Chẩn đoán sớm, nhận biết biến chứng của cúm mùa và sốt xuất huyết
BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc, Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM lưu ý khi trẻ mắc bệnh cúm mùa, viêm đường hô hấp cấp cần lưu ý theo dõi nhịp thở nhanh, co lõm lồng ngực để phát hiện sớm các biến chứng. Trong khi đó, đối với trẻ mắc sốt xuất huyết cần đề phòng ngày 4, ngày 5 vì đây là thời gian bệnh có thể chuyển biến nặng, mặc dù trẻ bắt đầu hết sốt.
1. Số ca sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm mùa tăng hay giảm?
Nhờ BS chia sẻ thêm thông tin, ở khu vực phía Nam, tình hình dịch bệnh cúm và sốt xuất huyết hiện nay như thế nào? Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng TP, tỷ lệ trẻ vào viện vì 2 bệnh lý này ra sao ạ? Những con số này tăng hay giảm so với cùng kỳ năng ngoái, thưa BS?
3 dịch bệnh hiện nay cần được lưu ý tại TPHCM cũng như tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố gồm sốt xuất huyết, tay chân miệng và bệnh viêm hô hấp cấp, trong đó có vai trò chủ lực của cúm mùa.
Năm 2023, theo thống kê của Viện Pasteur TPHCM, tại miền Nam, số ca tay chân miệng lên đến khoảng 14.000 trường hợp (gấp 1,6 lần so cùng kỳ, nghĩa là tăng 60%), số ca sốt xuất huyết khoảng 66.000 trường hợp (giảm so với cùng kỳ năm ngoái).
Mặc dù số ca sốt xuất huyết không tăng so với cùng kỳ nhưng số ca bệnh nặng, nhập viện vẫn còn đông. Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, chỉ tính riêng khoa Hồi sức đã có 5 năm trường hợp bệnh nặng (2 em thở CPAP, 3 em thở máy), tổn thương đa cơ quan, tình trạng rất nặng. Tại phòng Cấp cứu - khoa Nhiễm đã có 8 ca nặng phải truyền dịch chống sốc cũng như thở oxy, thở CPAP.
Do vậy, điều quan trọng là phụ huynh phải nhận biết sớm những dấu hiệu cảnh báo nặng của sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng như cúm để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.
2. Điều gì quan trọng nhất để giảm tỷ lệ mắc, biến chứng của sốt xuất huyết, cúm mùa?
Theo BS, trong bệnh lý cúm mùa và sốt xuất huyết, điều gì là quan trọng nhất để giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ xảy ra biến chứng và chuyển nặng, tử vong ạ?
Năm nay, cúm mùa nói riêng cũng như viêm hô hấp cấp ở trẻ em nói chung tăng dao động khoảng 40-50% so với năm ngoái. Điển hình, tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, năm 2022 số ca vào khám ngoại trú khoảng 3.000 trường hợp/ tháng thì năm nay lên đến 4.000-5.000 trường hợp. Nhưng số này không phải tất cả đều là cúm mùa.
Chúng tôi thực hiện nghiên cứu về tác nhân gây viêm hô hấp cấp ở trẻ em cùng Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhiệt đới do Sở Y tế TPHCM chỉ đạo. Nghiên cứu phân lập, thực hiện PCR đa tác nhân, kết quả cho thấy, trên 50% do siêu vi, còn lại là do vi khuẩn. Trong nhóm siêu vi, ngoài cúm mùa còn có influenza, á cúm (parainfluenza), Rhinovirus, virus hợp bào hô hấp - RSV. Theo nhóm chuyên gia, số ca viêm hô hấp cấp ở trẻ em gia tăng đều liên quan đến vấn đề phát triển virus, trong đó có cúm mùa.
Bên cạnh đó, hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh, việc biến động thời tiết khiến các em dễ bị mắc bệnh. Trong khi đó, các bé đi học khi mắc bệnh dẫn đến việc lây lan trong lớp, trở thành dây chuyền. Ngay cả trong gia đình, có người bị cảm - cúm nhưng không đeo khẩu trang, không rửa tay mà vẫn chăm sóc trẻ thì khả năng lây cho em bé cũng cao.
Về sốt xuất huyết, căn bệnh này không liên quan đến việc tiếp xúc mà nguyên nhân xuất phát từ muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Như vậy, mỗi gia đình cần phải có biện pháp diệt muỗi, diệt loăng quăng để tránh lây bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt là mùa mưa, chúng tôi ghi nhận, nửa mùa sau trong năm là mùa của sốt xuất huyết. Do đó, chúng ta cần phải cảnh giác. Như thời điểm hiện tại, vẫn còn ghi nhận trường hợp mắc sốt xuất huyết.
3. Lưu ý nhịp thở nhanh, rút lõm lồng ngực ở trẻ
Việc phát hiện sớm và phòng ngừa đúng cách giúp ngăn chặn các biến cố không mong muốn hiệu quả ra sao? Nhờ BS đưa ra một (vài) tình huống/ câu chuyện cho thấy vai trò của việc phát hiện bệnh sớm ạ?
Việc phát hiện bệnh sớm rất quan trọng. Đơn cử như những trường hợp bệnh hô hấp - cúm mùa, trẻ cũng nóng - ho - sổ mũi, nhưng quan trọng là phụ huynh không được hướng dẫn cách đếm nhịp thở và quan sát bé thở rút lõm lồng ngực.
Đếm nhịp thở là phụ huynh đếm trong 1 phút, đồng thời kiểm tra lồng ngực hoặc một vị trí nào đó (bụng) cứ mỗi lần nâng lên - hạ xuống được tính là một nhịp. Lứa tuổi dưới 12 tháng, nhịp thở 50 lần/ phút là thở nhanh. Trẻ từ 1-5 tuổi, 45 lần/ phút là thở nhanh.
Đối với thở rút lõm lồng ngực nghĩa là khi em bé thở hít vào, thay vì lồng ngực nở lên thì 1/3 dưới của lồng ngực lại lõm xuống. Trong khi đó, phụ huynh lại thường chỉ quan sát ở phía trên (chỗ xương ức) nên không phát hiện rút lõm ngực để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
Thông thường, thước đo của phụ huynh là “ho nhiều không tốt”, “làm sao để bớt ho” mà quên dấu hiệu thở nhanh, rút lõm lồng ngực. Cần lưu ý, nếu thở nhanh trên 75 lần/ phút là tình trạng cấp cứu.
Về sốt xuất huyết, sốt cao thường xảy ra từ ngày 1, ngày 2, ngày 3. Nhưng ngày thứ 3 thì cần lưu ý, bởi vì trẻ có thể vào sốc. Từ đó làm cho em bé rối loạn đông máu, tổn thương đa cơ quan. Vì vậy, từ ngày 3 trở đi, nếu trẻ có đau bụng, bứt rứt, lăn lộn, chảy máu cam, chảy máu răng, tay chân lạnh - ẩm, nằm một chỗ không chơi, ói ra máu, đi cầu phân đen… cần đưa ngay đến bệnh viện, ngay cả khi ban đêm.
4. Các giai đoạn diễn tiến của sốt xuất huyết, cúm mùa
Diễn tiến của cúm mùa, sốt xuất huyết thường sẽ trải qua những giai đoạn nào? Vì sao có những trường hợp diễn tiến rất nhanh như vậy, thưa BS?
Trẻ mắc sốt xuất huyết thường có 3 giai đoạn:
- Giai đoạn đầu: 3 ngày đầu, trẻ thường sốt cao 40-41 độ C, thậm chí uống thuốc hạ sốt nhưng vừa hết thuốc lại sốt.
- Giai đoạn hai: bắt đầu hạ sốt, trẻ có thể biến chứng vào sốc (một tình trạng thất thoát huyết tương, cô đặc máu, tổn thương các cơ quan). Biểu hiện xuất huyết da, xuất huyết niêm (chảu máu cam, chảy máu răng), ói ra máu, đi cầu phân đen, đau bụng vùng gan (hạ sườn bên phải), lừ đừ, mệt mỏi, bỏ ăn - bỏ chơi, tay chân lạnh, da bịn rịn mồ hôi và bong tái… Ngày 4, ngày 5 là cao điểm. Các bậc phụ huynh cần lưu ý, vì đến những ngày này, em bé thường hết sốt, nên tạo ra tâm lý an tâm. Tuy nhiên, hết sốt có thể là biểu hiện cảnh báo trẻ vào sốc hoặc các biến chứng nặng khác. Do đó, thời điểm này cần theo dõi sát hơn nữa.
- Giai đoạn ba: Khi trẻ vượt qua được giai đoạn trên với sự điều trị của y bác sĩ thì đây là giai đoạn phục hồi. Thông thường, sốt xuất huyết kéo dài khoảng 7 là hết bệnh.
Bệnh cúm cũng những giai đoạn:
- Khởi phát: sốt, có thể kèm theo ho, đau nhức mình mẩy.
- Toàn phát: triệu chứng nặng hơn, thậm chí có những rối loạn cơ quan khác như trẻ ói, đau bụng, đau mình mẩy, nhức đầu, mệt mỏi. Mặc dù ít gặp nhưng trong giai đoạn này có thể xuất hiện biến chứng viêm não, viêm cơ tim, suy hô hấp nặng, viêm phổi, tổn thương gan, thận… Vì thế cần phải theo dõi, quan sát trẻ kỹ.
- Phục hồi: thường là ngày 6, ngày 7 của bệnh.
Thông thường, cúm có thể kéo dài 1 tuần (một số trường hợp có thể kéo dài đến 10-14 ngày nhưng ít). Trong thời gian này cần lưu ý, khi sốt cao không ủ ấm, quấn kín trẻ, việc trẻ run lên không phải do lạnh mà là phản ứng của sốt. Để hạ sốt, phụ huynh lau mát, cho trẻ uống thuốc hạ sốt, nên mặc áo mỏng, vải cotton màu trắng nhằm tránh hấp thu nhiệt, hấp thu mồ hôi giúp em bé dễ chịu hơn, việc này cũng giúp bố mẹ quan sát được triệu chứng co rút ngực và thở nhanh.
Tuy nhiên, có một số trường hợp vào biến chứng sớm. Chẳng hạn, với sốt xuất huyết có thể vào sốc, diễn tiến nặng từ ngày 3. Hay với cúm mùa, viêm hô hấp cấp, có trường hợp mới 1-2 ngày đâu đã diễn tiến nặng, suy hô hấp. Chúng tôi tiếp nhận em bé với biểu hiện khó thở, tím tái, đặt nội khí quản, khi chụp x-quang phổi thấy viêm, mờ lan tỏa hai phế trường, thậm chí có trường hợp phải chạy ECMO.
Qua các nghiên cứu cho thấy, sốt xuất huyết vào sốc sớm thường xảy ra ở trẻ dư cân, béo phì, độc lực của virus (thường virus Dengue type 2 độc lực rất cao, sau đó là Dengue type 3, trong khi đó type 1 và 4 nhẹ hơn). Với cúm mùa, trên những trẻ có hệ miễn dịch yếu sẽ có nguy cơ gặp biến chứng suy hô hấp rất nhanh, như trẻ có sử dụng corticoid trước đó, suy dinh dưỡng, dư cân, bệnh nền (bệnh về máu, bệnh hô hấp mãn tính, bệnh tim bẩm sinh). Đây là những trường hợp các bậc phụ huynh cần lưu ý, quan sát để phát hiện các triệu chứng cảnh báo như đã nói trên và tái khám đúng hẹn với bác sĩ. Đồng thời về phía bác sĩ cũng cần theo dõi sát sao và có chế độ ưu tiên về mức độ theo dõi cũng như xét nghiệm cần thiết để phát hiện sớm các vấn đề biến chứng của trẻ.
5. Cúm ác tính và cúm mùa khác nhau ra sao?
Về cúm mùa, căn bệnh này nguy hiểm như thế nào? Cúm mùa ác tính và cúm mùa khác nhau ra sao? Những ai có nguy cơ gặp phải các biến chứng cúm mùa này, thưa BS?
Virus cúm có đặc điểm khác với các loại virus khác đó là luôn luôn biến đổi. Điều này làm cho virus cúm có khả năng thích nghi với môi trường mới cũng như có khả năng lây bệnh cho cả những người đã từng chích ngừa cúm mùa ở mùa cũ. Đó là lý do chúng ta cần chích ngừa mỗi năm.
Cúm ác tính là khi nhiễm cúm có độc lực quá cao cùng với hệ miễn dịch suy giảm, virus cúm tấn công và trở nặng. Chúng tôi thấy rằng, diễn tiến nặng thường xuất hiện ở những trẻ lớn. Mặc dù ở lứa tuổi này (12-14 tuổi) hệ miễn dịch tương đối hoàn thiện, nhưng qua khai thác ghi nhận trẻ ở giai đoạn thức khuya học tập, trong khi dinh dưỡng ít được chú ý. Người lớn khi vào cúm ác tính, tỷ lệ tử vong rất cao, gây biến chứng hô hấp, não, gan, thận, suy đa cơ quan và việc điều trị cũng vô cùng khó khăn.
6. Sau khi tiếp xúc người mắc bệnh cúm mùa, bao lâu sẽ có biểu hiện?
Thông thường, các biểu hiện của cúm mùa xuất hiện sau bao lâu khi tiếp xúc với mầm bệnh ạ? Triệu chứng nào xuất hiện sớm nhất và dấu hiệu nào dễ bị nhầm lẫn nhất ạ?
Cúm mùa lây lan rất nhanh. Ví dụ, khi tiếp xúc với người mắc bệnh cúm, sau 12-18 tiếng chúng ta đã có thể xuất hiện biểu hiện. Thời gian này có thể dao động từ 12 giờ (nửa ngày) đến 3 ngày.
Chính vì vậy, cúm mùa là một tác nhân nhận được sự chú ý trên thế giới và quan tâm đến việc chích ngừa để không mắc bệnh. Bởi vì một người mắc cúm mùa sẽ lây lan cho nhiều người xung quanh.
7. 4 loại xét nghiệm phát hiện cúm mùa
Hiện nay có những xét nghiệm nào được sử dụng để chẩn đoán cúm mùa, thưa BS? Test nhanh có những ưu điểm gì so với những xét nghiệm còn lại ạ?
- Việc xét nghiệm chẩn đoán này cần thiết trong những trường hợp nào? Theo BS, để phát hiện sớm và ngăn chặn biến chứng cúm mùa, những trường hợp có nguy cơ chuyển nặng như đã đề cập trên có nên làm xét nghiệm để chẩn đoán cúm mùa?
Trong y khoa, theo lý thuyết, khi trẻ bị viêm hô hấp cấp khoảng 50% là do siêu vi (virus), còn lại là vi khuẩn. Do đó, không làm xét nghiệm thường quy để định một tác nhân. Tuy nhiên, khi xuất hiện một chùm ca bệnh (một gia đình, một lớp học đều mắc bệnh) có thể có chỉ định làm xét nghiệm để tìm tác nhân. Đặc biệt là nhóm diễn tiến nhanh, diễn tiến ác tính, việc xác định tác nhân để có những thuốc đặc trị nhằm điều trị cho người bệnh.
Về xét nghiệm gồm có 4 nhóm. Một là, trong nghiên cứu sẽ dùng phân lập siêu vi, nuôi cấy (lấy mẫu đàm, dịch tiết từ người bệnh nuôi cấy) để tìm ra loại virus, nhưng sẽ lâu và chỉ dùng trong nghiên cứu. Hai là PCR đa tác nhân, sử dụng dịch hầu họng của bệnh nhân, nhưng thường nhạy cảm quá và độ chính xác không cao. Ba là xét nghiệm kháng thể (lấy máu của trẻ để xét nghiệm), nhưng thời gian lấy mẫu khoảng 2-3 ngày bệnh mới có kết quả. Bốn là test nhanh, lấy dịch hầu họng-mũi họng để tìm kháng nguyên, chỉ trong vòng 10-20 phút là có kết quả, giúp ích cho đánh giá ban đầu cũng như tìm hiểu dịch tễ.
8. Làm sao phân biệt cúm mùa và sốt xuất huyết?
Về bệnh sốt xuất huyết, các triệu chứng cảnh báo sớm là gì?
Sốt xuất huyết trong 3 ngày đầu cũng rất khó phân biệt với cúm. Bệnh nhân cũng có sốt cao, đau nhức mình mẩy, nhức đầu, biếng ăn, buồn nôn, chỉ khác là với cúm mùa thường kèm theo ho, sổ mũi, riêng sốt xuất huyết ít biểu hiện này hơn. Song, đối với nhóm tuổi nhũ nhi, dưới 2 tuổi mắc sốt xuyết huyết vẫn có biểu hiện ho, sổ mũi.
Do đó, cần lưu ý thêm, trẻ mắc sốt xuất huyết trong 3 ngày đầu sẽ sốt, một số trẻ dưới 2 tuổi có thể có biểu hiện ho, sổ mũi, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Vì vậy, trong 3 ngày đầu khi trẻ bị sốt, phụ huynh cần nghĩ đến các bệnh: sốt xuất huyết, cúm mùa, tay chân miệng. Các bác sĩ có thể cho xét nghiệm để định bệnh sớm.
Ví dụ trong sốt xuất huyết thử test nhanh NS1 kháng nguyên. Cúm mùa có test nhanh. Tay chân miệng hiện chưa có test để xác định bệnh sớm, nhưng thường có biểu hiện rõ (em bé loét miệng, nổi hồng ban lòng bàn tay - bàn chân), vì vậy hầu hết đều chẩn đoán bệnh bằng lâm sàng.
- Làm sao nhận diện chấm xuất huyết trên da của sốt xuất huyết với những bệnh lý khác?
Chấm xuất huyết trong sốt xuất huyết nhỏ li ti. Còn trong các bệnh lý khác (ví dụ như xuất huyết giảm tiểu cầu thường gặp ở trẻ em) cũng có chấm xuất huyết nhưng có thêm mảng xuất huyết (mảng bầm lan rộng). Trong một số tình huống chấm đỏ lại là phát ban.
Vì vậy, phụ huynh cần phải căng da ra ở vùng xuất huyết. Nếu căng da ra mà chấm xuất huyết biến mất, đó là phát ban. Ngược lại, nếu căng da ra mà chấm xuất huyết không biến mất thì do sốt xuất huyết hoặc xuất huyết giảm tiểu cầu.
- Cúm cũng gây sốt. Sốt xuất huyết cũng gây sốt. Triệu chứng sốt giữa hai bệnh lý này có gì khác biệt không thưa BS?
Đối với sốt xuất huyết, cơn sốt thường xảy ra ở một trẻ hoàn toàn khỏe mạnh (ví dụ chiều bé còn vui chơi, chạy nhảy và tối tự nhiên sốt). Cơn sốt này mới khởi phát nhưng đo nhiệt độ đã thấy 40 độ C, hay còn gọi là sốt đột ngột và nhiệt độ tăng cao. Đặc biệt, sốt xuất huyết thường là sốt cao đơn thuần (chỉ trừ nhóm nhũ nhi, trẻ dưới 2 tuổi, có thể kèm theo ho, sổ mũi, tiêu chảy).
Trong khi đó, cúm mùa, trẻ bắt đầu sẽ hơi ngầy ngật, cơn sốt nhiệt độ lên từ từ. Đây là dấu hiệu các nhà lâm sàng thường sử dụng để phân biệt cúm mùa và sốt xuất huyết. Mặc dù không đúng 100%, chỉ tương đối nhưng cũng giúp chúng ta nhận định được.
Ngoài ra, cả cúm mùa và sốt xuất huyết đều có đau nhức mình mẩy, nhức đầu. Vì vậy có những trường hợp không phân biệt được giữa hai tình trạng, đòi hỏi các bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm.
9. Số lượng tiểu cầu trong máu cho biết thông tin gì khi mắc sốt xuất huyết?
Khi bị sốt xuất huyết, số lượng tiểu cầu trong máu cho biết những thông tin gì, thưa BS?
Các nghiên cứu đưa ra nhiều giả thuyết cho việc sốt xuất huyết gây giảm tiểu cầu. Hiện nay, giả thuyết đang được tin cậy nhất đó là do cấu trúc của kháng nguyên NS1 giống một thành phần trên màng tế bào tiểu cầu, vì vậy khi virus Dengue thâm nhập vào máu, kháng thể được sinh ra để chống lại sốt xuất huyết lại “đánh” nhầm tiểu cầu, dẫn đến giảm tiểu cầu. Trên người lớn, tiểu cầu giảm sâu (tiểu cầu thông thường 200.000 - 300.000/mm3 thì giảm chỉ còn 3.000 - 5.000 mm3 nhưng vẫn bình thường). Trường hợp này, nếu bệnh nhân không có vấn đề bất thường, cần theo dõi kỹ, nằm nghỉ, không vận động mạnh, đến ngày 6-7, tiểu cầu lên dần dần và phục hồi.
Lý do thứ hai làm tiểu cầu giảm đó là ở nhóm diễn tiến nặng. Ví dụ như bệnh nhân vào sốc, đây là quá trình tưới máu mô kém, đặc biệt ở nội mạc mao mạch và dẫn đến rối loạn, sinh ra hiện tượng rối loạn đông máu nội mạch rải rác hoặc lan tỏa (DIC), gây ra giảm tiểu cầu dữ dội. Tình trạng này gọi là tiêu thụ tiểu cầu, bởi vì khi rối loạn đông máu, tiểu cầu sẽ đến và hy sinh để làm nút cầm máu, dẫn đến tiêu hao. Trong tình huống đó, bên cạnh việc chống sốc cần truyền tiểu cầu. Nếu không có tiểu cầu bổ sung, tình trạng chảy máu càng nhiều hơn, gây xuất huyết tiêu hóa, thậm chí xuất huyết não và tử vong.
Khi tiểu cầu giảm cũng làm cho chấm xuất huyết xuất hiện ra. Ngoài ra, chấm xuất huyết này còn do thành mạch của em bé trong sốt xuất huyết yếu, làm thất thoát huyết tương, hồng cầu. Do đó, phụ huynh cần lưu ý theo dõi và cung cấp thông tin cho y bác sĩ, từ đó có điều trị thích hợp.
- Nhờ BS chia sẻ cụ thể hơn: ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình trong máu là bao nhiêu? Ở người bị sốt xuất huyết, mức nào là nhẹ - trung bình - nặng, nguy hiểm?
Thông thường là từ 200.000-300.000 tiểu cầu/mm3. Đối với trẻ em, dưới 150.000 tiểu cầu/mm3 là đáng lo và dưới 100.000 tiểu cầu/mm3 cần xem xét có thể diễn tiến nặng. Do đó, thường trẻ dưới 150.000 tiểu cầu/mm3 và thêm yếu tố lừ đừ, nôn ói, đau bụng… phải cho nhập viện sớm. Trẻ dưới 100.000 tiểu cầu/mm3 nhưng tươi tỉnh có thể về tái khám mỗi ngày, đồng thời được dặn dò những triệu chứng cảnh báo nặng để vào bệnh viện ngay dù ở bất kỳ thời điểm nào (kể cả ban đêm).
Trong Hồi sức, nhóm trẻ dưới 50.000 tiểu cầu/mm3 là báo động, cần được xem xét bởi vì khi đó chống sốc, chọc dò màng bụng để dẫn lưu hoặc làm thủ thuật xâm lấn sẽ có nguy cơ chảy máu. Đặc biệt, theo dõi trẻ có ói ra máu, đi cầu phân đen có thể cần truyền tiểu cầu để bù lại những phần đã mất, đảm bảo việc cầm máu, ngăn chặn việc chảy máu.
10. Các dấu hiệu nào cảnh báo giảm tiểu cầu trên người bệnh sốt xuất huyết?
Các dấu hiệu cho thấy giảm tiểu cầu trên người bệnh sốt xuất huyết là gì ạ? Trong diễn tiến của bệnh, đâu là những thời điểm cần làm xét nghiệm để đánh giá nguy cơ giảm tiểu cầu, tình trạng máu cô đặc, thưa BS?
Để chẩn đoán giảm tiểu cầu cần thử máu. Trong các hướng dẫn, sốt ngày thứ 3, bắt buộc phải thử máu để kiểm tra các tình trạng: Máu có cô đặc không? Dung tích hồng cầu có cao không? Tiểu cầu có giảm không?... Thậm chí khi thử máu ngày 1, ngày 2 cần kiểm tra bạch cầu có giảm không?...
Chúng tôi thấy rằng, trong 3 ngày đầu của sốt xuất huyết, bạch cầu có giảm, tiểu cầu cũng giảm, HTC tăng (máu cô đặc). Đây là những tín hiệu nguy hiểm của sốt xuất huyết. Hiện nay đã có test nhanh thực hiện ngay trong ngày 1 khi có sốt để chẩn đoán sớm. Nếu không có test nhanh thì theo dõi bệnh nhân và xét nghiệm công thức máu. Ngoài ra, khi bệnh nhân có chấm xuất huyết, mảng bầm, nguy cơ tiểu cầu đã giảm.
Đối với test nhanh sốt xuất huyết bố mẹ có thể yêu cầu thực hiện cho con được không hay phải có chỉ định của BS ạ?
Thực sự trong 2 ngày đầu chỉ cần theo dõi, ngày thứ 3 mới bắt buộc thử máu. Nhưng ngày 1, ngày 2, phụ huynh lo lắng và trong trường hợp khó phân biệt (cúm hay sốt xuất huyết, tay chân miệng), đặc biệt là có những gợi ý của sốt xuất huyết (sốt cao đột ngột khó hạ…) hoặc thậm chí là biểu hiện cảnh báo biến chứng thì cần phải thực hiện test nhanh NS1 kháng nguyên để chẩn đoán sớm, có định hướng theo dõi, điều trị phù hợp. Thực tế, test nhanh cũng cần phải theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, test nhanh âm tính cũng chưa loại được khả năng mắc sốt xuất huyết, do đó nếu có các biểu hiện vẫn cần theo dõi sát sao để xử trí kịp thời.
11. Các biến chứng của sốt xuất huyết có thể xảy ra vào ngày 4 và ngày 5
Biến chứng có thể xảy ra vào giai đoạn nào của bệnh sốt xuất huyết, thưa BS? Có phải hết sốt là bệnh đã thuyên giảm?
Các biến chứng của sốt xuất huyết gồm có: trẻ vào sốc (do thất thoát huyết tương, cô đặc máu), rối loạn đông máu (chảy máu cam, chảy máu răng, ói ra máu, đi cầu phân đen, đi tiểu ra máu), tổn thương các cơ quan (gan, não ở trẻ em và viêm cơ tim thường gặp ở người lớn).
Biến chứng thường xảy ra vào ngày 4, ngày 5. Lúc đó, em bé hết sốt làm các bậc phụ huynh chủ quan, dẫn đến không theo dõi sát. Khi vào viện thường rất trễ, trẻ quá nặng, gây khó khăn cho việc điều trị. Với sự tiến bộ của y học ngày nay, hầu như những trường hợp nặng đều có cơ hội cứu chữa, nhờ thở máy, EMOC lọc máu, chế phẩm máu đầy đủ. Điều quan trọng là phụ huynh cần nhận biết sớm để đưa trẻ vào bệnh viện. Đặc biệt, ngày 4, ngày 5 dù trẻ hết sốt cũng không được chủ quan. Trong sốt xuất huyết, hết sốt không phải hết bệnh.
12. Điều trị và phòng ngừa cúm mùa, sốt xuất huyết thế nào?
Điều trị cúm mùa, sốt xuất huyết như thế nào, thưa BS?
Cúm mùa biến thể, nhiều loại (cúm A, cúm B…) và thuốc điều trị đặc hiệu cũng chưa có. Tương tự, sốt xuất huyết cũng có 4 type huyết thanh, thuốc kháng virus có nghiên cứu nhưng không hiệu quả. Vì vậy, cúm mùa và sốt xuất huyết, chủ yếu là điều trị triệu chứng, điều trị nâng đỡ.
Chẳng hạn khi trẻ sốt, chăm sóc tại nhà bằng cách mặc đồ thoáng mát (vải cotton thấm mồ hôi, màu trắng để tránh hấp thụ nhiệt), uống nhiều nước, uống thuốc hạ sốt (từ 38,5 độ C). Trong đó, thuốc “hiền” nhất để hạ sốt là paracetamol, nhưng cũng không được lạm dụng. Khoảng cách giữa 2 liều paracetamol là 4-6 giờ, liều từ 10-15mg/kg. Trong 2 tiếng vẫn không hạ sốt có thể lau mát, uống thêm nước.
Cần tránh sử dụng ibuprofen và aspirin trong sốt xuất huyết. Cúm mùa có thể sử dụng ibuprofen và aspirin nhưng cần lưu ý hội chứng Reye, một số trẻ khi dùng aspirin có biểu hiện rối loạn tri giác, co giật, vàng da - vàng mắt, men gan tăng cao, thoái hóa mỡ gan.
Làm sao để phòng ngừa cúm mùa, sốt xuất huyết hiệu quả ạ?
Để phòng ngừa cúm cần nâng cao thể trạng của trẻ bằng dinh dưỡng (đầy đủ chất, phù hợp theo lứa tuổi, tránh ăn trái bữa, thiếu dinh dưỡng). Trẻ dưới 3 tuổi có chương trình uống vitamin A liều cao 100.000 - 200.000 đơn vị (trong khi mua bên ngoài chỉ có 5.000 đơn vị) giúp sáng mắt, tăng cường miễn dịch, niêm mạc đường hô hấp, đường tiêu hóa phát triển tốt giúp bảo vệ cơ thể trước các mầm bệnh. Song song đó cần giữ ấm, nhất là khi giao mùa, không chỉ giữ ấm lồng ngực, bụng mà ghi nhớ 3 vị trí lòng bàn chân, mông và mỏ ác. Đối với trẻ lớn cân bằng thời gian học tập - nghỉ ngơi, tập thể dục. Đặc biệt, phòng ngừa cúm hiệu quả nhất là tiêm ngừa.
Đối với sốt xuất huyết, để phòng ngừa cần diệt muỗi, diệt loăng quăng, không để các chum, vại chứa nước hoặc các chậu cây cảnh, vật dụng có nước, chú trọng vệ sinh nhà cửa. Ngoài ra, tạo thói quen ngủ mùng, kể cả ban ngày, bởi vì muỗi gây bệnh sốt xuất huyết thường chích ban ngày. Bên cạnh đó, các biện pháp diệt muỗi khác như xịt thuốc, nuôi cá bảy màu diệt loăng quằng…
Trân trọng cảm ơn BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến và Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, Ngành hàng Chẩn đoán nhanh Văn phòng đại diện công ty Abbott Việt Nam đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.
Chương trình Nâng cao nhận thức về mối hiểm nguy và lợi ích của việc chẩn đoán sớm các bệnh truyền nhiễm thường gặp do AloBacsi thực hiện với sự đồng hành của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, phối hợp cùng Ngành hàng Chẩn đoán nhanh Văn phòng đại diện công ty Abbott Việt Nam. Chương trình được phát sóng trên hệ thống các kênh của AloBacsi và Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ. Chuỗi chương trình gồm 4 buổi chia sẻ, diễn ra từ tháng 11 đến tháng 12 năm nay. Chương trình sẽ cập nhật những kiến thức hữu ích về các bệnh truyền nhiễm thường gặp như: Tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm mùa, viêm gan B - HIV - giang mai truyền từ mẹ sang con, v.v. Mời quý khán giả xem lại các chương trình đã phát sóng trên AloBacsi: Kỳ 1: Mối hiểm nguy của bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và cách thức chẩn đoán nhanh, điều trị |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình