Độ tuổi nào cần tầm soát ung thư gan và các xét nghiệm nên thực hiện là gì?
Ung thư gan là một bệnh lý ác tính có số ca mắc và tử vong hàng đầu Việt Nam. Bệnh lý này hiện có xu hướng trẻ hóa gây nguy hại sức khỏe. Nguyên nhân dẫn đến ung thư gan là gì? tầm soát ung thư gan như thế nào? Các thắc mắc trên sẽ được tư vấn bởi ThS.BS.CK2 Trần Kim Thành - Khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân 115.
1. Ung thư gan xuất hiện ở độ tuổi nào và có di truyền không?
Thưa BS, tại Việt Nam, ung thư gan có phổ biến không và thường khởi phát ở độ tuổi nào thưa BS? Căn bệnh này liệu có di truyền không ạ?
Theo hiệp hội ung thư toàn cầu GLOBOCAN năm 2020, ung thư gan hiện nay khá phổ biến, đặc biệt tại khu vực châu Á. Ở Việt Nam, ung thư gan đứng hàng thứ 4.
Về độ tuổi, sự trẻ hóa của ung thư ngày càng nhiều và ung thư gan không phải ngoại lệ. Trên thực tế lâm sàng, chúng tôi có thể gặp bệnh nhân ung thư gan ở độ tuổi rất trẻ, có người phát hiện từ độ tuổi 20. Tuy nhiên, theo nghiên cứu ghi nhận, độ tuổi thường gặp là từ 40 tuổi (đối với nam) và từ 50 tuổi (đối với nữ). Người ta thấy rằng, ung thư gan thường gặp ở nam giới hơn phụ nữ và độ tuổi cũng trẻ hơn.
Hiện tại, các nghiên cứu chưa ghi nhận, ung thư gan có tính chất lây truyền.
2. Ăn thực phẩm nấm mốc có dẫn đến ung thư gan?
Ở nước ta, những nguyên nhân hay yếu tố nào gây ra ung thư gan ạ? Nhiều người lo lắng, vô tình ăn những thực phẩm nấm mốc hoặc ở trong môi trường ẩm mốc có thể gây ra ung thư gan. Nỗi lo này liệu có cơ sở không ạ?
Có rất nhiều nhóm nguyên nhân gây ung thư gan. Một trong những nguyên nhân đã được ghi nhận là sử dụng thực phẩm nấm mốc. Ví dụ các loại đậu, ngũ cốc khi bảo quản không tốt, xảy ra hiện tượng nấm mốc hoặc trong môi trường ẩm mốc sẽ tạo ra độc chất gọi là aflatoxin. Đây là nguy cơ và nguyên nhân dẫn đến ung thư gan đã được ghi nhận và báo cáo.
Mặt khác, khi chúng ta ở trong môi trường ẩm mốc, thực tế sẽ có phát sinh nguy cơ khả năng hấp thu, tiếp xúc với tác nhân gây ung thư gan, tuy nhiên không có bằng chứng rõ ràng bằng việc chúng ta ăn trực tiếp các thực phẩm mốc chứa độc chất aflatoxin.
Bên cạnh đó, còn có một số hóa chất rất độc hại khác có thể là nguyên nhân gây ung thư gan, đó là chất dioxin (hay còn gọi là chất độc màu da cam).
Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác gây ung thư gan như viêm gan siêu vi B và viêm gan siêu vi C. Trong khi đó, khu vực châu Á, tỷ lệ mắc hai căn bệnh này rất nhiều và có thể diễn tiến đến xơ gan và sau đó là ung thư gan.
Điều đặc biệt là, trong khi hầu hết bệnh nhân viêm gan siêu vi C khi tiến triển thành ung thư gan sẽ bắt buộc phải qua giai đoạn xơ gan, thì riêng viêm gan siêu vi B có một tỷ lệ nhỏ (dưới 3%) diễn tiến thành ung thư mà không qua giai đoạn xơ gan.
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu cũng đã cho thấy vai trò gây ra nguy cơ ung thư gan. Trước đây, gan nhiễm mỡ là bệnh lành tính, thường được phát hiện một cách tình cờ qua siêu âm khi đi khám bệnh. Tuy nhiên, ngày nay đó không còn là bệnh bình thường nữa. Nhóm bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ phát triển đến xơ gan, ung thư gan ngày càng gia tăng. Yếu tố thúc đẩy tiến trình này có thể kể đến bệnh tiểu đường, rối loạn chuyển hóa, mỡ máu cao hoặc có các bệnh lý về tim mạch, tăng huyết áp.
Cuối cùng là tình trạng lạm dụng rượu khiến gan bị tổn thương cũng có thể chuyển thành xơ gan và ung thư gan. Đây là những nhóm đặc biệt chúng ta cần lưu ý để tầm soát ung thư gan.
3. Tại sao ung thư gan ngày càng trẻ hóa?
Như BS vừa chia sẻ, ung thư gan dường như đang có xu hướng trẻ hóa. Tại sao tuổi ung thư gan ngày càng trẻ hóa ạ?
Một trong những nguyên nhân khiến ung thư gan đang có xu hướng trẻ hóa đó là bệnh nhân trẻ tuổi bị nhiễm viêm gan virus B và C theo chiều dọc. Nghĩa là mẹ truyền sang con, khi sinh ra em bé đã bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, thời điểm đó không phát hiện, không dự phòng và theo dõi.
Theo tiến trình thời gian, bắt đầu từ 15 - 20 tuổi khi quá trình tổn thương gan diễn ra nhiều năm, khi đó gan sẽ không còn bình thường mà nó chuyển từ xơ gan và qua ung thư gan. Như vậy, đa phần bệnh nhân ung thư gan ở lứa tuổi trẻ sẽ rơi vào nhóm này. Còn lại, những bệnh nhân tiếp xúc trực tiếp với môi trường độc hại, ăn các thức ăn, thực phẩm ẩm mốc kéo dài cũng gây ra nguy cơ ung thư gan.
4. Dấu hiệu điển hình báo hiệu ung thư gan?
Dấu hiệu nào cảnh báo ung thư gan chúng ta cần lưu ý? Trong đó, dấu hiệu nào là điển hình nhất, thưa BS?
Ung thư gan giai đoạn đầu hầu như không có triệu chứng. Như vậy rất khó để phát triển ung thư gan sớm nếu như không có chiến lược khám sức khỏe định kỳ. Đặc biệt là khám chuyên khoa, tầm soát các bệnh lý về gan và ung thư gan.
Khi đã có các biểu hiện như ăn không tiêu, đầy bụng, mệt mỏi, uể oải, vàng da, vàng mắt, sụt cân hoặc đau phần hạ sườn bên phải hoặc vùng bụng trên bên phải thì đây là những dấu hiệu muộn của ung thư gan.
5. Những phương tiện chẩn đoán và kỹ thuật tầm soát ung thư gan?
Hiện nay có những phương tiện nào để chẩn đoán ung thư gan ạ? Khi tầm soát ung thư gan, đâu là những kỹ thuật nên được thực hiện?
Siêu âm bụng để khảo sát gan là một xét nghiệm đơn giản thường được thực hiện để tầm soát ung thư gan. Tuy nhiên, xét nghiệm này chỉ cho chúng ta một hình ảnh cơ bản, ghi nhận khối u trong gan. Để khẳng định khối u này lành tính hay ác tính cần phải dựa vào các xét nghiệm khác. Ví dụ như AFP có trong máu và chỉ số này thường sẽ tăng ở nhóm bệnh nhân bị ung thư gan. Do đó, nếu nghi ngờ khi khám lâm sàng cùng với khối u bất thường trên hình ảnh siêu âm cùng thì cần phải làm các xét nghiệm khác để chẩn đoán.
Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ung thư gan là sinh thiết gan. Người thầy thuốc sẽ dùng một cây kim đâm thẳng vào gan để lấy một mẫu mô đọc dưới kính hiển vi điện tử. Tuy nhiên, ngày nay ung thư gan đã có thể chẩn đoán bằng các cận lâm sàng không xâm lấn khác. Chỉ trừ trường hợp không chẩn đoán được với các xét nghiệm này thì mới bắt buộc phải sử dụng sinh thiết. Bởi vì đây là một kỹ thuật xâm lấn rất dễ chảy máu, đau và rất khó chịu, hơn nữa không phải cơ sở y tế nào cũng làm được.
Như vậy, để chẩn đoán ung thư gan, đầu tiên người thầy thuốc phải xác định các nguy cơ. Ví dụ, phải làm thêm xét nghiệm máu để xem bệnh nhân có nguyên nhân dẫn đến ung thư gan hay không (viêm gan B, C, chỉ số AFP). Nếu có nghi ngờ, bệnh nhân phải chụp CT bụng 4 thì (có bơm thuốc cản quang). Nếu hình ảnh điển hình của ung thư gan cùng với triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm máu đủ để xác định bệnh thì bệnh nhân sẽ được tư vấn hướng điều trị mà không cần phải sinh thiết.
6. Nhóm người nào cần tầm soát ung thư gan?
Theo BS, nhóm người nào cần tầm soát ung thư gan ạ?
Hiện nay, khuyến cáo đối với nam là trên 40 tuổi còn đối với nữ là trên 50 tuổi nên đi tầm soát ung thư gan 6 tháng 1 lần.
7. Gia đình có tiền sử ung thư gan, độ tuổi nào nên tầm soát?
Với những người không có triệu chứng, nhưng tiền sử gia đình có người thân bị ung thư gan, độ tuổi nào nên tầm soát ung thư gan? Và bao lâu nên thực hiện một lần?
Thông thường, trong gia đình có người bị ung thư gan thì phải tầm soát xem người này bị ung thư gan nguyên nhân do đâu. Ví dụ trong gia đình có người bị viêm gan virus B, C thì phải tầm soát xem trong gia đình còn ai mắc căn bệnh này. Đây là tìm nguy cơ lây theo chiều dọc (mẹ lây truyền cho con)
Còn lây truyền ngang nghĩa là người bệnh này bị nhiễm từ phương thức lây truyền khác như qua đường máu (tiêm chích xì ke, xăm môi, sử dụng các vật phẩm dính máu của người khác bị viêm gan B hoặc lây truyền qua đường tình dục.
Như vậy, nếu trong gia đình có người ung thư gan liên quan đến virus B, C thì khuyến cáo tầm soát cho cả nhà. Độ tuổi tầm soát càng sớm càng tốt, thông thường nên bắt đầu từ 20 tuổi trở lên. Còn với những trường hợp gia đình có người bị ung thư gan nhưng không có các yếu tố nhiễm viêm gan virus B, C thì theo khuyến cáo nên đi tầm soát đối với nam là trên 40 tuổi, đối với nữ trên 50 tuổi.
8. Với người khỏe mạnh, bao lâu nên tầm soát ung thư gan?
Vậy còn với người khỏe mạnh, gia đình không có tiền sử ung thư gan thì sao thưa BS?
Ngày nay, trên tinh thần của UBND TPHCM và Sở Y tế mong muốn mỗi người dân Việt Nam phải được đi khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần, đó là thông tin rất tích cực trong tương lai.
Với nhóm người đi làm cho các cơ quan cơ sở, thông thường hằng năm sẽ được kiểm tra sức khỏe ít nhất một lần. Còn đối với nhóm người lao động tự do, theo khuyến cáo từ 20 tuổi trở lên nên đi tầm soát khám sức khỏe định kỳ ít nhất một năm một lần.
Riêng ở nhóm có nguy cơ về gan thì nên đi khám gan định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần và nên bắt đầu từ năm 20 tuổi.
9. Người thường xuyên uống rượu bia, tầm soát ung thư gan thế nào?
Việc tầm soát ung thư gan ở những người có bệnh lý về gan (như gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan…) hoặc người thường xuyên uống rượu bia liệu có khác biệt so với người sở hữu gan khỏe mạnh? Với những trường hợp này, bao lâu nên kiểm tra gan lại một lần là tốt nhất ạ?
Với những bệnh nhân sử dụng rượu bia nhiều, gan nhiễm mỡ hoặc có yếu tố dẫn đến bệnh lý gan thì nên kiểm tra gan ít nhất mỗi 6 tháng 1 lần.
Khi đó bác sĩ sẽ cho chúng ta làm xét nghiệm máu để tầm soát xem tình trạng gan thế nào (có bị hoại tử tế bào gan hay không; men gan có tăng không; chất ung thư gan trong máu có tăng không) và tối thiểu sẽ được thực hiện siêu âm bụng để khảo sát gan.
Bên cạnh đó, ngày nay nhóm bệnh gan nhiễm mỡ ngày càng nhiều, không chỉ gặp ở các bệnh nhân béo phì hay rối loạn về chuyển hóa mà còn xảy ra ở một số người gầy. Để định lượng được gan nhiễm mỡ, người ta sử dụng kỹ thuật fibroscan giúp đo độ đàn hồi gan, qua đó xác định được mức độ nhiễm mỡ và mức độ xơ hóa gan. Về thời gian cũng vẫn là 6 tháng phải đi kiểm tra, tầm soát một lần.
10. Chỉ số AFP trong máu tăng bất thường có đáng lo?
Xét nghiệm máu có phát hiện ung thư gan không thưa BS? Nhiều người xét nghiệm phát hiện các chỉ số AFP trong máu tăng bất thường, liệu có đáng lo? Với những trường hợp này, nên làm gì tiếp theo?
Nồng độ AFP trong gan tăng cao là dấu hiệu nghi ngờ của ung thư gan. Tuy nhiên nó có thể tăng trong một số trường hợp mà không phải do ung thư gan như bệnh nhân bị tổn thương gan cấp, viêm gan cấp. Như vậy người thầy thuốc không chỉ dựa vào AFP mà thực hiện các chẩn đoán hình ảnh khác mới đủ để khẳng định bệnh nhân có bị ung thư gan hay không.
Bên cạnh AFP, còn có chất chỉ điểm ung thư khác đó là AFP L3 rất nhạy và có giá trị trong chẩn đoán tiên lượng cũng thư theo dõi đáp ứng điều trị ở bệnh nhân ung thư gan.
11. Lưu ý gì trước khi tầm soát ung thư gan?
Trước khi tầm soát ung thư gan, cần làm những gì để kết quả chẩn đoán được chính xác nhất?
Để có một kết quả xét nghiệm sinh hóa tương đối chính xác, rõ ràng, trước khi đi khám gan khuyến cáo không nên uống bia rượu trước đó ít nhất hai tuần hoặc nếu không cữ được thì tối thiểu 3 ngày. Ngoài ra, tốt nhất là nên nhịn ăn để thực hiện xét nghiệm máu. Còn lại, về mặt cơ bản, các vấn đề khác hầu như không ảnh hưởng gì nhiều về xét nghiệm gan.
Sau khi khám gan, xét nghiệm trả về với kết quả gan hoàn toàn khỏe thì chúng ta sẽ được thầy thuốc hướng dẫn tiếp tục theo dõi và thực hiện một lối sống lành mạnh, hạn chế rượu bia, uống đủ nước, vận động thể lực đều đặn để tránh cho gan bị tổn thương. Hướng dẫn một số chế độ ăn ví dụ như không được ăn các thực phẩm nấm mốc, không được ăn những thực phẩm chứa quá nhiều chất béo hoặc quá nhiều chất đường,... Đó là những khuyến cáo cần thiết để có gan khỏe mạnh.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình