Hotline 24/7
08983-08983

Giải pháp thoát khỏi chứng nhức đầu do căng thẳng

Bạn có biết khoảng 90% số người trưởng thành bị đau đầu do căng thẳng? Đây là triệu chứng ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại, khi nhiều gánh nặng từ gia đình, công việc đặt trên vai mà không có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc cho bản thân.

1. Đau đầu do stress là gì? Nhận diện và phân loại

Cuộc sống ngày càng hiện đại, văn minh mang đến không biết bao nhiêu tiện nghi nhưng đồng thời con người phải sống nhanh hơn, dốc hết sức lực chạy đua với thời gian để chạm đích thành công sớm hơn. Nhưng áp lực càng lớn càng khiến tinh thần dễ bị tổn thương, dẫn đến stress, biểu hiện thường thấy nhất là bị những cơn đau đầu “hành hạ” thường xuyên.

Nếu có những dấu hiệu này, có thể bạn đã gặp phải tình trạng đau đầu do stress, hay đau đầu do căng thẳng. Đây là loại đau đầu thường gặp nhất, khoảng 90% số người trưởng thành có loại đau đầu này, đặc biệt là ở phụ nữ.

Khoảng 90% số người trưởng thành bị đau đầu do căng thẳng, đặc biệt là ở phụ nữ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Theo TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115, đặc điểm của đau đầu loại căng thẳng là cơn đau thường ê ẩm, cảm giác bóp siết ở vùng đầu, đè ép thắt chặt, vị trí đau thường ở vùng da đầu, thái dương, vai gáy, thường đau cả 2 bên.

Cơn đau này không theo nhịp đập, không nôn ói, buồn nôn, không sợ ánh sáng hay tiếng động nhưng thường xảy ra hoặc đau tăng lên khi làm việc căng thẳng, gặp stress trong cuộc sống. Thời gian cơn đau nếu không điều trị thường kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Ngoài ra, người đau đầu loại căng thẳng cũng dễ bị mất ngủ, hay hồi hộp, lo lắng.

Đau đầu căng thẳng được chia làm 2 loại. Đau đầu do căng thẳng nhất thời thường chỉ kéo dài từ nửa giờ đến vài ngày, nhưng đau đầu do căng thẳng kinh niên (mãn tính) khiến người bệnh gặp phải những cơn đau kéo dài ít nhất 15 ngày mỗi tháng và trong tối thiểu 6 tháng kèm theo mất ngủ, ngủ chập chờn, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, thiếu tập trung…

2. Làm sao chấm dứt cơn đau đầu do căng thẳng?

TS.BS Đinh Vinh Quang hướng dẫn, nếu những cơn đau đầu gây “phiền hà” đến cuộc sống thì cần phải thăm khám với bác sĩ để xác định vị trí bệnh nhân cảm thấy đau, thời gian đau, tính chất trong cơn đau có tính chất căng thẳng hay đập theo nhịp máu hoặc có kèm theo nôn ói hay không. Từ đó bác sĩ sẽ phân loại, chẩn đoán bệnh nhân theo kiểu đau đầu nào và có hướng điều trị cho bệnh nhân một cách thích hợp.

Ngoài việc đến bác sĩ khám, tự bản thân mỗi người phải chú ý tìm ra nguyên nhân để có cách tự chữa lành cho mình. Trước hết hãy tránh tiếp xúc với những nguyên nhân có thể gây căng thẳng, mệt mỏi cho mình, siêng năng tập thể dục, tập yoga, chơi thể thao.

Hãy cân bằng giữa việc làm việc, học tập và nghỉ ngơi để tránh bị căng thẳng gây ra các cơn đau đầu. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Về mặt tinh thần, nên cân bằng mọi việc trong cuộc sống và cố gắng điềm tĩnh, không nghiêm trọng hóa các vấn đề, giảm bớt gánh nặng công việc... Hãy cân đối việc nghỉ ngơi, gia đình và công việc. Nếu bắt đầu xuất hiện cơn đau thì tốt nhất nên thư giãn, hoặc ít nhất thực hiện các động tác massage lên mặt và da đầu để giúp cơn đau nhanh chóng được xoa dịu.

Nếu những điều này không hữu hiệu, các cơn đau đầu với tần suất và cường độ ngày càng tăng, không có xu hướng thuyên giảm thì có thể dùng các thuốc giảm đau thông thường, chẳng hạn như Paracetamol. Đây là một trong những nhóm giảm đau an toàn và lành tính, ít tác dụng phụ trên cơ thể nhất.

Dạng thường dùng nhất của paracetamol ở người lớn là dạng viên uống. Về liều lượng có thể tính trên cân nặng của người bệnh. Theo khuyến nghị quốc tế là từ 10-15mg paracetamol/kg/lần, uống 4-6 lần/ngày và không quá 4g/ngày. Với cách tính này, với người từ 33-50kg thường dùng liều paracetamol 500mg, từ 43-65kg liều 650mg và 67-100 kg dùng liều 1.000mg.

3. Đau đầu do căng thẳng: Khi nào nên uống thuốc, dùng bao nhiêu là đủ?

• Thưa TS.BS Đinh Vinh Quang, đau đầu do căng thẳng có phải do đau đầu căng cơ không ạ? Em tìm hiểu để khắc phục nên thấy lúng túng giữa 2 tình trạng này? (Phương Nhi - TPHCM)

TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 trả lời:

Đau đầu dạng căng thẳng là một cơn đau lan tỏa từ nhẹ đến trung bình và thường được mô tả là cảm giác như một vòng buộc chặt quanh đầu. Đau đầu dạng này thường không phải do một tình trạng bệnh gây ra và thường được gọi là đau đầu lành tính. Những tên gọi khác trước đây từng dùng như đau đầu căng cơ, đau đầu nguyên phát, đau đầu stress.

Bởi vì có quá nhiều tên cho dạng đau đầu này nên Hiệp hội đau đầu thế giới đã thống nhất sử dụng từ “Đau đầu dạng căng thẳng”.

TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115

• Đau đầu khi stress, căng thẳng không điều trị dẫn đến hậu quả gì thưa BS? Em bị áp lực đủ thứ, từ gia đình, công việc đến chồng con nên thường hay đau căng đầu mà giờ thì chưa sắp xếp được thời gian đi khám. (Trần Phạm Anh Thư - thutran…@gmail.com)

TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 trả lời:

Hầu hết đau đầu đều vô hại, đa số có thể giảm đau sau khi nghỉ ngơi mà không cần dùng thuốc hoặc chỉ một vài loại giảm đau thông thường như paracetamol.

Tuy nhiên, việc đau đầu kéo dài trên ba tháng sẽ trở thành mãn tính gây ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống là rất lớn. Người bệnh có thể bị suy giảm nhận thức, kém trí nhớ, mất năng lực làm việc, mất ngủ trầm trọng, rối loạn ăn uống, gây ảnh hưởng đến cảm xúc, hạnh phúc gia đình... Người đau đầu mãn tính còn có thể bị tăng lipid máu, mắc các bệnh lý tiêu hóa, rối loạn tim mạch, cao huyết áp...

Bên cạnh đó, những người hay bị stress, căng thẳng trong cuộc sống, công việc, thiếu ngủ còn có thể bị đau nửa đầu migraine. Đặc tính của đau đầu migraine là đau nửa đầu (thỉnh thoảng có đau hai bên), cảm giác đập, giật giật đau buốt một bên đầu, đi kèm cảm giác buồn nôn hoặc nôn ói. Cường độ đau có thể tăng lên khi tiếp xúc với ánh sáng, tiếng ồn.

Cơn đau đầu này có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày và có cường độ đau mạnh nhất so với tất cả các loại đau đầu khác. Khi đau đầu migraine kéo dài có thể ảnh hưởng đến thị lực, gây mù và là yếu tố nguy cơ gây tai biến mạch máu não.

Vì thế, bạn nên sắp xếp lại thời gian của mình, hãy cho phép bản thân được nghỉ ngơi khi cần thiết, thư giãn khi căng thẳng. Nếu tình trạng đau đầu này còn tiếp diễn, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn, tìm ra giải pháp khắc phục.

• Hôm trước em đau đầu quá nên được dược sĩ kê cho thuốc Hapacol 650mg. Nhưng trước đây em vẫn hay dùng loại 500mg thôi, nay dùng 650mg thì có vấn đề gì không ạ? Em là nữ, 48kg ạ. Em cảm ơn. (Phạm Phương Thanh - Q.5, TPHCM).

TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 trả lời:

Bạn thân mến,

Paracetamol có nhiều dạng sử dụng với nhiều hàm lượng khác nhau, thường dùng để điều trị nhiều tình trạng như đau đầu, đau cơ, viêm khớp, đau lưng, đau răng, cảm lạnh và sốt.

Trong đó, hàm lượng Paracetamol dành cho người lớn phổ biến là 500, 650 và 1.000mg. Theo khuyến nghị quốc tế là từ 10-15mg paracetamol/kg/lần, uống 4-6 lần/ngày và không quá 4g/ngày.

Khoảng 2 thập kỷ trước, thể trạng của người Việt chưa được cải thiện. Theo Viện Dinh dưỡng, năm 2006, cân nặng trung bình ở nam chỉ 54kg và nữ là 48kg. Vì vậy, paracetamol hàm lượng 500mg phù hợp với cân nặng của người Việt thời điểm bấy giờ.

Song, những năm gần đây, tầm vóc của người Việt đã có chuyển biến. Năm 2019, trung bình cân nặng nam giới đã tăng lên 59,2±8,9kg và nữ là 50,8±6,6kg. Như vậy, liều 650mg paracetamol phù hợp với cân nặng phổ biến nhất của người Việt ở cả hai giới hiện nay là 43-65kg.

Cân nặng của bạn hiện tại là 48kg, dược sĩ kê paracetamol 650 mg là phù hợp. Bạn tuân thủ hướng dẫn của dược sĩ để đạt hiệu quả điều trị.

Paracetamol là một trong các loại thuốc giảm đau phổ biến nhất hiện nay, cần dùng đúng hàm lượng để đạt hiệu quả tối ưu trong giảm đau khi cần thiết. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

• Lưu ý khi dùng thuốc giảm đau thưa BS? Chồng em thi thoảng đau đầu hoặc đau răng thì hay dùng paracetamol. Mong BS cho lời khuyên. (Hồng Hà - nguyenha…@gmail.com)

TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 trả lời:

Thuốc giảm đau thông thường paracetamol được dùng để giảm đau tạm thời trong điều trị chứng đau nhẹ và vừa.

Khi dùng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng về liều lượng, có thể tính theo liều mg/kg cân nặng.... Nếu còn đau thì 4-6 giờ sau mới được uống nhắc lại. Không được dùng paracetamol để tự điều trị giảm đau quá 10 ngày ở người lớn hoặc quá 5 ngày ở trẻ em, trừ khi do thầy thuốc chỉ định, vì đau nhiều và kéo dài có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị có giám sát bởi thầy thuốc.

Không uống rượu trong khi dùng thuốc vì uống rượu có thể gây tăng độc tính với gan của paracetamol. Khi dùng thuốc, cần cảnh giác với các tác dụng không mong muốn (mặc dù ít hoặc hiếm gặp) như ban đỏ, mày đay... Khi gặp các tác dụng phụ này cần ngừng thuốc.

Trân trọng!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X