Hotline 24/7
08983-08983

Thiếu máu, thiếu sắt: Trẻ nào có nguy cơ mắc phải, bổ sung sắt thế nào cho đúng?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn - Giảng viên bộ môn Nhi, Trường Đại học Tân Tạo cho biết, khi trẻ có biểu hiện mệt mỏi, mất tập trung, cáu gắt, da niêm nhợt nhạt... có thể đã bị thiếu máu, thiếu sắt. Điều trị vấn đề này không phức tạp, nhưng phát hiện sớm là “chìa khóa” để bảo vệ sự phát triển toàn diện của trẻ.

1. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ em

Thưa BS, nguyên nhân và yếu tố nào dẫn đến tình trạng thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ em ạ?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Thiếu máu, thiếu sắt là bệnh thiếu máu phổ biến ở trẻ em. Thiếu máu có rất nhiều nguyên nhân, trong đó thiếu máu do thiếu sắt là nguyên nhân phổ biến nhất. Sắt là nguyên tố cấu tạo nên thành phần của hồng cầu. Do đó, bất kỳ nguyên nhân nào giảm cung cấp, giảm hấp thu sắt đều gây nên tình trạng thiếu máu. Thiếu máu có thể do một số nguyên nhân sau:

- Do nhu cầu cao, đặc biệt ở trẻ dậy thì hoặc trẻ bị tim bẩm sinh tím.

- Trẻ bị bệnh lý không hấp thu đủ sắt cho cơ thể như viêm loét đường ruột.

- Trẻ phải thuốc chống tiết axit trong điều trị viêm loét dạ dày kéo dài.

- Trẻ ăn phải một số thức ăn có thành phần làm cạn hấp thu sắt.

- Một số bệnh lý gây tình trạng xuất huyết rỉ rả mà không nhận biết có thể làm giảm hấp thu sắt như viêm loét dạ dày tá tràng, hay một số tình trạng ảnh hưởng bởi bệnh lý và quá trình hấp thu sắt khác.

2. Trẻ dậy thì thường bị thiếu máu, thiếu sắt

Thưa BS, trẻ nào có nguy cơ thiếu máu, thiếu sắt và thường trong độ tuổi nào ạ?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Trẻ thiếu máu, thiếu sắt thường là trẻ dậy thì có nhu cầu dinh dưỡng tăng cao. Hay trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt trong giai đoạn ăn dặm mà cha mẹ bổ sinh dinh dưỡng không cân đối.

3. Thiếu máu, thiếu sắt ảnh hưởng thế nào đến quá trình phát triển của trẻ?

Thưa BS, thiếu máu, thiếu sắt gây ảnh hưởng thế nào đến quá trình phát triển của trẻ nhỏ ạ?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Sắt là thành phần quan trọng cấu thành nên hồng cầu. Hồng cầu lại có chức năng vận chuyển oxy đến các cơ quan trong cơ thể sử dụng. Do đó, khi thiếu máu, thiếu sắt, chất lượng hồng cầu sẽ giảm xuống, nhu cầu mang oxy cho các cơ quan không tốt. Ở giai đoạn sớm, trẻ có thể không có triệu chứng, biểu hiện trên lâm sàng rất kín đáo. Tuy nhiên ở giai đoạn trễ hơn, trẻ có thể mất tập trung, biếng ăn, mệt mỏi, dễ cáu gắt. Nặng hơn nữa là da xanh; niêm nhạt; lòng bàn tay nhạt; móng khô, dễ nứt, lõm, dẹt; mất gai lưỡi làm mất cảm giác ăn ngon, biếng ăn; mất tập trung, học không tốt. Thậm chí trẻ lớn có biểu hiện hồi hộp, chậm phát triển tâm thần vận động.

Trẻ biếng ăn là một biểu hiện của tình trạng thiếu máu, thiếu sắt (Ảnh minh họa - Intetnet)

4. Thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ dễ gây nhầm lẫn với bệnh thiếu máu tán huyết

Thưa BS, tình trạng thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ dễ gây nhầm lẫn với bệnh lý, tình trạng nào ạ? Làm sao để phụ huynh nhận diện và phân biệt rõ trong các tình huống này ạ?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Thiếu máu, thiếu sắt giai đoạn điển hình thì dễ phân biệt vì bộc phát đầy đủ triệu chứng như đã chia sẻ. Từ mệt mỏi, cáu gắt, mất gai lưỡi, da xanh, niêm nhạt, lòng bàn tay nhạt, biếng ăn. Tuy nhiên, khi những triệu chứng này xuất hiện thì đã hơi muộn. Những triệu chứng sớm có thể phát hiện khi tình cờ đi khám bệnh lý khác. Ví dụ khi xét nghiệm tổng quát tế bào máu bằng máy laser thì phát hiện nồng độ hemoglobin thấp hơn giá trị bình thường theo tuổi và giới của trẻ.

Bên cạnh đó, hồng cầu có biểu hiện với kích thước nhỏ hơn, màu sắc nhợt nhạt, từ chuyên môn là thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc. Bên cạnh đó, định lượng sắt dự trữ trong cơ thể ferritin giảm thấp. Những tình huống trên chưa biểu hiện trên lâm sàng nhưng cần phát hiện và điều trị sớm.

Thiếu máu, thiếu sắt giai đoạn sớm cũng dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác, điển hình là bệnh thiếu máu tán huyết di truyền, gọi là Thalassemia. Bệnh Thalassemia thể ẩn (thể dị hợp tử) nhìn bên ngoài giống trẻ bình thường thiếu máu nhẹ. Thalassemia thể ẩn và thiếu máu, thiếu sắt khá giống nhau về mặt lâm sàng nhưng may mắn là tỷ lệ Thalassemia thể ẩn rất thấp. Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt để điều trị thích hợp do 2 bệnh này có cách điều trị khác nhau.

5. Các xét nghiệm chẩn đoán thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ đơn giản, dễ thực hiện, chi phí thấp

Thưa BS, khi trẻ có các dấu hiệu như BS vừa chia sẻ thì cha mẹ nên làm gì ạ? Trường hợp nào nên đưa con đi khám ạ? Khi đi khám, trẻ sẽ được thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán đúng tình trạng thiếu máu, thiếu sắt ạ?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Có 2 trường hợp:

Trường hợp thứ nhất là trẻ tình cờ được khám bệnh khác hoặc khám định kỳ. Khi làm tổng phân tích tế bào máu, nếu phát hiện thiếu máu nhiều hoặc ít, thể tích hồng cầu nhỏ, màu sắc hồng cầu nhợt nhạt thì phải đi tầm soát nguyên nhân thiếu máu là gì. Khi đó sẽ định lượng ferritin và sắt huyết thanh để xác định tình trạng thiếu máu, thiếu sắt. Nếu thiếu máu, thiếu sắt thì ferritin sẽ giảm thấp.

Trường hợp thứ hai là trẻ có triệu chứng trước đó như biếng ăn, lừ đừ, mệt mỏi, cáu gắt, da khô, mất gai lưỡi, lòng bàn tay nhạt, rất nhạt... Khi đó bác sĩ sẽ cho làm xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu bằng laser, phối hợp với phết máu ngoại biên và định lượng ferrintin trong huyết thanh. Những xét nghiệm này rất đơn giản, dễ thực hiện tại các cơ sở y tế, cho kết quả nhanh chóng, chi phí không quá cao giúp chẩn đoán thiếu máu, thiếu sắt.

6. Điều trị thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ như thế nào?

Thưa BS, thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ được điều trị thế nào và trong bao lâu ạ?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Điều trị thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ khá đơn giản. Nếu thiếu máu nặng sẽ truyền máu, cụ thể là truyền hồng cầu lắng phù hợp với máu. Ở mức độ thông thường chưa đến mức truyền hồng cầu lắng sẽ bổ sung các yếu tố sắt. Trẻ chủ yếu được dùng viên uống sắt, chỉ một số ít trường hợp không thể uống do kích ứng thuốc dạng uống, xuất huyết tiêu hóa, viêm ruột không thể nuốt mới dùng dạng truyền tĩnh mạch. Tuy nhiên, dạng thuốc uống dễ tìm, đơn giản, rẻ tiền nhưng cần điều trị trong thời gian dài. Thường là 3 tháng sau khi chỉ số hemoglobin trở về bình thường, hoặc 1 tháng sau khi dự trữ sắt ferritin trở về bình thường. Tuy nhiên, đôi khi chỉ cần điều trị vài ngày đến 1 tuần, trẻ đã có đáp ứng tốt như giảm mệt mỏi, giảm biếng ăn, tổng trạng tốt hơn.

Bên cạnh bổ sung sắt dạng uống, bác sĩ sẽ bổ sung vitamin C để tăng hấp thu sắt. Sản phẩm sắt và vitamin C nên được uống trước khi ăn để hấp thu tốt nhất, không uống kèm với thực phẩm hoặc thuốc có thể gây cản trở hấp thu sắt.

7. Lưu ý khi ăn uống, bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu, thiếu sắt

Thưa BS, cha mẹ nên xây dựng chế độ dinh dưỡng thế nào khi trẻ có tình trạng thiếu máu, thiếu sắt ạ? Nên cho trẻ ăn gì và kiêng gì để tăng cường hấp thu sắt tốt nhất cho trẻ ạ?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Trẻ thiếu máu, thiếu sắt cần được bổ dinh thức ăn có chứa sắt và hạn chế thức ăn gây cản trở hấp thu sắt. Đối với trẻ bú mẹ, sữa hấp thu sắt tốt nhất. Tuy nhiên, nếu trẻ dùng sữa công thức hay thức ăn dặm thì trong thành phần phải có bổ sung sắt.

Thực phẩm hấp thu sắt tốt là thực phẩm giàu vitamin C, có màu sắc đậm như thịt bò, thịt heo, rau mồng tơi, rau ngót... Những thành phần thịt đỏ của động vật hấp thu sắt tốt hơn đạm thực vật.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần hạn chế cho trẻ ăn thức ăn cản trở hấp thu sắt như trà. Ngoài ra, phụ huynh hay cho con bổ sung vitamin, khoáng chất. Tuy nhiên nhớ cho trẻ uống kẽm và canxi cách xa sắt vì nếu uống chung sẽ làm giảm hấp thu sắt.

8. Điều trị triệt để nguyên nhân gây thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ sẽ tránh tình trạng tái phát

Thưa BS, cha mẹ cần làm gì để trẻ không bị tái phát tình trạng thiếu máu, thiếu sắt ạ? Sau điều trị, trẻ có cần theo dõi, tái khám định kỳ không ạ? Nhiều cha mẹ sợ con thiếu sắt nên đã bổ sung sắt thời gian dài sau điều trị, xin hỏi BS điều này có nên không ạ?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Việc bổ sung sắt rất đơn giản và rẻ tiền, chỉ cần điều trị khoảng một ngày bé đã ăn ngon hơn, sau 3-4 ngày bé đã lanh lợi hơn. Nhưng để sắt được bổ sung đầy đủ phải điều trị ít nhất 3 tháng từ khi chỉ số hemoglobin trở về bình thường, hoặc ít nhất 1 tháng sau khi dự trữ sắt ferritin trở về bình thường.

Sau khi các chỉ số trở về bình thường, bác sĩ sẽ khuyên thời gian dừng thuốc và chế độ dinh dưỡng thích hợp trong suốt quá trình điều trị. Tuy nhiên, cha mẹ nên nhớ thiếu sắt có thể bù nhưng sắt dư cũng gây hại vì sắt sẽ được tích lũy trong nhiều hệ cơ quan như tim, não, gan, lách... Vì vậy, việc bổ sung sắt phải theo chỉ định của bác sĩ dựa trên lâm sàng, các xét nghiệm như tổng phân tích tế bào máu, phết máu ngoại biên, định lượng ferritin để điều chỉnh chứ không tự ý dùng trong thời gian quá dài.

Tình trạng thiếu máu, thiếu sắt nào cũng có nguyên nhân. Vì vậy, song song với điều trị, cha mẹ cần tìm ra nguyên nhân gây thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ. Việc điều trị triệt để nguyên nhân sẽ tránh tình trạng tái phát.

9. Làm sao để phòng ngừa thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ?

Thưa BS, làm sao để phòng ngừa thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ ạ? Có phải trẻ nào cũng cần làm xét nghiệm để nhận biết thiếu máu, thiếu sắt sớm để có phương pháp điều trị phù hợp không ạ?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Đối với trẻ phát triển bình thường, cân nặng chiều cao chuẩn, lanh lợi, hồng hào, khỏe mạnh vẫn có thể tiếp tục dinh dưỡng bình thường, không nhất thiết phải thực hiện xét nghiệm định kỳ. Tuy nhiên, nếu trẻ tình cờ vì bệnh lý khác mà thực hiện tổng phân tích tế bào máu có kết quả thiếu máu, thiếu sắt thì cần làm xét nghiệm sâu hơn. Các xét nghiệm này dễ thực hiện, rẻ tiền, có kết quả nhanh chóng.

Đối với trẻ có biểu hiện lâm sàng như khó ngủ, bứt rứt, cáu gắt, da xanh, niêm nhạt... cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để được làm xét nghiệm thích hợp và điều trị sớm.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X