Đối phó với các bệnh hô hấp trở nặng trong mùa đông lạnh giá
Mùa đông là "kẻ thù" của những người bị bệnh cúm, viêm phế quản, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen.. ThS.BS Võ Thị Tố Uyên đưa ra cách đối phó với các bệnh hô hấp gia tăng, trở nặng trong mùa đông lạnh giá.
ThS.BS Võ Thị Tố Uyên - Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM)
1. Những bệnh hô hấp nào gia tăng trong mùa đông?
Vào mùa lạnh, đặc biệt là mùa đông rét đậm như năm nay, theo quan sát của BS các bệnh hô hấp nào gia tăng? Trong đó, nguy hiểm nhất là những bệnh nào?
ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:
Vào những ngày trời lạnh, nhiệt độ môi trường thấp, lượng bệnh nhân tới khám ở phòng khám hô hấp và nhập viện khoa hô hấp tăng lên đáng kể; từ các bệnh lý nhiễm trùng, nhiễm siêu vi đường hô hấp trên, cúm, viêm phế quản, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen.
Đặc biệt đã ghi nhận có các trường hợp tử vong do cúm biến chứng nặng, viêm phổi mắc phải cộng đồng nặng, hội chứng nguy kịch hô hấp cấp, hoặc do đợt cấp tiến triển nặng của bệnh phổi mạn tính như hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...
2. Niêm mạc mũi bị khô trong mùa lạnh, khắc phục thế nào?
Nhiều người than phiền vào mùa đông, họ gặp tình trạng niêm mạc mũi bị khô. Ngoài việc gây khó chịu thì niêm mạc mũi khô có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe? Có thể khắc phục bằng cách nào ạ?
ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:
Vào mùa lạnh, độ ẩm thấp, nhiều người dễ bị khô mũi, đặc biệt dễ gặp trên những người hút thuốc lá, viêm mũi mạn tính.
Niêm mạc mũi khô thường chỉ gây khó chịu, đôi khi gây đau, hiếm khi là tình trạng nguy hiểm. Niêm mạc mũi trong giai đoạn này khá nhạy cảm, dễ bị kích ứng, quá khô có thể đi kèm với nứt niêm mạc và chảy máu, đa số tự khỏi không cần điều trị.
Có thể giảm bớt khó chịu bằng cách sử dụng máy tạo độ ẩm cho nhà hoặc văn phòng, các dung dịch giữ ẩm cho mũi, uống đủ nước, bổ sung nhiều rau xanh, trái cây.
Tuy nhiên, khô mũi trên 10 ngày thường là dấu hiệu của viêm nhiễm, nếu có chảy máu mũi dai dẳng, sốt, đàm mủ kéo dài hoặc sốt thì người bệnh nên sắp xếp khám bác sĩ sớm.
3. Đến mùa lạnh là nước mũi chảy ròng ròng, làm sao để hạn chế?
Ngược lại, cũng có những người đến mùa lạnh là nước mũi chảy ròng ròng. Như vậy có cách nào hạn chế không ạ?
ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:
Chảy nước mũi thường diễn ra vào mùa lạnh, lý do là mũi có công dụng giữ ấm không khí trước khi vào phổi, không khí lạnh kích thích niêm mạc mũi sản xuất ra nhiều dịch hơn, tăng cường giữ ấm và giữ ẩm cho không khí hít vào.
Đây là hiện tg thường gặp, khoảng 50-90% người bình thường có chảy nước mũi khi trời lạnh.
Những người có tiền sử hen, chàm, viêm mũi dị ứng dễ bị chảy mũi hơn. Do đó, cách tốt nhất là cần giữ ấm trong mùa lạnh, có thể dùng khăn choàng quấn quanh mặt, che mũi hoặc sử dụng khẩu trang giữ ấm, bù đủ nước và đủ năng lượng mất đi do trời lạnh. Có thể sử dụng máy tạo độ ẩm cho phòng, các dung dịch nhỏ mũi giữ ẩm để giảm bớt khó chịu do vấn đề chảy nước mũi vào mùa lạnh.
3. Điều trị bệnh hen, COPD gặp khó khăn gì trong mùa đông?
Việc điều trị bệnh hen, COPD gặp khó khăn gì khi trời lạnh giá, thưa BS? Họ có cần tăng cường thêm loại thuốc nào không ạ?
ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:
Những người có bệnh phổi mạn, như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen, giãn phế quản khá nhạy cảm với thời tiết lạnh. Không khí lạnh khiến cho các cơ quan tăng hoạt động để tạo nhiệt lượng, từ đó tăng gánh nặng cho tim và phổi. Điều này có thể làm xấu đi tình trạng bệnh phổi nặng, nhất là bệnh nhân tâm phế mạn do co mạch, tăng kháng trở mạch máu và tăng nhu cầu oxy cơ tim.
Triệu chứng của bệnh thường trở nặng với gia tăng khó thở và ho nhiều hơn, đôi khi tăng đàm nhớt và đàm mủ. Nếu phổi không thể đáp ứng nhu cầu oxy cơ thể, tình trạng đợt cấp quá nặng, bệnh nhân có thể suy hô hấp, tím tái, suy giảm tri giác và hôn mê.
Khi đợt cấp xảy ra, bác sĩ có thể phải kê thêm các loại thuốc kháng viêm steroid, thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn và một số kháng sinh khi có nhiễm trùng, dẫn đến tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ do thuốc ngắn hạn và dài hạn.
Đặc biệt vào mùa lạnh, bệnh nhân đợt cấp hen hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng đôi khi phải nhập viện theo dõi, thở oxy hoặc thở máy nên cần lưu ý hơn trong việc giáo dục phòng bệnh cho bệnh nhân và thân nhân.
4. Làm cách nào để ngăn chặn đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - COPD khi trời lạnh?
Trời lạnh như hiện nay, làm cách nào để ngăn chặn đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thưa BS?
ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:
Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có yếu tố thúc đẩy do nhiễm siêu vi hoặc nhiễm trùng, tăng phản ứng đường thở có liên quan mật thiết tới điều kiện thời tiết và môi trường. Do đó, thời tiết lạnh, độ ẩm thấp hoặc trời quá nóng đều có thể tăng nguy cơ vào đợt cấp.
Để hạn chế, người bệnh nên tránh ra ngoài trời lạnh vào ban đêm hoặc sáng sớm, bởi nhiệt độ quá thấp có thể khiến cơ thể bị nhiễm lạnh, nên mặc đủ ấm, giữ ấm vùng mũi họng và cổ, uống đủ nước và cần ăn đủ chất, tăng cường dinh dưỡng từ cá, ngũ cốc thô và rau quả; tránh rượu bia, thuốc lá.
Khi tắm có thể dùng nước ấm, tắm ở nơi kín gió và tránh tắm quá lâu.
Người bệnh nên tiêm ngừa cúm hàng năm và tiêm ngừa phế cầu để hạn chế viêm nhiễm kích hoạt đợt cấp.
5. Trời lạnh là thời điểm bệnh cúm hoành hành, làm sao ngăn chặn?
Trời lạnh cũng là thời điểm bệnh cúm hoành hành. Làm sao để phòng bệnh này, thưa BS? Và khi đã bị cúm, phải lưu ý gì khi điều trị để bệnh không diễn tiến xấu khi trời lạnh giá?
ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:
Đối với cúm, số ca mắc bệnh và gặp phải biến chứng của bệnh tăng mạnh vào mùa lạnh, cách hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh là tiêm ngừa vaccine cúm hàng năm, đặc biệt là những người ở nhóm nguy cơ cao như trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai và những người có bệnh mạn tính hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
Ngoài ra, để phòng ngừa lây nhiễm trong cộng đồng với cúm và các bệnh nhiễm siêu vi khác, tất cả mọi người nên chú ý rửa tay thường xuyên bằng chất sát khuẩn hoặc xà phòng, mang khẩu trang, hạn chế tụ tập nơi đông người và giữ vệ sinh khi ho khạc.
Hầu hết các trường hợp mắc cúm mùa đều nhẹ và tự khỏi. Người bệnh được khuyến cáo nên nghỉ ngơi tại nhà tránh lây lan cho cộng đồng, uống nhiều nước, có thể giảm đau, hạ sốt bằng paracetamol theo liều khuyến cáo, súc họng nước muối.
Những người thuộc nhóm nguy cơ cao như liệt kê ở trên có nguy cơ cao mắc phải bệnh cúm nặng với các biến chứng tim, phổi, não, cơ xương khớp...
Theo khuyến cáo, khi có triệu chứng nghi cúm nên khám bác sĩ để đánh giá và xem xét nhập viện hoặc dùng thuốc kháng virus.
6. Mùa lạnh có ảnh hưởng thế nào đến bệnh nhân lao?
Có phải mùa đông bệnh nhân lao sẽ ho nhiều hơn không ạ?
ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:
Ở bệnh lao, số ca thường tăng vào mùa hè và mùa xuân ở các nước có 4 mùa. Cũng chưa có ghi nhận người bệnh lao bị ho nhiều vào mùa đông, vì khi điều trị ổn, sau 2 tháng tấn công là người bệnh hết ho.
Hồng Nhung
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình