80% bệnh nhân tăng huyết áp, 71% bệnh nhân đột quỵ, 80% tài xế mắc chứng ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ hiện là tình trạng phổ biến và nguy hiểm, có mối liên hệ mật thiết với đột quỵ, tim mạch. Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra các hệ lụy nghiêm trọng. Cùng nghe chia sẻ của chuyên gia tim mạch TS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư, TS.BS Nguyễn Ngọc Phương Thư và chuyên gia hô hấp ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân về vấn đề này.
1. Ngưng thở khi ngủ phổ biến ở nam giới và người thừa cân, béo phì
Xin hỏi BS, tỷ lệ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ trên trường trưởng thành Việt Nam hiện nay như thế nào? Hội chứng ngưng thở khi ngủ thường manh nha xảy ra trên những nhóm người nào ạ?
ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân - Khoa Thăm dò chức năng Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Phó Chủ tịch Chi hội Ngủ ngáy và Ngưng thở khi ngủ Việt Nam trả lời: Hội chứng ngưng thở khi ngủ là tình trạng khá phổ biến tại Việt Nam và trên thế giới. Hiện nay trên thế giới có nhiều nghiên cứu nói lên tỷ lệ mắc của hội chứng ngưng thở khi ngủ, tùy theo nhiều nghiên cứu khác nhau sẽ dao động từ khoảng 3-4% cho tới 20-30%.
Riêng tại Việt Nam hiện vẫn chưa có nghiên cứu thống kê đầy đủ tần suất mắc ngưng thở khi ngủ, tuy nhiên đây là bệnh lý khá phổ biến, theo kinh nghiệm của các bác sĩ tình trạng này gặp nhiều ở nam giới tuổi trung niên và thừa cân.
Ngoài ra, ngưng thở khi ngủ không chỉ xảy ra ở nam giới, người trung niên và có thể xuất hiện ở lứa tuổi từ trẻ em đến người trưởng thành, trung niên, người cao tuổi… Nhóm người có thể mắc chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm: người ngủ ngáy nhiều, người thừa cân, béo phì, có bất thường về cấu trúc giải phẫu mặt, amidan to, VA to…
2. Những con số biết nói thể hiện mối liên quan giữa ngưng thở khi ngủ, tim mạch và sau đột quỵ
Nhờ BS chia sẻ cụ thể hơn về mối liên quan giữa bệnh tim mạch, đột quỵ và hội chứng ngưng thở khi ngủ ạ? Bệnh tim mạch nào thì sẽ có nguy cơ cao gặp hội chứng này hơn ạ?
TS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư - Khoa Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược, Phó trưởng Bộ môn sinh lý - Sinh lý bệnh miễn dịch Đại học Y Dược TPHCM trả lời: Thực tế, hội chứng ngưng thở khi ngủ và các nhóm bệnh tim mạch, nhóm người sau đột quỵ có mối liên quan mật thiết. Đặc trưng của hội chứng ngưng thở khi ngủ là sự giảm luồng thở vào hoàn toàn hoặc một phần, dẫn tới giảm oxy nuôi các cơ quan, trong đó có 2 cơ quan quan trọng là tim và não.
Sự giảm oxy đột ngột sẽ kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm bên trong cơ thể, khi hệ thống này tăng hoạt sẽ làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp và dẫn tới hàng loạt hệ luỵ về sau như: tăng huyết áp kháng trị, bệnh nhân suy tim, loạn nhịp, rung nhĩ, tăng áp phổi…
Những nhóm bệnh có nguy cơ cao hoặc tỷ lệ lưu hành hội chứng ngưng thở cao của tim mạch có thể lên tới khoảng 40-80%, đó là nhóm bệnh tăng huyết áp, loạn nhịp tim, rung nhĩ, suy tim, tăng áp phổi, bệnh mạch vành và bệnh mạch máu não.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ gặp ở tăng huyết áp rất phổ hiến, đặc biệt là bệnh nhân tăng huyết áp kháng trị, tỷ lệ có thể lên đến 50-80%. Đối với bệnh nhân rung nhĩ, tần suất của hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể từ 32-39%. Ở những bệnh nhân đột quỵ, có nghiên cứu cho rằng tỷ lệ có hội chứng ngưng thở khi ngủ chưa được chẩn đoán trước đó có thể lên đến 71%.
Đó là những con số ấn tượng thể hiện mối liên quan mật thiết giữa hội chứng ngưng thở khi ngủ và các nhóm bệnh tim mạch, sau đột quỵ.
3. 6 nguyên nhân lý giải bệnh nhân sau đột quỵ dễ mắc chứng ngưng thở khi ngủ
Vì sao người bệnh sau đột quỵ lại có nguy cơ cao mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ hơn ạ?
TS.BS Nguyễn Ngọc Phương Thư - Trưởng Trung tâm kỹ năng và sáng tạo mô phỏng lâm sàng, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trả lời: Có một mối quan hệ mật thiết hai chiều giữa chứng ngưng thở khi ngủ với đột quỵ. Người bệnh sau đột quỵ dễ mắc chứng ngưng thở khi ngủ hơn bởi vì những lý do sau.
Thứ nhất, bệnh nhân đột quỵ có tổn thương não, từ đó có thể ảnh đến trung khu hô hấp dẫn đến ngưng thở hoặc giảm thở khi ngủ.
Thứ hai, bên cạnh tổn thương não, bệnh nhân sau đột quỵ có thể tổn thương đến dây thần kinh sọ não, các dây thần kinh sọ não chịu trách nhiệm điều khiển các cơ vùng hầu họng, điều đó làm người bệnh dễ ngưng thở trong khi ngủ.
Thứ ba, sau đột quỵ người bệnh có thể yếu cơ như yếu cơ chi, yếu cơ vùng hầu họng, điều này góp phần làm tăng tỷ lệ ngưng thở khi ngủ.
Thứ tư, người bệnh sau đột quỵ thường không thể đi lại, làm giảm hoạt động thể lực, đó là lý do dẫn đến thừa cân, béo phì, là yếu tố nguy cơ quan trọng của chứng ngưng thở khi ngủ.
Thứ năm, khi người bệnh bị đột quỵ thường có tư thế nằm ngửa thường xuyên, ít nằm nghiêng, thời gian nằm trên giường kéo dài làm lưỡi dễ tuột ra sau, từ đó người bệnh có biểu hiện chứng ngưng thở khi ngủ.
Thứ sáu, chứng ngưng thở khi ngủ có thể xuất hiện trước đột quỵ nhưng do nhiều lý do, người bệnh không để ý, dễ dàng bỏ qua, sau đột quỵ bệnh nhân thừa cân, nằm trên giường nhiều, thời điểm này bệnh nhân bắt đầu chú ý đến vấn đề ngưng thở khi ngủ.
Đó là 6 nguyên nhân cho thấy người bệnh sau đột quỵ dễ ngưng thở hơn người bình thường. Theo thống kê cho thấy tỷ lệ ngưng thở khi ngủ sau đột quỵ khoảng từ 40% đến hơn 70%, còn so với người bình thường trong dân số chung chiếm khoảng từ 4-24%.
4. Vì sao nhiều người làm nghề tài xế mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ?
Đặc trưng công việc của người tài xế sẽ đưa đến nguy cơ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ như thế nào, thưa BS?
TS.BS Nguyễn Ngọc Phương Thư trả lời: Nghề tài xế, đặc biệt là tài xế đường dài có đặc thù phải lái xe rất lâu, thời gian vận động, hoạt động thể lực không nhiều, từ đó dễ dẫn đến thừa cân, béo phì.
Bên cạnh đó, người làm nghề tài xế thường là nam giới tuổi trung niên, kèm theo vấn đề béo phì là các yếu tố nguy cơ chính của hội chứng ngưng thở khi ngủ, do đó nhóm người này dễ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ hơn so với những ngành nghề khác.
Thống kê cho thấy có khoảng 40-80% tỷ lệ tài xế mắc chứng ngưng thở khi ngủ, đặc biệt đối với nhóm người này nếu không phát hiện và điều trị kịp thời chứng ngưng thở khi ngủ sẽ đe dọa đến sức khỏe của tài xế nói riêng và đặc biệt là hành khách trên xe cũng gặp nguy hiểm nếu trường hợp xấu xảy ra.
Một số quốc gia phát triển như các nước châu Âu đã yêu cầu tài xế, đặc biệt là những người làm tài xế chuyên nghiệp phải được kiểm tra chứng ngưng thở khi ngủ trước khi được cấp phép lái xe.
5. Ngáy to, thở hổn hển, đau đầu buổi sáng, khô họng… dấu hiệu của ngưng thở khi ngủ
Các triệu chứng cảnh báo hội chứng ngưng thở khi ngủ gồm những gì, thưa BS? Các dấu hiệu cảnh báo trên người bệnh tim mạch, sau đột quỵ có những điểm đặc trưng nào?
TS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư trả lời: Các dấu hiệu cảnh báo hội chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm: bệnh nhân ngáy to và thở hổn hển khi ngủ, đó là hậu quả của quá trình tắc nghẽn đường thở. Sáng dậy người bệnh có cảm giác khô họng do phải hả họng để lấy luồng khí. Người thân có thể thấy được sự ngưng thở hoặc giảm thở của người bệnh.
Chính việc ngưng thở khiến người bệnh có các đọt thức giấc nửa đêm và tiểu nhiều vào ban đêm. Vì ban đêm không ngủ ngon, ngủ sâu dẫn đến ban ngày bệnh nhân có cảm giác buồn ngủ quá mức, mệt mỏi, sáng ngủ dậy không sảng khoái, chỉ xuất hiện cơn đau đầu, không thể duy trì sự chú ý, tập trung… Những vấn đề này rất quan trọng đối với nhóm nghề đặc biệt như tài xế, công nhân làm việc trên cao như xây dựng, ngành điện.
Một số bệnh nhân được ghi nhận có suy giảm hoặc rối loạn các hoạt động tình dục.
Những dấu hiệu cảnh báo chứng ngưng thở khi ngủ ở bệnh nhân tim mạch và sau đột quỵ bao gồm các triệu chứng thể hiện ngưng thở. Bên cạnh đó sẽ có các dấu hiệu thể hiện tình trạng tim mạch không ổn định do hậu quả của hội chứng ngưng thở gây nên.
Ví dụ bệnh nhân bị tăng huyết áp, điều trị thời gian dài nhưng không đạt mục tiêu; bệnh nhân có rối loạn nhịp luôn cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực mặc dù được sử dụng các loại thuốc chống loạn nhịp hoặc đã được can thiệp chuyên sâu. Những bệnh nhân suy tim có cảm giác khó thở, nặng ngực dù đã được điều trị đúng phác đồ chuẩn của suy tim…
Vì vậy bệnh nhân cần đặc biệt lưu ý đến các dấu hiệu cảnh báo hội chứng ngưng thở ở bệnh nhân suy tim và các bệnh lý tim mạch như dấu hiệu ngưng thở, dấu hiệu không ổn định về tim mạch…
6. Mối liên hệ nguyên nhân - hậu quả giữa bệnh tim mạch, đột quỵ và hội chứng ngưng thở khi ngủ
Những biểu hiện nào có thể chồng lấp với triệu chứng của bệnh lý vốn có (tim mạch, đột quỵ) khiến người bệnh-gia đình nhầm lẫn và làm sao để phân biệt ạ?
TS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư trả lời: Hội chứng ngưng thở và các bệnh lý tim mạch, đột quỵ có mối quan hệ rất mật thiết, có thể bắt nguồn từ hội chứng ngưng thở dẫn đến bệnh tim mạch, gọi là mối liên hệ nguyên nhân - hậu quả.
Có thể bệnh lý ngưng thở và tim mạch cùng xuất hiện đồng thời và tồn tại song song trên một cá thể bệnh, bởi vì hai bệnh này sẽ chia sẻ chung các yếu tố nguy cơ như béo phì, nam giới độ tuổi trung niên… Ví dụ ngưng thở khi ngủ một thời gian sẽ dẫn tới tăng huyết áp ở một bệnh nhân, hoặc ngưng thở khi ngủ và tăng huyết áp cùng tồn tại một lúc trên bệnh nhân đó.
Cả hai nhóm bệnh này có tác động tiêu cực đối với nhau, ví dụ như ngưng thở khi ngủ làm cơn tăng huyết áp xuất huyệt hoặc khiến bệnh tăng huyết áp ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng tăng huyết áp nặng lên sẽ quay ngược lại khiến hội chứng ngưng thở khi ngủ nghiêm trọng hơn, tạo nên vòng xoắn bệnh lý.
Vì có mối quan hệ nhân quả và có chung các yếu tố nguy cơ tạo nên sự chồng lấp nhất định, vì vậy cần đặc biệt lưu ý từ những dấu hiệu cảnh báo rất nhỏ không rõ ràng của triệu chứng ngưng thở trên nhóm bệnh nhân tim mạch không được điều trị ổn định.
>>> Phần 2: 3 nhóm người và 7 nhóm bệnh nhân cần tầm soát hội chứng ngưng thở khi ngủ
>>> Phần 3: Điều trị sớm ngưng thở khi ngủ để ngăn chặn bệnh tim mạch, đột quỵ
>>> Phần 4: Lưu ý trong sinh hoạt và lối sống để phòng ngừa, cải thiện ngưng thở khi ngủ
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình