Hotline 24/7
08983-08983

Đau đầu - khi nào dùng thuốc, khi nào phải tới bác sĩ?

Đau đầu là tình trạng thường gặp trong cuộc sống, từ người trẻ tuổi đến trung niên đều có thể mắc phải. Vậy đau đầu khi nào cần dùng thuốc và dùng thuốc gì, khi nào phải tới bác sĩ? Bài viết của PGS.TS.BS Vũ Anh Nhị - Phó chủ tịch Hội Thần kinh Việt Nam dưới đây sẽ giúp bạn đưa ra câu trả lời cho những thắc mắc này.

Đoán bệnh từ những cơn đau đầu

Hiện nay trên Thế giới cũng như ở Việt Nam đau đầu được phân thành 2 loại. Đó là đau đầu vô căn/ nguyên phát (không rõ căn nguyên) tần suất gặp chiếm đến 90% dân số và đau đầu thứ phát chỉ chiếm 10%.

Trong đó, cảnh giác sớm nhất khi nói đến đau đầu là phải loại trừ ngay đau đầu thứ phát, vì mặc dù nó chiếm tỷ lệ nhỏ hơn nhưng lại rất nguy hiểm đến tính mạng, chẳng hạn như xuất huyết não, viêm màng não, u não… Những trường hợp này cần đến các bác sĩ hay các bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán loại trừ và điều trị nguyên nhân.

Đối với đau đầu nguyên phát chiếm một tần suất rất lớn nhưng chúng ta lại không thể xác định được nguyên nhân. Đây lại một loại đau đầu phổ biến, thường có thể tự điều trị hoặc khi đến giai đoạn nặng, trở thành mãn tính thì người bệnh cần đến bệnh viện. Thường đau đầu nguyên phát được chia thành nhiều loại, nhưng tượng trưng nhất có:

- Loại 1: đau đầu do căng thẳng. Trước đây người ta vẫn thường gọi đau đầu do căng thẳng là đau đầu căng cơ. Tùy theo thống kê mà loại đau đầu này có thể chiếm từ 29 - 72%.

- Loại 2: đau đầu do nguyên nhân liên quan đến mạch máu, ví dụ như đau đầu migraine (đau nửa đầu) chiếm tỷ lệ khoảng 15% dân số. Đặc biệt loại đau đầu này mang tính chất di truyền từ thế hệ trước đến thế hệ sau hoặc di truyền ẩn khi có điều kiện kịch phát hay kích thích.

Đau đầu là tình trạng rất phổ biến trong cuộc sống (Ảnh minh họa)

Dựa vào những yếu tố dịch tễ học, người ta nhận thấy đau đầu gặp nhiều nhất ở khoảng từ 20 đến dưới 50 tuổi. Nếu trước đây, độ tuổi 30 bị đau đầu được xem là sớm thì hiện nay đau đầu căng thẳng ngày càng nhiều và có xu hướng trẻ hóa, thậm chí khi vừa bước qua ngưỡng 20 đã xuất hiện tình trạng này. Vì đây là độ tuổi lao động, bắt đầu ra trường, lo lắng tìm việc và trong cuộc sống có nhiều yếu tố tác động, đó có thể là yếu tố khởi phát cũng có thể là nguyên phát, chẳng hạn như khi làm việc nhiều ngày, nhiều giờ không nghỉ ngơi, tâm lý bản thân khi không đáp ứng được công việc… cũng gây ra đau đầu căng thẳng.

Nhưng đau đầu cũng có thể là do yếu tố kịch phát (kích hoạt đau đầu do yếu tố về gen các gen lặn nằm trong đầu) khi bạn căng thẳng ví dụ như stress. Nhất là ở những người đau đầu migraine càng dễ stress, chính tâm lý là nguyên nhân kích hoạt các gen gây đau đầu, đây là điều rất ái ngại.

Đau đầu căng thẳng thường âm ỉ, đau từ trước lan sang cơ gáy, còn đau nửa đầu thường tăng dần trong 2 tiếng sau đó sẽ giảm dần, đau đầu nguy hiểm có thể kèm theo các triệu chứng nôn ói, sốt, yếu liệt tay chân (Ảnh minh họa)

Để phân biệt các tình trạng đau đầu, chúng ta có thể thấy đối với đau đầu do căng thẳng thường rất âm ỉ, đau từ trước trán lan sang cơ gáy, đau từ nhẹ đến vừa, cảm giác đau như có một thứ gì đó bóp siết, thậm chí nhiều trường hợp còn thấy được cơ co và nhồi lên. Đau đầu căng thẳng nếu âm ỉ kéo dài gây nên một tâm trạng khó chịu, khiến chất lượng sống bị giảm đi và đặc biệt là kéo theo mất ngủ.

Với tình trạng đau nửa đầu, cơn đau thường kịch phát, đau tăng lên và sau 2 tiếng đau mới giảm dần, có cảm giác đầu bị bóp, siết, nhịp tim nhói và đập với cường độ cao, kèm theo nôn ói. Thông thường người bệnh sẽ đau một bên đầu, nếu để mãn tính có thể đau sang hai bên, đau gắn liền với các yếu tố kích thích như ánh sáng, tiếng ồn, đặc biệt là những hoạt động gắng sức.

Ngược lại với một cơn đau đầu nguy hiểm thường xảy ra đột ngột kèm theo các triệu chứng như nôn ói, sốt, yếu liệt chân tay.

Làm sao chấm dứt cơn đau đầu?

Chúng ta cần biết rằng “stress” khác với “căng thẳng”. Stress là căn nguyên tâm lý học liên quan nhiều đến đau đầu migraine, còn đau đầu căng thẳng là do áp lực, nghĩa là mức độ làm việc quá nhiều, tư thế ngồi lâu, ăn uống không điều độ, uống bia, rượu, chất kích thích hoặc trong cuộc sống vấn đề điều khiến bạn căng thẳng gây nên đau đầu/ co cơ - đây được gọi là bệnh ngoại biên đau cơ.

Đau đầu căng thẳng là một bệnh phổ biến nhưng nếu không được hướng dẫn chữa trị đúng mức sẽ khiến chất lượng cuộc sống suy giảm, người bệnh có thể hay quên, làm việc thiếu tập trung, thậm chí nhiều trường hợp chuyển sang trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn mất ngủ,… Và từ chính những rối loạn này khiến người bệnh nhận thấy không thể tiếp tục làm việc được, ảnh hưởng đến chất lượng  cuộc sống.

Áp lực trong công việc, cuộc sống khiến chúng ta dễ bị đau đầu căng thẳng (Ảnh minh họa)

Thông thường, đau đầu do căng thẳng ở giai đoạn sớm chỉ diễn ra 1 vài lần trong một tuần. Vì thế, trước khi điều trị chúng ta cần phải biết trong sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày có những yếu tố nào có khả năng gây ra căng thẳng, dẫn đến tình trạng đau đầu. Khi loại bỏ được những vấn đề khiến chúng ta căng thẳng thì mới điều trị triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng một cách hiệu quả.

Nhưng nếu tình trạng đau đầu kéo dài 2-3 tuần, tần suất đau nhiều hơn, uống thuốc giảm đau không kê toa như paracetamol nhưng không thuyên giảm, đồng thời xuất hiện các trạng thái thay đổi về hành vi ví dụ như tính nết, giấc ngủ, thời gian đặc biệt là trên 3 tháng thì cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám.

Lúc này, bạn sẽ được tiến hành nhiều biện pháp khác nhau, trong đó đầu tiên là tiếp xúc với hình ảnh học. Bởi khi có những cơn đau đầu mãn tính cần loại trừ những nguyên nhân thứ phát nh: viêm xoang, u não,… Qua hình ảnh học sẽ giúp các bác sĩ có thể xác định được chắc chắn rằng não của bạn không bị tổn thương, khi đó mới bắt đầu tiến hành điều trị.

Vì sao paracetamol 650mg giảm đau hiệu quả, phù hợp với người Việt?

Paracetamol là một loại thuốc không cần kê toa, điều trị giảm đau hiệu quả, đặc biệt là đau đầu, đau cơ…  Theo hướng dẫn chung quốc tế thì liều khởi đầu có thể là 1.000 mg paracetamol, nghĩa là nếu thuốc có hàm lượng 500 mg thì cần phải uống 2 viên, trung bình một ngày người bệnh có thể dùng tới 4.000 mg.

Nhưng riêng đối với người Việt Nam, các bác sĩ thực hành thường sẽ không áp dụng như vậy, ngay cả khi truyền thuốc cũng chỉ sử dụng tối đa là 2.000 mg/ ngày. Như vậy, với một bệnh nhân Việt Nam, ở người lớn trưởng thành khoảng trên 40-50kg trở lên hoặc 60-70 kg trở xuống thì có thể dùng paracetamol 500 mg x 3 lần/ ngày, uống cách nhau 4-6 giờ.

Hiện nay, người bệnh dùng paracetamol hàm lượng 650 mg mỗi viên thuốc sẽ thuận tiện hơn, ngày vẫn có thể dùng 3 viên cách nhau từ 4-6 giờ. Vì khi người bệnh dùng 3 lần viên paracetamol hàm lượng 500 mg thì tổng lượng dùng một ngày chỉ khoảng 1.500 mg, nhưng nếu dùng viên paracetamol 650 mg thì lượng thuốc tiêu thụ đạt đến 2.000 mg một ngày.

Trên thực hành lâm sàng người ta nhận thấy người Việt Nam hiện nay, cân nặng dao động từ 43 - 65kg ở cả hai giới, việc sử dụng hàm lượng 650mg trong điều trì mang lại hiệu quả hơn, vì thế các bác sĩ ưa dùng nhiều hơn, tất nhiên là thuốc sẽ không độc hơn và tính hiệu quả cũng tốt hơn nhiều, lại dễ dùng và thuận tiện. Đối với người lớn có thể dùng trong khoảng 5-7 ngày.

Paracetamol tương đối lành tính nên có thể sử dụng cho tất cả mọi người, trừ những trường hợp dị ứng, người suy gan, suy thận, người nghiện rượu hoặc uống rượu.

Bên cạnh đó, paracetamol là thuốc không kê toa nên có thể uống bất cứ lúc nào, đói hay no không quan trọng, khi nào đau bạn đều có thể uống. Lưu ý không được tự ý kết hợp với bất kỳ loại thuốc nào, nếu muốn kết hợp với các loại khác thì cần có sự hướng dẫn của bác sĩ. Sau khi uống khoảng 30 phút thuốc sẽ có hiệu quả, tác dụng kéo dài trong 4 tiếng.

PGS.TS.BS Vũ Anh Nhị - Phó chủ tịch Hội Thần kinh Việt Nam

Đôi nét về tác giả

PGS.TS.BS Vũ Anh Nhị là Trưởng bộ môn Thần kinh Đại học Y dược TPHCM; Phó chủ tịch Hội Thần kinh Việt Nam; Phó chủ tịch Hội Động kinh Việt Nam.

Năm 1980, BS Vũ Anh Nhị tốt nghiệp chuyên nhàng bác sĩ đa khoa và nhận công tác tại chuyên khoa Thần kinh, BV Đại học Y Dược TPHCM từ năm 1981. Đến năm 1987, ông theo đuổi chuyên khoa Thần kinh tại Đức và đi sâu vào nghiên cứu các bệnh lý thần kinh. Ông nhận học vị Tiến sĩ chuyên ngành Nội khoa Thần kinh năm 1997 và chức danh Phó giáo sư năm 2001.

Bên cạnh 34 năm kinh nghiệm làm việc tại bệnh viện, BS Vũ Anh Nhị đặc biệt dành nhiều thời gian cho nghiên cứu. Tính riêng từ năm 2001 tới nay, ông đã tham gia 56 đề tài được đăng trên các tạp chí y học uy tín; gần 30 công trình khoa học.

Hơn 10 cuốn sách chuyên khảo về chuyên ngành thần kinh học đều do ông chấp bút. Hầu hết các sách này đều tập trung vào chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân tai biến mạch máu não, sa sút trí tuệ, nhiễm trùng thần kinh, thần kinh cơ, nhược cơ hoặc động kinh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X