Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh glôcôm thứ phát do chấn thương triệu chứng và cách điều trị

Bệnh glôcôm (thiên đầu thống, cườm nước) thứ phát do chấn thương là tình trạng cấp cứu, nhưng rất dễ bị bỏ qua do bệnh cảnh chấn thương phức tạp. Tại sao lại như vậy? Triệu chứng của bệnh lý này ra sao? Cách điều trị như thế nào? Hãy cùng theo dõi trong bài viết bên dưới nhé.

1. Tại sao chấn thương gây ra bệnh glôcôm thứ phát?

Chấn thương nhãn cầu là tình trạng bệnh lý cấp cứu thường gặp không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới. Tình trạng này có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm như rách nhãn cầu, đục thủy tinh thể và bệnh glôcôm thứ phát (10%).

Khi bị chấn thương, tổ chức của mắt có thể bị xé rách, gây chảy máu và làm biến đổi cấu trúc nhãn cầu. Hậu quả là sự xuất hiện của bệnh glôcôm với bản chất là sự tăng áp lực trong con mắt, chèn ép làm chết tế bào thần kinh thị giác dẫn đến mù lòa không có khả năng chữa khỏi.

Bệnh glôcôm thứ phát do chấn thương có hình thái và cơ chế bệnh sinh đa dạng gây khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị. Glôcôm có thể xuất hiện:

  • Sau chấn thương đụng dập (do vật đầu tù đập vào gây ra như quả bóng, túi khí ôtô, tay quay máy, sợi chun bật vào…).
  • Sau vết thương xuyên có thể do vật nhọn gây ra như dao kéo, đinh, mảnh kim loại, mảnh đá…

2. Triệu chứng bệnh glôcôm thứ phát do chấn thương

Bệnh glôcôm thứ phát do chấn thương có thể xuất hiện rất sớm ngay sau chấn thương hoặc xuất hiện muộn sau nhiều tháng, năm. Biểu hiện của bệnh đa dạng, các triệu chứng có thể rầm rộ, cấp tính hay tiến triển âm thầm, tăng dần theo thời gian.

Hơn nữa, trên những mắt bị chấn thương, các triệu chứng của bệnh glôcôm thường bị lu mờ bởi các tổn thương bệnh lý nặng của chấn thương nhãn cầu và thường bệnh nhân không tự nhận biết được. Do đó, bệnh nhân cần được khai thác tiền sử chấn thương gồm:

  • Chấn thương từ khi nào?
  • Chấn thương do vật gì gây ra?
  • Hoàn cảnh chấn thương như thế nào?

2.1. Triệu chứng cơ năng

Một số triệu chứng cơ năng có thể giúp phát hiện bệnh glôcôm thứ phát do chấn thương bao gồm:

  • Nhìn mờ
  • Nhức mắt
  • Đỏ mắt
  • Nhìn đèn có quầng xanh đỏ
  • Song thị (do lệch thể thuỷ tinh)

Lưu ý, các dấu hiệu này có thể biểu hiện từ nhẹ đến nặng và rất dễ nhầm lẫn với dấu hiệu chấn thương nhãn cầu thông thường. Bởi khi bị thương, mắt cũng có thể gặp tình trạng rách, chảy máu bên trong nên thị lực thường giảm nhiều, đau nhức dữ dội ngay sau đó. Vì vậy, có khá nhiều trường hợp bệnh tiến triển âm thầm và bệnh nhân chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn.

2.2. Khám chức năng

  • Thị lực có thể giảm ít hay giảm nhiều.
  • Nhãn áp cao (> 24mmHg với nhãn áp kế Maklakov và >20mmHg với nhãn áp kế Goldmann).
  • Thị trường: Đánh giá các tổn thương thị trường đặc hiệu của bệnh glôcôm.

2.3. Triệu chứng thực thể

Khám, đánh giá các tổn thương thường xảy ra do chấn thương như:

  • Xuất huyết dưới kết mạc, cương tụ rìa, cương tụ toàn bộ, giác mạc phù (bong, rạn màng Descemet), xuất huyết tiền phòng ở nhiều mức độ khác nhau, đứt chân mống mắt, sa lệch thể thuỷ tinh, xuất huyết dịch kính, bong rách võng mạc, hắc mạc…
  • Soi góc tiền phòng có thể thấy lùi góc, tách thể mi, dính góc.
  • Soi đáy mắt: teo lõm đĩa thị ở các giai đoạn khác nhau.

3. Khám nghiệm giúp phát hiện bệnh glôcôm thứ phát do chấn thương

Bệnh nhân sau chấn thương cần được chỉ định làm các xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán và xác định hướng điều trị. Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định từng xét nghiệm sau:

3.1. Đo thị trường: Kết quả thị trường giúp chẩn đoán xác định và chẩn đoán giai đoạn bệnh. Glôcôm gây nên các tổn hại thị trường đặc trưng như khuyết hình chêm phía thái dương, bước nhảy phía mũi, ám điểm hình cung, ám điểm hình nhẫn… Giai đoạn muộn bệnh nhân chỉ còn một đảo thị trường trung tâm hay ở phía thái dương.

3.2. Chụp OCT: Đánh giá tổn thương lớp sợi thần kinh võng mạc giúp chẩn đoán giai đoạn bệnh cũng như có giá trị trong theo dõi tiến triển bệnh theo thời gian. OCT giúp đánh giá tổn hại lớp sợi tế bào hạch võng mạc như mỏng viền thị thần kinh, giảm độ dày lớp sợi thần kinh quanh đĩa thị, giảm độ dày tế bào hạch vùng hoàng điểm.

4. Chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh thường dựa trên một số yếu tố như:

  • Tiền sử chấn thương
  • Nhãn áp cao
  • Tổn thương thị trường đặc hiệu của bệnh glôcôm
  • Teo lõm đĩa thị, tổn thương lớp sợi thần kinh thị giác đặc trưng của bệnh glôcôm (dựa trên khám lâm sàng và OCT).

5. Phương pháp điều trị bệnh glôcôm thứ phát do chấn thương

5.1. Điều trị nội khoa

Ngoài điều trị những tổn thương nhãn cầu do chấn thương, trên những mắt bị bệnh glôcôm có thể sử dụng các thuốc làm hạ nhãn áp như sau:

  • Nhóm ức chế β giao cảm hay được sử dụng nhất (Timolol, Betoptic…) liều dùng × 2 lần/ngày.
  • Nhóm ức chế men chuyển Carbonic Anhydrase (Azopt) liều dùng × 3 lần/ngày.
  • Nếu nhãn áp chưa điều chỉnh thì có thể sử dụng thuốc phối hợp như Azarga × 2 lần/ngày
  • Không dùng nhóm Prostaglandin trên những mắt vừa bị chấn thương.

5.2. Điều trị ngoại khoa

Sau khi đã xử lý điều trị tổn thương nhãn cầu do chấn thương, bệnh nhân cần được theo dõi sát sao và chỉ định phẫu thuật (nếu cần).

  • Trong trường hợp xuất huyết tiền phòng nặng, kéo dài tạo cục máu đông, điều trị nội khoa không hết thì chỉ định rửa máu tiền phòng.
  • Những trường hợp có lùi góc tiền phòng gây tăng nhãn áp không đáp ứng với thuốc thì phẫu thuật lỗ rò
  • Trong những trường hợp nhãn áp tăng kéo dài, điều trị bằng thuốc không đạt hiệu quả thì chỉ định phẫu thuật lỗ rò.

6. Kết luận

Bệnh glôcôm thứ phát do chấn thương là bệnh lý nguy hiểm:

  • Bệnh nhân không tự phát hiện được mà cần được bác sĩ chuyên khoa khám và chấn đoán.
  • Là bệnh mù không thể chữa khỏi, vì vậy việc khám, phát hiện và điều trị sớm, điều trị đúng là rất quan trọng.
  • Bệnh có thể xảy ra ngay sau chấn thương hoặc nhiều ngày, nhiều tháng sau chấn thương. Vì vậy, bệnh nhân cần đi khám sớm và theo dõi định kỳ.
  • Khi được điều trị bằng thuốc, bệnh nhân cần tuân thủ chế độ điều trị và khám theo dõi theo hẹn của bác sĩ để ngăn ngừa tiến triển của bệnh.

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã mang đến những kiến thức bổ ích về bệnh glôcôm  thứ phát do chấn thương, cũng như những vấn đề quan trọng xoay quanh bệnh lý này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X