Hotline 24/7
08983-08983

Lưu ý trong sinh hoạt và lối sống để phòng ngừa, cải thiện ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ nên nằm tư thế nào? Bệnh nhân tim mạch, tài xế nên lưu ý gì trong sinh hoạt, làm việc? Lối sống lành mạnh có chống lại được ngưng thở khi ngủ?... Tất cả sẽ được giải đáp bởi hai chuyên gia về hô hấp và ngưng thở khi ngủ ThS.BS Bùi Diễm Khuê, ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân.

1. Bệnh nhân ngưng thở khi ngủ nên nằm nghiêng

Người mắc chứng ngưng thở khi ngủ thường thở hổn hển, nghẹt thở khi ngủ. Do vậy, khi thức dậy, cơ thể thường mệt mỏi, thiếu năng lượng. Để giảm tình trạng này, xin hỏi BS:

Tư thế ngủ khi bị hội chứng ngưng thở khi ngủ quan trọng thế nào? Người bệnh nên nằm ngủ tư thế nào là tốt nhất ạ?

ThS.BS Bùi Diễm Khuê - Giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, Phó Chủ tịch Chi hội Ngủ ngáy và Ngưng thở khi ngủ Việt Nam trả lời: Đây là vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm, tư thế ngủ liên quan đến khá nhiều bệnh lý: ngưng thở khi ngủ, tim mạch, bệnh tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản.

Tư thế nằm ngửa khiến lưỡi tụt ngược vào trong do trọng lực, lực hút trái đất, từ đó khiến cơn ngưng thở nặng hơn, do đó đối với bệnh nhân ngưng thở khi ngủ nên nằm nghiêng, tư thế này tốt cho cả bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản.

Trong đó, trào ngược dạ dày thực quản bệnh nhân nên nằm nghiêng bên trái, còn ngưng thở khi ngủ bệnh nhân có thể nằm nghiêng 2 bên, chỉ cần cơ thể cảm thấy thoải mái.

Tuy nhiên, việc nằm nghiêng chỉ là giải pháp tình thế cho việc điều trị ngưng thở khi ngủ, có thể áp dụng cho người bị ngưng thở khi ngủ nhẹ và tối đa là mức trung bình. Đối với bệnh nhân ngưng thở khi ngủ mức độ nặng, thậm chí mức trung bình bác sĩ khuyến cáo nên điều trị chuyên sâu bằng các phương pháp hiện nay.

ThS.BS Bùi Diễm Khuê - Giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, Phó Chủ tịch Chi hội Ngủ ngáy và Ngưng thở khi ngủ Việt Nam

2. Bệnh nhân tim mạch, đột quỵ, tài xế làm gì để phòng ngừa, cải thiện ngưng thở khi ngủ?

Hội chứng ngưng thở khi ngủ có liên quan đến mất ngủ thường xuyên. Với bệnh nhân tim mạch, bệnh nhân sau đột quỵ, để có thể say giấc nồng, người bệnh nên làm gì và cần tránh những gì?

ThS.BS Bùi Diễm Khuê trả lời: Bệnh nhân ngưng thở khi ngủ có tình trạng thức giấc nửa đêm do lượng oxy giảm, đánh thức cơ thể khiến bệnh nhân tỉnh dậy, có thể gọi đúng là mất ngủ giữa đêm.

Còn khái niệm mất ngủ theo dân gian là khó ngủ, nhưng đối với người ngưng thở khi ngủ chỉ cần nằm xuống họ có thể ngủ ngay do thiếu ngủ, chất lượng giấc ngủ không tốt, tuy nhiên thường bị tỉnh giấc giữa đêm vì cơn ngộp thở, tiểu đêm.

Để giảm tình trạng thức giấc giữa đêm bệnh nhân cần ngăn chặn ngưng thở khi ngủ bằng cách điều trị bệnh lý nền trước đó như huyết áp, tiểu đường… điều chỉnh cân nặng, khám Tai Mũi Họng để kiểm tra tình trạng tắc nghẽn đường thở.

Nếu được chẩn đoán ngưng thở khi ngủ, bệnh nhân nên điều trị. Hiện nay, việc điều trị ngưng thở khi ngủ rất khả thi và hiệu quả, do đó bệnh nhân hãy đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị, ngăn ngừa vấn đề thức giấc nửa đêm và các biến chứng về sau.

- Đặc biệt là tài xế, thời gian ngủ sẽ có khả năng bị lệch so với đồng hồ sinh học thì cần phải xây dựng chế độ nghỉ ngơi ra sao cho hợp lý, thưa BS?

ThS.BS Bùi Diễm Khuê trả lời: Đối với tài xế, nếu chạy xe đường dài và chạy suốt đêm, cần có lộ trình ngủ nghỉ phù hợp, không nên cố gắng quá sức nếu đang cảm thấy buồn ngủ vì khi đó cơ thể đang mệt mỏi, kém tập trung, nguy cơ gây ra tai nạn rất cao.

Vì vậy, tài xế cần xây dựng lộ trình nghỉ ngơi giữa đường hoặc có thể dùng cà phê để thức giấc ở thời điểm mong muốn. Ngoài ra, nếu muốn tỉnh hơn có thể sử dụng ánh sáng mạnh, dùng đèn hoặc điện thoại đặt trước mặt tài xế, ánh sáng mạnh giúp tài xế tỉnh trong lúc chạy xe ban đêm hoặc đường dài. Còn khi đã xong công việc được về nghỉ ngơi, có thể giảm ánh sáng tối đa, có người đeo kính râm trong lúc di chuyển về để dễ vào giấc ngủ.

Trong lúc nghỉ ngơi nếu không gian xung quanh ồn ào có thể bịt tai, đó là cách giúp tài xế có thời gian nghỉ ngơi, mặc dù trái giờ với nhiều người nhưng cần lưu ý: giảm tác động môi trường, âm thanh, ánh sáng sẽ giúp dễ ngủ và tăng lên hoặc dùng cà phê sẽ dễ tỉnh táo hơn.

Đặc biệt rượu bia và các chất kích thích khác tuyệt đối không được dùng hoặc hạn chế tối đa. Bởi vì nhiều người cho rằng rượu bia giúp dễ ngủ nhưng sự thật là làm giấc ngủ không chất lượng, tỉnh giấc trong đêm, những người có khả năng uống được nhiều sẽ không có tác dụng.

3. Xây dựng lối sống lành mạnh để giảm tình trạng ngưng thở khi ngủ

Liệu có cách nào để tăng cường năng lượng, chống lại mệt mỏi thông qua thực phẩm, cách ăn uống cho người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ ạ?

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân - Khoa Thăm dò chức năng Hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Phó Chủ tịch Chi hội Ngủ ngáy và Ngưng thở khi ngủ Việt Nam trả lời: Đối với ngưng thở khi ngủ, bệnh nhân phải tuyệt đối kiêng rượu bia, vì rượu bia có thể làm nặng thêm tình trạng ngưng thở khi ngủ. Đồng thời, việc uống rượu bia có thể dẫn đến tăng cân, gây ảnh hưởng nhiều cho sức khỏe.

Bệnh nhân ngưng thở khi ngủ cần tránh tăng cân, nên tập luyện giảm cân vì khi tăng cân, nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ càng tăng, tỷ lệ thuận với việc cân nặng càng tăng, khả năng mắc chứng ngưng thở khi ngủ càng nhiều.

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân - Khoa Thăm dò chức năng Hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Phó Chủ tịch Chi hội Ngủ ngáy và Ngưng thở khi ngủ Việt Nam

- Các loại thuốc (bao gồm cả kê đơn và không kê đơn) có thể ảnh hưởng mà người bệnh cần lưu ý và trao đổi lại với bác sĩ ạ?

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân trả lời: Trong các thuốc điều trị, một số loại thuốc có thể làm giảm oxy máu khi ngủ, khiến bệnh nhân buồn ngủ hơn nếu dùng thuốc. Còn đối với bệnh nhân được điều trị ngưng thở khi ngủ đầy đủ, tình trạng giảm oxy máu ít gặp hơn.

Hiện nay có nhiều loại thuốc, tuy nhiên cần lưu ý các loại thuốc an thần gây buồn ngủ, do đó khi kê toa bệnh nhân nên thông tin cho bác sĩ để bác sĩ kê toa phù hợp.

- Bộ môn thể thao nào phù hợp với người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ ạ? Và người bệnh nên tập ở cường độ nào? Làm sao để biết có đang tập đúng hay không?

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân trả lời: Tập luyện mang lại nhiều lợi ích không chỉ đối với bệnh nhân ngưng thở khi ngủ mà còn tốt cho sức khỏe chung của mỗi người. Việc ngưng thở khi ngủ khiến bệnh nhân mệt mỏi, nhức đầu, do đó tập luyện giúp tăng cường sức khỏe.

Đồng thời, những bệnh nhân có tình trạng ngưng thở khi ngủ nếu chưa sử dụng CPAP có thể tập các bài cơ học để cải thiện một phần tình trạng ngưng thở khi ngủ.

Bên cạnh đó, duy trì lối sống lành mạnh, tập luyện thường xuyên để giữ cân nặng lý tưởng, không tăng cân, không béo phì dẫn tới tình trạng nặng hơn của chứng ngưng thở khi ngủ.

>>> Phần 1: 80% bệnh nhân tăng huyết áp, 71% bệnh nhân đột quỵ, 80% tài xế mắc chứng ngưng thở khi ngủ

>>> Phần 2: 3 nhóm người và 7 nhóm bệnh nhân cần tầm soát hội chứng ngưng thở khi ngủ

>>> Phần 3: Điều trị sớm ngưng thở khi ngủ để ngăn chặn bệnh tim mạch, đột quỵ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X