Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương
Thường xuyên lo âu, lo sợ, choáng váng, tim đập nhanh... điều trị như thế nào?
Câu hỏi
Dạ thưa bác sĩ, Em 33 tuổi, thường xuyên có dấu hiệu lo âu, lo sợ, choáng váng, tim đập nhanh, khó thở, cảm giác như sắp ngất vậy. Em đi khám bác sĩ chẩn đoán em mắc bệnh Tachycardie sinusale-tăng men gan, nhưng hiện tượng này vẫn còn xuất hiện, nhất là mỗi lần chạy xe hoặc đi xa, rất ảnh hưởng đến cuộc sống. Bác sĩ cho em biết em bệnh gì và có cách điều trị hay không? Em hiện đang dùng thuốc: Bihasal 2.5mg; Liverton 150mg; sulpiride 50mg. Xin cảm ơn.
Trả lời
"Tachycardie sinusale" có nghĩa là nhịp nhanh xoang. Triệu chứng của em gồm 2 nhóm triệu chứng chính, một là rối loạn lo âu thuộc về nhóm bệnh lý tâm thần, hai là hồi hộp tim đập nhanh thuộc về nhóm nhịp tim học.
Để điều trị được bệnh của em thì bác sĩ sẽ cần xác định xem việc mất ngủ lo âu là nguyên nhân dẫn đến hồi hộp tim đập nhanh, hay là hồi hộp tim đập nhanh gây cho em lo âu; và có bệnh lý toàn thân nào gây cùng lúc 2 nhóm bệnh này không (ví dụ như cường giáp).
Theo thông tin em cung cấp thì bác sĩ trước đó đã chẩn đoán em bị nhịp tim nhanh do rối loạn lo âu là chính, bác sĩ cũng đã cho thuốc giảm nhịp tim và cả thuốc chống lo âu nhưng tình hình em vẫn còn khó chịu nhiều, mà chủ yếu là cảm giác lo âu gây nên. Do đó tốt nhất em nên khám bác sĩ chuyên khoa Tâm thần để điều trị chứng rối loạn lo âu của mình.
Lo âu là hiện tượng phản ứng tự nhiên (bình thường) của con người trước những khó khăn và các mối đe doạ của tự nhiên, xã hội mà con người phải tìm cách vượt qua, tồn tại, vươn tới. Tuy nhiên, người bệnh có lo âu bệnh lý hay rối loạn lo âu là khi lo âu quá mức hoặc dai dẳng không tương xứng với sự đe dọa được cảm thấy, ảnh hưởng đến hoạt động của người bệnh, có thể kèm theo những ý nghĩ hay hành động có vẻ như quá mức hay vô lý.
Rối loạn lo âu là một bệnh lý thuộc nhóm bệnh lý tâm thần. Em đừng bị “dị ứng” với từ “tâm thần”. Bệnh về tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu ám ảnh sợ, trầm cảm... chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”. Và bệnh rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ là 1 thể nhẹ trong các rối loạn tâm thần nói chung và có thể điều trị được (bao gồm cả thuốc và tâm lý trị liệu).
Song song đó, em nên sắp xếp thời khóa biểu làm việc và nghỉ ngơi hợp lý hơn, có thể nghe nhạc giao hưởng để giải stress, hạn chế cafe bia rượu, không hút thuốc lá, tập thể dục để giải tỏa năng lượng xấu, có lịch nghỉ phép du lịch ngắn hạn, đi chùa, ngồi thiền, yoga... chọn cái nào phù hợp với bản thân em nhất và áp dụng, kiên trì.
Thân mến.
Lo
âu là một hiện tượng bình thường trong cuộc sống của con người. Tuy
nhiên người mắc bệnh rối loạn lo âu thường có sự lo lắng và nỗi sợ quá
mức về các tình huống hằng ngày. - Tập thể dục hàng ngày; - Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế chất béo, đường và thực phẩm chế biến sẵn. Bổ sung các thực phẩm giàu axít béo omega-3 và các vitamin B trong bữa ăn hằng ngày. - Chú trọng giấc ngủ. Đảm bảo ngủ đủ giấc. Nếu không ngủ được, hãy gặp bác sĩ. - Tìm kiếm sự giúp đỡ càng sớm: triệu chứng rối loạn lo âu rất dễ nhầm lẫn với bệnh tâm thần khác, bạn nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. - Chủ động: tham gia hoạt động mà bạn yêu thích, tích cực trong quan hệ xã hội. - Tránh dùng thức uống có cồn, chất kích thích: cồn, chất kích thích làm rối loạn lo âu tệ hơn. Nếu bạn nghiện các chất này, hãy bỏ càng sớm càng tốt. Tư vấn bác sĩ và tìm nhóm hỗ trợ khi cần thiết. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình