Cháu bị 'ái' à bác sĩ?
Lệch lạc giới tính ở trẻ cũng có nhiều trá hình. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần tỉnh táo để phân biệt được giả - thật.
"Lệch" giả - "Lệch" thật
Dạo này, anh Hùng thấy cậu con trai chưa tròn 15 tuổi của mình có biểu hiện khang khác. Quần bò, áo phông khỏe khoắn cậu xếp xó mà lại diện những chiếc áo có xếp li ở ngực, quấn bèo ở tay, thêu thùa cầu kỳ, quần thì "chơi" những gam màu thật chói: đỏ, vàng, xanh chuối...
Anh lại phát hiện ra con trai có "tần số" soi gương thật đáng nể. Thậm chí, cậu còn kiếm cả chiếc gương nhỏ đặt trên bàn học để tiện ngắm vuốt. Lúc này, anh thực sự hoảng lên với ý nghĩ thằng bé bị "gay" rồi (Gay - tiếng Anh chỉ người đồng tính nam). Anh vội vàng đưa con đến khám tại một bệnh viện uy tín. Sau khi khám, kiểm tra tâm lý, bác sĩ kết luận, con trai anh hoàn toàn... đàn ông, không có vấn đề gì về giới tính cả.
Hằng ngày, tại các bệnh viện hay trung tâm tư vấn sức khỏe, sinh sản có nhiều ca đề nghị xác định giới tính, tư vấn cách giáo dục, chủ yếu ở lứa tuổi vị thành niên. Bố mẹ đưa các em đến bởi ở các em có những biểu hiện như: dị tật cơ thể (hẹp bao quy đầu, nam mang bộ phận sinh dục nữ và ngược lại). Hoặc những biểu hiện bất thường về tâm sinh lý, có hành vi, tính cách đặc trưng của giới kia. Trong những trường hợp đó sẽ được chỉ định xét nghiệm nội tiết, siêu âm bụng, test tâm lý, nếu cần thiết thì xét nghiệm di truyền.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, rất ít trẻ bị bất thường giới tính thật sự.
Hành xử sao đây?
Theo lời khuyên của bác sĩ, anh Hùng về nhà, cùng vợ dành thời gian gần gũi, trò chuyện và tìm hiểu suy nghĩ, sở thích của con trai nhiều hơn. Hóa ra, con trai anh có thần tượng là chàng diễn viên Hàn Quốc đang thuộc diện "hạng hot" hiện nay.
Trên giá sách của cậu xếp hàng chồng những cuốn báo, tạp chí có hình ảnh của chàng "sao" Hàn với những trang phục "hơi bị nữ tính": áo thêu thùa, nhún bèo, đính hạt tùm lum. Chẳng biết do công nghệ photoshop xử lý ảnh hay do chuyên gia trang điểm khi chụp hình mà môi chàng lúc nào cũng "đỏ như máu", "da trắng như tuyết", trông chả khác con gái mấy nỗi. Cậu còn sinh hoạt trong nhóm bạn "kết thần tượng" chàng sao Hàn, cũng luôn tìm cách ăn mặc, chải chuốt, tác phong giống anh ta.
Ngoài chuyện trò, tâm sự với con, gia đình hướng cậu đến các hoạt động mạnh mẽ như bơi lội, thể hao... Chỉ một thời gian rất ngắn sau, cái ẻo lả trước kia đã biến mất, cậu trở thành "đàn ông đích thực".
Còn với Nhung, qua tìm hiểu, bác sĩ được biết, Nhung lớn lên trong cảnh gia đình không hạnh phúc. Mẹ em sinh ba chị em Nhung toàn là con gái, trong khi đằng nội và bố em lại khao khát con trai. Rốt cuộc, bố mẹ ly dị, bố bỏ đi đến với người đàn bà khác. Em đến trường ít tiếp xúc với bạn bè, chỉ thân duy nhất với cô bạn cùng bàn. Bác sĩ giải thích, do tâm lý muốn con trai của gia đình nên vô tình Nhung bị áp đặt, đối xử như con trai từ khi mới chào đời, nó ám ảnh cả phần vô thức, khiến em không phân biệt rõ rành ranh giới giới tính.
Hơn nữa, em sống thiếu thốn tình cảm, nên khi nhận được sự đồng cảm, chia sẻ, em cảm thấy đó như chỗ dựa tinh thần và luôn có tâm lý "sợ mất" bạn. Nếu không được sự điều trị tâm lý kịp thời, rất dễ rơi vào trạng thái "yêu người cùng giới".
Không ít bậc cha mẹ, khi phát hiện ra con mình có biểu hiện "không bình thường" về ngoại hình hay tính cách lúng túng không biết xử trí ra sao. Đơn giản như con trai nhẹ nhàng, không nghịch phá, cha mẹ đã tỏ ra lo lắng thái quá, hoặc mất bình tĩnh, dọa nạt kiểu "Mày pê-đê à mà chơi những trò ấy", thậm chí "bêu" gương với mong muốn con trở lại đúng "bản chất giới tính".
Hoặc họ lôi con đi kiểm tra hết bệnh viện nọ đến bệnh viện kia trong tâm trạng nghi ngờ mà không biết đang gây áp lực tâm lý rất lớn đối với các em, để rồi chính các em phải thắc mắc với bác sĩ "Cháu "ái" hả bác sĩ?". Cách hành xử thiếu tế nhị như vậy sẽ đẩy trẻ đến tình trạng lệch lạc nhanh hơn, nặng hơn.
Để đề phòng lệch lạc giới tính ở trẻ, các bậc cha mẹ cần thường xuyên gần gũi trò chuyện, tâm sự, chia sẻ cảm xúc với con. Ở mỗi giai đoạn phát triển, cần chọn cách giáo dục phù hợp, đặc biệt ở giai đoạn con bước vào giai đoạn phát triển thể chất, tình cảm và định hình nhân cách. Không né tránh việc giáo dục giới tính cho con, cần đề cập một cách thẳng thắn và tế nhị.
Cha mẹ cần làm gương cho con cái trong mối quan hệ vợ chồng "cha ra cha, mẹ ra mẹ", giúp con nhận thức rõ vấn đề giới tính. Con trai cần được cha làm gương về sự mạnh mẽ, đảm nhận những công việc nặng nhọc, con gái cần được mẹ làm gương về tính dịu dàng, đằm thắm, đảm đang... Tạo không khí gia đình luôn đầm ấm, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con trẻ.
Chuẩn bị vững vàng tinh thần cho bản thân cho dù sinh con không theo ý muốn, tránh việc vì thích con trai hay con gái mà bắt trẻ mặc quần áo, cắt tóc... không phù hợp giới tính. Rèn luyện cho con bản lĩnh, nhân cách vững vàng để đối phó với những cạm bẫy về tình dục đồng giới.
Cha mẹ cần lưu ý, dưới 3 tuổi, hầu hết các trẻ bình thường đều muốn bắt chước hành vi của cả hai giới nam và nữ. Gần 23% bé trai và 38,6% bé gái thích có hơn 10 hành vi khác giới. Sự phát triển này là bình thường trong ia đoạn trẻ muốn khám phá, tìm hiểu về cả hai giới tính. Nên khi nhận ra con trai thích búp bê, mặc váy, còn con gái thích bắn súng, mặc quần soóc, cởi trần trong độ tuổi này thì cha mẹ không nên hốt hoảng, phạt con cũng như không nên phê phán hành vi của trẻ.
Phải nói thêm, đối với những trường hợp lệch lạc giới tính xuất phát từ nguyên nhân do bất thường hoóc môn, đột biến nhiễm sắc thể, di truyền... thì việc điều trị hoàn toàn không hiệu quả. Song chúng ta cần biêt, sự tồn tại của giới tính thứ ba là có thật và không thể né tránh thực tế đó.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình