Tổng quan về điều trị glôcôm ở phụ nữ có thai và cho con bú
Điều trị glôcôm (thiên đầu thống, cườm nước) ở phụ nữ có thai và cho con bú như thế nào? Có được sử dụng thuốc hay không? Cần lưu ý gì khi định phương pháp trị bệnh cho đối tượng này? Tất cả sẽ được bật mí qua bài viết dưới đây. Mời bạn cùng theo dõi.
Các phương pháp điều trị glôcôm (thiên đầu thống, cườm nước) ở phụ nữ có thai và cho con bú
Thiên đầu thống hay còn gọi là glôcôm là bệnh lý mạn tính của thị thần kinh có thể gây mù lòa vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân đến viện khi đã mù một mắt, vì hầu như các triệu chứng của bệnh glôcôm (thiên đầu thống, cườm nước) góc mở đều không biểu hiện ra ngoài, mà chỉ âm thầm tiến triển.
Các phương pháp điều trị glôcôm (thiên đầu thống, cườm nước) góc mở bao gồm thuốc, laser và phẫu thuật nhằm mục đích đưa trị số nhãn áp về giới hạn an toàn. Các thuốc điều trị thường được dùng kéo dài, mức độ tuân thủ nghiêm ngặt, đòi hỏi phải dung hòa với các bệnh lí toàn thân và tình trạng sinh lí của có thể bệnh nhân.
Trong thời kỳ thai nghén, đối với phụ nữ bình thường, nhãn áp giảm khoảng 20% đặc biệt từ tuần từ tuần 12 đến tuần 18 giảm khoảng 35%. Đối với phụ nữ bị tăng nhãn áp, nhãn áp giảm khoảng 24% suốt thai kỳ và giảm nhiều nhất từ tuần 24 đến 30 của thời kỳ thai nghén. Hiện tượng này được giải thích là do sự thay đổi nồng độ hoóc môn Progesterone, Estrogen trong thai kỳ dẫn đến sự tăng lưu thông thủy dịch.
Do đó, với các bệnh nhân nữ trong thời kỳ thai nghén và cho con bú, dù phải hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc, nhưng vẫn cần sử dụng thuốc hạ nhãn áp. Và để đảm bảo an toàn cho thai nhi lẫn trẻ nhũ nhi thì việc dùng thuốc hạ nhãn áp trong thời kì này cần được quan tâm đúng mức.
Lưu ý gì khi điều trị glôcôm (thiên đầu thống, cườm nước) ở phụ nữ có thai và cho con bú?
Khi sử dụng thuốc trong thời kỳ thai nghén cần chú ý đến sự thay đổi sinh lí của ba giai đoạn trong thai kỳ. Nếu nhãn áp trong giới hạn bình thường thì không cần dùng thuốc hạ nhãn áp từ tuần 3 đến tuần thứ 8 thai kỳ. Nếu bắt buộc phải điều trị thì cần dùng thuốc tối thiểu, chú ý tác dụng phụ lên thai nghén, hạn chế tác dụng phụ lên bệnh toàn thân như thận, đái tháo đường…
Bịt điểm lệ khi tra thuốc để hạn chế thuốc ngấm vào toàn thân. Các nhóm thuốc ưu tiên sử dụng hơn trong thai kỳ bao gồm các thuốc nhóm cường alpha giao cảm, nhóm chẹn beta, nhóm co đồng tử Pilocarpin. Nhóm thuốc không nên dùng như nhóm Prostaglandin, nhóm ức chế men Carbonique anhydrase dạng uống vì có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi.
Đến giai đoạn cho con bú thì cần tránh những thuốc cho thể đi qua sữa mẹ làm ảnh hưởng đến thai nhi. Nhóm thuốc Prostaglandin, nhóm co đồng tử Pilocarpin lại nên dùng trong thời kì này. Các nhóm thuốc khác có thể đi qua sữa mẹ ảnh hưởng đến hô hấp, đường huyết, huyết áp của trẻ nhũ nhi nên không được dùng.
Nếu bệnh nhân glôcôm (thiên đầu thống, cườm nước) cần điều trị thuốc hạ nhãn áp kéo dài thì nên thông báo cho bác sĩ trước khi có ý định mang thai. Bác sĩ sẽ có lời khuyên phù hợp như có thể điều trị laser để hạ nhãn áp trước khi có thai hoặc thay đổi các nhóm thuốc phù hợp cũng như có lịch hẹn khám lại gần hơn để điều chỉnh thuốc tùy theo tình trạng nhãn áp của thai kỳ.
Tóm lại, việc dùng thuốc hạ nhãn áp trong thời kì có thai và cho con bú cần có cái nhìn tổng thể và việc sử dụng thuốc cần được quan tâm đúng mức để tránh những ảnh hưởng không đáng có lên thai nhi và trẻ nhũ nhi. Việc điều chỉnh thuốc cần phải có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa tránh trường hợp bệnh nhân tự ý điều chỉnh thuốc dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình