Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan: Gãy xương hông do loãng xương điều trị như thế nào?

Xương hông là bộ phận chịu lực của cơ thể, nếu không may bị gãy sẽ đưa đến một loạt hệ quả nghiêm trọng.

Loãng xương là bệnh phổ biến trên thế giới, hệ quả bệnh gắn liền với mỗi cá nhân cũng như gây phí tổn kinh tế y tế xã hội. Loãng xương làm các xương của bạn yếu đi, nghĩa là chỉ cần một cú ngã nhẹ cũng có thể làm xương bị gãy. Xương hông cũng không phải là ngoại lệ.

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan - Trưởng Đơn vị nghiên cứu Cơ Xương Khớp - ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ giải đáp xung quanh vấn đề gãy xương hông do loãng xương. Kính mời bạn đọc tham khảo.

Nguyên nhân gãy xương hông

Loãng xương là vấn đề nhiều người phải đối mặt khi bước qua tuổi trung niên. Vậy quá trình loãng xương có diễn ra đồng đều trên các xương hay không thưa bác sĩ?

Loãng xương là tình trạng mất xương nhiều khiến xương xốp, giòn, dễ gãy. Tình trạng mất xương khi đã xảy ra thì tất cả xương trong cơ thể đều có, tuy nhiên sẽ có những xương bị mất nhiều hơn những xương khác tùy theo vị trí chịu lực cũng như cấu trúc xương.

Các kinh nghiệm y văn cho thấy với bệnh loãng xương, xương nào cũng có thể gãy, tuy nhiên 3 xương có vị trí thường bị nhất là vị trí cột sống, là các xương đốt sống thắt lưng; thứ hai là vị trí xương hông; thứ 3 là cổ tay. Trong đó gãy xương hông đóng vai trò quan trọng nhất do đưa đến những hệ quả nghiêm trọng nhất so với các loại gãy xương còn lại.

Xương hông có đặc điểm gì khác so với những vùng xương khác? Vì sao nên để ý gãy xương hông do loãng xương?

Xương hông có cấu trúc đặc biệt, tức là có đầu xương nằm trong ổ chảo, cấu trúc này bảo vệ xương rất tốt. Vì lý do đó xương rất hiếm khi bị gãy, và nếu có gãy sẽ xảy ra trong những trường hợp sang chấn nặng như chấn thương với lực lớn, hoặc mắc các bệnh lý nguy hiểm gồm loãng xương, ung thư xương. Chỉ những trương hợp này gây gãy xương hông.

Gãy xương hông do loãng xương vì sao cần phải chú ý? Chúng ta biết xương hông là nơi chịu lực cơ thể, và chịu trách nhiệm di chuyển hoạt động, khi gãy sẽ đưa đến tình trạng mất chức năng vận động. Khi mất chức năng vận động sẽ lệ thuộc hoàn toàn vào người khác.

Không những vậy, gãy xương do loãng xương còn đưa đến một loạt hệ quả nghiêm trọng khác như gắn liền nguy cơ gãy xương tái phát. Người đã bị gãy xương hông sẽ có khả năng gãy lần 2 cao gấp 3 - 5 lần so với người chưa bị gãy xương.

Nguy hiểm hơn nữa, gãy xương hông gắn liền với nguy cơ tử vong 30% ở nữ và 50% ở nam trong vòng 3-6 tháng sau gãy xương hông. Ngoài ra, sau khi gãy xương hông, nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng hay nội khoa gia tăng. Như chúng ta nói từ đầu, khả năng hơn 50% bệnh nhân gãy xương hông lệ thuộc vào người khác và không thể duy trì các hoạt động bình thường.

té ngã nhẹ cũng có thể gây gãy xương hôngChỉ cần té ngã nhẹ cũng có thể gây gãy xương hông. Ảnh: Internet

Nhiều người té ngã có thể ở nhà tự điều trị, và điều này sẽ gây hậu quả lớn đối với bệnh nhân. Vậy đối với những bệnh nhân té ngã gãy xương hông có những dấu hiệu nào cho thấy bệnh nhân cần nhập viện và có sự thăm khám của bác sĩ?

Trong trường hợp loãng xương, không cần té ngã nặng cũng không cần lực lớn, chỉ cần bênh nhân đang ngồi đứng lên, hoặc trượt nhẹ chân là đã có thể bị gãy xương. Do hoạt động quá bình thường làm cho bệnh nhân nghĩ họ không bị gãy xương và có thể bỏ lơ, đưa đến những hệ quả như đã nhắc. Vậy làm sao để nhận diện sau trượt té hay hoạt động bệnh nhân có bị gãy xương hông hay không?

Gãy xương hông làm đau nhói ngay vùng khớp háng. Đây là triệu chứng luôn luôn có. Thứ hai, sẽ gây hạn chế cử động khớp háng, bệnh nhân không thể quay chân ra ngoài hay xoay trở chân, không đứng dậy được. Nếu bác sĩ thăm khám thấy có chỗ sưng nề hay có vết bầm ở vị trí gãy. Thứ ba, chân bị gãy ngắn hơn so với chân lành. Thứ tư, bàn chân xoay ra ngoài do gãy xương hông làm chân bệnh nhân ngã ra phía ngoài. Đây là những triệu chứng thường gặp, khi nhận thấy phải nghĩ ngay bệnh nhân có thể gãy cổ xưng đùi và cần có những biện pháp can thiệp thích hợp.

Điều trị gãy xương hông

Gãy xương hông điều trị bằng những phương pháp nào?

Khi gãy xương, phải nghĩ ngay xương này cần có cố định hoặc cố định bằng bó bột hay phẫu thuật. Cấu trúc xương hông hơi đặc biệt, tức là đầu xương nằm trong ổ chảo, như vậy vị trí gãy thường xảy ra là ở cổ xương đùi và liên mấu chuyển, những vị trí này thường bó bột sẽ không hiệu quả. Gần như các khuyến cáo đều khuyên phẫu thuật để chỉnh lại chỗ gãy cổ xương đùi. Tùy theo vị trí gãy, mức độ gãy có thể xuyên đinh hoặc đóng nẹp chỗ gãy.

Hoặc có phương pháp khác là thay đầu xương. Khi thay xương có thể thay toàn phần hoặc bán phần. Các biện pháp phẫu thuật này có hiệu quả. Ngay cả những bệnh nhân lớn tuổi vẫn có thể thực hiện được. Chỉ sau phẫu thuật này mới duy trì hoạt động, vận động của bệnh nhân.

Thời gian lành xương ở từng đối tượng là như thế nào? Độ tuổi, giới tính nam nữ có sự khác biệt gì không?

Quá trình lành xương sau gãy xương trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn phim, giai đoạn thứ 2 là hình thành cal xương (còn gọi là giai đoạn sửa chữa), giai đoạn cuối cùng là tái tạo, hồi phục.

Trong cả 3 giai đoạn cần sử dụng hệ miễn dịch, tế bào, enzym, protein, thậm chí hệ thống tế bào tạo xương - hủy xương. Các hệ thống này khác nhau ở người trẻ và người già. Đối với người trẻ sẽ hoạt động tốt hơn so với người già, vì vậy thời gian lành xương có khác biệt rõ giữa người trẻ và người già.

Trẻ em trung bình cần 4-6 tuần để lành xương, thường trung bình là 4 tuần. Ở người trẻ là 6-8 tuần, với người già sẽ kéo dài hơn. Chất lượng lành xương cũng thấp hơn ở người già, chất lượng cal xương ở người già kém hơn so với người trẻ và trẻ em.

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục LanBS Thục Lan là nhà khoa học Việt Nam có chỉ số H - index (chỉ số đánh giá cống hiến nghiên cứu khoa học cho quốc tế) cao nhất.

Dinh dưỡng sau gãy xương hông

Bệnh nhân gãy xương nên ăn gì giúp mau lành xương ạ? Có ý kiến rằng trong toa thuốc BS kê về đã có viên canxi rồi thì không cần quá chú trọng đến việc phải ăn nhiều thực phẩm chứa canxi, theo BS điều này có đúng không?

Trong quá trình tái tạo và hồi phục, các thành tố cấu thành nên xương rất quan trọng, đứng đầu là canxi và protein.

Để giúp lành xương tốt, tới người lớn, phải đảm bảo cung cấp 1000-1200mg/ngày. Tất cả nghiên cứu đều cho thấy canxi từ thực phẩm đóng vai trò quan trọng nhất vì sự chuyển hóa canxi trong thực phẩm vào cơ thể luôn tốt hơn, vì vậy có thể tận dụng nhiều thực phẩm chứa canxi rất quen thuộc như: sữa và chế phẩm của sữa, rau xanh đậm màu, các loại hạt, đậu…

Bên cạnh các muối khoáng đứng đầu là canxi thì trong xương còn có thành phần collagen là một trong các protein, cũng cần được cung cấp đầy đủ qua thực phẩm.

Vậy nguồn canxi từ viên bổ sung có cần thiết hay không? Điều này phụ thuộc vào lượng thực phẩm bệnh nhân ăn.

Giả sử 1 ly sữa 350ml có khoảng 350mg canxi. Trong 3 bữa ăn có thể có từ 450-500mg canxi. Như vậy chỉ cần 3 bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng (rau, bột, đạm từ thịt - cá - trứng) thì bệnh nhân chỉ cần uống 2 ly sữa 350ml vào 2 buổi sáng chiều là đủ nhu cầu canxi trong 1 ngày là. Nếu không uống được sữa, có thể thay bằng 2 hũ sữa chua. Như vậy trường hợp này chúng ta đã đủ canxi rồi, không cần đến viên bổ sung.

Tuy nhiên trong thực tế có những người không dùng được sữa và chế phẩm của sữa, người ăn chay, ăn kiêng… thì có thể sẽ không đủ canxi trong chế độ ăn, vì vậy cần viên bổ sung canxi.

Nhắc tới canxi không thể không nhắc tới vitamin D, vì vitamin này có vai trò chuyển hóa canxi từ hấp thu vào cơ thể cho đến đưa vào xương. Người lớn tuổi rất hay bị thiếu vitamin D, khiến cho quá trình lành xương chậm hẳn.

Vitamin D được bổ sung tốt nhất là từ ánh nắng mặt trời, tuy nhiên khi gãy xương thì giai đoạn đầu bệnh nhân thường hạn chế di chuyển, cho nên yêu cầu ra ngoài phơi nắng không được khả thi lắm. Trường hợp này có thể bổ sung bằng viên vitamin D.

thực phẩm chứa nhiều canxiBệnh nhân gãy xương nên bổ sung thực phẩm chứa nhiều canxi. Ảnh: Internet

Bao lâu nên vận động sau gãy xương hông?

Bệnh nhân gãy xương hông sau bao lâu nên vận động?

Trong thời gian phải nằm yên trên giường, bệnh nhân nên vận động, xoay trở như thế nào? Sau bao lâu thì có thể tập đi được ạ?

Riêng bệnh nhân gãy xương hông không phẫu thuật thì 100% bệnh nhân không đi lại được, cho nên không đặt ra vấn đề cử động sau khi gãy xương.

Còn với bệnh nhân đã phẫu thuật thì ngay ngày đầu tiên sau ca mổ, dù bệnh nhân ở tư thế nằm vẫn phải tập vận động các chi, ngay cả chi đã phẫu thuật cũng phải xoay trở nhẹ nhàng. Mức độ tập như thế nào sẽ do đội ngũ phục hồi chức năng của bệnh viện hướng dẫn và hỗ trợ. Sau 1 tuần bệnh nhân sẽ chuyển từ tư thế nằm sang ngồi, từ ngồi sang đứng, tự đứng và đi nạng.

Các chuyên gia khuyến cáo càng vận động sớm càng tốt đối với gãy xương hông là vì sau phẫu thuật nếu bệnh nhân nằm yên rất dễ xảy ra 2 biến chứng rất nguy hiểm là thuyên tắc tĩnh mạch sâu và dễ nhiễm trùng. Biến chứng thứ 3, nếu người già nằm lâu dễ xuất hiện các vết loét.

Đối với những gãy xương khác, để lành xương chúng ta phải bất động như: bó bột và theo dõi trung bình 4-6 tuần, khi đã can xương và tháo bột ra thì phải vận động càng sớm càng tốt.

Sai lầm nào khiến xương hông lâu lành sau gãy?

Nhờ BS cho biết những sai lầm mà bệnh nhân gãy xương hông thường gặp khiến xương lâu lành?

Có một số quan niệm sai lầm mà bệnh nhân cần tránh.

Đầu tiên, bệnh nhân thường e ngại vận động, dù đã phẫu thuật rồi vẫn không chịu vận động. Đây là sai lầm lớn và quan trọng nhất.

Sai lầm thứ 2 là việc sử dụng thuốc. Đa số trường hợp gãy xương hông, người ta coi phẫu thuật xong là đã giải quyết được mà quên mất việc điều trị loãng xương, đây mới là vấn đề chính. Gãy xương hông do loãng xương gắn liền với nguy cơ tử vong và nguy cơ gãy xương tái phát. 2 nguy cơ này sẽ được giảm thiểu phần nào nếu chúng ta điều trị loãng xương. Do đó từ tuần thứ 2 - tuần 12, bệnh nhân cần được điều trị loãng xương thích đáng.

Vật lý trị liệu sau gãy xương hông

Thưa bác sĩ, nên tập vật lý trị liệu sau gãy xương hông như thế nào?

Sau gãy xương cần đạt được 2 mục đích: thứ nhất là làm sao cho xương mau lành, thứ hai là phục hồi chức năng của chi gãy và giúp bệnh nhân sớm vận động. Hai mục đích này đều có thể đạt được khi tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng sau gãy xương, chính xác là sau khi phẫu thuật để chỉnh hình gãy xương hông.

Vật vật lý trị liệu như thế nào? Trong tập luyện vật lý trị liệu sau gãy xương hông gồm có 2 hình thức. Hình thức thứ nhất là tập chịu trọng lượng cơ thể, tức là bệnh nhân ngồi và tập đứng để khớp chịu được trọng lượng cơ thể. Chính việc tập chịu trọng lượng này giúp chu chuyển xương hoạt động tốt và xương bị tổn thương chóng lành hơn.

Hình thức thứ hai là tập để cải thiện biên độ vận động. Các chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa sẽ cho bệnh nhân gãy xương những bài tập cụ thể để giúp họ đạt được những mục đích đã nêu.

Hình ảnh gãy xương hông trên phim chụp. Ảnh: Internet

Phòng tránh gãy xương hông do loãng xương

Để phòng tránh gãy xương hông do loãng xương, cộng đồng nên làm gì, thưa bác sĩ?

Để phòng ngừa gãy xương hông, trước tiên phải phòng ngừa loãng xương. Phòng tránh loãng xương là quá trình kéo dài từ nhỏ đến khi trưởng thành và cho đến lúc già. Mọi người cần cung cấp đủ bộ ba canxi, vitamin D và vận động đúng mức. Nếu đạt được những yếu tố này, mọi người sẽ không bị loãng xương và gãy xương.

Ở người già, gãy xương gắn liền với nguy cơ té ngã. Do đó ngoài loãng xương phải phòng ngừa té ngã. Việc đầu tiên trong phòng ngừa té ngã là tập để cơ mạnh lên, nhằm giúp cơ mạnh hơn, qua đó ít có nguy cơ tẽ ngã. Trong trường hợp người lớn tuổi đi không vững, người thân cần hỗ trợ bằng các biện pháp như giúp họ sử dụng gậy, xe đẩy. Trong nhà không nên có những chỗ bị vấp, hụt chân; nhà tắm hoặc chỗ lên dốc cần có tay cầm, tay vịn để bêệnh nhân di chuyển dễ dàng; nhà luôn có đủ ánh sáng, tránh những chỗ tối lờ mờ gây nguy cơ tẽ ngã gãy xương hông…

Gãy xương hông do loãng xương là một biến cố nghiêm trọng, gắn liền với một loạt những hệ quả khác như tăng nguy cơ gãy xương lên nhiều lần, tăng nguy cơ tử vong, tăng nguy cơ các bệnh nội khoa khác, tăng nguy cơ lệ thuộc vào người khác, mất chức năng vận động, đồng thời gây ra tình trạng đau mãn tính kéo dài, làm giảm chất lượng cuộc sống.

May mắn thay, tất cả những điều này đều có thể phòng ngừa, ngăn chặn được nếu có lối sống tốt ngay từ nhỏ, nghĩa là với lối sống lành mạnh, chế độ ăn đủ chất và thành phần bổ xương như canxi, vitamin D phối hợp tập luyện thể dục thể thao, không ngồi nhiều có thể phòng ngừa loãng xương, gãy xương và các biến chứng nguy hiểm vủa nó.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X