Phẫu thuật cắt amidan cho trẻ có những phương pháp nào, ưu điểm ra sao?
BS.CK2 Bạch Thiên Phương - Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, hiện tại bệnh viện đang áp dụng các phương pháp cắt amidan từ cổ điển đến hiện đại. Trong đó, cắt amidan bằng dao Plasma và dao Coblator là 2 phương pháp được áp dụng rộng rãi với nhiều ưu điểm.
1. Trẻ bị viêm amidan, trường hợp nào cần phẫu thuật?
Thưa BS, trẻ bị amidan những trường hợp nào cần phải phẫu thuật và trẻ từ bao nhiêu tuổi mới được chỉ định cắt amidan thưa BS?
BS.CK2 Bạch Thiên Phương trả lời: Không phải tất cả các trường hợp bị amidan đều có chỉ định phẫu thuật. Chỉ khi trẻ bị viêm amidan nhiều lần và amidan mất đi tác dụng bảo vệ cơ thể thì mới có chỉ định cắt.
Cắt amidan thường thực hiện đối với trẻ trên 4 tuổi. Tuy nhiên, nếu trẻ dưới 4 tuổi có chỉ định cần thiết vẫn có thể tiến hành phẫu thuật này.
2. Amidan gây ra những biến chứng gì, nếu trì hoãn phẫu thuật sẽ ra sao?
Nhiều phụ huynh tin rằng amidan như một cửa ngõ quan trọng để cản vi khuẩn, virus, cũng như các mầm bệnh, dẫn đến chần chừ phẫu tuật cho trẻ khi có chỉ định. Nhờ BS chia sẻ thêm, amidan không khỏi có thể dẫn đến biến chứng nào và đã có chỉ định phẫu thuật nhưng chưa hoặc không phẫu thuật thì điều gì sẽ xảy ra đối với trẻ thưa BS?
BS.CK2 Bạch Thiên Phương trả lời: Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, cũng như Hiệp hội Tai Mũi Họng Hoa Kỳ, năm 2012 và năm 2019, các chỉ định cắt amidan gồm:
- Trẻ bị viêm amidan 7 lần/năm.
- Trẻ bị viêm amidan hơn 5 lần/năm trong vòng 2 năm liên tục.
- Trẻ bị viêm amidan trên 3 lần/năm trong vòng 3 năm liên tục.
- Khi amidan có biến chứng liên quan đến các cơ quan xung quanh như viêm cầu thận cấp, viêm cơ tim, viêm khớp do độc tố của liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A gây ra.
- Khi amidan lớn gây ngưng thở khi ngủ, về lâu dài gây ra tình trạng thiếu oxy não, ảnh hưởng đến việc học và sinh hoạt của bé.
- Trẻ bị áp xe quanh amidan dù 1 lần cũng phải cắt amidan.
- Các chỉ định phụ như u amidan hoặc nghi ngờ amidan ác tính, trong các trường hợp cần cắt amidan để ghép tạng.
Nếu không cắt amidan, biến chứng có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Ví dụ, độc tố của vi khuẩn gây viêm amidan là liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A sẽ đi theo dòng máu đến các cơ quan khác gây viêm thận, viêm khớp, viêm cơ tim. Từ đó gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sự phát triển của bé.
Ngoài ra, tình trạng ngưng thở khi ngủ là biến chứng được quan tâm rất nhiều vì xuất hiện các cơn ngưng thở, làm bé thiếu oxy trầm trọng.
>>> Có thể điều trị khỏi ngáy và ngưng thở khi ngủ ở trẻ nếu do amidan hoặc VA quá phát
>>> Trẻ có thể bị tăng huyết áp, tiền tiểu đường nếu không điều trị sớm ngáy và ngưng thở khi ngủ
Một biến chứng quan trọng khác là gây tình trạng xấu về hàm mặt do bé ngủ ngáy, thở bằng miệng nhiều lần và kéo dài trong nhiều năm, làm hô răng. Sau này, bắt buộc phải đưa bé đi chỉnh nha để gương mặt được cân đối, hài hòa hơn.
Nếu bệnh nhân có bệnh lý về máu, về tim hoặc đường hô hấp thì nên trì hoãn cắt amidan. Thời gian trì hoãn sẽ phụ thuộc vào thời gian điều trị bệnh lý nền, khi điều trị ổn định các bác sĩ từng cuyên khoa sẽ có khuyến cáo, tư vấn và chuyển bệnh nhân quay lại gặp bác sĩ Tai Mũi Họng để chỉ định cắt amidan cho bé.
3. Bệnh viện Nhi đồng Thành phố có các phương pháp cắt amidan nào?
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã có những phương pháp nào để áp dụng cắt amidan cho trẻ thưa BS?
BS.CK2 Bạch Thiên Phương trả lời: Hiện Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã có các phương pháp cắt amidan gồm: Thứ nhất là phương pháp cổ điển. Cắt bóc tách, dùng chỉ để cột cầm máu. Ưu điểm của phương pháp này là không dùng nhiệt nên không gây nóng vùng cổ họng, tuy nhiên thời gian cắt sẽ kéo dài so với các phương pháp khác.
Bên cạnh đó, phải cầm máu do cột chỉ vì lượng máu chảy nhiều hơn. Cũng như theo nghiên cứu biến chứng chảy máu sau cắt amidan cao hơn so với các phương pháp hiện đại sau này.
Thứ hai là cắt amidan bằng dao điện Monopolar hoặc Bipolar. Cả 2 phương pháp này đều dùng nhiệt độ của dòng điện cao tầng để phá hủy các mô liên kết trong amidan.
Ưu điểm cầm máu tốt, vết mổ đẹp, tuy nhiên nhiệt độ hơi cao làm em bé khó chịu trong thời hậu phẫu.
Thứ ba là cắt amidan bằng dao Plasma. Đây là phương pháp dùng tia Plasma để phá hủy các mô liên kết trong amidan.
Ưu điểm của phương pháp này là nhiệt độ thấp (dưới 40 độ C) nên mô rất ít bị tổn thương và thời gian mổ khá nhanh, tác dụng cầm máu tốt. Tuy nhiên giá thành cao nên có thể ảnh hưởng đến tổng chi phí một ca phẫu thuật.
Thứ tư là cắt amidan bằng dao Coblator. Đây là phương pháp dùng trường Plasma để phá hủy các mô liên kết trong amidan. Vì không dùng tia Plasma trực tiếp nên nhiệt độ thấp hơn dao Plasma thông thường.
So với cắt amidan bằng dao Plasma thì phương pháp này có thời gian mổ tương đương nhau, cũng ít bị tổn thương và tác dụng cầm máu tốt, tuy nhiên, có chi phí thấp hơn.
Cắt amidan bằng dao Plasma và dao Coblator là 2 phương pháp hiện đại nhất, được áp dụng hiện nay.
4. Cắt amidan cho trẻ có thể về trong ngày hay cần lưu lại bệnh viện để theo dõi?
Thưa BS, cắt amidan cho trẻ có thể về trong ngày không hay cần lưu lại bệnh viện để theo dõi? Nếu lưu lại bệnh viện thì cần ở trong thời gian bao lâu ạ?
BS.CK2 Bạch Thiên Phương trả lời: Đa số các trường hợp cắt amidan sẽ về trong ngày.
Đối với những bé có bệnh tim hoặc bệnh hen suyễn thì cần nằm lại theo dõi, thời gian tối đa là 2 - 3 ngày, cho đến khi tình trạng của bé ổn định bác sĩ sẽ xem xét và cho bé xuất viện.
5. Quy trình thăm khám và cắt amidan diễn ra như thế nào?
Quy trình từ lúc bệnh nhân đến khám cho đến khi có chỉ định phẫu thuật sẽ diễn ra như thế nào?
BS.CK2 Bạch Thiên Phương trả lời: Tại khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, đầu tiên bé sẽ đăng ký khám và gặp bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng.
Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và chỉ định cắt amidan. Bé sẽ được làm xét nghiệm máu, cũng như kiểm tra về tim, phổi, nếu tình trạng ổn định sẽ hẹn ngày đến cắt amidan.
Buổi sáng trong ngày cắt amidan, phụ huynh phải đưa bé đến để làm thủ tục. Bé bắt buộc phải nhịn đói trong vòng 6 - 8 tiếng vì có gây mê. Sau khi cắt amidan, buổi bé sẽ được xuất viện (trước 4 giờ chiều).
Khi ra về bác sĩ sẽ cho toa thuốc uống để bé giảm đau và hẹn ngày tái khám.
6. Chăm sóc trẻ sau cắt amidan cần lưu ý những gì?
Khi chăm sóc trẻ sau cắt amidan cần phải lưu ý các vấn đề gì và có cần kiêng gì hay không? Nhiều phụ huynh thắc mắc là sau khi phẫu thuật bé có cần phải kiêng nói không thưa BS?
BS.CK2 Bạch Thiên Phương trả lời: Với những phương pháp hiện đại ngày nay, sau khi cắt amidan xong bé vẫn có thể sinh hoạt bình thường, vận động nhẹ nhàng, không cần phải kiêng nói. Điều này giúp bé quên cảm giác đau, cũng như có thể hồi phục nhanh hơn.
Để chăm sóc một em bé cắt amidan, phụ huynh cần lưu ý nhưng vấn đề như sau:
- Sau khi cắt amidan, trong vòng 2 tuần bé phải được ăn thức ăn lỏng, mềm, nguội để tránh trường hợp chảy máu amidan.
- Vận động nhẹ nhàng, đi học bình thường.
- Tránh các vận động mạnh như tham gia các hoạt động thể thao, bơi lội, đá banh, bóng chuyền, bóng rổ,… trong vòng 1 tháng sau khi cắt amidan sẽ dễ gây chảy máu.
- Nếu bé xảy ra tình trạng chảy máu amidan phải được đưa đến bệnh viện bất kỳ lúc nào để bác sĩ tiến hành cấp cứu.
7. Sau khi cắt amidan, bao lâu bé sẽ hồi phục hoàn toàn?
Thông thường, sau khi cắt amidan khoảng bao lâu bé sẽ hồi phục hoàn toàn thưa BS?
BS.CK2 Bạch Thiên Phương trả lời: Theo các nghiên cứu, người càng trẻ thì việc lành vết thương sau khi cắt amidan càng nhanh hơn.
- Đối với người dưới 19 tuổi, thời gian hồi phục vết mổ sau cắt amidan là từ 10 - 14 ngày.
- Đối với người trên 19 tuổi, thời gian từ 3 - 4 tuần.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình