Giải đáp TOP 10 thắc mắc thường gặp về bệnh cúm mùa và sốt xuất huyết
Làm gì để giảm nhẹ triệu chứng khi mắc cúm mùa? Cách làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh khi tiếp xúc với người bệnh? Vì sao bị sốt xuất huyết phải lấy máu liên tục? Do đâu mà người bệnh sốt xuất huyết giảm tiểu cầu nhưng không được truyền tiểu cầu… Tất cả những thắc mắc này đã được BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc, Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM giải đáp trong bài viết.
Phần 1: Chẩn đoán sớm, nhận biết biến chứng của cúm mùa và sốt xuất huyết
1. Cần làm gì để giảm nhẹ các triệu chứng của cúm mùa?
Thưa BS, em bị cúm, làm sao để đề phòng lây nhiễm cho con ạ? Cúm làm em đau nhức mình mẩy, sốt hầm hập rất khó chịu… Nhờ BS tư vấn giúp em, làm gì để giảm nhẹ các triệu chứng khi bị cúm mùa này ạ?
Triệu chứng trên của bạn thính giả gửi câu hỏi về cho chương trình chính là một triệu chứng điển hình của cúm mùa. Khi nhiễm cúm người bệnh sẽ sốt, đau nhức và mệt mỏi. Cúm thường lây qua đường hô hấp, cách để phòng ngừa lây nhiễm ở trẻ là mang khẩu trang.
Trong quá trình sinh hoạt, khi tay tiếp xúc với các dịch tiết ra từ môi trường xung quanh như ho hoặc khi chăm sóc cho người bị cúm, nếu sau đó phụ huynh không rửa tay và tiếp xúc gần với con sẽ vô tình lây nhiễm bệnh cho trẻ.
Do đó, người bệnh cúm cần phải đeo khẩu trang và nên cách ly, có thể nhờ sự hỗ trợ từ người chồng hoặc gia đình giúp chăm sóc trẻ trong thời gian nhiễm bệnh. Người bệnh vẫn có thể chăm sóc cho con mình, nhưng mật độ tiếp xúc gần cần hạn chế để đảm bảo khoảng cách và giữ an toàn tránh tình trạng lây bệnh sang cho trẻ.
Về vấn đề giảm nhẹ các triệu chứng khi cúm, như đã đề cập chủ yếu người bệnh cần được điều trị các triệu chứng. Ví dụ khi sốt từ 38,5C trở lên kèm theo nhức mình, người bệnh có thể dùng Paracetamol để hạ sốt, ở người lớn từ 60-70kg chỉ nên uống 1 viên. Ở những người bệnh 100-120kg cũng chỉ nên uống tối đa 2 viên để hạ sốt.
Hiện nay, Paracetamol có 2 loại dạng viên uống là loại 500mg và 650mg, người bệnh nên dựa trên thể trạng của cơ thể và tốt nhất nên uống 1 viên cho mỗi lần hạ sốt.
Người bệnh cũng có thể tăng cường sức đề kháng bằng cách cung cấp thêm vitamin cho cơ thể, đặc biệt là vitamin C. Ví dụ người bệnh có thể uống một viên vitamin C 500mg hoặc uống nước cam để bổ sung thêm chất cho cơ thể.
Khi bị cúm, người bệnh sẽ bị mất nước, do đó việc uống nhiều nước là vô cùng quan trọng và cần thiết. Uống đủ nước sẽ giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất, chống lại bệnh tật. Về dinh dưỡng, người bệnh nên ăn những loại thức ăn lỏng, dễ tiêu như súp, cháo,… giúp tái tạo năng lượng vượt qua bệnh tật. Việc thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung dưỡng chất và cung cấp đủ nước sẽ giúp cho người bệnh cúm vượt qua được các triệu chứng nặng gây cảm giác khó chịu.
2. Làm sao hạn chế nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc với người bệnh cúm?
BS ơi, nếu tiếp xúc với người bị cúm, trong khi mình chưa bị và cũng chưa tiêm. Trường hợp này làm sao để hạn chế nguy cơ mắc bệnh xuống thấp nhất ạ?
Nếu đã tiếp xúc với người bệnh cúm, cơ thể sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh. Nhưng nếu khoảng cách tiếp xúc trên 1m, hầu như sẽ không mắc bệnh. Chính vì vậy, trong việc phòng ngừa, người bệnh thường giữ khoảng cách 1m. Ví dụ ở bệnh COVID-19 khoảng cách quy định là 2m.
Nếu giữ được khoảng cách tiếp xúc với người bệnh từ 1m trở lên, khả năng nhiễm bệnh cúm là rất thấp. Bên cạnh việc giữ khoảng cách an toàn, người bệnh và người tiếp xúc cũng có thể mang khẩu trang để phòng ngừa tình trạng lây nhiễm bệnh.
Thời gian ủ bệnh của cúm từ 12 giờ đến 3 ngày, nếu trong khoảng thời gian này không xuất hiện các triệu chứng của cúm, bạn có thể yên tâm bản thân không bị lây nhiễm cúm sau tiếp xúc với người bệnh.
Trong khoảng thời gian ủ bệnh, để tránh nguy cơ nhiễm bệnh, có thể áp dụng những biện pháp để tăng sức đề kháng cho cơ thể như nghỉ ngơi, làm việc điều độ, không gắng sức, thức khuya, bổ sung thêm các dưỡng chất như vitamin C trong các loại trái cây để giúp cơ thể chống lại được các loại virus gây bệnh.
3. Vắc xin ngừa cúm mùa có nằm trong chương trình Tiêm chủng mở rộng?
Trẻ từ bao nhiêu tuổi có thể tiêm ngừa cúm mùa? Vắc xin cúm có trong chương trình TCMR không ạ? Một số loại thuốc cần uống buổi sáng hoặc buổi chiều, tối, vậy với vắc xin thì nên tiêm thời điểm nào trong ngày là tối ưu, phù hợp nhất, thưa BS?
Hiện nay, việc tiêm ngừa cúm chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng mà là một loại tiêm ngừa bổ sung tự nguyện. Nhiều phụ huynh lo lắng về sức khỏe của con mình, muốn chăm sóc và bảo vệ một cách tối ưu sẽ chủ động cho trẻ tiêm ngừa cúm.
Theo các nghiên cứu, thời điểm tiêm ngừa cúm thích hợp cho trẻ từ khoảng 6 tháng trở lên. Thông thường ở nhóm tuổi dưới 6 tháng hoặc 12 tháng, khả năng trẻ bị cúm sẽ ít do trẻ còn đang trong giai đoạn dùng sữa mẹ, nguồn kháng thể trong lúc mang thai được truyền từ mẹ sang con. Do đó, trẻ từ 3-6 tháng đầu thường sẽ ít mắc bệnh, nhưng sau 6 tháng sẽ bắt đầu xuất hiện những nguy cơ nhiễm bệnh.
Tùy thuộc vào thể trạng của trẻ và những bệnh lý đi kèm, phụ huynh có thể đến trung tâm tiêm ngừa và nhận được sự tư vấn từ các bác sĩ để đưa ra chọn lựa thích hợp nhất cho việc phòng ngừa cho trẻ.
4. Có nên tiêm ngừa cúm khi đang sử dụng kháng sinh?
Thưa BS, đang bị ốm, sử dụng kháng sinh thì nên tiêm ngừa cúm vào thời điểm này không? Nếu không được, bao lâu sau khi khỏi bệnh tiêm là tốt nhất ạ? Sử dụng kháng sinh trước đó có ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin không ạ?
Thuốc kháng sinh được sử dụng trong trường hợp điều trị trị các bệnh lý liên quan đến vi khuẩn và không liên quan đến virus. Cúm là một loại virus nên người bệnh có thể tiêm ngừa trong thời gian điều trị bệnh có sử dụng kháng sinh.
Tuy nhiên, thông thường khi cơ thể đang khỏe mạnh, chích ngừa sẽ tốt hơn. Bởi vì, sau khi chích ngừa chúng ta cũng có khả năng bị “hành” bởi các tác dụng phụ sốt, mệt mỏi, uể oải… sẽ khó phân biệt với các triệu chứng bệnh đang có.
Riêng với trẻ em, những vắc xin khác (không phải cúm mùa, lịch trình tiêm nhiều mũi), nếu bé bệnh nhẹ (vẫn chơi, ăn được - bú được, ngủ được có ho, sổ mũi nhưng không sốt…) thì vẫn tiêm ngừa, để kịp lịch tiêm của các bé.
5. Đồng nhiễm sốt xuất huyết và cúm mùa có làm bệnh nặng hơn?
Em bị sốt xuất huyết, hôm nay ngày thứ 5, vẫn khám theo hẹn của bác sĩ. Nhưng hiện tại em lại ho hắng, có đờm, sổ mũi, nghẹt mũi.
- Triệu chứng này do sốt xuất huyết, hay là bệnh mới, thưa BS? Vì gần đây chỗ em ở nhiều người bị cảm, cúm như vậy lắm ạ?
- Mắc cùng lúc hai bệnh như vậy, liệu có làm bệnh dễ trở nặng hơn không, thưa BS?
Các nghiên cứu thấy rằng, thực tế có những bệnh đồng nhiễm, nghĩa là bị 2 virus cùng lúc. Trường hợp của em bị sốt xuất huyết ngày thứ 5 và có thêm các triệu chứng như mô tả thì có thể đồng nhiễm một tác nhân (có thể là virus, vi khuẩn).
Hiện vẫn chưa chứng minh được việc mắc đồng nhiễm sẽ gây bệnh nặng hơn. Bởi thực tế có trường hợp mắc đồng nhiễm hai bệnh nhưng vẫn nhẹ và phục hồi. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết điều này có thể xảy ra. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết type 2 hay type 3 có độc lực cao và mắc thêm cúm mùa độc lực cũng cao thì nguy cơ sẽ có biến chứng nhiều hơn, nặng hơn người mắc đơn thuần sốt xuất huyết hoặc cúm mùa. Do đó, khi bệnh nhân mắc đồng nhiễm, bác sĩ luôn có thái độ thận trọng để điều trị cho bệnh nhân tốt nhất.
Vì vậy, em vẫn nên đến bệnh viện, bác sĩ chuyên khoa khám để định bệnh chính xác, ví dụ như thăm khám (khám tai mũi họng, nghe phổi, kiểm tra đàm…), từ đó có hướng điều trị phù hợp.
6. Mắc sốt xuất huyết lần 2 dễ trở nặng hơn lần đầu?
BS ơi, em nghe nói người bệnh sốt xuất huyết lần 2 thường nặng hơn lần đầu? Máu càng cô đặc, bệnh càng dễ trở nặng hơn. Điều này có đúng không ạ?
- Em lo quá, em đã bị sốt xuất huyết lần đầu cách đây hơn 2 năm, giờ lại bị nữa. BS có lưu ý gì trong theo dõi, điều trị cho những trường hợp mắc lần 2, lần 3 như em không ạ?
Trong sốt xuất huyết có 4 type virus Dengue (Dengue 1, 2, 3 và 4). Như vậy, chúng ta có thể mắc 4 lần sốt xuất huyết. Khi nhiễm type nào sẽ bảo vệ cơ thể trước type đó, nhưng vẫn còn nguy cơ mắc các type còn lại.
Các nghiên cứu chỉ ra, sốt xuất huyết sơ nhiễm (mới bị lần đầu), các biểu hiện sinh kháng thể cũng như đáp ứng miễn dịch ở mức độ vừa phải, đa số bệnh nhân sẽ nhẹ, nhưng cũng vẫn có những trường hợp diễn tiến nặng. Trong khi đó, sốt xuất huyết tái nhiễm, vì miễn dịch “có trí nhớ” nên sẽ bùng phát, phản ứng rất mạnh, đặc biệt là trên cơ địa tổng trạng tốt, hoặc dư cân, béo phì, do đó có thể có nguy cơ xảy ra biến chứng. Tuy nhiên cũng có những trường hợp mặc dù có cơ địa này nhưng biểu hiện bình thường, ở thể nhẹ, không diễn tiến nặng.
Do đó, các bác sĩ thường sẽ theo dõi những bệnh nhân có cơ địa đặc biệt như vậy (dư cân, béo phì, người rất khỏe mạnh…) lưu ý phản ứng miễn dịch mạnh. Để nhận biết sốt xuất huyết tái nhiễm, bác sĩ thăm hỏi tiền sử bệnh nhân, qua đó sẽ cảnh giác hơn và có hướng xử trí, theo dõi phù hợp.
7. Ăn gì, thuốc gì làm tăng tiểu cầu khi bị giảm tiểu cầu do sốt xuất huyết?
Thưa BS, giải pháp điều trị cho những trường hợp sốt xuất huyết tiểu cầu là gì? Người bệnh bị giảm tiểu cầu do sốt xuất huyết, ăn gì và tránh gì để tăng tiểu cầu trở lại nhanh nhất? Tình trạng giảm tiểu cầu này có để lại di chứng về sau không ạ?
Trong sốt xuất huyết có tình trạng giảm tiểu cầu, nếu trong trường hợp bệnh nhân không có biến chứng sốc, tổn thương các cơ quan, đặc biệt là rối loạn đông máu, xuất huyết thì hầu như tiểu cầu sẽ tự phục hồi. Hiện không có thuốc tăng tiểu cầu hoặc thực phẩm làm tăng tiểu cầu nhưng điều quan trọng là khi tiểu cầu giảm thì phải tránh những yếu tố dễ làm chảy máu (va đập, té ngã…), nên ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu, tránh đồ cứng, gai góc làm xâm phạm niêm mạc, gây trầy-chảy máu.
Giảm tiểu cầu phục hồi rất tốt. Tuy nhiên lưu ý, qua nghiên cứu thấy rằng, phục hồi về số lượng nhưng về chất lượng cần phải có thời gian. Điều đó có nghĩa là khi tiểu cầu trở về bình thường, chất lượng còn chưa tốt. Một tiểu cầu chức năng tốt khi quan sát trên kính hiển vi sẽ thấy tập trung tốt, ngược lại nếu không tốt vẫn sẽ thấy nhiều nhưng tản mác - độ tập trung không tốt. Ví dụ, có một số trường hợp người bệnh tiểu cầu số lượng trên 50.000mm3, sau khi khỏi bệnh vẫn duy trì con số này, 2-4 tuần sau mới tăng lên 200.000mm3. Do đó, người bệnh cần lưu ý, sau khi mắc bệnh, có giảm tiểu cầu thì cần chú ý các động tác, giữ để tránh va chạm, ăn uống đồ mềm. Qua khoảng 1 tháng chúng ta có thể yên tâm tất cả trở về bình thường.
8. Tại sao bị sốt xuất huyết phải đi khám, làm xét nghiệm liên tục?
Tại sao khi bị sốt xuất huyết phải đi khám, làm xét nghiệm liên tục, thử máu nhiều lần vậy BS ơi? Việc lấy máu nhiều lần để làm xét nghiệm như vậy có làm trẻ bị mất máu, thiếu máu không ạ?
Đây là lo lắng thường gặp của các bậc phụ huynh. Thể tích máu của trẻ em, đối với sơ sinh khoảng 80 mL/kg (ví dụ bé 3 kg là khoảng 240mL), đối với trẻ lớn khoảng 70 mL/kg (trẻ 10kg được khoảng 700 mL). Mỗi lần lấy ống máu để kiểm tra chỉ chiếm khoảng 0,1 - 0,2 mL. Số lượng này không nhiều, 1 mL chúng ta có thể lấy 5-10 lần. Do đó, phụ huynh đừng quá lo lắng.
Hai nữa, việc lấy máu này rất có ích, bởi vì giúp phát hiện ra tình trạng cô đặc máu sớm. Nếu chúng ta để trẻ xảy ra triệu chứng tay chân lạnh, mạch nhẹ, huyết áp tụt thì đôi khi sẽ trễ, trong khi đó khi kiểm tra máu - HCT tăng có thể kịp thời đưa ra hướng xử trí. Ví dụ trẻ 5 tuổi, 20kg - HCT thông thường khoảng 37-38%, nhưng thử máu thấy 40-42-44%, chỉ số tăng lên dần. Mặc dù em bé tươi tỉnh nhưng có biểu hiện ói cùng với HCT tăng là một dấu chứng báo động vào sốc, khi đó bác sĩ sẽ xử lý ngay. Qua đó, giúp phát hiện biến chứng từ sớm, ngăn chặn tình trạng phải thở máy, lọc máu, truyền máu-tiểu cầu, chạy ECMO…
9. Vì sao người bệnh sốt xuất huyết bị hạ tiểu cầu nhưng không được truyền tiểu cầu?
Bé nhà em 13 tuổi, bị sốt xuất huyết, xét nghiệm máu thì thấy tiểu cầu hạ, nhưng không được nhập viện, không được truyền tiểu cầu. Em lo lắm. BS tư vấn giúp em, hạ tiểu cầu mức nào thì mới được truyền tiểu cầu ạ? Và giờ ở nhà thì nên theo dõi bé như thế nào, thưa BS?
Ở người lớn, trẻ lớn, khi mắc sốt xuất huyết, tiểu cầu giảm rất dữ dội, có những trường hợp giảm chỉ còn 5.000 (trong khi mức bình thường là 200.000 - 300.000mm3), nghĩa là giảm gấp hơn 40 lần. Nghiên cứu thấy rằng, nếu trẻ lớn - người lớn, giảm tiểu cầu nhưng vẫn tỉnh táo, ăn uống được… thì cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước - vì sốt xuất huyết dễ làm cô đặc máu, có thể dùng nước lọc, nước cam, chỉ trừ những nước có màu đen, màu đỏ để tránh nhầm lẫn với xuất huyết.
Như vậy, nếu trẻ giảm tiểu cầu nhưng vẫn ăn-chơi tốt thì đừng quá lo lắng, dần dần em bé sẽ phục hồi, thường từ ngày 6, ngày 7, số lượng tiểu cầu sẽ tăng lên từ từ.
Năm 2006, tại Singapore - một quốc gia không có nhiều ca bệnh sốt xuất huyết - bệnh nhân bị giảm tiểu cầu về 15.000mm3 và được truyền tiểu cầu ngay, nhưng không may bị sốc. Thuốc hay chế phẩm máu đều có song song tác dụng chính và tác dụng phụ. Khi đó các chuyên gia Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm với Singapore, với những trường hợp giảm tiểu cầu về 5.000mm3.
Thực tế, đây là ngưỡng ranh giới - nếu không truyền tiểu cầu lo sợ xuất huyết não, nhưng truyền thì có thể sốc - trong khi bệnh nhân tỉnh táo. Vấn đề này còn gây nhiều tranh cãi. Do đó, phác đồ của Bộ Y tế khuyến cáo, nếu tiểu cầu của người bệnh 5.000mm3, các bác sĩ sẽ hội chẩn để xem xét chỉ định truyền tiểu cầu. Song, cần nhấn mạnh, đây là những trường hợp đặc biệt, cần cân nhắc kỹ lưỡng để quyết định hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Ở miền Nam có nhiều ca sốt xuất huyết, vì vậy kinh nghiệm của các bác sĩ ở nhiều bệnh viện lớn thấy rằng, nếu tiểu cầu 5.000mm3 mà người bệnh tỉnh táo, ăn uống được, chỉ cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, có thể phục hồi ở ngày 6, ngày 7.
10. Thời tiết trở lạnh, làm sao để chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh cúm?
Thời tiết lạnh là yếu tố nguy cơ của siêu vi, đặc biệt là cúm. Vì vậy, chúng ta cần lưu ý để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của bản thân và các em nhỏ. Trong đó, cần có các biện pháp thông thường từ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, tiêm ngừa. Một vấn đề quan trọng hơn là khi có biểu hiện sốt, nhức mỏi, mệt, thậm chí là ho, nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi… thì nên đến các cơ sở y tế để thăm khám. Đặc biệt là những trường hợp diễn tiến nhanh, ác tính (chùm ca bệnh hoặc người bệnh diễn tiến nhanh như suy hô hấp, mệt) cần làm xét nghiệm sớm để chẩn đoán nhanh.
Diễn tiến thông thường của cúm mùa là 7 ngày, nhưng có một số trường hợp diễn tiến nặng đòi hỏi phải được chẩn đoán sớm. Ngoài ra, trong các loại siêu vi chỉ có cúm mùa là có vắc xin phòng ngừa, vì vậy nên tiêm ngừa để bảo vệ sức khỏe.
Trân trọng cảm ơn BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến và Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, Ngành hàng Chẩn đoán nhanh Văn phòng đại diện công ty Abbott Việt Nam đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.
Chương trình Nâng cao nhận thức về mối hiểm nguy và lợi ích của việc chẩn đoán sớm các bệnh truyền nhiễm thường gặp do AloBacsi thực hiện với sự đồng hành của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, phối hợp cùng Ngành hàng Chẩn đoán nhanh Văn phòng đại diện công ty Abbott Việt Nam. Chương trình được phát sóng trên hệ thống các kênh của AloBacsi và Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ. Chuỗi chương trình gồm 4 buổi chia sẻ, diễn ra từ tháng 11 đến tháng 12 năm nay. Chương trình sẽ cập nhật những kiến thức hữu ích về các bệnh truyền nhiễm thường gặp như: Tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm mùa, viêm gan B - HIV - giang mai truyền từ mẹ sang con, v.v. Mời quý khán giả xem lại các chương trình đã phát sóng trên AloBacsi: Kỳ 1: Mối hiểm nguy của bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và cách thức chẩn đoán nhanh, điều trị |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình