"Điếc mũi" - căn bệnh chỉ có hy vọng mong manh
Hiện tại mũi em không ngửi được mùi nào hết ngoại trừ mùi rượu và xăng (nhưng phải đưa mũi lại cực gần mới có thể hơi hơi nhận biết được).
Theo những gì em mô tả trong thư thì khả năng em đã bị rối loạn khứu giác (chức năng ngửi) bẩm sinh. Cụ thể hơn, loại rối loạn mà em đang mắc phải có tên khoa học là Anosmia (nghĩa là "mất khứu giác" hay "điếc ngửi"). Vùng ngửi của mũi chỉ lớn bằng con tem thư, màu vàng, rất ẩm ướt và có nhiều chất nhờn béo.
Nó nằm ở nóc của mỗi ổ mũi, ngay sau khoảng cách giữa hai mắt, có chừng 100 triệu tế bào thần kinh để ngửi và khoảng 1000 gen khác nhau nằm trong các tế bào cảm thụ khứu giác này. Mỗi thụ thể chỉ phân tích, tiếp nhận một số mùi nhất định. Tín hiệu điện từ thụ thể khứu giác sẽ được chuyển về não bộ để xác định được hương của sự vật.
Khứu giác có nhiều vai trò quan trọng như:
- Cho biết mùi của thực phẩm, nước uống mà cơ thể tiêu thụ mỗi ngày.
- Nhận biết tình huống nguy hiểm như khí đốt thoát khỏi bình (rò rỉ gas) hay thực phẩm hư thối.
- Giúp sự giao lưu và quan hệ xã hội giữa con người rõ ràng hơn.
Vì vậy, rối loạn về khứu giác tuy không gây ra ảnh hưởng trầm trọng cho sức khỏe nhưng nó lại khiến cuộc sống hàng ngày của người bệnh trở nên bất tiện và vô tình gây nguy hiểm cho họ khi rơi vào các tình huống như ăn phải thực phẩm ôi thiu nhiễm độc hay ngồi trong phòng kín bị rò rỉ khí gas mà không biết...
Có khá nhiều nguyên nhân gây ra mất khứu giác bẩm sinh như:
- Bệnh của mũi hoặc xoang mặt như thịt dư trong lỗ mũi, viêm xoang, dị ứng mũi, lệch vách ngăn mũi, vẹo mũi bẩm sinh.
- Bị nhiễm trùng đường hô hấp trên (cảm cúm) khi vừa sinh ra.
- Chấn thương não sọ là nguyên nhân thường thấy trong bệnh mất khứu giác. Vùng não ở thùy trán và thùy chẩm (occipital) là nơi hay bị chấn thương và gây ra hư hao cho dây thần kinh khứu giác, gián đoạn dẫn truyền tín hiệu lên não bộ.
- Mũi, miệng tiếp xúc thường xuyên với chất độc hại (như hít phải nhiều khói thuốc lá...)
Rối loạn khứu giác rất khó điều trị và khả năng hồi phục hoàn toàn cũng không cao. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ có hướng điều trị riêng. Chẳng hạn như giải phẫu cắt bỏ thịt dư trong mũi để khai thông tắc nghẹt; dùng kháng sinh, thuốc chống dị ứng chữa viêm xoang, thuốc steroid uống hoặc xịt mũi để chữa dị ứng mũi... Trường hợp chấn thương não, bệnh nhân có thể ngửi trở lại sau khi chấn thương đã được giải quyết ổn thỏa.
Vì vậy, bác sĩ khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa để khám trực tiếp, từ đó tìm ra nguyên nhân gây bệnh và nhận được chỉ định điều trị thích hợp cho mình.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho bản thân, em cũng nên chú ý thực hiện những điều sau:
- Thay bếp gas bằng bếp điện.
- Gắn thêm thiết bị báo động khói trong nhà.
- Kiểm tra kỹ hạn sử dụng của các loại thực phẩm để tránh ăn phải thức ăn hư thối.
- Dùng keo xịt tóc, thuốc tẩy rửa, thuốc trừ sâu bọ... ở nơi thoáng khí để tránh hít phải hơi hóa chất mà không biết.
AloBacsi.vn
Theo Sức khỏe & Đời sống
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình