Hotline 24/7
08983-08983

Điều trị sớm ngưng thở khi ngủ để ngăn chặn bệnh tim mạch, đột quỵ

Tầm soát và điều trị sớm ngưng thở khi ngủ vô cùng quan trọng, giúp ngăn chặn bệnh tim mạch, đột quỵ, kiểm soát tốt huyết áp, tiểu đường, rung nhĩ… Vậy điều trị ngưng thở khi ngủ có những phương pháp nào? Vấn đề sẽ được giải đáp bởi các chuyên gia về tim mạch và hô hấp TS.BS Nguyễn Ngọc Phương Thư, TS.BS Đặng Nguyễn Anh Thư, ThS.BS Bùi Diễm Khuê, ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân.

1. Những lợi ích của việc điều trị sớm chứng ngưng thở khi ngủ

Nếu người bệnh được phát hiện sớm ngưng thở khi ngủ sẽ mang lại những lợi ích gì và giúp ngăn chặn các nguy cơ biến chứng ra sao ạ? 

ThS.BS Bùi Diễm Khuê - Giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, Phó Chủ tịch Chi hội Ngủ ngáy và Ngưng thở khi ngủ Việt Nam trả lời: Việc điều trị ngưng thở khi ngủ sớm mang lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh.

Đầu tiên, những người có vòng cổ to, béo phì, thừa cân… thường bị ngưng thở khi ngủ, việc cố gắng giảm cân của những người này không có hiệu quả, họ quên mất ăn uống và tập luyện đóng vai trò quan trọng trong việc giảm cân.

Bên cạnh đó, yếu tố đặc biệt quan trọng là giấc ngủ, nếu giấc ngủ đảm bảo cân nặng sẽ được kiểm soát tốt, đó là mấu chốt trong vấn đề giảm cân. Nếu có giấc ngủ ngon, hormon no đói sẽ ổn định, ngược lại những người thường xuyên thức giấc vào ban đêm do cơn ngưng thở khi ngủ sẽ cảm thấy đói nhiều lần trong ngày, từ đó tạo ra nguy cơ béo phì và làm chứng ngưng thở nặng hơn. Do đó nếu điều trị và cắt được cơn ngưng thở bệnh nhân có thể kiểm soát được cân nặng.

Thứ hai, các dấu hiệu ban đêm như ngáy to, tiểu đêm nhiều lần, suy giảm chức năng tình dục sẽ được cải thiện.

Thứ ba, các dấu hiệu ban ngày như buồn ngủ ban ngày, kém tập trung, lo âu, trầm cảm, các rối loạn về tinh thần khác sẽ được kiểm soát sáu khi người bệnh điều trị, đặc biệt là các điều trị triệt để như điều trị bằng máy thở áp lực dương (CPAP), phương pháp này ngay lập tức đưa cơn ngưng thở trở về mức bình thường và làm người bệnh hết ngáy.

Các triệu chứng, biến chứng khác của bệnh cũng được phòng ngừa. Nếu bệnh nhân chưa từng bị huyết áp, tim mạch, tiểu đường việc điều trị tốt ngưng thở khi ngủ sẽ giúp phòng ngừa các bệnh lý này. Nếu bệnh nhân đang có huyết áp, tiểu đường, tim mạch khó kiểm soát, việc điều trị ngưng thở khi ngủ sẽ giúp kiểm soát bệnh tốt hơn, giảm được số lượng thuốc điều trị nhưng vẫn đạt kết quả tối ưu trong việc kiểm soát huyết áp, tiểu đường và ngăn ngừa được nguy cơ nhập viện về sau.

Đó là những vấn đề cần thiết trong điều trị ngưng thở khi ngủ sớm đối với những người có nguy cơ và cần phát hiện bệnh.

2. Các phương pháp điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ

Các phương pháp điều trị hội chứng ngưng thở gồm những gì, thưa BS? Lựa chọn phương pháp điều trị cho bệnh nhân bị hội chứng ngưng thở khi ngủ, cần cân nhắc trên những yếu tố nào?

TS.BS Nguyễn Ngọc Phương Thư - Trưởng Trung tâm kỹ năng và sáng tạo mô phỏng lâm sàng, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trả lời: Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị chứng ngưng thở khi ngủ, có thể chia thành 2 nhóm chính là điều trị không dùng thuốc và điều trị dùng thuốc.

Đối với điều trị không dùng thuốc không chỉ tốt cho chứng ngưng thở khi ngủ mà còn tốt cho các bệnh lý đồng mắc với ngưng thở khi ngủ ví dụ như tim mạch.

Việc điều trị không dùng thuốc bệnh nhân cần tuân thủ tập luyện thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày ở cường độ trung bình và ít nhất 5 ngày trong tuần. Hạn chế rượu bia, thuốc lá ít nhất trong vòng 4 tiếng trước khi ngủ; tăng cường ăn nhiều rau quả, trái cây, hạn chế đồ ngọt, hạn chế muối, giảm cân để giữ BMI trong cân nặng lý tưởng, không để tình trạng thừa cân, béo phì.

Các biện pháp không dùng thuốc khác có thể kể đến như các bài tập vùng hầu họng, có thể dùng các app bài tập hiện nay để luyện tập cơ vùng hầu họng.

Đối với biện pháp điều trị dùng thuốc, hiện nay với thông khí áp lực dương hay gọi là CPAP được khuyến cáo cho người bệnh có chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ ở mức độ trung bình trở lên, đặc biệt là những bệnh nhân kèm theo các bệnh đồng mắc khó kiểm soát nên sử dụng CPAP sớm.

Vai trò của CPAP như một nẹp khí, giúp đường dẫn khí không bị xẹp trong lúc ngủ, đa phần người bệnh cần khoảng từ 1-2 tuần để làm quen với dụng cụ này và thích nghi, ngủ được với thời gian dài sau đó.

Một số người bệnh không dung nạp được CPAP có thể áp dụng một số biện pháp khác như: dụng cụ hàm giúp kéo lưỡi hoặc đưa hàm dưới ra trước trong lúc ngủ, người bệnh khi ngủ sẽ mang một dụng cụ giống dụng cụ bảo vệ hàm khi chơi thể thao. Phương pháp này thường áp dụng cho nhóm người mắc chứng ngưng thở khi ngủ từ nhẹ đến trung bình, và dụng cụ này được làm tại bác sĩ nha khoa.

Người bệnh có thể thực hiện phương pháp phẫu thuật, thông thường bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng sẽ đảm trách để mở rộng đường thở, không còn tắc nghẽn trong khi ngủ. Tuy nhiên phẫu thuật thường đi kèm với nhiều nguy cơ và không bền vững, có thể tái lại.

Một trong những phương pháp mới sau này là kích thích dây thần kinh 12 (dây thần kinh thiệt hầu), người bệnh được đeo một chiếc máy ở thành ngực giống máy đo nhịp tim, tác dụng giúp lưỡi không bị tuột ra sau trong lúc ngủ. Tuy nhiên hiện tại kỹ thuật này chưa được triển khai tại Việt Nam và giá thành tương đối cao.

3. Kiểm soát tốt yếu tố nguy cơ, tuân thủ điều trị đặc hiệu trong ngưng thở khi ngủ có bệnh đồng mắc

Theo BS, những điều gì là quan trọng nhất khi điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ trên bệnh nhân tim mạch, bệnh nhân sau đột quỵ ạ?

TS.BS Đặng Nguyễn Anh Thư - Khoa Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Phó Trưởng Bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh miễn dịch Đại học Y Dược TPHCM trả lời: Nếu bệnh nhân đồng thời mắc chứng ngưng thở khi ngủ và bệnh lý tim mạch, việc điều trị đồng thời cả hai nhóm bệnh là điều quan trọng nhất. Nếu điều trị tốt cả hai nhóm bệnh sẽ có tác dụng hiệp đồng tốt cho cả hai.

Về điều trị, đầu tiên cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ chung của cả hai nhóm bệnh, ví dụ như kiểm soát cân nặng ở những người thừa cân, béo phì, việc giảm cân ở nhóm người này sẽ tốt đối với chứng ngưng thở khi ngủ và kiểm soát tốt bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, rối loạn chuyển hóa, thậm chí cả nhóm bệnh nhân của đái tháo đường.

Bên cạnh đó cần tránh rượu bia và các chất kích thích, ngưng thuốc lá, tập thể dục, có chế độ ăn lành mạnh.

Tuân thủ điều trị đặc hiệu của cả 2 nhóm bệnh. Trong đó, việc điều trị đặc hiệu của nhóm bệnh nhân tim mạch như tăng huyết áp cần uống thuốc đều đặn mỗi ngày theo đúng liều bác sĩ kê toa.

Bệnh nhân có rối loạn nhịp nhịp như rung nhĩ cần sử dụng thuốc chống loạn nhịp một cách chặt chẽ, làm các biện pháp sâu hơn theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Hoặc những bệnh nhân suy tim cần sử dụng đúng loại thuốc được chứng minh cải thiện khả năng sống còn.

Bệnh nhân điều trị đặc hiệu hội chứng ngưng thở khi ngủ cần đến dụng cụ trợ thở như CPAP, BiPAP, dụng cụ hàm, điều chỉnh tư thế ngủ hoặc dùng thuốc…

4. 80-90% bệnh nhân ngưng thở khi ngủ được chỉ định sử dụng CPAP

Thưa BS, người bệnh mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ (OSA) khi nào cần sử dụng các loại máy trợ thở ạ?

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân - Khoa Thăm dò chức năng Hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Phó Chủ tịch Chi hội Ngủ ngáy và Ngưng thở khi ngủ Việt Nam trả lời: Việc điều trị bằng máy trợ thở như máy CPAP, máy BiPAP, trong đó hầu hết các trường hợp ngưng thở khi ngủ được chỉ định dùng máy CPAP (thở áp lực dương), ngoại trừ các trường hợp đặc biệt ví dụ như có amidan hoặc VA quá to, có các bất thường có thể điều trị bằng phẫu thuật hoặc ngưng thở nhẹ thì không cần điều trị bằng máy CPAP.

Máy CPAP giúp tạo luồng khí giữ đường thở của bệnh nhân ngưng thở khi ngủ không bị xẹp trong lúc ngủ, có thể ví như túi khí, CPAP sẽ hoạt động tương tự.

Người được chỉ định thở CPAP có mức độ ngưng thở khi thở từ trung bình trở lên, có bệnh lý đồng mắc kèm theo hoặc những người có nhiều triệu chứng, buồn ngủ thường xuyên… có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, đó là những nhóm người được chỉ định  dùng máy CPAP.

- Vai trò và công dụng của máy trợ thở đối với người mắc chứng bệnh này là gì ạ? Đặc biệt là trên bệnh nhân tim mạch, bệnh nhân sau đột quỵ, thưa BS?

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân trả lời: Ngưng thở khi ngủ gây ảnh hưởng đến tim mạch, đột quỵ là do không thở được gây ra thiếu oxy trong khi ngủ, dẫn tới nhiều hậu quả. Việc sử dụng máy trợ thở làm oxy tăng trở lại trong máu, cơ thể không còn thiếu oxy, từ đó các bất thường gây ra do nguyên nhân này không còn xuất hiện, giúp cơ thể khỏe hơn, huyết áp buổi sáng dậy ổn định hơn, đặc biệt những người mắc bệnh rối loạn nhịp tim, rung nhĩ không còn xuất hiện bất thường…

Tóm lại, CPAP có thể sửa chữa các khiếm khuyết của người bị ngưng thở khi ngủ như: thiếu oxy máu, ảnh hưởng triệu chứng, biến chứng của ngưng thở khi ngủ. 

- Các loại máy trợ thở CPAP, BiPAP, ASV khác nhau như thế nào và được chỉ định trong các tình huống nào, thưa BS?

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân trả lời: Đối với một người bị chứng ngưng thở khi ngủ sẽ được bác sĩ chỉ định dùng máy trợ thở để gắn vào trước khi đi ngủ. Tuy nhiên trong máy trợ thở có rất nhiều chế độ khác nhau như: chế độ CPAP thở áp lực dương liên tục, việc này có tác dụng giữ áp lực cố định làm đường thở không bị xẹp lại trong khi ngủ, CPAP được chỉ định cho hầu hết các trường hợp ngưng thở khi ngủ, khoảng 80-90% bệnh nhân ngưng thở khi ngủ sử dụng CPAP.

Còn BiPAP là phương pháp thở áp lực dương 2 thùy, khi hít vào và thở ra thì áp lực trong cơ thể khác nhau. BiPAP sẽ điều chỉnh áp lực hít vào, thở ra khác nhau khi sử dụng. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ sử dụng cho một số trường hợp đặc biệt ví dụ những người sử dụng CPAP thấy áp lực quá cao gây ra khó chịu; những bệnh nhân có bệnh phổi kèm theo như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…

Bên cạnh đó, còn một chế độ thở khác là ASV, trước đây phương pháp này được sử dụng tương đối phổ biến, tuy nhiên phương pháp này có khuyết điểm là không được sử dụng phổ biến vì ở bệnh nhân bị suy tim có phân suất tống máu EF dưới 45 là chống chỉ định cho việc sử dụng ASV.

Theo một số nghiên cứu, ASV không có hiệu quả nhiều trong việc làm giảm tình trạng ngưng thở khi ngủ.

5. Sử dụng máy CPAP đầy đủ, đều đặn để đạt hiệu quả điều trị

Nhờ BS đề cập thêm về quy trình sử dụng CPAP trên người OSA ạ? Nhiều người băn khoăn, họ có phải sử dụng thiết bị này 24/24 không hay chỉ khi nào đi ngủ mới cần dùng?

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân trả lời: Điều trị ngưng thở khi ngủ sẽ tiến hành khi có các bất thường xảy ra trong khi ngủ, do đó việc điều trị dùng máy trợ thở chỉ diễn ra trong khi ngủ, không sử dụng khi bệnh nhân thức.

Quy trình sử dụng máy thở khá đơn giản, có nhiều dạng máy trợ thở do đó bệnh nhân sử dụng sẽ được học cách đeo mặt nạ thật phù hợp. Trong máy thở có một số thông số nên bệnh nhân không cần quá lo lắng về việc điều chỉnh thông số, bác sĩ sẽ thực hiện điều này. Bệnh nhân chỉ cần biết cách đeo mặt nạ phù hợp, sau đó cắm điện và ngủ đến sáng.

Đối với những người lần đầu tiên sử dụng máy thở sẽ chưa quen hoặc chưa biết được áp lực của máy, do đó trước khi bệnh nhân sử dụng máy thời gian dài, có thể bác sĩ sẽ định chuẩn máy thở (thử máy thở) để biết với các thông số bác sĩ đã chỉnh có phù hợp với người thở hay không, hiệu quả của việc sử dụng máy với thông số đã cài đặt và mức độ thoải mái của bệnh nhân khi sử dụng…

Sau khi sử dụng thử thời gian đầu, bác sĩ sẽ đánh giá lại hiệu quả, nếu cải thiện bệnh nhân sẽ tiếp tục sử dụng máy lâu dài với các thông số đã cài đặt để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ.

- Một số người bệnh bày tỏ, những lần đầu tiên đeo mặt nạ CPAP ngủ cảm thấy khó chịu, nặng nề và vướng víu. Nhờ BS đưa ra một số lời khuyên để người bệnh dần làm quan và chấp nhận thiết bị này ạ?

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân trả lời: Đây là vấn đề gặp ở nhiều bệnh nhân mới sử dụng CPAP, do một người đang khỏe nhưng phải đeo một chiếc mặt nạ khi đi ngủ sẽ dễ gây khó chịu cho bệnh nhân. Thực tế có nhiều bệnh nhân đặt câu hỏi liệu có gây ngộp thở hay không.

Bệnh nhân có thể yên tâm vì máy thở được sản xuất để điều trị ngưng thở khi ngủ, sẽ không gây khó chịu, ngộp thở cho người dùng. Thời gian đầu khi chưa quen, bệnh nhân có thể không cần cắm điện, chỉ đeo mặt nạ vào trước để cảm nhận cảm giác đeo mặt nạ và thích nghi dần.

Khi mới đeo mặt nạ, người bệnh có thể đeo 5-10 phút, thậm chí khi bệnh nhân ngủ người nhà có thể hỗ trợ bật máy để bệnh nhân làm quen dần, đó là những cách giảm lo lắng, căng thẳng khi sử dụng thiết bị mới.

- Bệnh nhân đang điều trị OSA bằng máy CPAP đọc và hiểu các thông số trong báo cáo của thiết bị CPAP thế nào, thưa BS? Trong đó, các thông số nào là đáng chú ý ạ?

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân trả lời: Không có nhiều thông số trong máy CPAP khi sử dụng để điều trị ngưng thở khi ngủ, tiến hành đơn giản giúp bệnh nhân dễ hiểu. Một trong các thống số quan trọng là chỉ số ngưng/ giảm thở, kết quả cho biết bệnh nhân ngưng/ giảm thở bao nhiêu lần, chỉ số này có hầu hết trên các máy.

Kết quả điều trị lý tưởng và tốt nhất là dưới 5 lần/ giờ hoặc có thể dưới 15 lần/ giờ tùy vào trường hợp đặc biệt. Ngoài ra, có các chỉ số khác như mặt nạ có bị xì khí hay không qua thông tin icon mặt cười/ mặt khóc trên máy (mặt cười là máy hoạt động tốt, mặt khóc là máy hoạt động chưa tốt).

Bên cạnh đó máy có thể báo hiệu thời gian sử dụng bao lâu, việc tuân thủ như thế nào để khi bác sĩ tái khám sẽ dựa theo kết quả trên máy để biết bệnh nhân số ngày, số giờ bệnh nhân dùng máy. Vì vậy, phải dùng đầy đủ, đều đặn để đạt được hiệu quả điều trị.

6. Dụng cụ miệng chữa ngưng thở khi ngủ có thể ảnh hưởng đến khớp nhai

Thưa BS, dụng cụ miệng thường được sử dụng điều trị người bị ngưng thở khi ngủ (OSA) trong những mức độ nào?

- Sự khác nhau (ưu và nhược điểm của) dụng cụ đẩy hàm dưới (MSD), khung đẩy hàm dưới (MAS), dụng cụ tái định vị hàm dưới (MRA) và dụng cụ giữ lưỡi (TRD) trong điều trị OSA là gì ạ?

- Làm thế nào để người mắc OSA có thể biết dụng cụ miệng có đang hoạt động hiệu quả hay không ạ? Nếu dụng cụ miệng hoạt động không tốt, người bệnh cần làm gì, thưa BS?

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân trả lời: Dụng cụ miệng thường chỉ định cho bệnh nhân không có các bệnh lý đi kèm, chỉ có biểu hiện ngáy và ngưng thở khi ngủ mức độ nhẹ đến trung bình.

Có nhiều loại dụng cụ miệng khác nhau, có một số loại dùng để nâng hàm, kéo hàm của bệnh nhân ra phía trước, giúp giảm hẹp đường thở để tránh tình trạng ngưng thở khi ngủ. Ngoài ra có một số dụng cụ như dụng cụ kéo lưỡi, thông thường khi ngủ lưỡi sẽ bị đổ ra sau, dụng cụ này đóng vai trò giữ lưỡi, không làm tắc đường thở khi ngủ… Đó là một số dụng cụ phổ biến.

Nếu bệnh nhân muốn sử dụng các dụng cụ này cần đến thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt để chụp X-quang, đo khoảng sáng xương, lấy dấu răng, đo khớp cắn… để tạo ra một dụng cụ cho cá nhân người bệnh nhằm đạt hiệu quả điều trị cao nhất.

Trong quá trình làm, một số dụng cụ sẽ kéo hàm ra từ từ, bệnh nhân cần đi khám bác sĩ Răng Hàm Mặt định kỳ để điều chỉnh lại mức độ kéo của hàm cho đến khi đạt được mức độ mong muốn.

Khi bệnh nhân thấy không hiệu quả, sau một thời gian khi dụng cụ đã đạt được mức độ kéo cần thiết nhưng vẫn còn biểu hiện buồn ngủ thường xuyên, mệt mỏi, còn nhiều triệu chứng, khi đó bệnh nhân nên đo lại đa ký giấc ngủ để xem dụng cụ nâng hàm có hiệu quả hay không.

Ngoài ra, bệnh nhân hoặc người nhà có thể xem các triệu chứng của người bệnh có cải thiện: mức độ ngáy, mức độ ngưng thở… đó là những vấn đề bệnh nhân và người nhà có thể tự kiểm tra.

Lưu ý, dụng cụ nâng hàm có thể gây ảnh hưởng đến khớp nhai, bệnh nhân có thể cảm thấy mỏi, nhai có phát ra tiếng kêu sộp sộp, đây là một trong những tác dụng phụ khi dùng dụng cụ nâng hàm. Khi có nghi ngờ, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ Răng Hàm Mặt để điều chỉnh lại dụng cụ.

>>> Phần 1: 80% bệnh nhân tăng huyết áp, 71% bệnh nhân đột quỵ, 80% tài xế mắc chứng ngưng thở khi ngủ

>>> Phần 2: 3 nhóm người và 7 nhóm bệnh nhân cần tầm soát hội chứng ngưng thở khi ngủ

>>> Phần 4: Lưu ý trong sinh hoạt và lối sống để phòng ngừa, cải thiện ngưng thở khi ngủ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X