Đau mắt đỏ có thể tiềm ẩn biến chứng viêm loét giác mạc nặng, mất thị lực
Mùa hè không chỉ mang đến những ngày nắng nóng, mà còn là thời điểm chứng đau mắt đỏ bùng phát thành dịch. Tại sao bệnh này phổ biến trong mùa hè? Làm sao để phân biệt với các vấn đề mắt khác? Nguy cơ, biến chứng sẽ ra sao nếu không điều trị kịp thời? TS.BS Trần Đình Minh Huy, Giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM sẽ giải đáp những thắc mắc này trong bài viết dưới đây.
1. Vì sao đau mắt đỏ thường xuất hiện vào mùa hè?
Những tác nhân nào gây viêm kết mạc (đau mắt đỏ)? Vì sao căn bệnh này thường xuất hiện vào mùa hè, thưa BS?
TS.BS Trần Đình Minh Huy trả lời: Viêm kết mạc là tình trạng viêm, nhiễm trùng lớp màng trong suốt trước tròng trắng của mắt, hay còn gọi là kết mạc. Đây là lớp màng lót từ phía phần tròng trắng (củng mạc) vào phía cùng đồ, ra mặt sau cả mi mắt trên lẫn mi mắt dưới.
Đây là cấu trúc có cả hệ thống miễn dịch cũng như mạch máu. Do đó, khi có tình trạng viêm, nhiễm trùng do tác nhân virus, vi khuẩn, vi nấm gây ra tình trạng cương tụ kết mạc, cương tụ mạch máu kết mạc, làm kết mạc đỏ lên. Từ đó, gây ra tình trạng đau mắt đỏ kèm theo các dịch tiết như ghèn.
Viêm kết mạc thường do các tác nhân như virus, có xu hướng xuất hiện thành dịch. Do đó, khi trẻ sinh hoạt mùa hè ở nhóm đông dễ dàng lây lan cho nhau hơn. Vì vậy, viêm kết mạc thường xuất hiện nhiều ở giai đoạn này.
2. Đỏ mắt không chỉ đơn thuần là đau mắt đỏ
Nhóm nguyên nhân gây mắt đỏ có thể là gì? Trong trường hợp nào nên nghi ngờ bản thân bị đau mắt đỏ, thưa BS?
TS.BS Trần Đình Minh Huy trả lời: Đỏ mắt là triệu chứng thường gặp nhất khiến phụ huynh đưa trẻ cũng như bản thân đến cơ sở y tế. Tuy nhiên, không phải đỏ mắt nào cũng là triệu chứng của viêm kết mạc.
Đỏ mắt có thể từ nhiều nhóm nguyên nhân, từ nhóm nguyên nhân đơn giản là đau mắt đỏ hoặc bệnh lý đơn giản khác. Tuy nhiên, đau mắt đỏ có thể do viêm loét giác mạc, tăng nhãn áp, glaucoma, viêm màng bồ đào, thậm chí là viêm nhiễm nặng hơn do viêm nhãn cầu, dẫn đến mất thị lực.
Vì vậy, cần lưu ý mắt đỏ không phải lúc nào cũng là tình trạng đơn giản. Tất cả các biểu hiện đau mắt đỏ cần được khám tại cơ sở chuyên khoa một cách đầy đủ.
Nếu trong trường hợp đau mắt đỏ kèm dịch tiết như ghèn mắt, rỉ ghèn, tình trạng thị lực không suy giảm; thường gặp ở nguyên nhân đau mắt đỏ do viêm kết mạc cấp, có thể xuất hiện thành dịch. Trường hợp này tương đối nhẹ nhàng do viêm kết mạc, đau mắt đỏ thông thường.
Tuy nhiên, không chỉ riêng năm nay mà nhiều năm trước, viêm kết mạc luôn tiềm ẩn diễn tiến bất thường như kèm theo viêm giác mạc, giả mạc giác mạc, tình trạng viêm nặng nề hơn; có nguy cơ mất thị lực do một số biến chứng nặng nề. Do đó, mọi người phải cẩn thận thăm khám tại các cơ sở uy tín.
3. Đau mắt đỏ, viêm kết mạc có thể chẩn đoán qua lâm sàng
Việc chẩn đoán một người bị viêm kết mạc, đau mắt đỏ có dễ dàng không? Bệnh nhân có cần làm xét nghiệm gì hay không, thưa BS?
TS.BS Trần Đình Minh Huy trả lời: Đến nay, viêm kết mạc vẫn chủ yếu chẩn đoán lâm sàng. Đi kèm là các triệu chứng đỏ mắt, rỉ ghèn tùy theo tác nhân mà có ghèn trắng, ghèn xanh, ghèn vàng. Số lượng ghèn tùy thuộc vào mức độ phản ứng viêm của độc lực, các tác nhân cũng như phản ứng viêm, phản ứng miễn dịch tại chỗ của cá thể đó.
Ngoài ra, hầu hết khi mắc viêm kết mạc, bệnh nhân có thị lực diễn tiến bình thường. Do đó, bệnh nhân không cần làm xét nghiệm như xét nghiệm máu, xét nghiệm miễn dịch tại chỗ để chẩn đoán tác nhân cụ thể nào đó.
Năm nay, theo ghi nhận trên cả nước, từ bắc trung nam, diễn tiến viêm kết mạc rất bất thường với nhiều biến chứng nặng xuất hiện vô tình, đặc biệt ở trẻ em. Do đó, trong từng trường hợp cụ thể sẽ có chỉ định bác sĩ chuyên khoa cần làm thêm xét nghiệm kháng sinh đồ, chủng vi khuẩn, chủng virus gây viêm kết mạc cụ thể.
4. Nước mắt nhân tạo giúp điều trị đau mắt đỏ, viêm kết mạc tốt hơn
Điều trị đau mắt bỏ bằng phương pháp nào, thưa BS?
TS.BS Trần Đình Minh Huy trả lời: Việc điều trị viêm kết mạc cần có các bước sau:
Thứ nhất là kháng sinh, kháng viêm, điều trị các tác nhân gây bệnh. Kháng viêm cần sử dụng có kiểm soát dưới sự hướng dẫn của bác sĩ lâm sàng sau khi đánh giá tình trạng mắt, bề mặt nhãn cầu của bệnh nhân. Điều này làm hạn chế bớt những phản ứng viêm quá mức của bề mặt nhãn cầu. Vì bề mặt nhãn cầu là bề mặt có phản ứng miễn dịch rất mạnh, được xem là một trong những phản ứng miễn dịch mạnh nhất trên toàn cơ thể.
Phản ứng miễn dịch vừa phải sẽ đấu tranh với các tác nhân gây bệnh vừa phải. Nhưng một khi tác nhân đó cũng như phản ứng miễn dịch quá mạnh có thể gây tổn thương đến những cấu trúc xung quanh, điều này không tốt.
Vì vậy, điều trị thuốc kháng viêm có thể ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch, ức chế miễn dịch tại chỗ, nên cần sử dụng có kiểm soát dưới sự hướng dẫn của bác sĩ theo lịch tái khám.
Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc nhỏ có tác dụng nhỏ rửa. Ví dụ như nước muối sinh lý giúp rửa rỉ ghèn, tác nhân gây bệnh cũng như phản ứng miễn dịch. Ngoài ra còn giúp thuốc kháng viêm hoạt động tốt hơn.
Hiện nay, nước mắt nhân tạo phát triển rất tốt. Vì vậy, nên hỗ trợ điều trị thêm bằng nước mắt nhân tạo, kết hợp kháng sinh, kháng viêm giúp mắt hồi phục nhanh hơn, làm bề mặt nhãn cầu ổn định, hiệu quả điều trị tốt hơn.
5. Tự ý mua thuốc uống có thể làm tình trạng bệnh diễn tiến xấu đi
Khi bị đau mắt đỏ có thể tự mua thuốc uống được không hay phải đến bệnh viện, thưa BS?
TS.BS Trần Đình Minh Huy trả lời: Đây là vấn đề thường gặp. Do đau mắt đỏ hay viêm kết mạc thường xuất hiện thành dịch, rất dễ lây lan giữa những thành viên trong gia đình. Ví dụ khi sử dụng chung khăn, chung chén… Hay trẻ bị viêm kết mạc lấy tay chạm vào mắt sau đó chạm lên bàn, những người khác chạm lên vùng đó, sau đó chạm lại trên mắt cũng là một nguồn lây.
Trong gia đình, ông bà ba mẹ rất thương cháu, mặc dù thấy cháu đau mắt đỏ vẫn ôm, hôn, tiếp xúc gần rất dễ lây lan. Do đó, viêm kết mạc thường xuất hiện thành dịch với số lượng bệnh nhân rất đông.
Tuy nhiên như đã chia sẻ, không phải đau mắt đỏ nào cũng là viêm kết mạc. Vì vậy, nên tránh việc tự ra nhà thuốc mua thuốc nhỏ. Đỏ mắt là triệu chứng thường gặp, không phải trường hợp nào cũng là đau mắt đỏ.
Viêm kết mạc đặc biệt trong nay năm cần lưu ý chăm sóc, theo dõi kỹ lưỡng cùng bác sĩ chuyên khoa cũng như các cơ sở lâm sàng uy tín. Đồng thời, cần lưu ý trong việc sử dụng thuốc và tái khám theo đúng yêu cầu bác sĩ để đáp ứng điều trị tốt nhất có thể. Đừng tự ý theo dân gian, tự ra nhà thuốc, tự quyết định điều trị.
Việc thăm khám ở trẻ không chỉ riêng đôi mắt mà tất cả chuyên khoa đều gặp khó khăn, vì trẻ không dễ dàng hợp tác như khi khám trên bệnh nhân trưởng thành để nhìn rõ bề mặt nhãn cầu cũng như tổn thương.
Khi cộn xốn, viêm trên bề mặt mắt, trẻ có xu hướng dụi nhiều, điều này có thể làm trầy bề mặt giác mạc, gây bội nhiễm các vi khuẩn khác khiến tình trạng nặng nề hơn. Phụ huynh nên lưu ý điều này để phối hợp với các cơ sở điều trị tốt nhất có thể.
6. Đau mắt đỏ, bao lâu khỏi bệnh?
Khoảng bao lâu bệnh nhân có thể hết bệnh, thưa BS?
TS.BS Trần Đình Minh Huy trả lời: Viêm kết mạc cấp hay đau mắt đỏ là một căn bệnh có hiệu quả điều trị khá cao với các loại thuốc hiện có trên thị trường, cũng như với khả năng các bác sĩ trên toàn Việt Nam. Bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn sau 7-14 ngày điều trị.
Tuy nhiên, viêm kết mạc thường có tỷ lệ nhỏ đi kèm với biến chứng bất thường như viêm loét giác mạc, viêm màng bồ đào, đây là những biến chứng khá nặng nề. Đôi khi những triệu chứng này xuất hiện vẫn chỉ đơn giản là đau mắt đỏ, kèm theo sưng nề mi mắt không mở mi ra được. Do không đánh giá được thị lực bệnh nhân nên rất khó khăn cho người nhà.
Bác sĩ khuyên phụ huynh rằng, đối với dịch đau mắt đỏ năm nay, lịch tái khám cũng như theo dõi lâm sàng cùng các bác sĩ chuyên khoa, cơ sở nhãn khoa uy tín là việc vô cùng quan trọng.
Người bệnh thường nghĩ việc tái khám có thể đi trễ 1-2 ngày, vì là cơ sở lâm sàng uy tín. Tuy nhiên, dịch diễn tiến rất bất thường, trong khi không phải lúc nào trẻ em cũng có sức đề kháng tốt.
Một số trẻ có sức đề kháng, phản ứng miễn dịch quá mạnh cũng ảnh hưởng đến sự hồi phục, gây tổn thương thêm cho mắt. Trẻ còn có xu hướng dụi mắt, và không phải trẻ em nào cũng dễ nhỏ thuốc vào mắt. Khi mắc bệnh, mắt trẻ vừa đau, cộm xốn, sưng mắt, chảy ghèn, nên việc nhỏ thuốc không dễ dàng. Đôi khi trẻ còn khóc, khi nhỏ thuốc vào lại nhắm chặt mắt làm thuốc trôi ra, nên việc chăm sóc càng khó khăn hơn.
Cần lưu ý tái khám để tránh diễn tiến bất thường không thể dự đoán. Năm nay, dịch viêm kết mạc có diễn tiến bất thường, ngay cả các bác sĩ chuyên khoa cũng thông tin đến lẫn nhau. Vì vậy cần lưu ý hơn trong việc chăm sóc và điều trị đau mắt đỏ, viêm kết mạc cấp.
Không nên xem thường vấn đề tái khám vì không phải lúc nào sức đề kháng cơ thể cũng tốt
7. Đau mắt đỏ, viêm kết mạc có thể điều trị tốt
Nếu chẳng may mắc bệnh, nên theo dõi tại nhà như thế nào? Trường hợp nào cần đưa đến bệnh viện ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm, thưa BS?
TS.BS Trần Đình Minh Huy trả lời: Về mặt nguyên tắc, đau mắt đỏ hay viêm kết mạc cấp năm nào cũng có ít nhất vài đợt diễn tiến thành dịch. Trong các tác nhân như virus, vi khuẩn, vi nấm; viêm kết mạc cấp chủ yếu do tác nhân virus dưới dạng Adenovirus gây ra, và hầu hết đều xuất hiện thành dạng dịch. Vì vậy, phòng tránh những bệnh lý dạng dịch có vai trò quan trọng so với điều trị.
Trong trường hợp người thân trong gia đình có dấu hiệu đỏ mắt, chảy ghèn, cần hạn chế tiếp xúc quá gần. Bên canh đó, hãy luôn sử dụng nước rửa tay nhanh, rửa tay trước và sau khi tiếp xúc gần, hoặc nhỏ thuốc cho người bệnh.
Ngoài ra, cần tránh sử dụng đồ dùng chung như khăn lau, đây là nguyên nhân lây lan nhanh nhất.
Nếu trẻ em có dấu hiệu đỏ mắt, chảy ghèn, nghi ngờ đau mắt đỏ; cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở nhãn khoa để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và đánh giá ban đầu.
Bác sĩ sẽ cho phác đồ điều trị cũng như lịch tái khám cụ thể. Đối với các trẻ đau mắt đỏ cấp, bác sĩ sẽ cho toa để xin nghỉ trong vài ngày, tránh tình trạng đến lớp lây lan cho trẻ khác. Nếu tại nhà có nhiều trẻ cùng lứa tuổi, cần hạn chế cho trẻ chơi chung, nếu không cả nhà có thể mắc bệnh. Mặc dù đã dặn rất kĩ nhưng có nhiều trường hợp hôm nay khám cho bé, hôm sau khám cho cả nhà cùng đau mắt đỏ.
Khả năng điều trị thành công cũng như tiên lượng điều trị đau mắt đỏ khá tốt. Nhưng cũng có tỷ lệ nhỏ trường hợp diễn tiến bất thường, bội nhiễm, vi khuẩn độc lực mạnh rất cao khó dự đoán.
8. Phòng bệnh, ngừa lây lan và ngừa biến chứng
Ngoài dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, ở nhà bệnh nhân cần làm gì để bổ trợ giúp hướng điều trị nhanh nhất có thể, thưa BS?
TS.BS Trần Đình Minh Huy trả lời: Điều trị chủ yếu vẫn là kháng sinh, kháng viêm, các loại thuốc nhỏ rửa bằng nước muối sinh lý. Ngoài ra có thể hỗ trợ thêm các loại nước mắt nhân tạo để làm ổn định bề mặt nhãn cầu.
Đối với trẻ nhỏ hay trường hợp bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu, nên hỗ trợ thêm vitamin giúp sức đề kháng tốt hơn.
Tuy nhiên, điều trị tại chỗ cũng rất quan trọng nhất đối với viêm kết mạc. Bên cạnh đó là vấn đề phòng bệnh, ngừa lan lây và phòng ngừa biến chứng.
Về ngừa lây lan cần lưu ý vệ sinh tay, tránh tiếp xúc quá gần đối với những người có dấu hiệu mắc bệnh.
Về phòng ngừa biến chứng, cần lưu ý lịch tái khám và theo dõi cùng cơ sở lâm sàng uy tín.
9. Lời khuyên dành cho bệnh nhân đau mắt đỏ, viêm kết mạc
Một số lời khuyên để phòng tránh căn bệnh này là gì, thưa BS?
TS.BS Trần Đình Minh Huy trả lời: Thứ nhất, việc phòng tránh đau mắt đỏ hay viêm kết mạc cấp là vấn đề quan trọng. Vì đây là bệnh dễ lây lan và diễn tiến thành dịch. Trong một số trường hợp diễn tiến bất thường gây ra biến chứng nặng nề, để lại hậu quả lớn cho thị giác trong tương lai.
Thứ hai, cần lưu ý việc vệ sinh tay trước và sau khi nhỏ thuốc cho người bệnh, không sử dụng chung khăn, khăn giấy, tránh tiếp xúc quá gần như ăn cơm, cầm chén hay mặt bàn chưa vệ sinh kỹ có thể dẫn đến tình trạng lây lan. Do đó, cần vệ sinh bề mặt bàn bằng các chế phẩm có cồn sau. Sử dụng nước rửa tay có nguồn gốc về cồn cũng giúp phòng ngừa tốt.
Lưu ý tránh cho trẻ chơi cùng hoặc tiếp xúc quá gần. Khi trẻ đau mắt đỏ, tránh đừng ôm hôn trẻ vì có thể dễ dàng lây lan.
Cuối cùng, nếu trẻ có dấu hiệu đau mắt đỏ hay viêm kết mạc cấp, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở lâm sàng uy tín để đánh giá, cho thuốc phù hợp, có lịch tái khám cụ thể. Điều này giúp theo dõi tiến triển, nguy cơ biến chứng bất thường, phòng tránh những hậu quả không tốt cho đôi mắt của trẻ.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình