Hotline 24/7
08983-08983

DSA tầm soát và điều trị mạch máu nào trên cơ thể, lưu ý gì khi thực hiện?

DSA là kỹ thuật chụp số hóa xóa nền, thể hiện rất rõ và chi tiết đến từng mạch máu nhỏ. Trong bài viết dưới đây BS.CK2 Nguyễn Chí Phong - Bệnh viện Bình Dân đã chia sẻ về kỹ thuật DSA, đường vào của ống thông, những lưu ý dành cho bệnh nhân sau khi thực hiện.

1. DSA là kỹ thuật gì?

Khi mùa lạnh về, số người đột quỵ tăng lên, mọi người cũng thường nghe nhắc đến kỹ thuật DSA. Đầu tiên nhờ BS giúp mọi người được rõ: DSA là kỹ thuật gì?

BS.CK2 Nguyễn Chí Phong trả lời:

DSA là kỹ thuật chụp số hóa xóa nền. Hiểu một cách đơn giản, sau khi chụp một hình ảnh nào đó và cần hình ảnh đó nổi bật hơn thì những hình ảnh không cần thiết sẽ xóa đi.

Ví dụ chụp một tấm ảnh từ trên cao xuống hệ thống sông ngòi thì mình xóa hết các cảnh đất, cây cối chỉ còn lại hệ thống sông ngòi.

DSA cũng tương tự như vậy, thế mạnh là chụp mạch máu. Sau khi chụp máy sẽ xóa hết tất cả hình ảnh xương, mô, chỉ để lại hệ thống mạch máu.

2. DSA có thể tiếp cận được những mạch máu nào trên cơ thể?

BS.CK2 Nguyễn Chí Phong trả lời:

Hiện tại, DSA hầu như tiếp cận được tất cả các mạch máu. Được như vậy là nhờ:

- Sự phát triển của công nghệ sản xuất ống thông, từ ống thông rất lớn đến ống thông rất nhỏ.

- Ngoài công nghệ sản xuất máy DSA còn có máy 2 bình diện, xác định được cả các vị trí mạch máu khó tiếp cận.

- Kỹ thuật, chuyên môn của bác sĩ là một vấn đề hết sức quan trọng để đi đến những mạch máu lớn cũng như mạch máu nhỏ.

3. Ứng dụng DSA có thể tầm soát, điều trị bệnh lý mạch máu, cụ thể là bệnh gì?

BS.CK2 Nguyễn Chí Phong trả lời:

DSA đặc biệt quan trọng trong hệ thống mạch máu, nó sẽ xác định được phần lớn những bệnh lý trên mạch máu.

Ví dụ như hệ thống sông ngòi, ở một vị trí nào đó có rác nhiều sẽ ùn ứ lại và gây tắc. Một số bệnh lý thường gặp trong hệ thống mạch máu:

- Mỡ máu, huyết khối trôi, bám trên thành sẽ gây tắc mạch máu trong hệ thống đó.

- Vị trí mạch máu phình ra: giống như trên dòng sông có những cái hồ thì trong cơ thể, mạch máu giãn ra tạo thành một túi phình hay một túi giả phình.

- Thông động tĩnh mạch: là tình trạng động mạch và tĩnh mạch thông với nhau.

4. Lối vào của dụng cụ DSA là những vị trí nào trên cơ thể?

BS.CK2 Nguyễn Chí Phong trả lời:

Lối vào (đường vào) của DSA tùy vào trước đó mình chụp CT scan hay MRI xác định bệnh nhân có bệnh lý gì. Ví dụ bệnh lý vùng não, vùng tim, vùng bụng thì lối vào có thể thay đổi. Mục tiêu lối vào:

- Đường vào nào là an toàn nhất.

- Tiếp cận tổn thương gần nhất và dễ nhất cho bác sĩ thao tác.

Một số vị trí lối vào DSA:

- Phổ biến nhất là vào động mạch đùi bên phải (bẹn bên phải)

- Một số trường hợp can thiệp ở động mạch chủ bụng như là đặt stent graft, can thiệp điều trị những bệnh lý như u gan hay phì đại tuyến tiền liệt thì lối vào là động mạch đùi phải.

- Một số trường hợp can thiệp vào mạch vành thường đi vào cánh tay.

- Một số vùng mạch máu não cũng có thể đi vào cánh tay.

5. Vì sao bệnh nhân sau khi can thiệp DSA phải nằm bất động 24 giờ?

BS.CK2 Nguyễn Chí Phong trả lời:

Khi bác sĩ đưa ống thông vào bằng đường động mạch đùi hay động mạch cổ tay, trong lòng động mạch vốn có áp lực của máu khá lớn do tim bóp đưa đi. Sau khi can thiệp xong thì có thể một số đơn vị sẽ may lại vị trí đã can thiệp, tức là khâu lối vào mạch máu, giống như vá lại.

Còn một số vị trí thì chỉ đè ép, để tạo thành cục máu đông ngay vị trí mà kim đi vào sau đó băng ép.

Chính vì lẽ đó bệnh nhân phải nằm nghỉ ngơi, bất động trong 24 tiếng để vết thương ở lối đi vào được an toàn, tránh bung vết thương.

Những trường hợp được may thì bệnh nhân có thể di chuyển sớm hơn nhưng ít nhất cũng phải 12 tiếng nằm bất động.

Ở những vùng động mạch đi vào như khuỷu tay, cổ tay thì bệnh nhân cũng phải bất động. Nghĩa là, khi chúng ta đi lại mặc dù chỉ vận động hai chân thôi nhưng tay có thể sẽ vịn chỗ này, với chỗ kia cũng là vận động thì sẽ không tốt cho vị trí kim vào.

Nếu những bệnh nhân có huyết áp cao, khó kiểm soát thì áp lực càng mạnh hơn, khi di chuyển hoặc vận động sẽ dễ bị chảy máu những vùng kim đã đi vào.

6. Trong và sau quá trình thực hiện DSA, bệnh nhân có nguy cơ xảy ra biến chứng gì không?

BS.CK2 Nguyễn Chí Phong trả lời:

Nói về biến chứng thì thường phân ra 3 vấn đề:

- Biến chứng tại chỗ: Là biến chứng ngay chỗ đường kim đi vào. Có thể gây chảy máu, tổn thương mô xung quanh. Thường hệ thống động mạch và tĩnh mạch của song song với nhau, cặp kè với nhau, khi kim đi vào có thể làm thông giữa động mạch và tĩnh mạch.

- Trong quá trình can thiệp có thể hình thành các cục máu đông, sau đó nó trôi đi ở trong cơ thể. Nếu nó bám ở vùng nào thì gây thiếu máu nuôi ở vùng đó.

- Dị ứng với thuốc cản quang (biến chứng này hiếm gặp nhưng cũng có thể xảy ra): Để chụp thấy được mạch máu thì phải dùng lượng thuốc cản quang khá nhiều. Lượng thuốc cản quang này sẽ đào thải qua thận. Trong những trường hợp mạch máu khó đi, phải chụp nhiều lần để tìm đường đi thì lượng thuốc cản quang cũng khá cao, có thể ảnh hưởng đến độ lọc cầu thận.

7. So sánh 2 kỹ thuật khảo sát mạch máu: siêu âm doppler và DSA

BS.CK2 Nguyễn Chí Phong trả lời:

Siêu âm doppler là một phương tiện chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, nó có thể xem được hệ thống mạch máu, dòng chảy, thành mạch, cục máu đông. Nhưng siêu âm doppler có hạn chế là những vị trí khuất nằm trong sọ hay khuất sau một cái xương nào đó thì siêu âm không xem được.

DSA vừa chẩn đoán vừa can thiệp, là một kỹ thuật xâm lấn. Do đó, nó cũng có một số nguy cơ giới hạn, tuy nhiên lợi thế là xem được toàn bộ hình ảnh cây mạch máu kể cả những chỗ khuất.

Vì DSA là kỹ thuật xóa mờ nên xóa được các xương ở các mạch máu sâu. Trên sọ thì mạch máu được xương sọ bao lại nhưng trên phim DSA đã được xóa xương, do đó hình ảnh thể hiện rất rõ và chi tiết đến từng mạch máu nhỏ.

8. DSA có chống chỉ định với những bệnh nhân nào, trường hợp đó có phương pháp nào thay thế?

BS.CK2 Nguyễn Chí Phong trả lời:

Có một số trường hợp bệnh nhân chống chỉ định với DSA

- Đặc biệt nhất là bệnh nhân đang mang thai

- Những bệnh nhân có dị ứng rõ nét với thuốc cản quang.

Một số chống chỉ định tương đối là bệnh nhân có rối loạn đông máu. Những trường hợp tiểu cầu khoảng từ 50.000 trở lên thì vẫn can thiệp được, bác sĩ có thể vừa can thiệp vừa truyền thêm tiểu cầu bổ sung cho bệnh nhân. Những trường hợp tiểu cầu thấp thì không thể nào mổ hở được nhưng đối với DSA chỉ có đường kim vào thôi thì bác sĩ vẫn can thiệp được

9. Sau can thiệp DSA, người bệnh cần lưu ý gì?

BS.CK2 Nguyễn Chí Phong trả lời:

Những điều bệnh nhân cần chú ý trong sinh hoạt sau khi can thiệp, thứ nhất là tùy thuộc vào đường vào, thứ hai tùy thuộc vào bệnh lý mình can thiệp.

- Đường vào ở vùng bẹn: Bệnh nhân phải bất động, nghỉ ngơi trong 24 tiếng. Sau khi đã hoạt động được thì cũng nên hạn chế di chuyển, di chuyển một cách tương đối chậm rãi trong 1 tuần. Hạn chế xách vật nặng từ 5kg trở lên trong tuần đầu.

- Đường vào từ cổ tay: Bệnh nhân cũng bất động từ 12 tiếng trở lên. Sau đó, trong vòng tuần đầu có thể làm việc nhưng hạn chế xách nặng từ 3kg trở lên. Mặc dù mạch máu đã lành nhưng chưa chắc chắn thì khi chúng ta dùng một lực hơi mạnh, máu về nhiều có thể bục ra ngay chỗ đã băng ép. Bệnh nhân cũng nên hạn chế các việc làm tinh vi bằng tay như lái xe, may vá,…

Bệnh nhân không nên quá lo lắng khi mạch máu phình trở lại ngay đường vào, bạn cứ đè ngay chỗ đó, đè thật chặt và đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X