Hotline 24/7
08983-08983

4 nguyên tắc bảo vệ đường hô hấp trước sự thay đổi nhiệt độ

Không khí lạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các bệnh lý hô hấp mạn tính như hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. ThS.BS.CK2 Dương Minh Ngọc - Chuyên khoa Hô hấp, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh thông tin, tại Việt Nam, nhiệt độ trong nhà được khuyến cáo không vượt quá 32 độ C, đồng thời áp dụng một số nguyên tắc cần thiết để bảo vệ hệ hô hấp

Thời tiết lạnh ảnh hưởng đến đường hô hấp như thế nào?

Vào mùa đông, không khí lạnh và khô hơn, do đó có sự ảnh hưởng tiêu cực đến bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính. Bên cạnh đó, việc đóng kín cửa để tránh gió cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng không khí trong nhà.

ThS.BS.CK2 Dương Minh Ngọc cũng trình bày: “Miền Nam Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa nên sự ảnh hưởng của không khí lạnh lên đường hô hấp, đặc biệt là các bệnh hô hấp mạn tính ít được chú ý hơn”.

Cơ thể con người có khả năng thích nghi với không khí lạnh. Với chủng người châu Âu sống nơi thời tiết lạnh quanh năm, cơ chế làm ấm và làm ẩm không khí trước khi vào phổi hoạt động mạnh, thể hiện qua đặc điểm mũi to và xoang lớn.

Khi đường thở tiếp xúc với không khí lạnh, nếu không có cơ chế làm ấm và làm ẩm, có thể sẽ gây ra tình trạng co thắt phế quản. Đường thở bị hẹp và thắt chặt khiến người bệnh có cảm giác khó thở.

ThS.BS.CK2 Dương Minh Ngọc giải thích: “Đường thở được lót bởi một lớp chất lỏng mỏng gọi là chất lỏng bề mặt đường thở. Hít nhiều không khí lạnh có thể làm cho chất lỏng đường thở bay hơi nhiều hơn mức được thay thế, từ đó kích hoạt tạo chất tiền viêm, gây các phản ứng co thắt ở đường thở”.

Cộng hưởng giữa không khí lạnh và ô nhiễm môi trường

Bác sĩ Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh cảnh báo, việc hút thuốc lá kết hợp với tiếp xúc với không khí lạnh sẽ hiệp đồng gây co thắt phế quản nhiều hơn.

Không khí lạnh thường đi kèm với độ ẩm thấp, làm cho chất gây ô nhiễm môi trường (bụi mịn, khí độc hại...) dễ dàng xâm nhập sâu vào hệ hô hấp hơn.

Niêm mạc đường thở vốn có vai trò quan trọng trong việc loại bỏ các hạt ô nhiễm và vi khuẩn. Không khí lạnh làm khô niêm mạc đường hô hấp, khiến cơ chế tự bảo vệ của hệ thống này suy yếu, gây khó khăn hơn trong việc giữ ẩm và làm sạch không khí đi vào phổi.

Ô nhiễm không khí, đặc biệt là các hạt bụi mịn (PM2.5), dễ dàng bám vào các bề mặt khô của đường hô hấp: Các hạt nhỏ này có thể vượt qua hàng rào bảo vệ tự nhiên của cơ thể (lông mũi, chất nhầy) và xâm nhập vào các phần sâu hơn của phổi, gây kích ứng viêm.

Không khí lạnh và bệnh hô hấp mạn tính

ThS.BS.CK2 Dương Minh Ngọc cho biết: “Những bệnh nhân hô hấp mạn tính có cân bằng hô hấp bấp bênh. Hít thở không khó lạnh đột ngột khiến bệnh nhân tăng phản ứng phế quản, nguy cơ co thắt phế quản do sự thay đổi cân bằng bên trong đường thở”.

Nhiệt độ không khí giảm nhanh, từ 2-3 độ C, đặc biệt là trên 5 độ C sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực đối với hệ hô hấp. Bệnh nhân hen và COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính) có thể có triệu chứng nặng hơn. Do vậy, người bệnh cần chú ý hạn chế sự thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Khi thời tiết lạnh, người dân thường đốt nhiên liệu sưởi ấm. Hành động này đã thải ra nhiều chất ô nhiễm hơn, bao gồm các hạt bụi, CO2 và NO2. Trong nhà, trong phòng kín không được thông gió tốt, mật độ bụi trong không khí tăng cao dẫn đến ô nhiễm không khí trong nhà.

Tại miền Nam, nhiệt độ cao quanh năm khiến người dân lạm dụng máy điều hòa. Tiếp xúc với không khí lạnh từ máy lạnh sẽ gây ra những thay đổi ở đường hô hấp, đặc biệt ở những người có tiền sử hen và COPD và kể cả những người trẻ. Cụ thể là các triệu chứng khó thở, khò khè, tiết đờm, đồng thời làm tăng tính nhạy cảm với nhiễm trùng.

Không khí trong nhà có thể là phương tiện quan trọng cho nhiều loại mầm bệnh lây truyền qua không khí có thể gây bệnh: Vi khuẩn (tụ cầuLegionella), nấm (Aspergillus, Pencillium, Cladosporium sppStachybotrys chartarum), virus đường ruột (noro-rotavirus), virus hô hấp (cúmcoronavirus), vi khuẩn lao và vi khuẩn lao không điển hình NTM, vi khuẩn sinh bào tử (Clostridium difficileBacillus anthracis).

ThS.BS.CK2 Dương Minh Ngọc cảnh báo, nấm gây ra mối đe dọa đối với sức khỏe ở môi trường trong nhà. Các dịch bệnh nhiễm trung do nấm có thể đặc biệt nghiêm trọng ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Các bào tử nấm Aspergillus spp lây lan qua không khí từ các nguồn thông gió tự nhiên. Lưu ý, yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển của nấm tại môi trường trong nhà là độ ẩm.

Triệu chứng hô hấp chính khi tiếp xúc với không khí lạnh

Làm cách nào để phòng tránh những bất lợi với đường hô hấp khi thời tiết trở lạnh?

Giải pháp đầu tiên được ThS.BS.CK2 Dương Minh Ngọc đề xuất là giữ ấm. Giữ ấm cơ thể bằng cách mặc nhiều lớp quần áo khi trời lạnh. Với thời tiết rét đậm rét hại ở miền Bắc, đồ giữ nhiệt sẽ rất hữu ích.

Nên mặc quần áo ấm hơn khi nghỉ ngơi vì nhiệt độ cơ thể sẽ giảm trong lúc ngủ. Đội mũ trùm đầu hoặc khăn quàng cổ che mũi và miệng vào những ngày nhiệt độ đặc biệt giảm thấp. Bên cạnh đó, nếu có việc cần đến địa phương khác, hãy kiểm tra dự báo thời tiết ở nơi đến để có sự chuẩn bị chu đáo.

Giữ ấm trong nhà cũng là một việc hết sức quan trọng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở các nước ôn đới và hàn đới, nhiệt độ trong nhà tối thiểu là 18 độ C. Bệnh nhân COPD cần duy trì nhiệt độ không gian sống từ 21 độ C để có sức khỏe tốt hơn. Những người rất già, trẻ nhỏ hoặc người đang bị bệnh được đề xuất điều chỉnh nhiệt độ trong nhà ở mức 20 độ C.

ThS.BS.CK2 Dương Minh Ngọc chia sẻ: “Khoảng nhiệt độ an toàn là 18 - 24 độ C. Không có nguy cơ rõ ràng đối với sức khỏe của những người ít vận động khỏe mạnh sống ở nhiệt độ không khí trong khoảng này”.

Tuy nhiên, với những nước ở khu vực nhiệt đới như Việt Nam, nhiệt độ trong nhà lý tưởng không vượt quá 32 độ C.

Giải pháp thứ hai được đề cập là tập thể dục. Duy trì hoạt động và tập thể dục giúp giữ cho máu lưu thông và cơ thể ấp áp. Tập thể dục thích hợp rất tốt cho việc tăng cường sức khỏe phổi, dù ở bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Bác sĩ khuyên rằng nên thở bằng mũi thay vì miệng, điều này có thể hữu ích vì làm ấm không khí trước khi đến phổi. Người dân cần lưu ý tránh tập thể dục ngoài trời khi nhiệt độ xuống thấp.

Người bệnh hô hấp mạn tính cần chuẩn bị và mang theo các loại thuốc điều trị, các dụng cụ hít. Nếu đã được kê đơn thuốc giãn phế quản, nên sử dụng thuốc khoảng 30 phút trước khi ra khỏi nhà để phòng ngừa không khí lạnh gây co thắt đường thở đột ngột ngoài trời.

Về chế độ dinh dưỡng, nên chọn các thức ăn giàu vitamin D, axit béo omega-3. Ở những quốc gia có mùa đông kéo dài, ánh nắng mặt trời khá hạn chế. Việc tổng hợp vitamin D của cơ thể do vậy bị giảm sút. Ở Việt Nam, phụ nữ thường che kín cả cơ thể khi ra đường, nên việc bổ sung vitamin D thông qua thực phẩm cũng rất cần thiết. Trong bữa ăn nên chú ý bổ sung thêm vitamin C, protein và chất xơ.

Đảm bảo đủ nước vì cơ thể dễ bị mất nước trong môi trường không khí lạnh, uống nước ấm thường xuyên và có thói quen ăn các bữa ăn ấm, nóng.

 ThS.BS.CK2 Dương Minh Ngọc kết luận: “Cần đảm bảo các phương tiện giữ ấm cơ thể, chế độ tập luyện và chế độ dinh dưỡng hợp lý, kế hoạch dùng thuốc trong điều kiện nhiệt độ xuống thấp khi mùa đông đến. Bên cạnh đó, hãy chú ý vệ sinh các thiết bị làm lạnh không khí để đảm bảo môi trường trong nhà luôn thoáng đãng, tránh ẩm mốc”

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X