Điều gì sẽ xảy ra khi cơ thể thiếu hụt collagen?
Theo TS.BS Đào Hoàng Thiên Kim - Giảng viên Bộ môn Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM, collagen chiếm khoảng 30% tổng lượng protein trong cơ thể, có mặt ở da, cơ, xương, gân, dây chằng, thành mạch máu, các mô liên kết... Tuy nhiên, từ tuổi 25, việc sản sinh collagen suy yếu dần theo thời gian do tiến trình lão hóa.
1. Nguyên nhân nào đưa đến tình trạng lão hóa da?
Lão hóa là được ví như “kẻ thù” sắc đẹp của người phụ nữ. Xin hỏi BS, những nguyên nhân hay yếu tố nào đưa đến tình trạng lão hóa da? Trong đó, yếu tố nào làm lão hóa da đến sớm hơn và nghiêm trọng hơn?
TS.BS Đào Hoàng Thiên Kim trả lời: Lão hóa da là quá trình suy giảm chất lượng của da, bắt đầu từ sự suy giảm mật độ da, kết cấu collagen, elastin dưới da dần lỏng lẻo, khiến da mất đi sự săn chắc, căng mịn, xuất hiện nếp nhăn.
Khi đó da trở nên khô ráp, có đốm nám, sạm, không đều màu… Hàng rào bảo vệ da yếu đi khiến da dễ bị tổn thương bởi các yếu tố môi trường.
Quá trình lão hóa do tác động từ những yếu tố bên trong cơ thể và ảnh hưởng từ bên ngoài:
- Lão hóa nội sinh (lão hóa từ bên trong): là quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể theo thời gian, do tuổi tác hoặc do thay đổi nội tiết tố.
- Lão hóa ngoại sinh (lão hóa do ảnh hưởng bên ngoài): tác động của các yếu tố như tia UV, ô nhiễm môi trường, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, vận động, các thói quen không tốt trong cuộc sống… cũng khiến làn da “già đi”.
2. Suy giảm nội tiết tố và quá trình lão hóa da của người phụ nữ có mối quan hệ mật thiết thế nào?
Suy giảm nội tiết tố nữ là một trong những nguyên nhân hàng đầu cướp đi tuổi xuân của người phụ nữ. Nhân chương trình hôm nay, nhờ BS chia sẻ thêm về mối quan hệ mật thiết giữa suy giảm nội tiết tố và quá trình lão hóa da của người phụ nữ ạ?
TS.BS Đào Hoàng Thiên Kim trả lời: Estrogen suy giảm dẫn đến giảm collagen và elastin - đây là những cấu trúc nâng đỡ làn da. Khi cấu trúc này bị phá vỡ, làn da sẽ bắt đầu chảy xệ hơn, không còn săn chắc như trước, những nếp nhăn cũng xuất hiện nhiều hơn.
Estrogen suy giảm mô mỡ dưới da cũng giảm theo, dẫn đến da mỏng và khô, giảm khả năng đàn hồi và chậm chữa lành vết thương. Ngoài nếp nhăn, da cũng xuất hiện đốm đồi mồi nhiều hơn trước.
Do estrogen giúp bảo vệ da khỏi tiếp xúc với tia cực tím, vì vậy nếu không có sự bảo vệ này, ánh nắng mặt trời sẽ gây tác động lớn đến da, dẫn đến thâm sạm, nám da và các đốm đồi mồi…
3. Giảm sản xuất collagen tự nhiên của cơ thể theo tuổi tác sẽ ảnh hưởng ra sao đến sắc vóc người phụ nữ?
Xưa nay, chúng ta đều biết collagen đặc biệt quan trọng với làn da. Sự giảm sản xuất collagen tự nhiên của cơ thể theo tuổi tác sẽ ảnh hưởng thế nào đến sắc vóc người phụ nữ, thưa BS?
TS.BS Đào Hoàng Thiên Kim trả lời: Collagen là một loại protein mà cơ thể có thể tự tổng hợp, đóng vai trò như một chất keo có tác dụng gắn kết các phân tử lại với nhau. Collagen chiếm khoảng 30% tổng lượng protein trong cơ thể, có mặt ở da, cơ, xương, gân, dây chằng, thành mạch máu, các mô liên kết...
Trong cơ thể, collagen được tổng hợp liên tục từ các axit amin nhằm thay thế các sợi collagen có dấu hiệu tổn thương hoặc hao mòn. Tuy nhiên, từ tuổi 25, việc sản sinh collagen suy yếu dần theo thời gian do tiến trình lão hóa. Khi collagen bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng, cơ thể xuất hiện các dấu hiệu lão hóa.
Dưới đây là một số tác động chính khi thiếu hụt collagen:
- Da chảy xệ và mất độ đàn hồi: Collagen là thành phần chính giúp da duy trì độ săn chắc và đàn hồi. Khi lượng collagen giảm, da sẽ mất đi sự đàn hồi, trở nên chảy xệ và xuất hiện nếp nhăn.
- Nếp nhăn và đường nhăn: Thiếu collagen làm giảm khả năng tái tạo và phục hồi của da, dẫn đến sự hình thành nếp nhăn và đường nhăn, đặc biệt là ở các vùng da mỏng như quanh mắt và miệng.
- Da khô và xỉn màu: Collagen giúp giữ ẩm cho da. Khi collagen giảm, da dễ bị khô, mất đi độ ẩm tự nhiên và trở nên xỉn màu, thiếu sức sống.
- Giảm độ săn chắc của cơ thể: Không chỉ ảnh hưởng đến da, collagen còn quan trọng đối với các mô liên kết khác như cơ, gân và dây chằng. Sự suy giảm collagen có thể làm giảm độ săn chắc của cơ thể, ảnh hưởng đến vóc dáng tổng thể.
- Tóc và móng yếu đi: Collagen cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của tóc và móng. Khi collagen giảm, tóc có thể trở nên yếu, dễ gãy rụng và móng tay dễ bị gãy.
4. Estrogen ảnh hưởng thế nào đến khả năng sản xuất collagen và điều gì xảy ra khi cơ thể không còn sản xuất estrogen?
Như vậy, dù là nội tiết tố estrogen hay collagen đều nắm giữ nhiệm vụ cốt lõi để làn da khỏe mạnh, căng tràn sức sống.
- Trong khi đó, estrogen là một yếu tố quan trọng trong việc giúp làn da sản xuất collagen khỏe mạnh. Nhờ BS giải thích cách mà estrogen ảnh hưởng đến khả năng sản xuất collagen trong cơ thể?
- Và điều gì xảy ra khi cơ thể không còn sản xuất estrogen cần thiết giúp nguyên bào sợi sản xuất collagen nữa, thưa BS?
TS.BS Đào Hoàng Thiên Kim trả lời: Estrogen cũng giúp điều chỉnh các enzyme phân hủy collagen, vì vậy khi nồng độ estrogen giảm, các enzyme phân hủy collagen có thể hoạt động mạnh hơn, dẫn đến sự phân hủy collagen nhanh hơn trong da. Một lần nữa, điều này dẫn đến da mỏng hơn và nhiều nếp nhăn hơn, hai dấu hiệu lão hóa phổ biến.
>>> Phần 2: 7 cách làm chậm quá trình lão hóa, duy trì mối kết giữa estrogen và collagen
>>> Phần 3: Bí quyết bổ sung đủ estrogen và collagen hiệu quả, an toàn
Trân trọng cảm ơn TS.BS Đào Hoàng Thiên Kim và Vital Garden - Thương hiệu thực phẩm chức năng cao cấp của tập đoàn LG H&H, Hàn Quốc đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình lần này.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình