Hotline 24/7
08983-08983

Cơn ho do viêm phế quản có đặc trưng gì, điều trị như thế nào?

Viêm phế quản là bệnh lý về đường hô hấp, có triệu chứng ho kèm tăng tiết đàm và tự cải thiện trong vòng 10 ngày hoặc có thể tới vài tuần sau đó. Vậy nếu ho kéo dài cần điều trị như thế nào? Mời bạn đọc theo dõi phần tư vấn của ThS.BS Võ Thị Tố Uyên - Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ điều trị tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên - Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ điều trị tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM

1. Viêm phế quản là bệnh gì? Có khác hen phế quản?

Thưa BS, viêm phế quản là bệnh gì thưa BS? Viêm phế quản và hen phế quản là 1 hay 2 bệnh?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Phế quản là một ống dẫn khí thuộc hệ hô hấp dưới, nằm nối tiếp phía dưới khí quản, ở ngang mức đốt sống ngực 4, 5 sau đó phân chia thành các nhánh nhỏ đi sâu vào trong phổi tạo thành cây phế quản. Khi các phế quản này bị viêm sẽ dẫn đến tổn thương lớp tế bào phủ mặt trong lòng ống phế quản, phù nề tổ chức dưới niêm mạc, co thắt các cơ trơn dưới lớp mô này và tiết dịch vào lòng ống phế quản dẫn tới các hiện tượng như ho, khò khè, có đờm...

Viêm phế quản bao gồm viêm phế quản cấp và mạn. Viêm phế quản cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính của niêm mạc phế quản ở người trước đó không có bệnh lý này, bệnh thường do virus gây ra và hầu hết sẽ khỏi bệnh hoàn toàn, không để lại di chứng. Viêm phế quản mạn là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc phế quản gây ho, khạc đàm kéo dài ít nhất 3 tháng mỗi năm, và kéo dài liên tiếp trong ít nhất 2 năm. Thuật ngữ viêm phế quản mạn thường dùng để chỉ những viêm nhiễm không gây tắc nghẽn phế quản.

Hen phế quản cũng là tình trạng viêm mạn tính đường dẫn khí nhưng bất thường sinh lý chính trong hen là những đợt tắc nghẽn đường dẫn khí (phế quản) được đặc trưng bởi giới hạn luồng khí thở ra có tính chất dao động. Tắc nghẽn đường thở trong hen phế quản nặng có thể gây nguy hiểm và có nguy cơ tử vong.

2. Nguyên nhân gây viêm phế quản

Viêm phế quản thường gặp ở điều kiện thời tiết và môi trường như thế nào? Những ai dễ bị viêm phế quản?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Đa số các trường hợp viêm phế quản cấp là do siêu vi gây ra, do đó, bệnh thường khởi phát trong điều kiện thời tiết lạnh và độ ẩm môi trường cao, đặc biệt lúc chuyển mua có sự thay đổi về nhiệt độ và không khí. Các môi trường tập trung đông người như trường học, khu điều dưỡng, nhà dưỡng lão... khá lý tưởng cho việc lan truyền mầm bệnh và làm cho dịch bệnh bùng phát.

Nguyên nhân thường gặp của viêm phế quản mạn là hút thuốc lá. Ngoài ra, ô nhiễm không khí, hít phải bụi hay khí đọc cũng có thể gây viêm phế quản mạn.

Các yếu tố nguy cơ khác của viêm phế quản có thể kể đến bao gồm: hút thuốc lá thụ động, người có sức đề kháng yếu (mới nhiễm siêu vi, suy giảm miễn dịch, người già, trẻ nhỏ), nghề nghiệp phải tiếp xúc nhiều với các chất khí độc, hạt độc, người bị trào ngược dạ dày thực quản...

3. Dấu hiệu bệnh viêm phế quản

Dấu hiệu đặc trưng để nhận biết bệnh viêm phế quản là gì thưa BS?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Triệu chứng thường gặp của cả viêm phế quản cấp và mạn là ho, ho thường có tăng tiết đàm có thể trắng trong hoặc vàng xanh hoặc đục như mủ, hiếm khi ho ra máu. Bệnh nhân có thể sốt nhẹ, mệt mỏi, cảm giác khó chịu ở ngực, khò khè nhẹ, đau đầu...

Trong viêm phế quản cấp, triệu chứng sẽ tự cải thiện trong vòng 10 ngày nhưng ho có thể kéo dài tới vài tuần sau đó. Đối với viêm phế quản mạn, ho thường kéo dài ít nhất 2 tháng, tái phát nhiều đợt.

viêm phế quản

4. Cách phân biệt ho do viêm họng và viêm phế quản

Nhờ BS hướng dẫn cách phân biệt ho do viêm họng và ho do viêm phế quản?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Triệu chứng của viêm phế quản cấp thường không đặc hiệu, đặc biệt trong những ngày đầu của bệnh rất khó phân biệt với các trường hợp viêm nhiễm hô hấp trên khác như viêm mũi xoang cấp hay viêm họng cấp. Viêm phế quản cấp cũng thường đi kèm với viêm mũi họng cấp do có cùng nguyên nhân là nhiễm siêu vi hô hấp.

Chẩn đoán viêm phế quản cấp thường được đặt ra khi có bệnh lý hô hấp cấp nhưng ho vẫn còn kéo dài khi các triệu chứng nhiễm trùng cấp tính khác đã thoái lui. Ho xuất hiện trong tuần lễ đầu tiên mắc bệnh trong 30% trường hợp cảm thường và 80% trường hợp nhiễm cúm A, hầu như sẽ kéo dài nhiều tuần sau đó.

Nếu ho đàm kết hợp với khò khè, khó thở thì thở ra cũng là một dấu chứng gợi ý viêm nhiễm đã lan rộng xuống đường dẫn khí dưới và nên được thăm khám để xác định nguyên nhân và can thiệp xử trí.

5. Xét nghiệm chẩn đoán viêm phế quản

Để chẩn đoán viêm phế quản, bệnh nhân được thăm khám thế nào, làm xét nghiệm gì?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Viêm phế quản cấp được chẩn đoán dựa trên bệnh sử và thăm khám lâm sàng. Thăm khám phổi thường cho kết quả bình thường hoặc một số ít có thể có ran ngáy, ran rít nếu có co thắt phế quản kèm theo. Các xét nghiệm thường được chỉ định khi thăm khám bao gồm chụp Xquang phổi để loại trừ các nguyên nhân gây ho khác như viêm phổi, lao phổi, giãn phế quản... đặc biệt trên bệnh nhân có hút thuốc lá thì chụp Xquang là xét nghiệm cần thiết và quan trọng.

Xét nghiệm đàm có thể giúp gợi ý tác nhân khi có nghi ngờ nhiễm khuẩn, đặc biệt là phân biệt với lao phổi, lao nội mạc phế quản. Bác sĩ cũng có thể chỉ định đo hô hấp ký ở những trường hợp viêm phế quản mạn, để phân biệt với hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và giãn phế quản.

6. Thuốc điều trị viêm phế quản

Các thuốc điều trị bệnh viêm phế quản thường gồm thuốc nào, có công dụng gì ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Do tác nhân gây viêm phế quản cấp hầu hết là siêu vi, diễn tiến lành tính và tự khỏi, không để lại biến chứng nên đôi khi không cần điều trị. Thuốc sử dụng chủ yếu giúp cải thiện triệu chứng như hạ sốt, giảm ho, long đàm.

Bác sĩ có thể kê toa thuốc giãn phế quản đường phun xịt khi có dấu hiệu khò khè, khó thở, thăm khám thấy có tắc nghẽn đường dẫn khí. Hầu hết bệnh nhân không cần kháng sinh, thường chỉ kê toa khi bệnh kéo dài trên 7 ngày, có ho đàm mủ rõ hoặc trên bệnh nhân có bệnh mạn tính nặng, suy giảm miễn dịch như ung thư, suy tim nặng.

Thuốc dạng xịt chữa viêm phế quảnThuốc dạng xịt chữa viêm phế quản

7. Nguyên nhân viêm phế quản hay tái phát

Theo BS, nếu đã uống thuốc mà viêm phế quản vẫn tái đi tái lại thường do nguyên nhân gì ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Viêm phế quản tái đi tái lại nhiều lần cần được phân biệt với các bệnh lý hô hấp mạn tính khác như lao phổi, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, ung thư phế quản, dị vật đường thở... Một số tác nhân gây kích ứng có thể gây ra viêm phế quản tái phát như ô nhiễm môi trường, hít phải hoá chất, khói thuốc lá... cần tránh tiếp xúc để hạn chế bệnh tái phát.

Ngoài ra, nếu có bệnh lý dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản với các triệu chứng ợ nóng, ợ chua, ợ hơi, nóng rát sau xương ức... người bệnh nên điều trị tích cực để phòng tránh tình trnagj ho kéo dài.

8. Biến chứng do viêm phế quản

Viêm phế quản nếu không điều trị đúng cách có thể dẫn đến biến chứng gì, thưa BS?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Viêm phế quản cấp hầu như không gây ra biến chứng, đa số tự khỏi không cần điều trị. Dù vậy, một số ít trường hợp có thể dẫn tới viêm phổi trên cơ địa bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu. Viêm phế quản mạn dai dẳng kéo dài nhiều năm có thể dẫn tới bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, là một bệnh lý gây tắc nghẽn đường thở mạn tính và tổn thương nhu mô phổi dai dẳng, tiến triển; thường gặp ở các bệnh nhân hút thuốc lá, làm việc trong môi trường ô nhiễm bụi bẩn, hoá chất độc hại, môi trường khai thác than, quặng...

9. Chế độ ăn uống cho người viêm phế quản

Khi bị viêm phế quản, bệnh nhân ăn uống, sinh hoạt như thế nào để giúp mau khỏi bệnh?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Đối với bệnh nhân mắc viêm phế quản cấp cần chú ý sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý, ở nơi thoáng khí, tránh gió, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột. Các biện phép như vệ sinh mũi, vệ sinh họng với nước muối loãng có thể làm giảm nhẹ triệu chứng khó chịu. Bệnh nhân nên uống đủ nước, sử dụng thức ăn mềm, ấm, dễ tiêu như cháo, súp, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, chua cay quá mức sẽ không tốt cho dạ dày và tiêu hoá. Kê cao gối 1 chút khi nằm giúp hít thở dễ dàng và thoải mái hơn, đảm bảo một giấc ngủ ngon hơn.

chế độ ăn bệnh viêm phế quảnBệnh nhân nên ăn thức ăn mềm như cháo, súp

Để tránh lạm dụng thuốc, người bệnh có thể sử dụng các biện pháp giảm ho tự nhiên như uống nước ấm, trà gừng, mật ong. Nên tránh các yếu tố kích thích như khói thuốc lá, bụi, môi trường lạnh, khô và nên mang khẩu trang khi ra khỏi nhà.

Xin cảm ơn BS!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X