Hotline 24/7
08983-08983

Ghép sọ có ảnh hưởng đến não không, nẹp vít cố định nắp sọ có cần tháo ra không?

Sau chương trình tư vấn ghép sọ (phần 1), TTƯT.ThS.BS.CK2 Chu Tấn sĩ tiếp tục giải đáp các vấn đề: động kinh sau ghép sọ, ghép sọ có ảnh hưởng tới thần kinh không, móp sọ thì phải làm sao?

1.  Ghép sọ có ảnh hưởng đến trí nhớ không?

Sau chương trình tư vấn về ghép sọ kỳ trước của BS (tháng 4/2019), rất nhiều bạn đọc tiếp tục gửi câu hỏi về vấn đề này, mong được BS giải đáp. Trong đó có câu hỏi là: ghép sọ có ảnh hưởng đến trí nhớ không ạ?

TTƯT.ThS.BS.CK2 Chu Tấn Sĩ:

Khi một người bị chấn thương sọ não, vì một số nguyên nhân BS phải thực hiện mở sọ cho bệnh nhân, tạm thời gỡ bỏ nắp sọ. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ thiếu một phần của mảnh sọ tại vùng mổ. Qua một thời gian, BS sẽ đặt mảnh sọ trở lại vùng bị khuyết.

Mảnh sọ nằm ngoài màng não và ở phía dưới da, do đó phẫu thuật ghép sọ không tác động vào vùng chức năng của não. Khi ta thực hiện phẫu thuật, ta chỉ phẫu tích dưới da, bóc tách màng cứng ra khỏi mô dưới da, đặt cái nắp vào vùng khuyết. Do đó, việc đặt lại nắp sọ không ảnh hưởng đến trí nhớ người bệnh.

2.  Sau khi ghép sọ, bệnh nhân xuất hiện cơn động kinh là do nguyên nhân gì?

Trường hợp sau khi ghép sọ mà bệnh nhân xuất hiện cơn động kinh (trước đó không có) thì có phải là động kinh do ghép sọ không ạ?

TTƯT.ThS.BS.CK2 Chu Tấn Sĩ:

Một số bệnh nhân không bị động kinh trước khi ghép sọ. Sau khi phẫu thuật ghép sọ, bệnh nhân xuất hiện cơn động kinh. Trong y văn có ghi nhận trường hợp này xảy ra từ 10 đến 15%.

Trước khi ghép, vùng não đó phải được thu xếp ổn định, phần não dưới hết phù. Biểu hiện trên lâm sàng là nó đập theo nhịp của mạch máu. Ta sẽ chụp CTscan trước khi ghép sọ nhằm đánh giá phần não phía dưới của diện khuyết đã ổn định hay chưa, từ đó sẽ chỉ định có nên ghép sọ hay không.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể ghép sọ quá sớm, khi đó não chưa thu xếp được phần phía dưới, phần phù phía dưới còn nhiều. Ta cần làm một cuộc phẫu thuật bốc tách và đặt não vào lại. Nghĩa là ta đã dùng lực ép não xuống. Khi ta đặt nắp vào lại chính là ta nhốt não đang còn phù vào hộp. Như vậy, áp lực nội sọ sẽ tăng lên đột ngột.

Phẫu thuật ghép sọ không đúng chỉ định sẽ dẫn đến tình trạng động kinh sau đó. Do đó, BS cần tư vấn bệnh nhân rằng họ phải đợi tổn thương phía dưới ổn định rồi mới thực hiện ghép sọ. Họ không nên vội vàng ghép sớm.

Trường hợp thứ hai, không động kinh trước khi mổ nhưng bị động kinh sau khi mổ do phẫu thuật viên đã tác động lên trên vỏ não vì bệnh nhân có rách màng cứng. Đó là do cuộc mổ trước đó không đóng được màng cứng, dẫn đến vỏ não ra sát dưới da. Khi thực hiện phẫu thuật tách màng cứng ra khỏi mô dưới da thì vô tình tách vỏ não ra khỏi dưới da, gây tổn thương trên vỏ não. Lúc đó mới phục hồi màng cứng lại và đặt nắp xương lại.

Như vậy, cuộc mổ đó đã tác động trực tiếp lên trên vỏ não, ít nhiều sẽ gây ra biến chứng sớm hoặc muộn, bệnh nhân có thể bị động kinh sau cuộc phẫu thuật.

3. Ghép sọ có cần dùng nẹp vít không, sau đó có cần tháo nẹp không?

Có bạn đọc thắc mắc là khi ghép sọ, không biết là có cần khoan cắt gì nữa không, có cần dùng nẹp vít không, rồi sau này có cần tháo nẹp ra hay không… xin BS giải đáp ạ?

TTƯT.ThS.BS.CK2 Chu Tấn Sĩ:

Nắp sọ sau khi gửi vào ngân hàng mô rồi lấy về ghép vào diện khuyết sọ, đó là hai mảnh rời nhau. Khi ta muốn kết hai mảnh này thì phải dùng vật liệu để cố định nắp rời bên ngoài với phần xương sọ người bệnh. Vật dụng dùng để kết hợp hai vật này gọi là nẹp vít bằng titan.

Titan là một kim loại quý, giá thành khá cao. Nó là vật chất cứng và bền, ít gây tác dụng phụ do phản ứng sau khi ghép vật lạ vào cơ thể. Do đó, khi ta sử dụng nẹp hoặc vít bằng titan để cố định nắp sọ thì không cần phải tái phẫu thuật để lấy nẹp vít ra mà để nó trong người bệnh nhân suốt đời, trừ phi có biến chứng.

Ngoài nẹp vít titan đó, chúng ta có thể cố định được nắp sọ bằng những cái kẹp có tên CranioFix. Các kẹp đó kẹp nắp sọ và xương sọ dính chắc với nhau mà không sử dụng nẹp vít. Cái kẹp đó được sản xuất bởi nhiều vật liệu khác nhau có thể bằng silicone và các vật liệu acrylic, có thể bằng titanium, không cần lấy ra.

Gần đây, có một số vật liệu cao cấp hơn có khả năng tự tiêu. Sau 12 tháng, vật liệu cấy ghép đó sẽ tự biến mất, không còn tồn tại trong đầu người bệnh. Chi phí của nó sẽ tốn kém nhiều hơn so với vật liệu thông thường.

4. So sánh ghép sọ tự thân và ghép sọ nhân tạo

Giữa ghép sọ tự thân và ghép sọ nhân tạo, hình thức nào sẽ giúp bệnh nhân có dáng đầu tròn đẹp hơn ạ?

TTƯT.ThS.BS.CK2 Chu Tấn Sĩ:

Về mặt lý thuyết, tôi khuyên những ai gửi nắp sọ của chính mình vào ngân hàng để bảo quản thì mình nên dùng lại nắp sọ đó bởi vì nó là một phần cơ thể mình. Hình dáng của nắp đó không bị biến đổi theo thời gian nên khi ta đặt lại nắp sọ, nó gần như vừa khít, độ cong của vòm sọ sẽ được phục hồi lại y như trước đây.

Tuy nhiên, nắp sọ ta gửi ngân hàng mô dùng để ghép lại sau phẫu thuật có một khuyết điểm, một số vùng phẫu thuật viện phải cắt bỏ đi và không thể bảo quản được. Do đó khi dùng nắp sọ đặt vào trở lại sẽ có một số vị trí khiếm khuyết khiến bệnh nhân không hài lòng sau khi ghép sọ tự thân.

Để khắc phục điều đó, ta sẽ tạo hình nắp sọ khuyết bằng phương tiện nhân tạo. Thông thường, hai phương tiện chính hiện nay đó là bột xi-măng  và lưới titanium.

Với cả 2 phương tiện này, nếu ta muốn làm nó vừa khít và đúng theo độ cong của hộp sọ, đúng theo vị trí giải phẫu trên cơ thể mình, ta phải sử dụng phần mềm 3D. Sau khi chụp CTscan hộp sọ của người bệnh để tạo data dữ liệu, phần mềm sẽ chạy và dựng nên hộp sọ 3D có vùng khuyết sọ của người bệnh. Nó sẽ tạo khuôn vừa khít,  ta đổ được xi-măng metynalic hoặc đặt miếng lưới titan vào khuôn đó, sau khi tạo hình xong, nó sẽ vừa khít với phần đang khuyết của người bệnh. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ cảm thấy vô cùng hài lòng vì phần lõm trên đầu của bệnh nhân đã được che khuất hoàn toàn.

Vấn đề ở đây chính là tốn chi phí cho việc tạo hình 3D. Tùy theo từng loại sản phẩm, nếu tạo hình 3D ở Việt Nam thì phải mất từ 20 đến 30 triệu đồng cho phần tạo hình. Nếu gửi qua Singapore, có khi phải mất từ 50 - 70 triệu đồng. Do đó cũng cần cân nhắc khi muốn tạo hình bằng vật liệu 3D.

5. Móp sọ thì phải khắc phục thế nào, không phẫu thuật có làm đầy được không?

Xin BS cho biết trường hợp sau chấn thương vùng đầu, bệnh nhân  bị lõm sọ (không phải khuyết sọ) thì được khắc phục như thế nào? Có cách nào không cần mổ không ạ?

TTƯT.ThS.BS.CK2 Chu Tấn Sĩ:

Một số trường hợp bệnh nhân bị chấn thương sọ não, tuy không vỡ sọ nhưng sọ bị nứt, lõm xuống. Khi ta sờ trên da đầu của bệnh nhân ở giai đoạn cấp tính, nó sưng nề không phát hiện được chỗ lõm đó. Sau khi bệnh nhân hết sưng nề, phần lõm sọ mới lộ ra.

Thông thường về mặt lý thuyết, khi sọ lõm hơn một bản sọ (chiều dày bản sọ dài từ 1 đến 1.2 cm, tùy theo vị trí), nó có thể đè lên phần vỏ não bên dưới (gián tiếp qua màng não), có thể gây ra động kinh muộn do lõm sọ. Như vậy, một vị trí lõm sọ nhiều hơn một bản sọ có chỉ định mổ để giải quyết vấn đề đó.

Vấn đề ở đây là phần xương lõm đó được bảo tồn hay phải cắt bỏ. Mặc dù không bị rách da khi bị chấn thương, nhưng các vật thể lạ như tóc, cát và dị vật lọt qua phần diện khuyết đó, nếu ta cố gắng bảo tồn, sẽ tạo nên ổ viêm xương và làm cho tình trạng xấu dần. Do đó, thông thường, bác sĩ sẽ cắt bỏ phần xương bị lõm đó. Bệnh nhân sẽ phải chờ sau phẫu thuật từ 2-3 tháng để thực hiện động tác tạo nắp sọ trở lại.

Có một tình huống đặc biệt ở trẻ em gọi là lõm sọ ping pong.

Khi trái bóng bàn bị móp, ta bỏ nó vào ly nước nóng, khí trong quả bóng nở ra và nó làm cho quả bóng tròn trở lại bình thường. Đó là ví dụ để hình dung về trường hợp lõm sọ ping pong.

Trường hợp này chỉ thực hiện được ở trẻ nhỏ khi xương sọ còn mềm dẻo, nếu sọ lõm xuống thì ta sẽ khoan một lỗ nhỏ kế bên chỗ lõm (diện lõm), rồi dùng dụng cụ nâng miếng xương bị lõm lên, phục hồi sự liên tục của vòm sọ. Còn lỗ khoan nhỏ kế bên sẽ tự bít vì xương sọ ở trẻ nhỏ còn mọc tiếp.

Như vậy, trong những trường hợp lõm sọ, chỉ có lõm sọ ping pong ở trẻ nhỏ là có thể bảo tồn và nâng chỗ lõm lên mà không để lại dấu vết gì đáng kể. Còn đa số trường hợp ở người lớn cần thực hiện việc phẫu thuật để cắt bỏ phần sọ lõm, rồi sẽ tạo hình sau đó. Nếu sọ lõm không nhiều hơn một bản sọ thì ta không cần mổ mà sẽ bảo tồn, người bệnh phải chịu một chỗ khuyết lõm ở đó khi sờ lên da đầu.

Trọng Dy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X