Hotline 24/7
08983-08983

Công dụng của hà thủ ô đỏ và hà thủ ô trắng có giống nhau không?

Hà thủ ô đỏ nổi tiếng với công dụng chữa râu tóc bạc sớm, rụng tóc nhiều, được ứng dụng trong điều trị suy nhược thần kinh, ngủ kém, thiếu máu, đau lưng mỏi gối, di mộng tinh... Rễ hà thủ ô trắng sau khi chế biến sẽ có tác dụng khá tương tự hà thủ ô đỏ.

I. Tổng quan về hà thủ ô

Hà thủ ô có 2 loài chính là hà thủ ô đỏ và hà thủ ô trắng.

Tên gọi khác: Hà thủ ô còn được gọi là dạ giao đằng. Tương truyền vào ban đêm hai dây của cây Hà thủ ô quấn lại với nhau nên gọi là Dạ giao đằng (Dạ: ban đêm, giao: gặp gỡ nhau, đằng: dây leo)

Hà thủ ô đỏ còn gọi là má ỏn, mằn năng ón (tiếng Tày), khua lình (tiếng Thái), xạ ú sí (tiếng Dao), renouee multifloree (tiếng Pháp), multiflorous knotweed (tiếng Anh).

Hà thủ ô trắng còn gọi là củ vú bò, dây sữa bò, cây sừng bò, dây mốc, mã liên an, khau nước, khau cần cà (tiếng Tày), chừa ma sìn (tiếng Thái), xạ ú pẹ (tiếng Dao), sân rạ, zờ nạ (tiếng K’Ho), pắt (tiếng K’Dong), streptocaulon (tiếng Pháp).

Tên khoa học: Hà thủ ô đỏ tên là Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldson

Hà thủ ô trắng tên là Streptocaulon juventas (Lour.) Merr.

Phân họ: Hà thủ ô đỏ thuộc họ Rau răm (Polygonaceae). Hà thủ ô trắng thuộc họ Thiên lý (Asclepiadaceae)

alobacsi Hà thủ ô đỏ và hà thủ ô trắngHà thủ ô đỏ và hà thủ ô trắng

1. Nhận biết cây hà thủ ô

Đặc điểm của hà thủ ô đỏ:

Đây là dạng dây leo bằng thân quấn, sống lâu năm. Thân mềm, nhẵn, mọc xoắn vào nhau. Rễ phình thành củ, màu nâu đỏ, củ nguyên có hình giống củ khoai lang. Lá mọc so le, hình mũi tên, gốc hình tim, đầu thuôn nhọn, dài 5-8cm, rộng 3-4cm, 3-5 gân xuất phát từ gốc lá, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng; cuống dài khoảng 2cm, phủ lông tơ; bẹ chìa mỏng, ngắn, có lông dài.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành thành chùy phân nhánh, dài hơn lá; lá bắc ngắn; hoa nhỏ nhiều, màu trắng; nhị 8, thường dính vào gốc của bao hoa.

Quả hình 3 cạnh, nhẵn bóng, nằm trong bao hoa mà 3 mảnh ngoài phát triển thành những cánh rộng.

Mùa hoa vào tháng 9-11; mùa quả vào tháng 12-2.

alobacsi Cây hà thủ ô đỏCây hà thủ ô đỏ

Đặc điểm của hà thủ ô trắng

Đây cũng là dạng dây leo bằng thân quấn, dài hàng mét. Thân màu nâu đỏ sẫm, hoặc nâu nhạt, có nhiều lông, dày hơn ở ngọn non, ít phân nhánh. Lá mọc đối, hình trứng ngược, gốc tròn hoặc hơi hình nón cụt, đầu nhọn, dài 8-14cm, rộng 4-9cm, mặt trên xanh sẫm ít lông, mặt dưới trắng nhạt, phủ lông rất mịn; cuống lá ngắn, có nhiều lông.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành xim phân đôi; hoa nhỏ màu vàng nâu; đài có 5 răng thuôn, có lông; tràng hình chuông gồm 5 cánh hình mác dài gấp 3 lần lá đài; nhị dính liền thành khối.

Quả là dạng 2 quả đại, tỏa ra như sừng bò, mỗi quả đại dài 7-9cm, rộng 5-6cm, thuôn nhọn ở đầu, khi chín màu vàng nâu, có nhiều lông; hạt nhỏ, dẹt, có chùm lông trắng mịn.

Toàn cây có nhựa mủ trắng.

Mùa hoa vào tháng 7-9, mùa quả vào tháng 10-12.

alobacsi Cây hà thủ ô trắngCây hà thủ ô trắng

[HOI]Phân biệt:

Hà thủ ô trắng dễ bị nhầm lẫn với:

Cây mác chim, tên khoa học là Amalocalyx microlobus Pierre ex Spire, thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae). Cây này có hoa to màu hồng và quả gồm hai quả đại dính nhau.

Dây càng cua, tân khoa học là Cryptolepis buchanani Roem et Schult, họ Thiên lý (Asclepiadaceae). Toàn cây không lông, lá màu lục sẫm, bóng, hoa to màu vàng.

Đã có không ít người đào rễ cây này lên sắc uống vì nhầm tưởng với hà thủ ô trắng, gây tử vong.[/HOI]

2. Phân bố, thu hái và chế biến hà thủ ô

Hà thủ ô đỏ

Hà thủ ô đỏ phân bố rộng rãi ở vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới. Trên thế giới, hà thủ ô đỏ có ở Nhật Bản, phía bắc nước Lào, Trung Quốc, và Ấn Độ. Tại Việt Nam, hà thủ ô đỏ xuất hiện ở các tỉnh miền núi cao hơn 1000m thuộc phía bắc. Chủ yếu ở các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.

Hà thủ ô đỏ là loại cây ưa khí hậu ẩm mát, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng. Loài cây này thích hợp mọc ở vùng rừng núi đá vôi, vùng trung du hoặc đất đỏ bazan, nhiệt độ không khí trung bình dưới 20 độ C.

Hà thủ ô đỏ ra nhiều hoa quả hàng năm, sau khi quả già, phần thân leo trên mặt đất tàn lụi, hạt giống phát tán xung quanh và sẽ nảy mầm vào mùa xuân - hè năm sau. Hà thủ ô đỏ có khả năng tái sinh vô tính rất khỏe. Có thể nhân giống đơn giản bằng cách vùi xuống đất một đoạn cây, vài củ con hay thậm chí là vài đoạn rễ còn sót lại sau khi khai thác, đều có thể mọc thành cây mới.

Việc nhân giống và nuôi trồng hà thủ ô đỏ là rất quan trọng, vì loài cây này có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Theo kinh nghiệm của người dân Sơn La, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, hà thủ ô đỏ được trồng bằng củ có đường kính 3-5cm hoặc bằng dây bánh tẻ dài 30-40cm, không có sâu bệnh. Trồng bằng củ thì đặt củ theo hốc ở độ sâu 5-7cm, trồng dây thì đánh rạch, đặt dây và lấp đất, để 1/3 dây thò lên khỏi mặt đất. Tưới và giữ ẩm cho đến khi cây mọc. Khi cây mọc, làm giàn cho dây leo. Hà thủ ô ít bị sâu bệnh. Sau 2-3 năm thì thu hoạch, để lâu quá sẽ bị thối củ.

Bộ phận dùng của hà thủ ô đỏ là rễ củ, thu hái vào mùa thu, thỉnh thoảng có thể dùng lá trong một số bài thuốc. Đào rễ củ về, rửa sạch đất, bỏ rễ con. Củ nhỏ để nguyên, củ to bổ đôi hoặc bổ tư, phơi hoặc sấy khô. Nếu đồ chín rồi phơi khô thì tốt hơn.

Dược liệu hà thủ ô đỏ có thể được chế biến như sau: Rễ củ được rửa sạch, ngâm trong nước vo gạo trong 24 giờ, rửa nước lại lần nữa. Cho dược liệu vào nồi, rồi cho nước đậu đen đến ngập với tỉ lệ 1kg dược liệu: 100g đậu đen: 2 lít nước. Nấu đến khi gần cạn, đảo luôn tay cho thuốc chín đều. Khi rễ củ đã mềm, lấy ra bỏ lõi. Còn nước đậu đen thì tẩm phơi cho hết. Đồ phơi như vậy được 9 lần thì tốt, còn gọi là "cửu chưng, cửu sái". Khi dùng thì thái lát hoặc bào phiến mỏng.

Hà thủ ô trắng

Hà thủ ô trắng phân bố chủ yếu Việt Nam, Lào, Campuchia, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Myanmar và một số vùng phía nam Trung Quốc. Tại nước ta, hà thủ ô phân bố chủ yếu ở một số tỉnh miền núi, trung du và đôi khi cả đồng bằng. Hà thủ ô trắng là cây ưa sáng, chịu hạn cao, và có thể sống trên nhiều loại đất, kể cả đất khô cằn, trơ sỏi đá. Về mùa đông và mùa khô, cây có hiện tượng rụng lá; phần rễ củ nằm sâu dưới mặt đất có sức sống khỏe, tồn tại được qua các đợt cháy rừng chặt phá thường xuyên. Cây ra hoa quả nhiều mỗi năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Hạt có túm lông, phát tán nhờ gió.

Bộ phận dùng của hà thủ ô trắng vẫn là rễ củ, thu hái vào mùa thu. Rễ giống củ sắn, mặt ngoài màu trắng ngà.

alobacsi Hà thủ ô trắngHà thủ ô trắng

3. Thành phần dược chất của hà thủ ô

Hà thủ ô đỏ chứa các dược chất chính sau: nhóm antraglucosid (trong đó có crysophanol, emodin, rhein), dẫn chất antraquinon, emodin, physcion, emodin-1,6-dimethylether, questin, citreoosein, questinol, 2 acetyl emodin, nhóm phospholipid, Ca, Mn, Cr, Ni...

Hà thủ ô trắng có nhiều tinh bột và alkaloid. Trong dó cũng có chưa tanin pyrogalic.

II. Công dụng của hà thủ ô

1. Công dụng của hà thủ ô theo đông y cổ truyền

Hà thủ ô đỏ

Hà thủ ô đỏ có vị đắng chát, hơi ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ tạng Can, tạng Thận (theo định nghĩa đông y), bổ huyết, ích tinh tủy, điều hòa khí huyết, mạnh gân xương, nhuận tràng.

Hà thủ ô đỏ được ứng dụng trong điều trị suy nhược thần kinh, ngủ kém, sốt rét kinh niên, thiếu máu, đau lưng mỏi gối, di mộng tinh, khí hư, đại tiểu tiện ra máu, khô khát táo bón, da mẩn ngứa không mủ, râu tóc bạc sớm, rụng tóc nhiều.

Hà thủ ô trắng

Hà thủ ô trắng có vị ngọt, đắng, chát, tính mát, tác dụng bổ máu, bổ tạng Can, Thận theo đông y.

Rễ hà thủ ô trắng dùng sống thì thanh nhiệt, giải độc, chữa cảm sốt, sốt nóng, sốt rét, ra nhiều mồ hôi, đau vùng tâm vị, bị thương, sưng đau, ít sữa.

Rễ hà thủ ô trắng sau khi chế biến sẽ có tác dụng khá tương tự hà thủ ô đỏ.

2. Công dụng của hà thủ ô theo đông y hiện đại

Các tác dụng của hà thủ ô đã nghiên cứu

Hà thủ ô đỏ

  1. Đối với hệ nội tiết: hà thủ ô đỏ làm làm hạ cholesterol máu và triglyceride máu, tốt cho người đang bị rối loạn lipid (mỡ) máu. Các hợp chất stilben trong hà thủ ô có thể dự phòng tổn thương gan, làm chậm tiến trình gan thoái hóa mỡ do một số nguyên nhân.
  2. Đối với hệ thần kinh: Hà thủ ô đỏ dùng điều trị suy nhược thần kinh và một số bệnh về thần kinh nhờ tác dụng của lecithin.
  3. Đối với hệ tim mạch: dược liệu này giúp sinh huyết dịch, bổ tim, và cải thiện chuyển hóa chung. Hà thủ ô đỏ cũng có tác dụng dự phòng xơ mỡ động mạch.
  4. Đối với hệ tiêu hóa: Thảo dược này giúp kích thích tiêu hóa, cải thiện dinh dưỡng.
  5. Đối với hệ sinh dục: Hà thủ ô đỏ có công dụng nội tiết kiểu estrogen và kiểu progesteron nhẹ lên nội mạc tử cung, làm tăng trương lực cơ tử cung, tăng tiết sữa và chống viêm. Hà thủ ô đỏ cũng giúp kích thích phát triển nang trứng, cải thiện tình trạng vô sinh hiếm muộn ở phụ nữ.
  6. Đối với hệ hô hấp: hà thủ ô đỏ chống co thắt phế quản, tốt cho bệnh nhân hen suyễn và một số bệnh lý hô hấp khác. Ngoài ra dược liệu này còn kháng viêm tốt trong các bệnh lý hô hấp có viêm.
  7. Tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm: nước sắc hà thủ ô ức chế sự phát triển của trực khuẩn Lao.

Một số tác dụng khác: cải thiện thị lực, bớt mệt mỏi, giúp ăn ngon, ngủ được, đại tiện dễ dàng, giảm cảm giác nóng bức, giúp tăng cân, nhuận trường.

alobacsi Củ hà thủ ô đỏCủ hà thủ ô đỏ

Hà thủ ô trắng

  1. Đối với hệ tiêu hóa: Hà thủ ô trắng làm tăng nhẹ nhu động ruột, kích thích tiêu hóa, làm ăn được nhiều, tăng cân.
  2. Hà thủ ô trắng được chứng minh lâm sàng về khả năng chữa viêm hắc võng mạc (màng mạch - võng mạc) trung tâm thanh dịch, tăng thị lực và hết ám điểm.
  3. Đối với nội tiết, chuyển hóa và điều tiết toàn thân: hà thủ ô trắng làm hạ thân nhiệt, kháng viêm, tăng sức lực, co mạch ngoại vi, kích thích hô hấp, lợi tiểu, và an thần nhẹ, không ảnh hưởng huyết áp).

Các tác dụng của hà thủ ô dùng theo kinh nghiệm

Theo nhân dân Trung Hoa, hà thủ ô chưa chế có tác dụng thông tiểu, giải độc, tiêu ung thũng, chữa táo bón cho phụ nữ sau sanh hoặc người già, chữa mụn nhọn, ghẻ lở, eczema, tràng nhạc.

Người ta dùng hà thủ ô đã chế để làm thuốc an thần, bổ dưỡng và tăng sinh lực ở các thể trạng hư yếu, mất ngủ, chóng mặt, tim hồi hộp, suy nhược thần kinh, còi xương.

Nếu dùng hà thủ ô đỏ chế để hồi phục sức khỏe cho người già sau cơn bệnh nặng thì cần phối hợp thêm thục địa, cúc hoa, bạch thược.

Nếu dùng hà thủ ô chế để chữa đau mỏi chân tay, di tinh thì cần phối hợp với đương quy, ngưu tất, kỷ tử, thỏ ty tử. Khi dùng để chữa sốt rét lâu ngày, khí huyết hư nhược thì phối hợp với nhân sâm, đương quy, trần bì.

Hà thủ ô đỏ chế có thể làm thuốc mỡ bôi da để chữa một số bệnh da liễu, trong đó có bệnh viêm da mủ, lậu, nấm favut ở chân, viêm da.

III. Cách dùng - liều dùng của hà thủ ô

Liều dùng: Ngày dùng 6-20g, dạng sắc uống, rượu thuốc hoặc tán bột (cho cả 2 loại).

1. Một số bài thuốc sử dụng hà thủ ô theo kinh nghiệm dân gian hoặc cổ phương

Chữa phong lở ở đầu mặt, ngứa khắp người: Có thể dùng bài thuốc ngâm rượu và bài thuốc viên sau đây.

  • Bài thuốc ngâm rượu: Rễ gắm sao 120g, vỏ chân chim sao 100g, rễ rung rúc sao 80g, rễ cây bươm bướm sao 60g, rễ chiên chiến sao 60g, cây bấn đỏ sao 40g, cây bấn trắng sao 40g, quy bầu 40g, ô dược 40g, cỏ xước sao 40g, rễ bưởi bung sao 40g, rễ cỏ chỉ sao 80g, cỏ roi ngựa sao 24g, rễ cây chỉ thiên 24g, tang ký sinh 40g, hà thủ ô đỏ chế (cửu chưng cửu sái) 60g. Tán nhỏ các vị thuốc, gói vào một túi vải và đặt vào hủ rượu, trát kín miệng, nấu lên trong thời gian khoảng một nén hương, rồi chôn xuống đất 3 ngày đêm. Uống dần một ít vào lúc đói.
  • Bài thuốc viên (dùng kết hợp với bài thuốc trên): Hà thủ ô đỏ 320g, cẩu tích 240g (tẩm rượu, nấu với nước muối, phơi khô), cốt toái bổ 160g (cạo lông, thái nhỏ, nấu với nước mật, phơi khô), thạch hộc 160g (rửa với rượu, chưng kỹ, phơi khô), quán chúng 100g (phơi trong râm, bỏ lông và vỏ), hy thiêm 160g (chưng với rượu và mật), lá ké đầu ngựa 40g (phơi râm), rễ cỏ xước 160g (dùng tươi, rửa với rượu), vỏ chân chim sao 160g, rễ gắm sao 160g. Cách chế: các vị thuốc trên tán bột, luyện mật, làm viên, uống mỗi lần 8-12g với nước gừng hoặc rượu.
  • Trị tiểu gắt buốt, tiểu ra máu: Lá hà thủ ô đỏ còn tươi, giã vắt lấy nước, hòa với mật uống. Hoặc lấy lá hà thủ ô đỏ và lá huyết dụ, lượng bằng nhau, sắc rồi hòa thêm mật uống.
  • Chữa tóc rụng và bạc sớm, hồi hộp, chóng mặt, ù tai, hoa mắt, đau mỏi lưng khớp, táo bón: hà thủ ô chế, sinh địa, huyền sâm, mỗi vị 20g, sắc uống.
  • Chữa xơ cứng mạch máu người già, tăng huyết áp, nam giới chậm có con: Hà thủ ô đỏ 20g, tang ký sinh, kỷ tử ngưu tất đều 16g. Sắc uống.
  • Chữa đau lưng do phong thấp, viêm dây thần kinh hông, vận động khó khăn: Hà thủ ô đỏ, ngưu tất mỗi vị 30g, cẩu tích 16g, huyết giác 12g, thiên niên kiện 12g, bạch chỉ 6g, sắc uống.
  • Thuốc bổ dành cho người già yếu, thần kinh suy nhược, tiêu hóa kém: Hà thủ ô đỏ 10g, đại táo 5g, thành bì 2g, trần bì 3g, sinh khương 3g, cam thảo 3g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3-4 lần uống trong ngày.
  • Thuốc bổ khí huyết, mạnh gân cốt: Hà thủ ô trắng và đỏ lượng như nhau, ngâm nước vo gạo 3 đêm, sao khô, tán nhỏ, luyện với mật làm thành viên to bằng hạt đậu xanh. Uống mỗi ngày 50 viên với rượu lúc đói.
  • Bài thuốc Thất bảo mỹ nhiệm đơn, làm râu tóc hóa đen, khỏe gân xương, bền tinh khí, sống thọ: Hà thủ ô đỏ và trắng, đã chế biến, mỗi thứ 600g, cạo bỏ vỏ, tán bột, khuấy với nước trong, lọc lấy bột lắng ở dưới, nắm lại, tẩm với sữa người, phơi khô. Ngưu tất 320, tẩm rượu để 1 ngày, trộn với hà thủ ô và đồ với đỗ đen vào lần thứ 7,8,9 rồi phơi khô. Đương quy 320g tẩm rượu phơi khô. Câu kỷ tử 320g tẩm rượu phơi khô. Thỏ ty tử 320g tẩm rượu cho nứt ra, giã nát phơi khô. Bổ cốt chi 100g, trộn với vừng đen, sao cho bốc mùi thơm. Tất cả giã nhỏ, trộn đều, thêm mật vào làm thành viên 0,5g. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 50 viên. Sáng dùng rượu chiêu thuốc, trưa dùng nước gừng, tối dùng nước muối.
  • Hà thủ ô hoàn (công dụng như trên): hà thủ ô đỏ 1800g thái mỏng, ngưu tất 600g thái mỏng, đỗ đen một đấu to đãi sạch. Cho thuốc vào luân phiên, một lượt thuốc, một lượt đậu đen, đồ tới khi chín đậu đen, rồi lấy thuốc ra phơi khô. Làm như vậy 3 lần rồi tán bột. Lấy thịt táo đen trộn với bột thuốc, làm viên 0,5g. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 30 viên. Dùng rượu hâm nóng để chiêu thuốc.
  • Hà thủ ô tán (công dụng như trên): Hà thủ ô đỏ cạo vỏ, thái mỏng phơi khô, tán bột. Ngày uống 4g vào sáng sớm, chiêu thuốc bằng rượu.
  • Chữa viêm hắc võng mạc trung tâm thanh dịch: Hà thủ ô đỏ 20g, thục địa 20g, trạch tả 12g, hoài sơn 12g, cúc hoa 8g, nấu nước thành cao lỏng, uống.
  • Viên bổ Ngũ hà (chữa thiếu máu, mệt mỏi, tiêu hóa kém): Mỗi viên chứa cao ngũ gia bì 0,1g, bột mã tiền 0,01g, bột hà thủ ô đỏ 0,01g, bột oxalat 0,03g, mật ong 0,01g.
  • Viên bổ hà thủ ô (chữa sốt rét, gầy yếu, ăn ngủ kém, đau xương, di tinh, bạch đới, trẻ chậm đi, chậm mọc răng): Hà thủ ô đỏ 500g, sâm bố chính 300g, hạt sen 300g, cam thảo 100g, đại hồi 100g, thảo quả 100g. Ba vị hà thủ ô, hạt sen, sâm đồ chín. Cam thảo nướng vàng. Thảo quả bỏ vỏ, lấy nhân. Trộn chung sấy khô, tán nhỏ, rây bột mịn, luyện với mật ong làm viên bằng hạt đậu đen. Trẻ em mỗi lần uống 6-15 viên (tùy tuổi), người lớn mỗi lần uống 20 viên.

Lá hà thủ ô trắng sắc uống chữa tiểu gắt, tiểu buốt.

  • Chữa rắn cắn: Rễ hoặc lá hà thủ ô trắng, nhai nuốt nước, bã đắp vào vết rắn cắn.
  • Chữa lở ngứa: Dùng lá và cành hà thủ ô trắng, có thể phối hợp với lá ngải cứu, đun nước tắm.
  • Củ hà thủ ô trắng sau khi chế biến “cửu chưng - cửu sái” (đã trình bày bên trên) có cách dùng và công năng tương tự hà thủ ô đỏ.

alobacsi Củ hà thủ ô trắngCủ hà thủ ô trắng

2. Cách dùng hà thủ ô đối với phụ nữ mang thai và cho con bú

Không dùng hà thủ ô cho phụ nữ mang thai, vì có thể gây co thắt tử cung, sinh non, sẩy thai. Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng phụ nữ đang cho con bú. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này đối với dòng sữa mẹ, không nên tự ý dùng thảo dược này khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.

3. Cách dùng hà thủ ô đối với trẻ nhũ nhi

Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng trẻ nhũ nhi. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng cho trẻ nhũ nhi vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này trên trẻ nhũ nhi, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc có chuyên môn về lĩnh vực này trước khi dùng.

IV. Tác dụng phụ - thận trọng - tương tác và chống chỉ định với hà thủ ô

  • Không dùng hà thủ ô đỏ cho người đang tiêu chảy, hội chứng ruột kích thích, huyết áp thấp, đường huyết thấp.
  • Khi uống hà thủ ô đỏ thì phải kiêng ăn hành, tỏi, củ cải.
  • Không dùng hà thủ ô trắng với người hư yếu, tạng lạnh, người đang tiêu chảy, hội chứng ruột kích thích.
  • Tránh dùng chung hà thủ ô trắng với các món ăn: tiết lợn, cá, lươn, rau cải và hành tỏi.
  • Không dùng 2 loại hà thủ ô cho phụ nữ mang thai.

V. Bảo quản hà thủ ô

Cần làm khô thảo dược bằng máy sấy hoặc ánh nắng mặt trời, sau đó cho vào hủ thủy tinh, đậy kín, tránh ánh sáng. Có thể cho vào một viên vôi sống để hút ẩm. Nếu bạn không phải là thầy thuốc thì không nên lưu trữ thuốc tại nhà quá lâu. Nếu bạn buộc phải lưu trữ thảo dược tại nhà lâu hơn 1 tháng, cần kiểm tra chúng hàng tuần, nếu phát hiện mối mọt, ẩm mốc, biến đổi màu sắc, mùi vị thì cần loại bỏ ngay.

BS Đoàn Quang Nguyên

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X