3 nhóm người và 7 nhóm bệnh nhân cần tầm soát hội chứng ngưng thở khi ngủ
Hội chứng ngưng thở khi ngủ vô cùng nguy hiểm, có thể gây đột quỵ, xuất huyết não, nhồi máu cơ tim và những tai nạn không đáng có xảy ra, do đó những người có yếu tố nguy cơ cần tầm soát sớm để điều trị kịp thời. TS.BS Nguyễn Ngọc Phương Thư, TS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư và ThS.BS Bùi Diễm Khuê sẽ đề cập vấn đề này.
1. Ngưng thở khi ngủ gây ra đột quỵ, xuất huyết não, nhồi máu cơ tim, tai nạn không đáng có
Thưa BS, chứng ngưng thở khi ngủ nguy hiểm như thế nào ạ? Phân loại ra sao và bao gồm những mức độ nào?
ThS.BS Bùi Diễm Khuê - Giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, Phó chủ tịch Chi hội Ngủ ngáy và Ngưng thở khi ngủ Việt Nam trả lời: Ngưng thở khi ngủ gây ra nhiều hệ quả cho sức khỏe. Ngưng thở khi ngủ là tình trạng ngưng thở ít nhất 10 giây trong một lần, nhiều trường hợp ngưng thở đến 60 giây trong 1 giờ (mỗi phút ngưng thở một lần).
Một người bình thường nếu ngưng thở liên tục cơ thể không chịu nổi, tuy nhiên khi ngủ sâu, cơ thể không có ý thức, bệnh nhân không cảm nhận được tình trạng này. Nếu tình trạng ngưng thở khi ngủ diễn ra liên tục, kéo dài, oxy giảm xuống khiến tim, phổi, não phải thức dậy để lấy lượng oxy nhỏ.
Hệ quả nguy hiểm có thể dẫn đến đột quỵ, lâu ngày oxy giảm xuống làm dòng máu rối loạn, tắc mạch máu, những người tăng huyết áp có nguy cơ xuất huyết não; bệnh nhân tim mạch có nguy cơ suy tim, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim… nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân.
Về lâu dài, nếu ban đêm ngủ không ngủ sâu, não liên tục thức dậy làm giấc ngủ không đảm bảo, dẫn đến tình trạng buồn ngủ ban ngày. Những người chạy xe, tài xế có nguy cơ tai nạn giao thông, người làm việc lao động, công nhân có thể xảy ra tai nạn lao động… đó là hậu quả của cả ban đêm và ban ngày.
Bên cạnh đó, việc ngáy to gây ảnh hưởng đến những người xung quanh, tạo ra mặc cảm cho bản thân khi đi công tác, đó là hệ quả trước mắt của hội chứng ngưng thở khi ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, thậm chí là sức khỏe tinh thần vì khi ngủ không đủ sâu, giấc ngủ không chất lượng khiến bản thân dễ cáu gắt, mệt mỏi và có những sa sút về trí tuệ, trầm cảm, lo âu phát sinh.
Để phân loại hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể áp dụng phương pháp đo đa ký giấc ngủ, từ đó có chỉ số AHI (chỉ số ngưng thở, giảm thở khi ngủ), nếu AHI dao động từ 5-15 lần/60 phút là mức nhẹ; AHI từ 15-30 lần/ 60 phút là mức trung bình và AHI > 30 lần/60 phút là nặng.
Đó là phân loại về mức độ của bệnh kèm theo đó là mức độ giảm oxy máu được bác sĩ chuyên khoa cung cấp cho bệnh nhân.
2. 3 nhóm người có dấu hiệu cần tầm soát sớm chứng ngưng thở khi ngủ
Xin hỏi BS, ai nên tầm soát chứng ngưng thở khi ngủ? Những người có yếu tố nguy cơ như kể trên, liệu có nên tầm soát chứng ngưng thở từ sớm, ngay cả khi chưa xuất hiện triệu chứng? Hay để đến khi có triệu chứng, việc tầm soát sẽ chính xác hơn ạ?
ThS.BS Bùi Diễm Khuê trả lời: Đối với vấn đề tư vấn cho cộng đồng, bác sĩ luôn khuyến cáo phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh. Việc chữa bệnh sẽ tiêu tốn rất nhiều chi phí cho bệnh nhân, ảnh hưởng sức khỏe, tốn chi phí cho người nằm viện, người chăm bệnh, người thăm nuôi… Nếu phòng ngừa sớm, các chi phí này có thể giảm đáng kể.
Hơn nữa, sức khỏe bệnh nhân được cải thiện sớm giảm các nguy cơ biến chứng.
Những người cần tầm soát hội chứng ngưng thở khi ngủ là nhóm người có biểu hiện ban ngày, ban đêm hoặc các triệu chứng bệnh lý khó kiểm soát. Cụ thể:
1. Những người có dấu hiệu vào ban đêm: Nếu bệnh nhân thấy bản thân hoặc người xung quanh thấy người bệnh ngáy to, gây ồn; bệnh nhân đang ngủ xuất hiện cơn ngưng thở đột ngột sau đó tiếp tục ngáy ồn ào, đó là biểu hiện của cơn ngưng thở.
Bên cạnh đó, bệnh nhân có biểu hiện tiểu đêm nhiều lần. Nếu bệnh nhân ngủ sâu, ngủ tốt, cơ thể không tiết nước tiểu, nhưng vì chất lượng giấc ngủ giảm do cơn ngưng thở, thận sẽ liên tục tiết nước tiểu và làm bệnh nhân tiểu nhiều hơn vào ban đêm, giấc ngủ không sâu và có cảm giác ngộp thở, hoặc có rối loạn chức năng tình dục.
2. Những người có dấu hiệu vào ban ngày: Bệnh nhân có các biểu hiện về suy giảm trí nhớ, kém tập trung, đặc biệt là buồn ngủ ban ngày hoặc thường xuyên có đợt kém tập trung hay gây tai nạn trong công việc.
3. Những trường hợp tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch khó kiểm soát mặc dù đã dùng nhiều loại thuốc.
3. Top 7 nhóm bệnh nhân cần tầm soát sớm ngưng thở khi ngủ
Có phải tất cả bệnh nhân tim mạch, bệnh nhân sau đột quỵ đều cần tầm soát hội chứng ngưng thở khi ngủ, thưa BS?
TS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư - Khoa Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược, Phó trưởng Bộ môn sinh lý - Sinh lý bệnh miễn dịch Đại học Y Dược TPHCM trả lời: Mặc dù chứng ngưng thở khi ngủ có liên hệ rất mật thiết với bệnh lý tim mạch, tuy nhiên không phải tất cả các bệnh nhân có bệnh lý tim mạch đều phải tầm soát chứng ngưng thở khi ngủ.
Các hướng dẫn khuyến cáo chủ động tầm soát hội chứng ngưng thở khi ngủ ở các nhóm bệnh nhân sau:
1. Nhóm bệnh nhân bị tăng huyết áp kháng trị, nghĩa là bệnh nhân không kiểm soát được huyết áp ngay cả khi đã sử dụng 3 loại thuốc huyết áp, trong đó có sử dụng thuốc lợi tiểu; hoặc những bệnh nhân chỉ có thể kiểm soát huyết áp khi sử dụng 4 loại thuốc phối hợp trở lên.
2. Nhóm bệnh nhân tăng áp phổi.
3. Nhóm bệnh nhân suy tim có triệu chứng hoặc rối loạn chức năng tâm thu của thất trái không có triệu chứng.
4. Những nhóm bệnh nhân rung nhĩ dai dẳng, tái phát sau khi đã được điều trị chuyển nhịp hoặc các đốt điện sinh lý.
5. Nhóm bệnh nhân đã được cứu sống sau đột tử tim mạch.
6. Nhóm bệnh nhân bệnh mạch vành.
7. Nhóm bệnh nhân của bệnh mạch máu não.
4. Chẩn đoán ngưng thở khi ngủ qua câu hỏi triệu chứng kết hợp thăm khám và xét nghiệm
Với những người muốn tầm soát chứng ngưng thở khi ngủ sẽ được thăm khám cụ thể ra sao, thưa BS? Các cận lâm sàng nào cần phải làm để phát hiện sớm?
TS.BS Nguyễn Ngọc Phương Thư - Trưởng Trung tâm kỹ năng và sáng tạo mô phỏng lâm sàng, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trả lời: Để chẩn đoán sớm ngưng thở khi ngủ cần bắt đầu dựa vào việc hỏi các triệu chứng của người bệnh gợi ý chứng ngưng thở khi ngủ kết hợp việc thăm khám và các xét nghiệm thăm dò phù hợp.
Các triệu chứng của ngưng thở khi ngủ được phân thành 2 nhóm gồm: nhóm triệu chứng ban ngày và nhóm triệu chứng ban đêm.
Trong đó, những triệu chứng ban đêm khiến mình chú ý đến ngưng thở khi ngủ là ngáy to, có thể làm người ngủ chung phòng, thậm chí người ngủ phòng bên cạnh nghe thấy.
Đối với các dấu hiệu ban ngày:
1. Bệnh nhân ngáy ít nhất trên 3 lần trong một tuần; ngáy không đều, nghĩa là khi bệnh nhân đang ngáy nhưng có một khoảng ngưng sau đó ngay lại, giai đoạn không ngáy nghĩa là bệnh nhân bị ngưng thở.
2. Bệnh nhân ngáy có sự chứng kiến bởi người ngủ chung.
3. Buồn ngủ ban ngày quá mức hoặc các triệu chứng ban ngày khác như khó tập trung, để hoàn thành công việc bệnh nhân phải cố gắng gấp 2-3 lần so với người bình thường, năng suất làm việc giảm, đau đầu, dễ cáu gắt, giảm ham muốn tình dục, giảm khả năng làm việc. Đó là các triệu chứng gợi ý ngưng thở khi ngủ.
Tuy nhiên, đối với bệnh nhân bị chứng ngưng thở khi ngủ kèm các bệnh đồng mắc khác, đặc biệt là bệnh tim mạch có triệu chứng không điển hình, có thể nói đến như triệu chứng buồn ngủ ban ngày.
Đối với ngưng thở khi ngủ đơn thuần triệu chứng thể hiện rõ nhưng ở bệnh nhân ngưng thở khi ngủ có bệnh đồng mắc tim mạch, triệu chứng buồn ngủ ban ngày không rõ ràng vì đa phần người bệnh tim mạch có tình trạng cường giao cảm sẽ che lấp triệu chứng buồn ngủ ban ngày.
Vì vậy, ở bệnh nhân tim mạch phải chủ động tầm soát ngưng thở khi ngủ nếu người bệnh có tăng huyết áp không kiểm soát, tăng huyết áp kháng trị, nhịp tim dai dẳng, người bệnh sau đột quỵ, suy tim khó kiểm soát…
Hiện nay có rất nhiều bộ câu hỏi giúp chủ động tầm soát như:
- Bệnh nhân có ngáy to hay không?
- Bệnh nhân có ngưng thở hay không?
- Buổi sáng ngủ dậy cơ thể có khỏe không?...
Đó là những câu hỏi tầm soát chủ động, hiệu quả và không tốn kém.
Ngoài ra khi thăm khám, bác sĩ phải chú ý đến các dấu hiệu gợi ý chứng ngưng thở khi ngủ như vòng cổ to, thừa cân, béo phì… hoặc có các bất thường về giải phẫu có thể dẫn đến tình trạng ngưng thở khi ngủ như phì đại cuống mũi, amidan to…
Các bệnh đồng mắc khác, ví dụ đo huyết áp cao 180/120 mmHg hoặc rung nhĩ đáp ứng thất nhanh, đó là những dấu hiệu cần tầm soát ngưng thở khi ngủ.
Để chẩn đoán sớm sau khi hỏi bệnh sử, thăm khám bệnh nhân có dấu hiệu gợi ý, hiện nay có 2 phương pháp thăm dò giấc ngủ chính là đa ký giấc ngủ và đa ký hô hấp.
Trong đó, đa ký giấc ngủ có thể thực hiện tại cơ sở y tế hoặc tại nhà, còn đa ký hô hấp đa phần sẽ làm tại nhà.
Để làm đa ký giấc ngủ, người bệnh sẽ đến cơ sở y tế và được kỹ thuật viên gắn nhiều thiết bị theo dõi như: sóng điện não, điện cơ chân, điện cơ cằm, luồng khí thở, các cử động ngực bụng, điện tâm đồ, oxy lúc ngủ… Đa ký giấc ngủ chi phí sẽ tốn kém hơn đa ký hô hấp vì khi làm tại nhà, người bệnh không cần đến bệnh viện, bệnh nhân ngủ tại nhà ở môi trường quen thuộc hàng ngày, từ đó giấc ngủ dễ dàng hơn so với việc đến chỗ lạ.
Bên cạnh đó, đa ký giấc ngủ có hạn chế là chỉ ghi được một số kênh như luồng khí thở SVO2, cử động ngực bụng và thường không ghi được điện não, do đó sẽ chỉ định trong những trường hợp có nguy cơ cao mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ nhưng không có các bệnh đồng mắc nặng về tim mạch hoặc hô hấp.
5. 5 vai trò quan trọng của đo đa ký giấc ngủ
Cụ thể hơn, nhờ BS chia sẻ thêm:
- Đo đa ký giấc ngủ có giá trị như thế nào trong chẩn đoán/đánh giá hội chứng ngưng thở khi ngủ ạ?
TS.BS Nguyễn Ngọc Phương Thư trả lời: Thứ nhất, đa ký giấc ngủ hiện nay được xem là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán xác định ngưng thở khi ngủ.
Thứ hai, ngoài việc chẩn đoán xác định, đo đa ký giấc ngủ còn giúp phân độ nặng của ngưng thở khi ngủ. Ví dụ như chỉ số AHI < 5 là bình thường, AHI từ 5-15 là ngưng thở mức độ nhẹ và AHI từ 15-30 là mức độ trung bình, AHI từ 30 trở lên là mức độ nặng.
Thứ ba, đa ký giấc ngủ cho biết thể ngưng thở khi ngủ là ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ hay ngưng thở ở trung ương khi ngủ. Trong đó, những người bị ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ là xuất hiện các đợt ngưng thở không chủ ý nhưng lặp lại nhiều lần trong lúc ngủ, mặc dù tín hiệu thở từ trung ương là não vẫn đến hệ hô hấp và tiếp tục phát bình thường.
Còn ngưng thở trung ương khi ngủ là tín hiệu thở đã bị rối loạn từ trung ương.
Thứ tư, đa ký giấc ngủ giúp bác sĩ hoạch định và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Ví dụ người bệnh có mức độ ngưng thở khi ngủ từ trung bình trở lên, bác sĩ có thể tư vấn liệu pháp CPAP, hoặc mức độ nhẹ hơn có thể ưu tiên thay đổi lối sống.
Thứ năm, đa ký giấc ngủ giúp theo dõi hiệu quả điều trị, sau một thời gian điều trị, trước khi xem xét người bệnh nên tiếp tục hay ngưng điều trị hoặc thay đổi phương pháp điều trị, bác sĩ có thể tiến hành đo đa ký giấc ngủ cho bệnh nhân để đưa ra quyết định phù hợp.
- Quy trình đo đa ký giấc ngủ gồm những bước nào, thưa BS? Những điều cần lưu ý và cần tránh trước - trong và sau khi thực hiện đo đa ký giấc ngủ là gì ạ?
TS.BS Nguyễn Ngọc Phương Thư trả lời: Đối với ngày trước khi đo đa ký giấc ngủ:
Thứ nhất, sau khi người bệnh được thăm khám và được bác sĩ chỉ định đo đa ký giấc ngủ, việc đầu tiên là phải liên hệ cơ sở có đo đa ký giấc ngủ và đăng ký theo hẹn. Bởi vì số lượng bệnh nhân ngưng thở khi ngủ tại Việt Nam rất nhiều nhưng cơ sở y tế có khả năng thực hiện thăm dò rối loạn ngưng thở khi ngủ còn hạn chế. Vì vậy những bệnh nhân ở xa, các tỉnh thành khác đến nhưng không đặt hẹn trước cũng không thể thực hiện.
Thứ hai, vào ngày đo đa ký giấc ngủ bệnh nhân có thể ăn uống sinh hoạt bình thường nhưng hạn chế ngủ trưa vào ngày đó, hạn chế dùng rượu bia, cà phê trong 24 giờ trước khi đo. Nên báo cho kỹ thuật viên đo đa ký giấc ngủ những loại thuốc bệnh nhân sẽ dùng vào ngày hôm đó, đồng thời đem theo hết tất cả các toa thuốc, giấy tờ liên quan đến khám bệnh để bác sĩ và kỹ thuật viên tại phòng đo đa ký giấc ngủ xem qua trước khi thực hiện.
Bên cạnh đó, bệnh nhân nên mặc đồ thoải mái, tốt nhất là pyjama, nếu cần có thể mang theo một bữa ăn nhẹ vào ngày đo đa ký giấc ngủ, nên tắm rửa sạch sẽ, gội đầu sấy khô và tránh các loại keo xịt tóc, vì các loại keo xịt tóc sẽ gây cản trở trong việc gắn điện cực da đầu.
Phụ nữ không nên sơn móng tay, nên tẩy sạch vì khi đo oxy qua thiết bị SpO2 không có chất sơn móng tay sẽ cho ra kết quả chính xác.
Đối với ngày đo đa ký giấc ngủ:
Bệnh nhân phải đến đúng giờ theo lịch hẹn của kỹ thuật viên đo đa ký giấc ngủ để được dẫn lên phòng đo, một số phòng đo đa ký giấc ngủ có thể để bệnh nhân điền một số thông tin như chất lượng giấc ngủ, thói quen trước khi ngủ… trước khi tiến hành đo.
Sau khi đo xong, ngày hôm sau kỹ thuật viên sẽ tháo thiết bị đo và hẹn lại ngày người bệnh đến để nhận kết quả.
- Đo đa ký giấc ngủ và đo đa ký hô hấp khác nhau thế nào? Trường hợp nào cần đo đa ký giấc ngủ, trường hợp nào cần đo đa ký hô hấp và khi nào thì cần cả 2 ạ?
TS.BS Nguyễn Ngọc Phương Thư trả lời: Đa ký giấc ngủ vẫn được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ, nếu đã làm đa ký giấc ngủ, bệnh nhân không cần làm thêm đa ký hô hấp.
Tuy nhiên, không phải cơ sở y tế nào cũng có đa ký giấc ngủ và lượng bệnh nhân đông, do đó để tránh tình trạng chờ đợi, một số bệnh nhân không mắc các bệnh tim mạch, hô hấp nền nặng và nguy cơ cao bị chứng ngưng thở khi ngủ, thay vì đo đa ký giấc ngủ phải chờ đợi lâu và tốn kém chi phí, bệnh nhân có thể được tiến hành đo đa ký hô hấp.
Nhưng nếu đo đa ký hô hấp mà kết quả không phù hợp như người bệnh có nguy cơ thấp bị ngưng thở khi ngủ nhưng kết quả đo mức độ nặng, nên kiểm tra lại bằng đa ký giấc ngủ, hoặc trường hợp người bệnh có các rối loạn phức tạp, ngưng thở khi ngủ phức tạp, nên kiểm tra lại bằng đa ký giấc ngủ.
Những người bệnh có dùng các chất gây nghiện nên được tiến hành đo đa ký giấc ngủ.
>>> Phần 1: 80% bệnh nhân tăng huyết áp, 71% bệnh nhân đột quỵ, 80% tài xế mắc chứng ngưng thở khi ngủ
>>> Phần 3: Điều trị sớm ngưng thở khi ngủ để ngăn chặn bệnh tim mạch, đột quỵ
>>> Phần 4: Lưu ý trong sinh hoạt và lối sống để phòng ngừa, cải thiện ngưng thở khi ngủ
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình