, phẫu thuật hút máu tụ, v.v. Tập phục hồi chức năng và điều trị những bệnh đồng diễn.
Như vậy, phác đồ là chung nhưng sẽ triển khai trên từng người bệnh và tính chất, đặc điểm cụ thể của loại đột quỵ
22. Chi phí điều trị dị dạng mạch máu não mất khoảng bao nhiêu?
GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời: Dị dạng động-tĩnh mạch não (AVM) có hai phương pháp điều trị là:
- Điều trị bảo tồn khi ổ dị dạng quá lớn hoặc nếu loại bỏ có thể không có lợi do để lại di chứng não nặng nề và thủ thuật khó thành công.
- Điều trị can thiệp: khi ổ dị dạng nhỏ và không ảnh hưởng nhiều đến chức năng của não. Có thể mở sọ lấy ổ dị dạng hoặc dùng phẫu thuật định vị (Gama knife).
Tùy theo phương pháp điều trị mà có sự chi trả khác nhau (như điều trị chảy máu não thông thường hoặc điều trị kỹ thuật cao).
23. Các bệnh viện ở tuyến tỉnh có thực hiện cấp cứu đột quỵ được hay không?
GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời: Hầu hết các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh thực hiện được cấp cứu đột quỵ. Tuy nhiên, điều trị đột quỵ có nhiều giải pháp chuyên sâu, một số kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi máy móc trang thiết bị hiện đại và các bác sĩ cần có trình độ tay nghề cao nên một số bệnh viện tuyến tỉnh chưa thực hiện được đầy đủ.
>>> GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời câu hỏi của bạn đọc về đột quỵ
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình