Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao phải kết hợp đo hô hấp ký và đo đa ký giấc ngủ khi tầm soát hội chứng ngưng thở khi ngủ?

Một số gói khám tầm soát hội chứng ngưng thở khi ngủ chỉ thực hiện đo hô hấp ký, hoặc đo đa ký giấc ngủ. PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Người sáng lập, xây dựng đội ngũ chuyên môn chất lượng cao và tận tâm cho Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh - Chủ tịch Hội Hô hấp TPHCM lý giải vì sao phải kết hợp cả 2 kỹ thuật này.

1. Vai trò, giá trị chẩn đoán/đánh giá của đo hô hấp ký, đo đa ký giấc ngủ trong hội chứng ngưng thở khi ngủ là gì?

Trong gói khám tại Phòng khám Ngọc Minh có đo hô hấp ký, đo đa ký giấc ngủ. Nhờ BS giải thích thêm: vai trò, giá trị chẩn đoán/ đánh giá của 2 kỹ thuật này trong hội chứng ngưng thở khi ngủ là gì?

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Hội chứng ngưng thở khi ngủ rất dễ nhận biết trên giấc ngủ của bệnh nhân. Ví dụ một người vợ có thể quan sát giấc ngủ của chồng mình trong suốt một đêm và nhận biết được ngủ ngáy đơn thuần hay ngủ ngáy có kèm theo ngưng thở.

Nếu khi ngủ, tiếng ngáy “du dương”, đều đặn suốt một đêm và người chồng không có cảm giác bị nghẹt thở hay thức giấc, có thể đánh giá đây là một tình trạng ngủ ngáy đơn thuần hoặc ngưng thở khi ngủ ngắn.

Nhưng nếu có sự gián đoạn của tiếng ngáy, ví dụ đang ngủ ngáy đột ngột ngưng lại hoặc người chồng bị nghẹt thở và choàng thức dậy, sau đó bắt đầu ngủ lại và tiếp tục ngáy, nghĩa là giấc ngủ và cơn ngáy bị gián đoạn liên tục thì với tình trạng này người vợ có thể đoán chồng bị ngưng thở khi ngủ. Tuy nhiên cần xác định hội chứng ngưng thở khi ngủ đang ở mức độ nào, ở mỗi mức độ nặng/nhẹ, trung bình sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau.

Bên cạnh việc tư vấn về dinh dưỡng, tập luyện thể dục thể thao, việc đo đa ký giấc ngủ là cực kỳ quan trọng. Ví dụ sẽ có rất nhiều thông số, có thể từ 4 đến 12-13 thông số để xác định tình trạng ngưng thở của bệnh nhân nhiều hay ít, kéo dài hay ngắn hạn, có những biến cố nào hay không.

Các bác sĩ sẽ đo điện tim chẩn đoán bệnh nhân có bị rối loạn nhịp hay không, sau đó đo độ bão hòa oxy xem có bị tụt xuống không. Trong thời gian độ bão hòa oxy tụt xuống, kiểm tra xem bệnh nhân có bị rối loạn nhịp, huyết áp có tăng vọt lên không. Bác sĩ sẽ đánh giá xem tình trạng là ngưng thở trung ương hay ngưng thở tắc nghẽn, 2 tình trạng này sẽ có cách điều trị khác nhau.

Tất cả những xét nghiệm, chẩn đoán bằng đa ký giấc ngủ hay đo huyết áp được xem là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán mức độ nặng/nhẹ của ngưng thở khi ngủ. Ví dụ trên 35 lần ngưng/giảm thở trong một giờ sẽ được đánh giá ở mức độ nặng hay tiêu chuẩn về sau này là 30 lần sẽ được đánh giá là nặng, lúc này cần có sự can thiệp điều trị đầy đủ cho bệnh nhân.

Về phương pháp đo hô hấp ký, việc đo chức năng hô hấp này có một lợi ích cho người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ là giúp cho chúng ta biết được có tình trạng hạn chế hay tắc nghẽn, hạn chế ở mức độ nào. Nhiều trường hợp béo phì rất nặng khiến cho lồng ngực của họ không co giãn nổi, hô hấp rất tệ, nhóm người này cần có một phương pháp điều trị đặc biệt.

Đa phần những người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ ở tuổi trung niên đều đi kèm theo hút thuốc lá. Đôi khi một bệnh lý COPD bị bỏ sót, việc điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ sẽ không có kết quả. Do đó, đo chức năng hô hấp sẽ giúp phát hiện thêm những bệnh lý về tắc nghẽn đường thở do thuốc lá.

Một số trường hợp khác liên quan đến bệnh lý mô kẽ… cũng sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng hô hấp của bệnh nhân. Chính vì vậy, để chẩn đoán và điều trị một cách đầy đủ cho bệnh nhân ngưng thở khi ngủ và những bệnh lý đi kèm, việc đo hô hấp ký là rất quan trọng cho một số trường hợp nghi ngờ có liên quan đến ngưng thở khi ngủ.

Ví dụ liên quan đến hen phế quản hay COPD đi kèm, đặc biệt ở những người 40 tuổi trở lên kèm theo hút thuốc lá, nên đưa bệnh nhân vào chương trình đo về chức năng hô hấp. Từ việc đo hô hấp đơn giản (ví dụ IOS dao động xung ký) không ảnh hưởng đến gắng sức, vì phân nửa trường hợp cần gắng sức khi đo nhưng nhiều người sẽ không gắng sức nổi. Chính vì vậy, phương tiện chẩn đoán tại phòng khám Ngọc Minh sẽ đo IOS, đo hô hấp ký, đo phế thân ký, đo oxy qua màng phế nang mao mạch để thăm dò chức năng hô hấp đầu đủ cho bệnh nhân.

- Thông thường, một số gói khám tầm soát hội chứng ngưng thở khi ngủ chỉ thực hiện đo hô hấp ký, hoặc đo đa ký giấc ngủ. Vì sao trong gói khám tại PK Ngọc Minh lại kết hợp cả 2 kỹ thuật này để đánh giá ạ?

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Như đã đề cập trước đó, có những trường hợp bệnh nhân sẽ có những bệnh lý kèm theo. Ví dụ như hen phế quản ở trẻ em, đôi khi một đứa trẻ nằm ngủ và nghe tiếng khò khè, ba mẹ sẽ không biết đây là ngưng thở khi ngủ do tiếng ngáy hay do co thắt phế quản. Khi bác sĩ đến thăm khám, đánh giá xem trẻ có bị ngưng thở khi ngủ, có kèm theo hen phế quản hay không, lúc này việc đo chức năng hô hấp là điều cần thiết.

Nếu một người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ hoặc nghi ngờ và chỉ đo hô hấp ký sẽ không chẩn đoán đúng được tình trạng bệnh. Hô hấp ký chỉ đánh giá được những tình trạng tắc nghẽn, phần lớn là tắc nghẽn đường hô hấp dưới. Còn ngưng thở khi ngủ cần thực hiện phương pháp đo đa ký hô hấp hoặc đa ký giấc ngủ, không phải chỉ đo chức năng hô hấp. Chức năng hô hấp chỉ đánh giá cho bệnh hen phế quản hay COPD hoặc những bệnh lý phổi mô kẽ khác.

Đo đa ký là đánh giá xem bệnh nhân có ngưng thở không và những hậu quả của ngưng thở. Do đó, trong nhiều trường hợp cần kết hợp cả hai để tránh bỏ sót các bệnh lý đi kèm cũng như những yếu tố khởi phát khác.

Ví dụ ở một người bị viêm amidam to, nhiễm trùng đường hô hấp trên lặp đi lặp lại hoặc viêm mũi xoang có thể dẫn đến hen phế quản và cũng có thể dẫn đến ngưng thở khi ngủ. Chính vì vậy, những người gặp phải một trong hai bệnh lý trên hoặc cả hai hay trên lâm sàn nghi ngờ có hen phế quản, bệnh nhân nên đo chức năng hô hấp. Những người béo phì hay hút thuốc lá phải đo thêm hô hấp ký, đây là một biện pháp đơn giản với chi phí phù hợp với nhiều bệnh nhân.

2. Các xét nghiệm/chẩn đoán hình ảnh trong gói khám của Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh có ý nghĩa như thế nào trong việc tầm soát, phát hiện sớm hội chứng ngưng thở khi ngủ?

Trong gói khám này, còn thực hiện các xét nghiệm (công thức máu, đường huyết, chức năng gan-thận, bộ mỡ máu, acid uric) cùng các chẩn đoán hình ảnh như đo điện tim, siêu âm tim, siêu âm bụng-tuyến giáp-động mạch cảnh, chụp x-quang…

Những xét nghiệm/chẩn đoán hình ảnh-chức năng này có ý nghĩa như thế nào trong việc tầm soát, phát hiện sớm hội chứng ngưng thở khi ngủ ạ?

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Những loại xét nghiệm này đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân. Ngoài việc xác định bệnh nhân có ngưng thở khi ngủ hay không, mức độ ngưng thở như thế nào, các bác sĩ cần xem những bệnh lý kèm theo.

Những bệnh lý đi kèm rất thường gặp ở người lớn tuổi, ví dụ như cao huyết áp; tiểu đường; mỡ máu; axit uric tăng cao, chức năng gan, thận bị tổn thương; những người uống rượu bia hoặc biến chứng của tiểu đường hay cao huyết áp… Trong trường hợp bình thường không có ngưng thở khi ngủ cũng cần làm xét nghiệm một cách định kỳ để có thể theo dõi, điều trị và điều chỉnh cho bệnh nhân.

Nếu bệnh nhân có ngưng thở khi ngủ, cần thực hiện các xét nghiệm thật kỹ. Chính tình trạng ngưng thở khi ngủ sẽ kích hoạt những biến cố trên các cơ quan bên trong cơ thể, ví dụ như não, tim mạch, gan, thận… những bộ phận này sẽ bị kích hoạt vì đây là một hội chứng xuất phát từ tình trạng giảm oxy máu và kích hoạt những hệ nội tiết, làm tăng đường huyết, kháng insulin, tăng mỡ máu, tăng tất cả những yếu tố viêm bên trong cơ thể và tấn công nhiều nơi trong cơ quan. Chính vì vậy, ở người lớn tuổi cần thực hiện thăm khám và xét nghiệm đầy đủ để các bác sĩ điều trị.

Hiện nay, ngoài việc điều trị bệnh, các bác sĩ phải đem lại được hiệu quả về nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, giúp họ trở lại công việc bình thường. Ví dụ ở một người cao huyết áp và cấm họ không ăn thịt và giảm tiêu thụ những thực phẩm có nhiều muối, điều này thật sự rất khó để bệnh nhân tuân thủ theo. Nếu bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân dùng thuốc đầy đủ, loại trừ những yếu tố kích hoạt, ví dụ như giảm hút thuốc lá, uống rượu bia, điều trị ngưng thở khi ngủ tốt, việc điều trị huyết áp sẽ trở nên dễ dàng, chất lượng cuộc sống bệnh nhân cũng sẽ tốt hơn, vui vẻ hơn, huyết áp cũng ổn định và tình trạng đề kháng insulin sẽ giảm.

Việc điều trị ngưng thở khi ngủ là điều trị trên bệnh nhân, không phải điều trị trên bệnh lý. Ngưng thở khi ngủ gây ảnh hưởng khá nhiều đến các cơ quan bên trong cơ thể, vì vậy cần đánh giá, chẩn đoán kỹ lưỡng và chỉ định thực hiện nhiều hay ít cho các loại xét nghiệm để có thể giảm chi phí thăm khám cho bệnh nhân.

Ở một người trẻ không có bệnh lý đi kèm hay trẻ nhỏ sẽ không cần thực hiện tất cả các loại xét nghiệm nhưng đối với một người lớn tuổi có nhiều bệnh lý nền cần được khảo sát đầy đủ về những hậu quả.

Ví dụ như hậu quả của tăng mỡ máu, tiểu đường cần được khảo sát, vì những bệnh lý này sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, trong đó có tim; thận; não… đây là những cơ quan cần lưu ý để điều trị. Những phát hiện sớm sẽ giúp việc ngăn ngừa suy cơ quan về sau hiệu quả hơn.

3. Trước, trong và sau khi tầm soát hội chứng ngưng thở cần lưu ý những gì?

Những điều cần lưu ý gì trước, trong và sau khi tầm soát hội chứng ngưng thở là gì, thưa PGS?

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Bản thân bệnh nhân hoặc người nhà nếu nhận biết được tình trạng ngưng thở khi ngủ có thể liên hệ với phòng khám để các bác sĩ có thể đến thăm khám và thực hiện những xét nghiệm cơ bản, tìm ra những bệnh lý đi kèm theo và đánh giá trước.

Ví dụ xét nghiệm máu; kiểm tra tim mạch; huyết áp; hô hấp; mỡ máu có tăng không; tình trạng bệnh tiểu đường như thế nào. Sau đó các bác sĩ sẽ hẹn bệnh nhân một ngày thăm khám khác để đo đa ký giấc ngủ, vì phương pháp này cần có một căn phòng tương đối yên tĩnh. Nếu bệnh nhân ở TPHCM, phòng khám sẽ thực hiện đo tại nhà, tại phòng ngủ của bệnh nhân, điều này giúp người bệnh dễ ngủ hơn so với việc đến một nơi nào khác, đây cũng là một yếu tố khá quan trọng.

Nếu bệnh nhân là người ở tỉnh, phòng khám sẽ sắp xếp một nơi yên tĩnh, thoải mái cho người bệnh nghỉ ngơi để có thể thực hiện đo đa ký giấc ngủ suốt trong một đêm khi ngủ. Tất cả những thông tin về độ bão hòa oxy; nhịp tim; huyết áp; tình trạng hô hấp của bệnh nhân ở ngực; bụng; đo về điện não; điện cơ… những yếu tố này sẽ được cập nhật hết vào hệ thống và bác sĩ sẽ phân tích xem bệnh nhân có mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ hay không.

Đêm trước khi đo, bệnh nhân không nên uống thuốc ngủ, không uống rượu bia, đây là những yếu tố quan trọng để có thể hạn chế những sai số khi đo trong ngưng thở khi ngủ, đảm bảo một buổi tối ngủ yên bình để bệnh nhân có được một giấc ngủ giống như đang ngủ tại nhà, giúp cho việc đo lấy những thông số chẩn đoán bệnh chính xác hơn.

>>> Phần 1: Tầm soát, phát hiện sớm hội chứng ngưng thở khi ngủ giúp phòng ngừa đột tử vào ban đêm

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X