Hotline 24/7
08983-08983

Glaucoma: Những triệu chứng cảnh báo cần đề phòng

Glaucoma (cườm nước) diễn tiến khá thầm lặng, thường chỉ được phát hiện khi ở giai đoạn muộn. Vậy triệu chứng của Glaucoma là gì? Phương pháp điều trị ra sao? Những ai có nguy cơ mắc bệnh?... Tất cả sẽ được TTƯT.BS.CK2 Nguyễn Thế Hồ - Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Trưng Vương giải đáp trong bài viết dưới đây.

Glaucoma diễn tiến thầm lặng

Bệnh Glaucoma có diễn tiến như thế nào, triệu chứng ra sao, thưa BS?

BS.CKII Nguyễn Thế Hồ trả lời: Bệnh Glaucoma có diễn tiến thầm lặng, từ từ, chậm rãi; gây mất dần thị lực. Bệnh nhân thường không biết mình bị Glaucoma từ khi nào, chỉ khi bệnh nhân thấy thị giác có vấn đề như mờ mắt, nhìn hơi khuất mới đi khám bác sĩ. Do vậy, đa phần căn bệnh này được phát hiện tương đối muộn.

Chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh Glaucoma

Nguyên nhân của bệnh Glaucoma là gì, thưa BS?

BS.CKII Nguyễn Thế Hồ trả lời: Đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân sâu xa gây bệnh Glaucoma.

Trong mắt có lớp võng mạc (lớp tế bào thần kinh tiếp nhận ánh sáng) truyền tín hiệu lên não. Những sợi trục thần kinh tế bào thị giác của mắt tổn thương từ từ và gây bệnh Glaucoma. Bệnh này biểu hiện trên lâm sàng, có sự xáo trộn thị giác.

Dựa trên tiến triển của bệnh, bệnh nhân thấy mắt căng hơn so với bình thường. Một số trường hợp, trước đây, ngành y gọi là tăng nhãn áp, tức là áp lực nhãn cầu tăng. Bên Đông y lại gọi là cườm nước, một số trường hợp nặng gọi là thiên đầu thống.

Áp lực nhãn cầu tăng là yếu tố thuận lợi thúc đẩy bệnh Glaucoma tiến triển nhanh hơn, thuận lợi hơn. Do đó, bác sĩ chỉ tác động hạ áp lực nhãn cầu xuống; còn tổn thương sợi trục tế bào thần kinh thị giác chưa rõ nguyên nhân nên chưa có cách điều trị.

4 triệu chứng cảnh báo Glaucoma

Dấu hiệu nhận biết bệnh Glaucoma là gì, thưa BS?

BS.CKII Nguyễn Thế Hồ trả lời: Nhãn áp cao khiến bệnh nhân có triệu chứng nhức mắt, mắt đỏ, mờ mắt, kèm thêm mất thị trường. Thị trường là những vùng chúng ta có thể nhìn thấy xung quanh sự vật, hiện tượng. Khi có 4 triệu chứng này, bệnh nhân nên đi khám bác sĩ. Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh khác gây triệu chứng tương tự.

Đối với bác sĩ nhãn khoa, chỉ cần có 2 trong 3 triệu chứng sau đây có thể chẩn đoán bệnh Glaucoma:

Thứ nhất là khi soi đáy mắt, nhận thấy trên hình đầu dây thần kinh thị giác (gai thị) có lõm teo. Đây là dấu hiệu điển hình của bệnh.

Thứ hai là bệnh nhân mất thị trường - đây là tiêu chuẩn số 1 để phát hiện bệnh, nhưng triệu chứng này thường xuất hiện ở giai đoạn trễ. Khi đo thị trường sẽ cho thấy những dấu hiệu tổn thương đặc thù của bệnh.

Thứ ba là nhãn áp cao.

Đối với trường hợp nặng hơn, bên cạnh đau mắt, đỏ mắt, bệnh nhân có thêm các triệu chứng như thị lực giảm, giác mạc mờ, đồng tử giãn, nhãn áp cao. Thông qua khám lâm sàng, bác sĩ đã có thể chẩn đoán bệnh Glaucoma. Tiêu chuẩn quan trọng nhất để chẩn đoán là đo thị trường.

Theo BS Thế Hồ, mất thị trường là tiêu chuẩn số 1 phát hiện bệnh Glaucoma

Các phương pháp điều trị Glaucoma

Hiện nay điều trị Glaucoma bằng những phương pháp nào, thưa BS?

BS.CKII Nguyễn Thế Hồ trả lời: Phương pháp điều trị Glaucoma khá chuyên sâu và có nhiều cách khác nhau.

Do Glaucoma tiến triển thầm lặng nên để điều trị cần phân biệt thêm một trường hợp:

Nếu bệnh nhân mắc Glaucoma cấp, phương pháp điều trị sẽ khác Glaucoma thường. Trường hợp Glaucoma cấp thường gặp hơn Glaucoma mạn tính. Glaucoma cấp gọi đúng là thiên đầu thống, bệnh nhân nhức đầu dữ dội, nhức mắt, nôn ói, đồng tử mắt mờ đi, nhãn áp tăng. Điều trị Glaucoma cấp là cấp cứu nhãn khoa, phải điều trị ngay lập tức.

Với trường hợp này, bác sĩ dùng phương pháp phẫu thuật. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân được uống thuốc, nhỏ mắt, thuốc truyền để hạ - làm mềm nhãn áp.  Những cơn cấp thường bị một bên mắt.

Đối với trường hợp điều trị Glaucoma thông thường, trong đó lại chia thành 2 loại (Glaucoma góc đóng và Glaucoma góc mở), mỗi loại có phương pháp điều trị khác nhau:

Glaucoma góc đóng điều trị bằng phương pháp phẫu thuật ngoại khoa là chính. Nếu góc đóng ít dưới 1/2 chu vi sẽ dùng lazer đốt một lỗ trên tròng đen giúp dẫn lưu nước qua lại, phòng ngừa cơn cấp. Trong trường hợp góc đóng nhiều trên 1/2 chu vi, bác sĩ nhãn khoa sẽ phẫu thuật cắt bè củng mạc.

Glaucoma góc mở thường điều trị nội khoa bằng thuốc để hạ nhãn áp: thuốc uống, thuốc nhỏ mắt.

Mục tiêu cuối cùng của các phương pháp là hạ nhãn áp. Chỉ khi nhãn áp không hạ được mới sử dụng phương pháp phẫu thuật can thiệp.

Những khó khăn khi phẫu thuật điều trị Glaucoma

Mổ Glaucoma trong những năm gần đây có kỹ thuật nào mới so với trước đây không, thưa BS?

BS.CKII Nguyễn Thế Hồ trả lời: Gần đây, có phương pháp lazer mới xuất hiện trong điều trị. Còn trong kỹ thuật mổ, dù trường hợp góc đóng hay góc mở đều sử dụng một kỹ thuật mổ như nhau, đó là kỹ thuật cắt bè củng mạc.

Trong mắt con người tiết ra nước làm nhãn áp căng cứng. Bên cạnh đó, mắt có đường thoát lưu nước ra khỏi nhãn cầu, hai quá trình này phải đều nhau. Tuy nhiên, vì lý do nào đó hai quá trình này không đều làm nhãn áp căng, thúc đẩy Glaucoma tiến triển. Khi phẫu thuật cắt bè cũng mạc, bác sĩ tạo lỗ dò giúp nước thoát ra, không làm nhãn áp cao.

Mổ cườm nước được đánh giá dễ hơn mổ cườm khô (đục thủy tinh thể). Những khó khăn của phương pháp mổ cườm nước:

  • Mắt bệnh nhân đau nhức, đỏ, cương tụ gây trở ngại cho quá trình mổ.
  • Thứ hai, bác sĩ không biết nên tạo lỗ dò để nước ra nhiều hay ít. Bởi vì mở lỗ to khiến mắt xẹp, mở lỗ ít lại không giải quyết được vấn đề vì nước không thoát ra được.

Lỗ dò còn tùy thuộc vào nhiều vấn đề: do mắt, kỹ thuật khâu, kỹ thuật đắp. Vì vậy, sau khi mổ bác sĩ thường khám lại. Khi mắt quá mềm, buộc phải khâu lại, đóng lại. Khi không đủ, buộc lòng phải mở ra thêm.

Sau này, với những kỹ thuật tiến bộ hơn ở những nước như Mỹ, châu Âu, bác sĩ sẽ đặt ống van giúp nước chảy ra, kích thước không thay đổi. Sau khi đóng, lỗ dò không bị lấp tắc; giúp bác sĩ biết chính xác lỗ đó là bao nhiêu. Tuy nhiên, có một số trường hợp ống bị tắc. Một số bệnh viện như Bệnh viện Mắt TPHCM đã tthực hiện phương pháp này.

Mổ cườm nước dễ hơn mổ cườm khô, tuy nhiên cũng gặp không ít khó khăn

Làm gì để phục hồi mắt sau mổ Glaucoma tốt nhất?

Sau mổ, bệnh nhân cần được theo dõi ra sao để phục hồi tốt nhất, thưa BS?

BS.CKII Nguyễn Thế Hồ trả lời: Phẫu thuật Glaucoma thuộc loại vi phẫu, đòi hỏi sự chính xác. Trung bình thời gian phẫu thuật kéo dài 20-30 phút.

Sau khi mổ, bệnh nhân có thể nằm nghỉ ngơi và được xuất viện sau vài giờ. Việc chăm sóc sau mổ của Glaucoma cũng giống như các loại mổ nội nhãn khác:

Bệnh nhân cần tuân thủ chế độ thuốc uống, thuốc nhỏ mắt.

Giữ mắt không bị chấn thương, không đụng vào mắt.

Không để nước bẩn dính vào mắt.

Bệnh nhân bắt buộc sử dụng kính bảo hộ.

Phẫu thuật Glaucoma không đòi hỏi bệnh nhân kiêng khem trong ăn uống. Do đó, bệnh nhân nên ăn uống phụ thuộc vào bệnh nền của mình.

Bệnh nhân sinh hoạt như bình thường nhưng cần nhẹ nhàng.

Sau 7 ngày, nên đến bệnh viện tái khám. Trong 7 ngày, nếu có vấn đề hay không đạt sự hài lòng, bệnh nhân cũng nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ.

Nữ giới có nguy cơ mắc Glaucoma nhiều hơn nam giới

Những ai cần cảnh giác với căn bệnh Glaucoma, thưa BS?

BS.CKII Nguyễn Thế Hồ trả lời: Thứ nhất, bệnh Glaucoma có yếu tố gia đình; tuy nhiên không phải di truyền. Nếu gia đình có người mắc thì chúng ta cũng dễ bị.

Thứ hai, bệnh Glaucoma thường xảy ra ở những người lớn tuổi, từ 35-40 tuổi trở lên. Thanh niên, tuổi trẻ ít mắc bệnh này.

Thứ ba do cấu trúc nhãn cầu của mỗi người. Những người có nhãn cầu nhỏ (viễn thị) thường bị Glaucoma góc đóng. Ngược lại, người có nhãn cầu to (người cận thị nặng) thường bị Glaucoma góc mở. Người có nhãn cầu bình thường ít bị hơn.

Người châu Á đa số mắc Glaucoma góc đóng; trong khi châu Âu, nhất là châu Phi thường bị Glaucoma góc mở.

Những người cáu gắt, lo lắng, bồn chồn cũng dễ mắc Glaucoma. Ngoài ra, nữ có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn nam.

Kịp thời phát hiện Glaucoma, ngăn chặn nguy cơ tiến triển

Biện pháp phòng ngừa Glaucoma là gì, thưa BS?

BS.CKII Nguyễn Thế Hồ trả lời: Hiện nay, y khoa vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh Glaucoma. Chính vì vậy không thể đưa ra phương pháp phòng ngừa. Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm cách phát hiện sớm để ngăn ngừa tiến triển.

Để phát hiện sớm, bệnh nhân cần xem các yếu tố thuận lợi cũng như triệu chứng nêu trên.

Các yếu tố thuận lợi như: yếu tố gia đình, lớn tuổi, viễn thị, cận thị nặng, người cáu gắt, nữ giới; đây là những yếu tố dễ mắc. Hoặc bệnh nhân có các triệu chứng: nhức mắt, đỏ mắt, mờ mắt, đặc biệt là mất thị trường. Chúng ta nên khám định kỳ mắt ít nhất 6 tháng đến một năm. Điều này giúp phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X