Hotline 24/7
08983-08983

Chần chờ không tiêm vắc xin là cơ hội để sởi tấn công chúng ta

TP.HCM đã có 3 ca tử vong do bệnh sởi. Các ca mắc trên địa bàn chủ yếu là trẻ chưa tiêm vắc xin và chưa đủ tuổi để tiêm vắc xin. Trước bối cảnh đó, BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM nhấn mạnh, vắc xin chính là vũ khí hữu hiệu nhất trong công cuộc phòng, chống bệnh sởi hiện nay.

1. Nâng cao cảnh giác phòng ngừa bệnh sởi

Tình hình bệnh sởi tại Việt Nam diễn tiến như thế nào trong những năm qua, thưa BS? Lần gần nhất nước ta công bố dịch sởi là khi nào?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trước năm 2000, ở Việt Nam từng xuất hiện bệnh sởi nhưng sau đó giảm dần. Năm 2013-2014, ở miền Bắc xảy ra dịch sởi. Năm 2018-2019, nước ta có một đợt dịch sởi khá lớn. Từ thời điểm đó đến nay, các trường hợp xuất hiện rải rác.

Việc dịch sởi bùng phát trở lại vào năm nay không quá bất ngờ nhưng cộng đồng vẫn cần nâng cao cảnh giác để phòng ngừa.

2. Trẻ dưới 5 tuổi, trẻ chưa được tiêm phòng thuộc nhóm dễ mắc bệnh sởi

Tình hình bệnh nhi mắc bệnh sởi ở Bệnh viện Nhi đồng TPHCM ra sao? Trẻ ở độ tuổi nào dễ mắc bệnh sởi nhất, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Ở Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng như các bệnh viện nhi khác trong thành phố, đa phần các bệnh nhi đang dưới 5 tuổi. Hầu hết các trẻ đều chưa được chích ngừa hoặc tiêm chưa đủ mũi.

Số ca mắc bệnh sởi ngày càng tăng, chủ yếu là từ các tỉnh chuyển đến TPHCM. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, trong khoảng 500 trường hợp được xét nghiệm có đến 300-400 ca dương tính.

BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM nhấn mạnh, trẻ chưa được tiêm ngừa và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là nhóm dễ bị bệnh sởi tấn công

3. Ý thức cộng đồng là điều quan trọng khi phòng chống dịch bệnh

Về thông tin Sở Y tế TPHCM đề xuất UBND Thành phố công bố dịch sởi, nhờ BS giải thích cụ thể hơn: Điều kiện để công bố dịch sởi là gì? Chuyện gì sẽ xảy ra khi TPHCM công bố dịch sởi? Sau khi công bố, những giải pháp, hành động gì sẽ được tiến hành?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Để công bố dịch sởi cần phải có một số tiêu chuẩn nhất định: Tỷ lệ mắc bệnh so với dân số khu vực ra sao; Bao nhiêu quận, huyện trong thành phố ghi nhận ca mắc... Hiện các ca mắc tại TPHCM tập trung ở quận Tân Phú, quận Tân Bình, huyện Bình Chánh.

Khi thành phố công bố dịch sởi, chắc chắn phải có những hành động cần thiết để chống dịch. Nguồn lực đổ vào công tác chống dịch sẽ dồi dào hơn, vấn đề bổ sung vắc xin cũng sẽ được chú ý nhiều hơn. Điều quan trọng nhất, công bố dịch để toàn dân cùng chung sức ứng phó mới có thể đẩy lùi dịch bệnh.

Ý thức của người dân là vô cùng quan trọng. Phương pháp chống dịch sởi vẫn chưa có cập nhật mới, tính đến thời điểm hiện tại.

4. Dịch sởi bùng phát dẫn đến quá tải hệ thống y tế

Nhắc lại dịch sởi năm 2014, nhiều người vẫn còn cảm thấy e ngại. Hiện nay, nếu dịch sởi bùng phát sẽ đưa đến những mối đe dọa như thế nào, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trong trường hợp dịch sởi bùng phát, nhóm có nguy cơ sẽ là những người bị tấn công đầu tiên, gồm trẻ bị tim bẩm sinh, trẻ bị suy giảm miễn dịch, trẻ có các bệnh tiêu hóa mãn tính, bệnh thận mãn tính... Tỷ lệ tử vong của những trẻ này nếu mắc bệnh rất cao.

Nhóm chưa được tiêm ngừa cũng có nguy cơ cao bị tấn công. Sự quá tải trong trường hợp bệnh bùng phát ở các nhóm nguy cơ sẽ dẫn đến nhiều khó khăn trong điều trị, tốn kém chi phí và nhân lực. Khả năng điều trị các bệnh khác ngoài sởi cũng sẽ bị ảnh hưởng. Chúng ta sẽ phải trả giá bằng số lượng bệnh nhân tử vong.

5. Phát hiện sớm là yếu tố chủ chốt để ngăn chặn bệnh sởi

Bệnh sởi lây lan nhanh như vậy có khiến kịch bản dịch năm 2014 lặp lại không, thưa BS? Chúng ta có những giải pháp nào để ngăn chặn dịch sởi bùng phát?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nhắc lại sự kiện năm 2013-2014 để nhấn mạnh rằng, việc phòng ngừa bệnh sởi rất quan trọng. Phát hiện sớm các ca bệnh để tránh lây lan đóng vai trò then chốt.

Phòng ngừa bệnh sởi chính là phòng ngừa trên những nhóm nguy cơ, nếu không kịch bản sẽ lặp lại. Các khoa có nguy cơ trong phạm vi bệnh viện cũng cần phải tăng cường cảnh giác.

Kinh nghiệm từ đợt dịch sởi năm 2014 sẽ giúp chúng ta làm tốt công tác phòng chống ở thời điểm hiện tại. Sau năm 2014, TPHCM nói riêng và khu vực phía Nam nói chung còn trải qua dịch sởi vào năm 2018-2019. Từ các bài học kinh nghiệm trong quá khứ, chúng ta biết cách ứng phó để số ca tử vong không nhiều như giai đoạn 2013-2014.

Tuy nhiên, nếu người dân không có ý thức tích cực phòng chống bệnh sẽ khó tránh được những hậu quả nặng nề.

Tiêm ngừa vắc xin là cách phòng bệnh sởi tốt nhất

6. Cách phòng bệnh sởi tốt nhất là tiêm ngừa

Những ai cần phải cẩn trọng nhiều hơn trước tình hình bệnh sởi diễn biến nhanh như hiện nay, thưa BS? Những người đã từng mắc sởi trước đây có nguy cơ tái nhiễm không?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Người đã từng mắc bệnh sởi sẽ không bị tái nhiễm.

Như chúng ta đã biết, cách phòng ngừa bệnh sởi tốt nhất là tiêm ngừa. Người không tiêm ngừa, nguy hiểm hơn là những người có bệnh nền và không tiêm ngừa được, thuộc nhóm nguy cơ rất cao.

7. Cách ly ngay những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ sởi

Xin hỏi BS, dấu hiệu cảnh báo bệnh sởi nhất định không được bỏ qua là gì? Các triệu chứng của bệnh sởi có thể bị nhầm với những bệnh truyền nhiễm nào khác?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đối với bệnh sởi, điều quan trọng và luôn được nhấn mạnh là phát hiện sớm. Khi có những dấu hiệu nghi ngờ, bệnh nhân cần được cách ly ngay và nhanh chóng thực hiện các xét nghiệm. Đến khi các triệu chứng thể hiện rõ thì đã trễ.

Khi trẻ có dấu hiệu sốt và phát ban, đặc biệt là khu vực sinh sống đã phát hiện trường hợp mắc bệnh sởi, phụ huynh hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện. Sốt cao, mắt đổ ghèn, phát ban từ chân tóc, ho, sổ mũi... là các dấu hiệu gần như rõ ràng của bệnh sởi.

Người dân cần nâng cao cảnh giác trước bệnh sởi. Phát hiện sớm, cách ly ngay lập tức và điều trị kịp thời sẽ giúp giảm nguy cơ lây lan. Đặc biệt, khi có một thành viên trong gia đình mắc bệnh sởi, cần kiểm tra tình trạng của các thành viên khác càng nhanh càng tốt.

8. Trẻ cần nhập viện khi có dấu hiệu thở gấp, co giật...

Khi trẻ được xác định mắc bệnh sởi, trường hợp nào cần nhập viện điều trị? Những dấu hiệu trở nặng nào bệnh nhân cần lưu ý, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Không phải trường hợp nào mắc bệnh sởi cũng cần điều trị ở bệnh viện. Đa phần được hướng dẫn cách ly và điều trị tại nhà. Trẻ sốt quá cao và không hạ sốt cần được đi khám, sau đó bác sĩ sẽ chỉ định có cần nhập viện hay không.

Thở nhanh, thở mệt là tình trạng thường thấy khi trẻ có các biến chứng viêm phổi, cần được nhập viện. Thở nhanh, bỏ ăn, co giật... là những dấu hiệu cho thấy trẻ cần đến bệnh viện ngay. Sau đó, nếu trẻ có những biến chứng khác như chảy mủ tai, suy dinh dưỡng, còi cọc, phải đưa trẻ đến gặp bác sĩ để giúp trẻ lấy lại miễn dịch. Những trường hợp tiêu đàm máu có thể điều trị tại nhà.

Khi ban đã ra đến chân mà trẻ vẫn còn sốt, có khả năng trẻ đang bị bội nhiễm ở đâu đó, cần đi khám để phát hiện biến chứng và cứu chữa kịp thời.

9. Trẻ bị sởi không cần kiêng khem trong ăn uống

Với những trẻ được điều trị tại nhà, phụ huynh nên lưu ý những gì trong quá trình chăm sóc trẻ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trẻ điều trị tại nhà cần được uống vitamin A. Bên cạnh đó, trẻ cần được ăn uống đầy đủ, không kiêng khem quá mức vì trẻ bị bệnh sởi có khả năng bị suy dinh dưỡng, còi cọc về sau.

Cung cấp đủ nước, chia nhỏ bữa ăn, uống thuốc hạ sốt và theo dõi sát trẻ trong cả quá trình điều trị. Sau khi ra ban đến chân, sau 4-5 ngày, trẻ sẽ tự dần dần ổn định và phục hồi nếu không có biến chứng.

Tuyệt đối không cho trẻ uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Chỉ cần uống nhiều nước, uống vitamin A, uống thuốc hạ sốt và dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.

Khi tình trạng của trẻ đã ổn định, phụ huynh nên quan tâm đến chất lượng bữa ăn để giúp trẻ nhanh chóng hồi phục.

10. Lịch tiêm phòng sởi cho người lớn và trẻ em

Lịch trình tiêm phòng sởi cho người lớn và trẻ em như thế nào, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Lịch tiêm ở nước ngoài và Việt Nam không giống nhau, do đó người dân không nên tham khảo và áp dụng theo.

Theo khuyến cáo, người dân Việt Nam không được bỏ qua mũi tiêm 9 tháng. Sau đó, trong chương trình tiêm chủng mở rộng, có thể nhắc lại khi trẻ được 18 tháng. Tuy nhiên, trẻ vẫn có thể tiêm ngừa lúc 12 tháng bằng mũi 3 trong 1.

Dù đã tiêm đủ 2 mũi (bao gồm mũi 9 tháng), nhưng khi dịch bệnh xảy ra, vẫn nên tiêm thêm mũi thứ ba. Mũi tiêm dưới 12 tháng có khả năng miễn dịch rất kém. Nếu độ bao phủ cộng đồng không tốt, những trẻ này dễ bị tấn công.

Tóm lại, chúng ta không được bỏ qua mũi tiêm lúc 9 tháng và tốt nhất nên được tiêm 3 mũi để tăng khả năng bảo vệ.

Đối với người lớn, nếu lo lắng, các bạn có thể tiêm 1 mũi. Trong lúc chống dịch, tất cả nhân viên y tế có chăm sóc bệnh nhi đều phải tiêm ngừa lại.  

BS Trương Hữu Khanh lưu ý, không được bỏ qua mũi tiêm lúc 9 tháng và tốt nhất nên được tiêm 3 mũi để tăng khả năng bảo vệ

11. Những người chưa tiêm vắc xin sởi cần được tiêm bổ sung ngay

Trong thời điểm bệnh sởi diễn biến phức tạp như hiện nay, việc tiêm ngừa có thể phát huy hiệu quả với những người chưa từng được tiêm trước đây không, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Những người chưa tiêm phải đi tiêm càng sớm càng tốt. Chậm trễ thời gian tiêm chỉ khiến chúng ta dễ mắc bệnh hơn. Một người mắc sởi có thể lây cho rất nhiều người xung quanh, đặc biệt là những em bé chưa tiêm ngừa được.

Dù mắc bệnh ngay sau khi tiêm, vắc xin vẫn có khả năng giảm tình trạng bệnh, mau khỏi bệnh hơn. Tiêm vắc xin không bao giờ là trễ, đặc biệt là vắc xin sởi trong bối cảnh hiện nay. Những người chưa tiêm hay nhanh chóng bổ sung ngay.

Trẻ đã tiêm ngừa sởi trong các mũi kết hợp trước đây có cần phải tiêm thêm 1 mũi đơn không, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu không chắc chắn về việc trẻ đã được tiêm đủ hay chưa, phụ huynh vẫn có thể đưa trẻ đi tiêm thêm 1 mũi sởi đơn bổ sung tại các cơ sở y tế hoặc các điểm chống dịch.

12. Đảm bảo trẻ có đủ kháng thể trước khi tựu trường

Thời điểm tựu trường đang đến gần, nhiều phụ huynh lo lắng liệu có nên cho con nghỉ học để tránh bị lây bệnh sởi. Ý kiến của BS như thế nào?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Theo tôi, những người không có đủ miễn dịch, dù chỉ ở trong nhà thì vẫn có thể bị bệnh dịch tấn công. Nghỉ học để chờ dịch bệnh qua đi là điều không cần thiết, không đúng.

Trước khi trẻ quay lại trường học, phụ huynh cần đảm bảo rằng trẻ đã được tiêm ngừa đầy đủ. Giá thành của vắc xin sởi không quá cao, các trạm y tế cũng có chương trình tiêm ngừa miễn phí. Trẻ có đủ miễn dịch có thể sinh hoạt thoải mái.

13.Chích ngừa để phòng bệnh và hạn chế nguy cơ trở nặng nếu mắc bệnh

Trong tháng qua, có đến 3 trẻ tử vong vì bệnh sởi. Nếu chẳng may trẻ mắc bệnh, phụ huynh cần phải làm gì để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Các trẻ tử vong thường là các trẻ có bệnh nền, chẳng hạn như tim bẩm sinh. Một số trẻ không có bệnh nền vẫn có triệu chứng nặng, tuy có thể điều trị nhưng rất tốn kém. Trẻ cũng có nguy cơ còi cọc về sau.

Để bệnh không trở nặng, điều quan trọng nhất là trẻ đã được tiêm ngừa đầy đủ trước đó. Khi trẻ mắc bệnh, phụ huynh cần theo dõi sát các dấu hiệu đã nêu trên và đưa trẻ đến bệnh viện.

Chần chờ không tiêm vắc xin là đang tạo điều kiện để bệnh sởi tấn công

14. Tạo miễn dịch cộng đồng để bảo vệ chính bản thân, gia đình và những người xung quanh

Trong trường hợp TPHCM công bố dịch sởi, cộng đồng cần phải làm gì?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Các ca bệnh sởi tăng lên đã là câu chuyện cách đây 3-4 tháng. Tuy nhiên, số lượng vẫn tăng cho đến thời điểm hiện tại. Điều này cho thấy vẫn chưa đạt được sự chung sức từ cộng đồng trong việc phòng, chống bệnh.

Nếu vẫn tiếp tục chủ quan, những trường hợp tử vong vẫn sẽ xảy ra, có khi chính là người thân của chúng ta. Chính vì vậy, dù UBND Thành phố có công bố dịch sởi hay không, mọi người đều phải chung tay phòng bệnh.

Phương pháp tối ưu nhất là cộng đồng được chích đủ vắc xin để tạo thành miễn dịch cộng đồng, bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Chần chờ chính là tạo điều kiện để bệnh tấn công!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X