Hotline 24/7
08983-08983

Giao lưu trực tuyến: Hiệu quả của một số mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở

Sáng ngày 18/12, BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp và BS.CK2 Ngô Thế Phi giải đáp thắc mắc của bạn đọc xung quanh các bệnh không lây nhiễm như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính từ cách phòng ngừa, điều trị, chế độ dinh dưỡng hợp lý. Đồng thời mang đến nhiều thông tin hữu ích về hiệu quả của một số mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở. Kính mời bạn đọc đón xem.

Việt Nam đang phải giải quyết gánh nặng bệnh tật kép gồm bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm. Trong đó các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng ngày càng trầm trọng, đặc biệt là các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản. Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm chiếm tới trên 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc.

Nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc và tử vong các bệnh không lây nhiễm tăng cao đối xuất phát từ lối sống và sự chủ quan của người bệnh như: hút thuốc; uống rượu bia; ăn ít rau, trái cây; ăn nhiều muối; thiếu hoạt động thể lực… Tình trạng thừa cân béo phì, tăng huyết áp, tăng đường máu, rối loạn lipid máu đều có xu hướng gia tăng nhanh. Và chính những yếu tố này làm phát triển các bệnh không lây nhiễm.

Để phòng chống bệnh không lây nhiễm hiệu quả đòi hỏi các giải pháp toàn diện, chăm sóc sức khỏe lấy con người làm trung tâm bao gồm kiểm soát yếu tố nguy cơ gây bệnh cùng với chủ động giám sát, phát hiện bệnh sớm, điều trị, quản lý, chăm sóc liên tục và lâu dài.

Ngoại trừ giai đoạn bệnh cấp tính cần điều trị tại bệnh viện, còn các giai đoạn khác đều cần các chiến lược can thiệp thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, y tế công cộng, và được thực hiện tại cộng đồng. Như vậy y tế cơ sở có vai trò rất quan trọng trong dự phòng và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là việc quản lý, chăm sóc bệnh liên tục và lâu dài.

Tại TPHCM, Trung tâm Dinh Dưỡng TPHCM, Bệnh viện Quận Thủ Đức, Bệnh viện Quận 2 là những đơn vị tuyến cơ sở điển hình thực hiện nhiều chương trình đào tạo, huấn luyện, truyền thông phòng ngừa các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm đã được triển khai đem lại nhiều hiệu quả. Đồng thời còn trở thành bài học kinh nghiệm thực tiễn để triển khai rộng rãi trên địa bàn thành phố.

Trong đó, BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng Thực phẩm, ĐH Y Dược TPHCM; Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM và BS.CK2 Ngô Thế Phi - Trưởng Khoa Nội tiết, Bệnh viện Quận Thủ Đức là những chuyên gia trực tiếp tham gia thực hiện triển khai các mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm.

Để có cái nhìn khách quan và đa chiều, cũng như cung cấp thông tin về kỹ năng và các giải pháp phòng chống bệnh không lây nhiễm tại y tế cơ sở, BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp và BS.CK2 Ngô Thế Phi đã nhận lời mời tham gia chương trình giao lưu trực tuyến, giải đáp các thắc mắc cùng bạn đọc AloBacsi.

Chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề "Hiệu quả của một số mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở" do Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế phối hợp với AloBacsi thực hiện!

BS.CK2 ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CỦA BẠN ĐỌC

[HOI]Xin cho biết, cách bổ sung canxi tốt nhất cho cơ thể? Có nên dùng thực phẩm chức năng hoặc viên uống canxi không? Có cần xét nghiệm và chỉ định của bác sĩ về liều sử dụng không?[/HOI]

[DAP]BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng Thực phẩm, ĐH Y Dược TPHCM; Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM trả lời:

Bạn thân mến,

Nhu cầu canxi ở người trưởng thành là 1000mg/ngày. Để bổ sung canxi cho cơ thể tốt nhất chúng ta nên dùng thực phẩm tự nhiên giàu canxi, thực phẩm có bổ sung canxi vì đảm bảo quá trình chuyển hóa hấp thu sinh lý của cơ thể. Trường hợp chế độ ăn không đủ canxi theo nhu cầu chúng ta mới phải dùng thực phẩm chức năng hoặc viên uống canxi.

Khi dùng thực phẩm chức năng nên chọn loại nano canxi vì hấp thu tốt hơn. Việc dùng thuốc canxi phải có chỉ định của BS. Nên đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ để phát hiện tình trạng thiếu hụt canxi và được tư vấn sử dụng canxi bổ sung sẽ chính xác và hiệu quả hơn.

Các thực phẩm giàu canxi bao gồm:

- Sữa và các chế phẩm từ sữa: Sữa và các chế phẩm của sữa như sữa chua, phomat là thức ăn giàu calci. Calci từ sữa dễ hấp thu, đồng hóa tốt.

Lượng canxi trong sữa bò tươi, sữa chua là 120mg/100g; Trong sữa bột nguyên kem gấp khoảng 9 lần; Trong sữa đã tách chất béo gấp 14 lần. Nên dùng sữa có lượng canxi cao hoặc có bổ sung canxi.

- Các thực phẩm nguồn gốc động vật giàu canxi chủ yếu là hải sản như tôm, cua, cá… Tốt nhất là cá kho nhừ ăn cả xương. Tép, cua đồng, ốc có hàm lượng canxi cao hơn hẳn các loại thực phẩm khác và là nguồn canxi hữu cơ tốt nhất, giúp cơ thể hấp thu và sử dụng tốt.

- Các loại thực phẩm nguồn gốc thực vật giàu canxi:

● Đậu, các loại rau họ đậu hầu hết có trên 60mg canxi trong 100g, trong đậu nành lượng canxi cao hơn hẳn 165mg canxi trong 100g.

● Rau lá xanh: đay, mồng tơi, ngót, cải…

● Mộc nhĩ, bông cải xanh, bắp cải.[/DAP]

[HOI]Xin tư vấn cho tôi về chế độ ăn cho bệnh nhân mắc cùng lúc các bệnh mãn tính về đái tháo đường, tăng huyết áp. Xin cảm ơn khách mời![/HOI]

[DAP]Chào bạn,

Với người mắc cùng lúc bệnh mạn tính về đái tháo đường, tăng huyết áp thì nên có chế độ ăn như sau:

- Ăn vừa đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng để giữ được cân nặng hợp lý, không để cơ thể tích lũy nhiều mỡ vì sẽ ảnh hưởng xấu đến kiểm soát đường máu, mỡ máu và huyết áp.

- Khi lớn tuổi năng lượng phải giảm đi so với khi còn trẻ. Ví dụ nam giới hoạt động thể lực mức độ nhẹ khi còn thanh niên ăn 2200 Kcalo/ ngày nhưng khi  trên 50 tuổi chỉ ăn 2200 Kcalo/ ngày và trên 70 tuổi giảm còn 1870 Kcalo/ ngày. Tương tự như vậy nữ giới hoạt động thể lực mức độ nhẹ khi còn thanh niên ăn 1760 Kcalo/ ngày nhưng khi trên 50 tuổi chỉ ăn 1700 Kcalo/ ngày và trên 70 tuổi giảm còn 1550 Kcalo/ ngày.

- Giảm bớt lượng chất bột đường xuống còn khoảng 55% tổng năng lượng. Chọn các loại chất bột đường phức hợp chuyển hóa chậm như gạo giã dối, gạo lứt, khoai củ vì không làm tăng đường huyết nhanh sau khi ăn và lớp vỏ có chứa nhiều vitamin và thêm chất xơ có lợi cho sức khỏe.

- Hạn chế natri: tổng lượng muối NaCl từ tất cả các nguồn không quá 5g/ngày. Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều Na bao gồm muối ăn, nước mắm, nước tương, bột ngọt, hạt nêm, thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, lạp xưởng, xúc xích, giò chả..., các loại hải sản khô như cá khô, tôm khô, mực khô..., thực phẩm muối chua như dưa, cà, mắm…

- Hạn chế chất béo: Lượng chất béo cần khống chế ở mức 20-25% năng lượng. Hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như mỡ, thịt béo, đồ chiên, xào, rán, đồ ngọt, bơ, sữa toàn phần. Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều cholesterol như óc, tim, gan, cật, trứng, da...Giảm hoặc loại bỏ chất béo Trans trong khẩu phần. Dùng chất béo giàu acid béo chưa no như cá béo, dầu thực vật (trừ dầu dừa, dầu cọ).

- Chất đạm: Nên dùng nhiều protein có nguồn gốc thực vật như đậu, đỗ. Nên ăn cá, sữa và các chế phẩm từ sữa. Nên chọn thịt nạc đã lấy sạch mỡ, bỏ da.

- Chất xơ: Lượng chất xơ cần cung cấp 20-30g/ngày. Chú ý cả chất xơ hoà tan và không hoà tan.

- Rau, trái cây: Nên ăn khoảng 400 gram rau và trái cây mỗi ngày. Nên ăn trái cây tươi. Hạn chế các loại trái cây ngọt nhiều như nho, xoài, nhãn, sầu riêng…

- Nên ăn ba bữa chính và một đến hai bữa ăn phụ xen vào các bữa ăn chính với đầy đủ chất dinh dưỡng. Cần ăn đúng giờ để giúp cơ thể ổn định đường huyết.

- Hạn chế rượu, bia, cà phê.

- Tăng cường vận động thể lực, nên vận động thể lực ít nhất 30 - 45 phút mỗi ngày ở mức cường độ trung bình trong hầu hết các ngày trong tuần.

- Không hút thuốc lá.

- Sống lạc quan, giảm căng thẳng

Đôi điều chia sẻ cùng bạn. Trân trọng![/DAP]

[HOI]Xin BS cho biết vì sao người gầy vẫn bị mỡ máu cao, tăng huyết áp? Cần làm gì để giảm mỡ máu mà vẫn đảm bảo ăn uống đủ cho nhu cầu lao động. Cảm ơn khách mời![/HOI]

[DAP]Béo phì là 1 trong các yếu tố nguy cơ của rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp các yếu tố nguy cơ khác là chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ít vận động thể lực, yếu tố gene, tuổi cao do liên quan đến quá trình lão hóa... vì vậy một số người dù gầy vẫn bị rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp.

Chế độ dinh dưỡng cho người rối loạn mỡ máu cần chú trọng một số nguyên tắc sau:

- Hạn chế ăn chất béo bão hòa: có trong mỡ heo bò gà, bơ, thịt mỡ, nước cốt dừa, cơm dừa...

- Hạn chế thực phẩm có nhiều cholesterol như da, phủ tạng (gan, óc, bầu dục…), trứng...

- Hạn chế ăn chất béo trans (acid béo chuyển hóa): có nhiều trong mỡ, sữa nguyên kem, margarin, trong thực phẩm công nghiệp (bánh qui, snack…).

- Sử dụng chất béo không bão hòa có trong cá béo, mỡ cá, dầu thực vật như dầu nành, dầu mè, dầu phộng, oliu...

- Hạn chế ăn đường mía, mật ong, loại đồ ăn thức uống có thêm nhiều bột béo.

- Nên ăn đa dạng thực phẩm: ưu tiên cá, thịt nạc, đậu, ăn ít nhất là 3 lần cá trong tuần, ưu tiên ăn thịt trắng hơn thịt đỏ.

-  Tăng cường chất xơ bằng cách ăn gạo còn cám, ngũ cốc còn vỏ, ăn nhiều rau (400 gram/ngày), 100-200 gram trái cây/ngày. Nên chọn thực phẩm có nhiều chất xơ hòa tan như trong ngũ cốc (gạo còn cám, lúa mạch, yến mạch), trái cây (táo, chuối, dâu tây, ổi, mận...), các loại đậu (đậu đen, đậu trắng, đậu lăng, đậu hà lan...), rau cải (bông cải, artichoke, hành tây, tỏi, cà rốt, mồng tơi, rau dền, rau đay...)[/DAP]

[HOI]Tại Trung tâm Dinh dưỡng đã có những mô hình nào triển khai để thúc đẩy hiệu quả khám chữa bệnh cho người dân?[/HOI]

[DAP]Trung tâm Dinh dưỡng trong vai trò thường trực chương trình phòng chống đái tháo đường tại TPHCM, sau khi quyết định số 376/QĐ-TT ngày 20/03/2015 phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015 - 2025, Trung tâm đã triển khai mô hình quản lý đái tháo đường type 2 tại tuyến cơ sở. Qua đó, nhằm hỗ trợ sàng lọc phát hiện sớm tiền đái tháo đường, đái tháo đường, hướng dẫn thay đổi lối sống, thực hành chế độ dinh dưỡng và vận động, điều trị bằng thuốc, hạn chế sự tiến triển xấu và các biến  chứng của bệnh đái tháo đường type 2, đúc kết kinh nghiệm để triển khai rộng trong cộng đồng.

Mô hình được triển khai tại quận Thủ Đức và quận 2 đem lại nhiều hiệu quả trong chăm sóc và điều trị cho người tiền đái tháo đường và đái tháo đường và là bài học kinh nghiệm thực tiễn để triển khai rộng rãi trên địa bàn thành phố.

Các giải pháp chính bao gồm: Xây dựng các bộ tài liệu hướng dẫn chuyên môn bao gồm dự phòng các yếu tố nguy cơ, dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực, kỹ thuật sàng lọc, phát hiện sớm tình trạng tiền bệnh, điều trị; truyền thông thay đổi hành vi; tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ y tế; xây dựng phần mềm quản lý sau sàng lọc; tổ chức sàng lọc chủ động người có nguy cơ; khám, điều trị, tư vấn dinh dưỡng và luyện tập; tổ chức truyền thông (nhóm/ sinh hoạt câu lạc bộ).

Nhiều chương trình đào tạo, huấn luyện, truyền thông phòng ngừa các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm đã được triển khai đem lại nhiều hiệu quả.[/DAP]

[HOI]Thói quen ăn uống, tình trạng sử dụng bia, rượu nhiều… là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm tăng cao. Vậy đối với mỗi bệnh nhân khi đến bệnh viện có được chia sẻ, trao đổi và giải thích về những vấn đề này không thưa bác sĩ?[/HOI]

[DAP]Bạn thân mến,

Tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm đang tăng cao và trẻ hóa. Nguyên nhân chính là do thói quen ăn uống không hợp lý (ăn nhiều muối, nhiều đường, nhiều chất béo, ăn ít rau, trái cây), ít hoạt động thể lực; tình trạng sử dụng bia, rượu nhiều…

Theo kết quả nghiên cứu STEP năm 2015, tại Việt Nam tỷ lệ tăng huyết áp là 18,9% tính ra chúng ta có khoảng 12 triệu người trưởng thành bị tăng huyết áp;  21,7% các trường hợp tử vong là do tai biến mạch máu não; tỷ lệ đái tháo đường là 5,7%; chúng ta có khoảng số người bị ung thư mắc mới tăng nhanh lên tới 150.000 ca mỗi năm.

Người Việt Nam đang ăn muối gấp 2 lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Tiêu thụ đường ở người Việt Nam cũng đang tăng nhanh, trung bình người trưởng thành sử dụng gần 50gram đường mỗi ngày. Có tới 77% nam giới và 11% nữ giới có uống bia rượu; tỷ lệ nam giới uống rượu ở mức nguy hại đã tăng nhanh từ 21,1% năm 2010 lên đến 44,2% năm 2015. Khoảng 30% người trưởng thành thiếu hoạt động thể lực.

Về nguyên tắc thì khi khám bệnh các BS sẽ được chia sẻ, trao đổi và giải thích về những vấn đề này, tuy nhiên do tình trạng quá tải và không được đào tạo về phòng ngừa bệnh không lây nhiễm nên ít khi bệnh nhân được trao đổi kỹ. Giải pháp của chúng ta là tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức, đưa quản lý và khám bệnh không lây nhiễm về tuyến cơ sở.

Trân trọng![/DAP]

[HOI]Tôi năm nay 35 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD, vậy tôi cần lưu ý gì về chế độ ăn uống, vận động để tăng sức khỏe. Xin cảm ơn BS.[/HOI]

[DAP]Bạn thân mến,

Về chế độ dinh dưỡng cho người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD cần lưu ý đảm bảo cung cấp đủ năng lượng do công hô hấp tăng nên chế độ ăn thiếu năng lượng dễ gây suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ nhiễm trùng, làm xấu đi tình trạng bệnh.

Nên ăn 4 - 5 bữa mỗi ngày để dễ tiêu hóa. Chọn thực phẩm có giá trị sinh học cao, dễ chuyển hóa hấp thu. Nhóm thực phẩm giàu chất đạm bạn ưu tiên chọn thịt gà, cá béo như cá basa, cá điêu hồng và một số loại cá biển, trứng, sữa, đậu hũ và các loại đậu, nấm. Nhóm rau nên ưu tiên chọn các loại rau lá xanh như rau cải, rau mồng tơi, rau ngót, xà lách xoong; ớt chuông; xà lách và rau thơm…sẽ cung cấp nhiều polyphenol, kali, kẽm, canxi, sắt, chất xơ hỗ trợ tốt cho các chức năng hô hấp, tiêu hóa.

Nên chọn sữa có bổ sung các vi chất dinh dưỡng như canxi, kẽm, vitamin D, đặc biệt là các axit béo chưa no một và nhiều nối đôi. Sử dụng các loại thực phẩm giàu canxi và vitamin D sẽ giúp giữ cho bộ xương khỏe mạnh.

Sử dụng thực phẩm giàu chất xơ như rau, trái cây, các loại đậu, ngũ cốc nguyên vỏ để giảm thiểu táo bón, điều hòa đường huyết và giảm cholesterol. Giảm ăn mặn. Tránh ăn các thực phẩm sinh hơi như nước có ga, bơ, bắp cải.

Uống nhiều nước khoảng 8 ly một ngày. Nên hạn chế cà phê.

Bạn nên giữ cân nặng hợp lý với chỉ số khối cơ thể BMI ở mức 22 kg/m2 (cách tính chỉ số khối cơ thể bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m)).

Về vận động bạn nên chọn các môn phù hợp với hoàn cảnh và tình trạng sức khỏe như đi bộ, đạp xe, dưỡng sinh…

Trân trọng![/DAP]

[HOI]Con trai tôi bị béo phì, xin bác sĩ tư vấn cách ăn uống đủ dinh dưỡng mà không bị tăng cân. Bé năm nay 8 tuổi, nặng 53 kg, gia đình tôi lo ngại bé sẽ bị bệnh do béo phì, gây nên. Xin cảm ơn![/HOI]

[DAP]Bạn thân mến,

Bé cần đi khám để giúp điều chỉnh chế độ ăn phù hợp.

Bé nên ăn chế độ ăn tăng cường rau xanh, nên chế biến món ăn dưới dạng hấp, luộc, nấu canh, giảm thiểu đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ. Nên cho bé ăn cá, thịt gà nạc, bò nạc, heo nạc, đậu hũ. Cho bé uống sữa dành cho trẻ béo phì.

Hạn chế tất cả đồ ăn ngọt. Không nên ăn thức ăn nhiều chất béo như thịt mỡ, tim, gan, thận, óc, xúc xích, lạp xưởng, patê, bơ, phô mai, sữa nguyên kem, váng sữa, bánh kem…Không nên cho trẻ ăn thức ăn nhiều đường như bánh qui, kẹo mật ong, sữa có đường, kem, chè, chuối, mít, vải, nhãn, xoài… Đồng thời, không nên ăn mặn, bỏ bữa, ăn quá no trong một bữa. Không cho trẻ ăn vặt, ăn khuya, ăn bữa tối sau 20 giờ. Tránh uống nước ngọt, nước có ga, các loại nước có bổ sung đường.

Các món ăn có nhiều năng lượng nên hạn chế cho bé ăn, ví dụ hambuger, cơm tấm sườn-bì-chả, bún bò giò heo, mì xào giòn, chè…

Bé phải tăng cường vận động thể lực theo đội nhóm. Hạn chế ngồi nhiều xem TV, thiết bị điện tử.[/DAP]

[HOI]Tôi 59 tuổi, bị đái tháo đường dùng thuốc đã 7 năm, thực hiện kiêng, giảm ăn ngọt và tinh bột, tuy nhiên, thỉnh thoảng đường huyết lại bị tụt, mệt xỉu: choáng, vã mồ hôi, run chân tay. Xin chuyên gia cho lời khuyên để khắc phục tình trạng này.[/HOI]

[DAP]Anh/chị thân mến,

Anh/ chị nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Nội tiết để kiểm tra lại chế độ dùng thuốc, chế độ vận động, chế độ ăn và có chỉ định phù hợp như điều chỉnh thuốc, điều chỉnh chế độ ăn để tránh tình trạng hạ đường huyết. Ngoài ra, anh/ chị nên ăn đúng giờ, lượng cơm trong mỗi bữa ăn chính khoảng 1,5 đến 2 lưng chén tùy theo mức độ hoạt động thể lực. Nếu ăn quá ít cơm hoặc các thực phẩm giàu chất bột được cùng nhóm như bún phở, mì, nui… sẽ dễ gây hại đường huyết. Nên ăn gạo lức sẽ phù hợp hơm gạo trắng dẻo.

Chúc anh/ chị nhiều sức khỏe![/DAP]

[HOI]Xin bác sĩ cho biết, loại hoa quả, rau xanh nào người mắc đái tháo đường cần tránh ăn? Có nhất thiết kiêng tuyệt đối quả ngọt như xoài chín, nhãn, dưa hấu không? Trân trọng cảm ơn![/HOI]
[DAP]Bạn thân mến,

Với người bệnh đái tháo đường thì nên hạn chế ăn các loại trái cây ngọt, nước ép trái cây. Không nên hạn chế rau xanh bạn nhé!

Các loại quả ngọt như xoài chín, nhãn, dưa hấu, nho, sầu riêng, mít, chôm chôm… đều có chỉ số đường huyết cao làm tăng đường máu nhanh sau ăn, do đó bạn nên hạn chế. Nếu muốn ăn chỉ nên ăn 1 phần nhỏ và ăn sau bữa ăn chính.

Chúc bạn sức khỏe. Trân trọng![/DAP]

[HOI]Mẹ tôi 67 tuổi, bị tai biến mạch não nhẹ, đã ra viện, tay trái hơi yếu, hiện nay đang dùng thuốc điều trị tăng huyết áp. Xin bác sĩ cho biết, chế độ ăn như thế nào để giúp được dự phòng tai biến lần sau? Nên ăn loại trái cây hay rau nào để giảm mỡ máu, vì mẹ tôi bị mỡ máu xấu cao. Cảm ơn bác sĩ![/HOI]

[DAP]Bạn thân mến,

Với trường hợp của mẹ bạn nên có chế độ ăn vừa đủ năng lượng, cân đối các chất dinh dưỡng. Ăn đa dạng thực phẩm với khoảng 15-20 loại thực phẩm mỗi ngày.

Về chất đạm thì nên ưu tiên sử dụng cá, thủy hải sản, đậu hũ, nấm và các loại đậu, đỗ. Giảm các loại thịt đỏ, thịt mỡ. Ăn nhiều rau xanh, bông cải, ớt chuông để cung cấp kali, magne.

Lưu ý, mẹ bạn không nên ăn mặn, hạn chế  thực phẩm chứa nhiều Natri như muối ăn, nước mắm, nước tương, bột ngọt, hạt nêm, thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, lạp xưởng, xúc xích, giò chả..., các loại hải sản khô như cá khô, tôm khô, mực khô..., thực phẩm muối chua như dưa, cà, mắm, tương ớt...

Đồng thời, hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, cholesterol (mỡ động vật, thịt đỏ). Hạn chế  thịt béo, đồ chiên, xào, rán, đồ ngọt, bơ, sữa toàn phần, dầu mỡ. Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều cholesterol như óc, tim, gan, cật, trứng, da...Giảm hoặc loại bỏ chất béo Trans trong khẩu phần. Dùng chất béo giàu acid béo chưa no như cá béo, dầu thực vật (trừ dầu dừa, dầu cọ) bạn nhé!

Chúc mẹ bạn sức khỏe. Trân trọng![/DAP]

[HOI]Thưa bác sĩ, tôi bị bệnh gout 5 - 6 năm, các ngón chân đau, sưng, một số ngón chân có gồ lên, vậy chế độ ăn cần lưu ý gì để bệnh thuyên giảm? Xin cảm ơn![/HOI]

[DAP]Bạn thân mến,

Bệnh gút là do sự tích tụ quá nhiều axit uric trong cơ thể gây ra. Axit uric được sản sinh từ sự phân hủy của các chất gọi là purin. Purin có trong tất cả các mô của cơ thể. Các chất này cũng có trong nhiều loại thực phẩm, chẳng hạn như gan, các loại đậu và đậu Hà Lan khô và cá cơm. Bạn nên:

- Hạn chế các thực phẩm giàu purin (> 200 mg purin/100 gram) như phủ tạng động vật như gan, thận, óc; thịt bê, nai; cá biển như cá thu, trích, ngừ; hải sản như cua, tôm, nghêu; nước trái cây, soda, thực phẩm nhiều đường.

- Sử dụng các thực phẩm ít purin (<100 mg purin/100 gram) như  các loại trái cây, rau xanh, khoai tây, các loại đậu, mấn, cà tím, ngũ cốc nguyên cám, sữa tách béo, trứng; trà xanh, thịt gà.

Trân trọng![/DAP]

[HOI]Vì sao ăn mặn gây tăng huyết áp? Nếu điều chỉnh ăn giảm mặn thì có cần phải uống thuốc điều trị cao huyết áp không? Trân trọng cảm ơn![/HOI]

[DAP]Bạn thân mến,

Nếu ăn quá mặn sẽ làm tăng trương lực của thành mạch, tăng tình trạng giữ nước trong cơ thể, làm rối loạn hoạt động hệ renine - angiotensin vốn là hệ thống các hoormon làm nhiệm vụ điều hòa cân bằng huyết áp và dịch ngoại bào trong cơ thể gây tăng huyết áp.

Giảm ăn mặn nghĩa là ăn dưới 2000mg Natri tương đương với 5gr muối mỗi ngày sẽ làm giảm huyết áp nhưng việc có cần sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp hay không sẽ phụ thuộc vào tình trạng tăng huyết áp và các bệnh lý đi kèm.

Bạn nên đi khám và tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa nội, tim mạch, nhưng luôn luôn phải giảm muối trong chế độ ăn thì hiệu quả điều trị sẽ cao hơn nhiều bạn nhé![/DAP]

[HOI]Mẹ tôi đi khám bác sĩ có nói lượng đường trong máu cao và có nguy cơ tiểu đường. Vậy mẹ tôi ăn uống gì để kiểm soát nguy cơ này ạ?[/HOI]

[DAP]Bạn thân mến,

Trường hợp của mẹ bạn là tình trạng tiền đái tháo đường. Nếu điều chỉnh lối sống, có chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý tiền đái tháo đường sẽ cải thiện nhanh chóng.

Mẹ bạn nên:
- Ăn cần đủ và cân đối năng lượng - các chất dinh dưỡng sinh năng lượng (đạm, béo, bột đường) - các chất dinh dưỡng không sinh năng lượng (vitamin và khoáng chất, chất xơ) phù hợp với thể trạng, giới tính, tuổi tác, tình trạng sinh lý, mức độ lao động, hoạt động thể lực.

- Ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm: 15-20 loại /ngày.

- Chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.

- Ăn thức ăn giàu đạm với tỷ lệ cân đối giữa nguồn thực vật và động vật, tăng cường ăn cá.

- Sử dụng chất béo ở mức hợp lý, chú ý phối hợp giữa dầu thực vật và mỡ động vật.

- Ăn rau, củ, quả hàng ngày để có đầy đủ nhiều loại vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể, đồng thời  có nhiều chất xơ giúp hạn chế hấp thu chất béo không có lợi, không tăng đường huyết nhanh sau ăn

-  Sử dụng sữa do người đái tháo đường.

- Không ăn mặn, sử dụng muối iốt trong chế biến thức ăn. Nên ăn muối ở mức 5g/ngày.

- Uống đủ nước chín hàng ngày, hạn chế rượu bia, đồ ngọt.

Bên cạnh đó, mẹ bạn cần phải tăng cường vận động thể lực nên ở mức độ trên 60 phút mỗi ngày, tất cả các ngày trong tuần. Kiểm soát cân nặng không để bị thừa cân sẽ cải thiện tình trạng tiền đái tháo đường.

Ngoài ra, mẹ bạn nên đi khám định kỳ, thử đường huyết hàng tháng để bác sĩ tư vấn và có chỉ định điều trị phù hợp.

Trân trọng![/DAP]

[HOI]Bố tôi bị đái tháo đường 5 năm. Cụ rất hay ăn mì tôm vào buổi sáng, có khi cả trưa. Vậy chị muốn hỏi liệu nến ăn mì tôm nhiều vậy có ảnh hưởng không?[/HOI]

[DAP]

Bạn thân mến,

Bố của bạn ăn mì tôm thường xuyên có thể đến 2 lần/ngày với người bị đái tháo đường là không hợp lý về dinh dưỡng. Mì tôm vốn có nhiều muối (trung bình có khoảng 5gr muối trong một gói), hấp thu nhanh, hơn nữa bữa ăn mì tôm không kèm rau xanh, thiếu chất đạm sẽ làm đường huyết tăng nhanh sau ăn. Bạn nên động viên bác ăn đa dạng thực phẩm, giảm số lần ăn mì tôm bạn nhé![/DAP]

[HOI]Tôi đến khám bác sĩ, bác sĩ bảo tôi bị mắc đái tháo đường type 2, tôi nghe bạn bè, mọi người bảo chỉ nên ăn miến dong, không ăn cơm nhưng được vài hôm tôi thấy mệt lắm. Bác sĩ tư vấn giúp tôi?[/DAP]

[DAP]Chị thân mến,

Chị đã được tư vấn không chính xác nên khi thực hiện làm cơ thể mệt mỏi. Người bị đái tháo đường vẫn ăn cơm được nhưng cần giảm bớt lượng cơm, ngoài cơm thì vẫn ăn các loạt thực phẩm cùng nhóm chất bột đường như mì, nui, miến, phở, bún...

Chị nên ăn gạo lức vì có nhiều chất xơ, vitamin và chỉ số đường huyết thấp hơn gạo trắng. Lượng chất bột đường hàng ngày với người đái tháo đường cần giảm hơn bình thường và nên chiếm khoảng 55% tổng năng lượng.

Trân trọng![/DAP]

[HOI]Cho tôi hỏi với những người bị mỡ máu, tiểu đường dịp lễ Tết cần tránh ăn những thực phẩm gì?[/HOI]

[DAP]Chào bạn,

Những người đang bị đái tháo đường, mỡ máu dịp Tết không nên ăn các các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như bánh chưng, bánh tét, bánh giò, bánh qui, bánh bông lan, mứt, trái cây khô, nước ngọt, nước ép trái cây, các loại trái cây nhiều đường fructose như xoài, nho, dưa hấu… Các loại đồ ăn có nhiều mỡ như lạp xưởng, vịt lạp, giò thủ, tai heo ngâm nước mắm...cũng nên hạn chế

Nên chuyển đổi bằng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như các loại bánh làm bằng bột mì nguyên vỏ, cơm gạo lức, bưởi, cam, thanh long bạn nhé

Chúc bạn có những ngày lễ Tết luôn vui, khỏe![/DAP]

BS.CK2 NGÔ THẾ PHI GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CỦA BẠN ĐỌC

[HOI] Tôi năm nay 37 tuổi, tôi mới phát hiện mình mắc bệnh tuyến giáp, thế bệnh tuyến giáp có lây không và cơ chế di truyền của bệnh này ra sao? Xin cảm ơn BS. [/HOI]

[DAP]BS.CK2 Ngô Thế Phi - Trưởng Khoa Nội tiết, Bệnh viện Quận Thủ Đức trả lời:

Chào bạn,

Bệnh lý tuyến giáp là một bệnh không lây. Bệnh lý tuyến giáp có nhiều loại, trong đó 2 bệnh lý thường gặp nhất là Basedow và viêm giáp mạn tính có cơ chế gây bệnh là bệnh tự miễn. Có nghĩa là cơ thể tự tiết kháng thể tấn công vào tuyến giáp gây ra các bệnh lý trên. Thân mến.[/DAP]
[HOI]Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) có biểu hiện nào để phân biệt với bệnh lao vì cùng gây ho, khó thở, mệt mỏi. Có trường hợp bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm không, vì ở tỉnh điều kiện chẩn đoán không hiện đại như ở Hà Nội? Xin cảm ơn bác sĩ![/HOI]

[DAP]Chào bạn,

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đa số trường hợp là do hút thuốc lá gây nên. Đây là bệnh mạn tính, diễn tiến trong nhiều năm. Bệnh nhân thường có ho khạc đàm kéo dài, khó thở, thở ra kèm theo khò khè.

Đối với trường hợp lao phổi, ngoài triệu chứng ho khạc đàm, bệnh nhân có thể có các triệu chứng khác với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính như ho ra máu, sụt cân, sốt về chiều, đổ mồ hôi đêm, mệt mỏi, suy kiệt.

Để chẩn đoán phân biệt hai căn bệnh này, người bệnh chỉ cần chụp X-quang phổi và xét nghiệm đàm. Các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh này có thể làm ở các bệnh viện tỉnh.[/DAP]
[HOI]Tôi ở Nam Định, gần đây tôi thấy mình mất ngủ, sờ thấy có cục hạch nhỏ ở cổ. Liệu tôi có phải mắc u tuyến giáp không, tôi cần đi khám ở đâu và làm những xét nghiệm gì?[/HOI]
[DAP]Chào bạn,

Khi bạn sờ thấy có một hạch nhỏ ở cổ, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: viêm hạch do siêu vi, ung thư tuyến giáp, hoặc do lao phổi…

Bạn cần đến bệnh viện để được xét nghiệm chẩn đoán. Các bác sĩ có thể chỉ định siêu âm tuyến giáp, chụp X-quang phổi, xét nghiệm máu và chọc hút kim nhỏ vào hạch cổ để chẩn đoán xác định.[/DAP]


[HOI]Tôi có nghe nói có người mắc tiểu đường type 1, có người mắc tiểu đường type 2?[/HOI]
[DAP]Chào bạn,

Bệnh tiểu đường có 4 thể:

- Bệnh tiểu đường type 1, thường xảy ra ở người trẻ;

- Bệnh tiểu đường type 2 là dạng thường gặp nhất, xảy ra ở người lớn tuổi, thừa cân, ít vận động…;

- Tiểu đường thai kỳ là tình trạng tăng đường huyết khi mang thai;

- Các dạng tiểu đường khác không thuộc 3 dạng trên có thể do rối loạn về gen, các bệnh lý ngoại tiết hay do thuốc.[/DAP]
[HOI]Ngáy có thể là triệu chứng của bệnh tiểu đường hay không? Hay mất ngủ có thể mắc tiểu đường hay không?[/HOI]
[DAP]Chào bạn,

Ngáy không phải là triệu chứng của bệnh tiểu đường.

Mất ngủ cũng không phải là yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường. Tuy nhiên nếu bạn mất ngủ do tiểu đêm nhiều, bạn cần phải đi khám bệnh để xem mình có mắc bệnh tiểu đường hay không.

Thân mến.[/DAP]
[HOI]Hiện nay tỷ lệ tham gia BHYT chưa đồng đều giữa các địa phương. Điều này có ảnh hưởng gì đến quỹ BHYT cũng như quyền lợi khám, chữa bệnh của người dân tại BV Quận Thủ Đức không, thưa bác sĩ?[/HOI]
[DAP]Chào bạn,

Tại Bệnh viện Quận Thủ Đức, bệnh nhân có BHYT được hưởng quyền lợi như khi đăng ký khám bệnh BHYT ban đầu, do được thông tuyến bảo hiểm chi trả.

Như vậy, bệnh nhân có BHYT từ các địa phương khác đến khám tại Bệnh viện Quận Thủ Đức được hưởng đầy đủ quyền lợi khám chữa bệnh do BHYT quy định.[/DAP]
[HOI]Còn những biến chứng gì khác của bệnh ĐTĐ nữa? Biến chứng nào đáng sợ nhất? Có tránh được không?[/HOI]
[DAP]Chào bạn,

Bệnh tiểu đường có những biến chứng cấp tính và mạn tính.

Các biến chứng cấp tính thường gặp như hôn mê do tăng đường huyết khi không được điều trị kịp thời đường huyết tăng quá cao.

Các biến chứng mạn tính như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, bệnh lý võng mạc do tiểu đường gây mù lòa, loét chân dẫn đến đoạn chi… Trong đó các biến chứng thường gặp nhất là suy thận, đoạn chi, bệnh lý tim mạch.

Để phòng tránh các biến chứng do tiểu đường bạn cần phải tuân thủ điều trị, thực hiện chế độ ăn và tập thể dục để kiểm soát đường huyết.[/DAP]
[HOI]Em gái tôi đang mang thai, được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ. Vậy đái tháo đường thai kỳ là gì? Liệu có thể phát triển thành bệnh sau này hay không?[/HOI]
[DAP]Chào em,

Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng tăng đường huyết trong thời gian mang thai. Sau khi sanh xong đường huyết sẽ trở về bình thường.

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh có thể gây ra các biến chứng cho cả mẹ và con.

Mặc dù sau khi sanh đường huyết trở về bình thường nhưng sản phụ có nguy cơ bị tiểu đường type 2 sau này. Thân mến.[/DAP]

[HOI]Bố tôi hút thuốc là rất nhiều, mỗi ngày khoảng 1 bao. Thuốc lá có thể gây nên bệnh đái tháo đường không bác sĩ?[/HOI]
[DAP]Chào bạn,

Hút thuốc lá nhiều không phải là yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, hút thuốc là nguy cơ gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh lý về tim mạch.[/DAP]
[HOI]Bệnh viện Quận Thủ Đức đã có những động thái gì để tạo niềm tin cho người dân khi đến đây khám bệnh?[/HOI]
[DAP]Chào bạn,

Để tạo được niềm tin cho người dân đến khám tại Bệnh viện Quận Thủ Đức, bệnh viện đã có nhiều động thái như:

- Nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân như: tổ công tác xã hội thường xuyên nhắn tin nhắc nhở, hướng dẫn bệnh nhân tuân thủ điều trị và tái khám.

- Đầu tư trang thiết bị, nâng cao trình độ chuyên môn của các y bác sĩ thông qua các buổi sinh hoạt khoa học kỹ thuật, đào tạo sau đại học và ở nước ngoài.

- Nâng cao thái độ phục vụ bệnh nhân.

- Quản lý bệnh nhân qua phần mềm, bệnh án điện tử, nhờ vậy mà bệnh nhân không cần đem theo sổ khám bệnh hay các xét nghiệm cũ.

- Bệnh viện Quận Thủ Đức triển khai các phòng khám vệ tinh, hỗ trợ các trạm y tế phường. Qua đó, bệnh nhân có thể đến khám tại cơ sở y tế gần nhà mà chất lượng điều trị tương đương bệnh viện.[/DAP]
[HOI]Tôi là Trần Thu Hà (Hà Nội), tôi xin hỏi: Bố tôi bị huyết áp cao và đái tháo đường được 5 năm và ăn rất mặn. Liệu ăn mặn có ảnh hưởng nhiều đến bệnh không bác sĩ?[/HOI]
[DAP]Chào bạn,

Bệnh nhân bị huyết áp cao cần hạn chế muối trong khẩu phần ăn hàng ngày. Do vậy, bố bạn cần phải ăn nhạt vì ăn mặn sẽ làm huyết áp tăng cao khó khống chế, dễ gây ra các biến chứng như tai biến mạch máu não.[/DAP]
[HOI]Tôi mới bị đái tháo đường, tôi rất hay đánh cầu lông và chạy bộ. Tôi có nên tiếp tục tập thể thao không?[/HOI]
[DAP]Chào bạn,

Bạn nên tiếp tục các môn thể thao mà bạn đang chơi. Vận động tích cực sẽ giúp giảm được lượng đường trong máu của bạn. Tuy nhiên, bạn cần theo dõi đường huyết trước các buổi chơi thể thao để tránh trường hợp hạ đường huyết quá mức trong khi đang chơi.[/DAP]
[HOI]Đề án bệnh viện vệ tinh, đẩy mạnh đào tạo, chuyển giao kỹ thuật để nâng cao năng lực cho y tế tuyến dưới ở Bệnh viện Quận Thủ Đức được triển khai thế nào?[/HOI]
[DAP]Chào bạn,

Bệnh viện Quận Thủ Đức đang thực hiện hỗ trợ chuyên môn cho tất cả trạm y tế tại phường trên địa bàn quận Thủ Đức. Tại đây hàng ngày sẽ có một bác sĩ của bệnh viện tham gia khám và điều trị cho bệnh nhân.

Đồng thời triển khai 2 phòng khám vệ tinh tại 2 phường Bình Chiểu và Hiệp Bình Chánh, tại đây có 4 chuyên khoa chủ yếu là Nội, Ngoại, Sản, Nhi do các bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Quận Thủ Đức tham gia khám bệnh trực tiếp.

Các bệnh nhân đến khám tại các trạm y tế phường và 2 phòng khám vệ tinh được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT theo quy định, nhưng lại được các bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Quận Thủ Đức khám và điều trị.

Đây là chủ trương của Bộ Y tế cho phép Bệnh viện Quận Thủ Đức thí điểm theo mô hình phòng khám gia đình, nhằm mục đích đem y tế đến gần người dân hơn.[/DAP]
[HOI]Với Bệnh viện Quận Thủ Đức thì có được thường xuyên các bác sĩ tuyến trên về cầm tay chỉ việc thực hành nhằm nâng cao tay nghề của bác sĩ tại đây không?[/HOI]
[DAP]Chào bạn,

Bệnh viện Quận Thủ Đức là một bệnh viện trẻ, do đó rất cần các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành hỗ trợ về chuyên môn. Vì vậy bệnh viện thường xuyên mời các thầy cô, các giáo sư đầu ngành về hỗ trợ thường xuyên để giúp các bác sĩ nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.[/DAP]

[HOI]Công việc của tôi đòi hỏi phải tiếp khách, vậy uống bia rượu nhiều, nhưng uống nhiều thì sẽ hại gan. Có thuốc gì giúp giải độc gan không, thưa bác sĩ?[/HOI]
[DAP]Chào bạn,

Uống rượu bia nhiều chắc chắn ảnh hưởng đến gan. Không có thuốc gì có thể giúp bạn giải độc gan triệt để được. Cách duy nhất là bạn phải giảm hoặc ngưng uống rượu bia.[/DAP]
[HOI]Tôi mới chớm bị cao huyết áp. Bác sĩ dặn phải cữ đồ mặn. Tôi có nên kiêng cữ bớt các món như thịt kho, mứt... không? Tôi bị cao huyết áp nhưng thỉnh thoảng mới uống thuốc, như vậy bệnh có tiến triển tới mức phải uống mỗi ngày không, nếu tôi không kiêng mặn, mỡ và tập thể dục? Cám ơn bác sĩ. (Kim Kim, Đà Nẵng)[/HOI]
[DAP]Chào bạn,

Khi bị tăng huyết áp bạn cần phải hạn chế ăn mặn, thức ăn nhiều dầu mỡ.

Nếu huyết áp bạn chỉ tăng nhẹ, bạn cần thực hiện chế độ ăn lành mạnh, giảm muối, ăn nhiều rau quả có chứa nhiều kali như chuối, cam… thực hiện vận động mỗi ngày. Nếu huyết áp không đạt mục tiêu điều trị, khi đó bạn cần phải uống thuốc mỗi ngày.[/DAP]
[HOI]Để nâng cao chất lượng của y tế cơ sở, Bộ Y tế có những biện pháp gì để từng bước đổi mới về phương thức chi trả các gói dịch vụ y tế cơ sở? Cụ thể tại Bệnh viện Quận Thủ Đức.[/HOI]
[DAP]Chào bạn,

Hiện nay Bộ Y tế đã thực hiện chi trả theo các gói dịch vụ y tế. Tại Bệnh viện Quận Thủ Đức chính sách này đã giúp bệnh viện nâng cao chất lượng điều trị, đảm bảo lợi ích, quyền lợi BHYT của bệnh nhân.[/DAP]
[HOI]Tôi bị viêm xoang mãn. Chỉ khi uống kháng sinh thì mới bớt. Nhưng tôi rất sợ uống kháng sinh vì lo bị kháng kháng sinh, thêm nữa uống nhiều sẽ bị táo bón và tác dụng phụ. Có cách nào để tránh phải vào bệnh viện với cái mũi sưng tấy, thưa bác sĩ? (Lê Thị Hồng Ngát, 56 tuổi, Thủ Đức, TP.HCM)[/HOI]
[DAP]Chào bạn,

Viêm xoang mạn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bạn cần phải đến bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng khám và chỉ định cận lâm sàng để xác định nguyên nhân.

Khi đó, các bác sĩ sẽ có phương án điều trị cụ thể.[/DAP]
[HOI]Bác sĩ cho em hỏi, với người bị cao huyết áp có nên đi vái lạy nhiều không. Mẹ tôi hay lạy ở chùa chiền cả vài trăm cái mỗi lần. (Nguyễn Tân Linh, 43 tuổi, TP.HCM).[/HOI]
[DAP]Chào bạn,

Niềm tin của mẹ bạn là không thể thay đổi được. Nếu huyết áp được kiểm soát tốt thì việc vái lạy ở mức độ phù hop với sức khỏe của bác sẽ không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng.[/DAP]
[HOI]Ngộ độc rượu bia biểu hiện như thế nào? Làm cách nào để phân biệt được ngộ độc rượu bia và say rượu bia, nó khác nhau như thế nào thưa bác sĩ?[/HOI]
[DAP]Chào bạn,

Ngộ độc rượu bia là tình trạng rối loạn tri giác vận động do uống rượu bia quá nhiều, có thể có các triệu chứng như: nôn ói, yếu chi, lú lẫn, thậm chí hôn mê và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Say rượu thì rất thường gặp vì người say rượu có những biểu hiện như không kiểm soát được hành vi lời nói, ói mửa…

Còn ngộ độc rượu thì triệu chứng ở mức độ nặng hơn như đã đề cập ở trên.[/DAP]
[HOI]Khi đến Bệnh viện Quận Thủ Đức kiểm tra một số bệnh không lây nhiễm, tôi cần mang gì và thủ tục làm ra sao?[/HOI]
[DAP]Chào bạn,

Khi đến Bệnh viện Quận Thủ Đức để kiểm tra một số bệnh không lây nhiễm bạn có thể:

- Đăng ký khám bệnh trực tuyến để giảm bớt thời gian chờ đợi.

- Đem theo giấy tờ tùy thân và BHYT nếu có.

- Đến quầy đăng ký để đăng ký khám bệnh.

- Khi đi khám bệnh tốt nhất bạn nên nhịn đói để xét nghiệm khi cần.

Thân mến.[/DAP]

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng Thực phẩm, ĐH Y Dược TPHCM; Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa tại Đại học Y Dược TPHCM năm 1986. Hiện nay, bà là Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM.
Bà là giáo sư thỉnh giảng của Trường Khoa học Dinh dưỡng và Vận động - Đại học Công nghệ Queensland, Australia. Bà có nhiều nghiên cứu khoa học có giá trị trong lĩnh vực dinh dưỡng, thực phẩm… Các chủ đề nghiên cứu chính của BS Đỗ Thị Ngọc Diệp gồm: Béo phì, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng, dinh dưỡng học đường, thực đơn chuẩn cho các loại hình lao động.

Hiện nay, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp là một trong những bác sĩ tham gia nhiều chương trình tư vấn giải pháp dinh dưỡng, chia sẻ thông tin về sức khỏe nhất tại Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng.
BS.CK2 Ngô Thế Phi hiện là Trưởng Khoa Nội tiết, Bệnh viện Quận Thủ Đức. Ông là một trong những bác sĩ giàu kinh nghiệm, được nhiều bệnh nhân tin tưởng và đánh giá là bác sĩ top đầu trong lĩnh vực tiểu đường nói riêng và nội tiết nói chung.



Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X