Điều nên làm và sai lầm cần tránh khi bị căng cơ
Căng cơ là vấn đề phổ biến, thường gặp khi vận động quá sức, bê vác vật nặng, giữ một tư thế quá lâu, tập luyện thể thao không hợp lý,… Một số trường hợp khi bị căng cơ vẫn tiếp tục công việc, không xử lý đúng cách khiến tình trạng căng cơ nặng hơn. Trong bài viết dưới đây, ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh - Giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ chia sẻ những điều bạn cần biết về căng cơ và cách xử lý tình trạng này tại nhà.
Cơ giữ một tư thế quá lâu, gồng cơ đột ngột - tình huống thường gặp gây căng cơ
Thưa BS, nguyên nhân nào gây ra căng cơ và tình trạng này thường xảy ra trong những tình huống nào? Tình trạng căng cơ xảy ra trên những vùng nào là chủ yếu ạ?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Có 2 tình huống thường gặp dẫn đến đau do căng cơ: Một là, cơ giữ một tư thế quá lâu như ngồi làm việc, ngồi xem tivi, nằm xem điện thoại,… Hai là, gồng cơ đột ngột và dùng lực mạnh như: bê đồ nặng, mang vác đồ khi dọn nhà,… dẫn đến đau lưng do căng cơ, đau cơ tay, cơ đùi,…
Trong đó, vùng cổ và lưng là hai vị trí thường gặp khi bị đau do căng cơ. Ngoài ra, một số vị trí khác như đùi, bắp chân, thường gặp ở người chạy bộ không thường xuyên, tham gia bơi lội hoặc đi du lịch,…
Triệu chứng nào nhận biết căng cơ?
Căng cơ thường được biểu hiện qua những triệu chứng nào ạ? Ngoài dấu hiệu căng tức vùng cơ được sử dụng nhiều thì đâu là triệu chứng căng cơ nhưng chúng ta dễ bỏ qua nhất ạ?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Biểu hiện thường gặp của căng cơ là đau, nhức; tê chân, tay; nặng hơn là không thể vận động. Nguyên nhân gây hạn chế vận động do cơ đang bị căng, khi hoạt động, cơ bị kéo ra gây đau.
Ngoài ra, nếu làm việc nhiều, ít vận động, giữ một tư thế kéo dài sẽ bị đau đầu do căng cơ, căng vùng cổ hoặc do stress gây ra.
Vùng căng cơ có biểu hiện đỏ, u nổi lên, cần đi khám ngay
Nhiều người lo ngại, thường xuyên căng cơ là do cơ thể thiếu chất. Nỗi lo này liệu có cơ sở không thưa BS? Những triệu chứng nào cho thấy tình trạng căng cơ này là cảnh báo cho bệnh lý hoặc tình trạng nghiêm trọng hơn ạ?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Một số chất liên quan đến vấn đề hoạt động của cơ như: K, Ca, vitamin D, các nhóm vitamin B (B6, B12), Mg, tuy nhiên, rất khó trong việc xác định cơ thể đang thiếu các chất này.
Trường hợp tập thể dục, thể thao, có bổ sung đầy đủ những chất cần thiết cho hoạt động của cơ sẽ giúp ích cho việc phục hồi cơ. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu chứng minh mối liên hệ giữa các chất trên với tình trạng căng cơ.
Các biểu hiện cho thấy tình trạng căng cơ nguy hiểm, cần đi khám bác sĩ như: sốt; đau và căng cơ vùng chân kèm yếu cơ; biểu hiện tê các đầu ngón tay, ngón chân, cứng cổ,… là các vấn đề có liên quan đến tổn thương thần kinh hoặc viêm nhiễm. Bên cạnh đó, nếu vùng căng cơ có biểu hiện đỏ và u nổi lên, người bệnh cần đi khám ngay.
Căng cơ có thực sự lành tính?
Căng cơ phổ biến nhưng lại ít được coi trọng vì cho rằng điều này là nhẹ nhàng và dễ dàng vượt qua được. Xin hỏi BS, căng cơ có thực sự lành tính? Nếu căng cơ không được chăm sóc đúng cách điều gì sẽ xảy ra?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đa số các trường hợp căng cơ là lành tính, chỉ cần quan tâm đến các biểu hiện phổ biến của căng cơ. Nếu căng cơ không chấn thương, không sưng đỏ và không có các biểu hiện toàn thân, bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi và thực hiện các biện pháp cơ bản như chườm nóng, massage, bấm huyệt và nghỉ ngơi vài ngày, không cần đến bác sĩ.
Căng cơ nên chườm nóng hay chườm lạnh?
Nhờ BS hướng dẫn những cách giảm căng cơ hiệu quả chúng ta có thể áp dụng tại nhà ạ?
- Căng cơ, nên chườm ấm, chườm nóng hay chườm đá sẽ tốt hơn, thưa BS? Và nên chườm sao cho đúng và hiệu quả?
- Lưu ý gì khi thực hiện các biện pháp như massage, băng ép vùng căng cơ, thưa BS?
- Nếu được chăm sóc tốt, bao lâu sẽ hết tình trạng này ạ?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Khi có biểu hiện căng cơ, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, masage thư giãn cơ. Trường hợp căng cơ nhẹ, có thể thực hiện biện pháp kéo căng cơ giúp cơ thư giãn, cụ thể, việc căng cơ do cơ bị co quá mức dẫn đến cảm giác đau, là một phản ứng ngược lại với tình trạng căng cơ. Do đó, những động tác căng cơ sẽ làm giãn và giảm đau cho tình trạng này.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể thực hiện biện pháp chườm nóng, một số bác sĩ đề nghị biện pháp chườm nóng xen kẽ chườm lạnh. Bởi vì khi chườm nóng, cơ giãn ra, mạch máu nở giúp tưới máu nhiều và tăng khả năng phục hồi cơ. Sau khi chườm nóng, một số bác sĩ sẽ đề nghị chườm lạnh lạnh, giúp cơ co giãn, tình trạng căng cơ cải thiện nhanh hơn. Đó là các biện pháp cải thiện tình trạng căng cơ tại nhà.
Chỉ nên sử dụng thuốc giãn cơ trong thời gian ngắn
Khi nào thì cần sử dụng thuốc giãn cơ, thưa BS? Và lưu ý gì khi sử dụng các loại thuốc này ạ?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Trong trường hợp căng cơ đơn thuần, một số người đi khám bác sĩ được đề nghị sử dụng thuốc giãn cơ. Loại thuốc này ở Mỹ không sử dụng mà phổ biến tại các nước châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng loại thuốc này trong thời gian ngắn vì có tác dụng phụ đi kèm như: chóng mặt, buồn nôn, buồn ngủ,… Do đó, nên cẩn thận với những người tham gia lái xe hoặc người lớn tuổi, nếu gặp biểu hiện chóng mặt khi đang bị căng cơ vùng chân, rất dễ dẫn đến té ngã.
Có được tiếp tục chơi thể thao khi bị căng cơ?
Những điều không nên làm khi bị căng cơ, thưa BS?
- Khi đang bị căng cơ, có nên tiếp tục luyện tập thể dục thể thao? Nếu có thì tập sao cho đúng, để tránh dẫn đến tình trạng rách cơ, gân, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Tình trạng căng cơ sau tập thể thao khá phổ biến, cho thấy bản thân tập quá sức, lúc này cần nghỉ vài ngày để cơ phục hồi mới có thể sử dụng lại vùng cơ đó. Trong thời gian nghỉ ngơi, có thể tập giãn cơ để duy trì mức cơ cơ bản, bổ sung vitamin nhóm B, Ca, Mg,… sau đó tập lại bình thường và cân đối cường độ tập cho phù hợp.
Khi đã bị căng cơ, nên hạn chế các động tác chịu lực vào vùng căng cơ, để cơ phục hồi và thư giãn hoàn toàn. Ví dụ, căng cơ vùng cổ không nên tập các bài cúi hoặc ngửa quá mức kéo dài; nếu căng cơ vùng lưng, nên tránh các bài tập khom lưng, bê dồ nặng,…
Phòng tránh căng cơ bằng cách nào?
Căng cơ là chấn thương thường gặp trong sinh hoạt, tập luyện và lao động. Nhờ BS chia sẻ các biện pháp có thể áp dụng để phòng tránh tình trạng này ạ?
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Để phòng tránh tình trạng căng cơ, cần lưu ý:
Trong sinh hoạt hằng ngày, tập thể dục toàn thân, đặc biệt tập trung các vùng cơ cổ và lưng để luyện sức cơ. Tuy nhiên, hai vùng cơ này dễ bị bỏ quên và tập trung hơn vào tay và chân.
Có chế độ nghỉ ngơi, thay đổi tư thế, sau 1-2 tiếng làm việc, nên đứng lên đi lại hoặc thực hiện bài tập tại chỗ để thư giãn cơ.
Trước khi chơi thể thao, nên khởi động làm nóng người, mục đích gia tăng lượng máu tưới đến cơ, giúp cơ không bị tổn thương hoặc thiếu oxy khi vận động quá mức. Trong lúc chơi thể thao, nên tập vừa phải và mức độ tăng dần để hạn chế việc tập nặng quá sức dễ gây căng cơ. Sau khi kết thúc buổi tập, cần làm nguội (cool down), giai đoạn này sẽ tập các bài thư giãn cơ để hạn chế tình trạng tổn thương hoặc co cứng cơ sau khi tập thể dục.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình