Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ có thể bị tăng huyết áp, tiền tiểu đường nếu không điều trị sớm ngáy và ngưng thở khi ngủ

Ngáy là ngưng thở ở trẻ là vấn đề nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ bị béo phì. Bên cạnh đó nếu ngáy và ngưng thở khi ngủ ở trẻ không điều trị kịp thời có thể gây tăng huyết áp, tiền đái tháo đường… Những vấn đề này được PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, BS.CK2 Lâm Hoàng Yến, TTƯT.BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên đề cập sau đây.

1. Béo phì và ngưng thở khi ngủ phải được điều trị đồng thời

Béo phì cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng đưa đến ngưng thở khi ngủ ở trẻ em. Xin hỏi BS, việc điều trị trên trẻ béo phì có hội chứng ngưng thở khi ngủ sẽ khác biệt so với trẻ béo phì thông thường như thế nào? Giảm cân cho trẻ béo phì trong tình huống này cần chú ý những gì ạ?

TTƯT.BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên - Khoa thăm dò Chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trả lời: Tần suất trẻ béo phì không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới ngày càng gia tăng đến nỗi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải gióng lên tiếng chuông về tình trạng béo phì mang tính chất dịch tễ, trở thành một mối nguy cơ đe dọa toàn cầu, do đó béo phì là mối lo ngại rất lớn.

Đối với người lớn, béo phì gắn liền với ngưng thở khi ngủ, nhưng đối với trẻ con thì phụ huynh rất dễ quên câu chuyện béo phì của con do bé khi bụ bẫm mẹ sẽ thấy dễ thương và đặt câu hỏi ngược lại “Con trong tình trạng này mà được cho là béo phì ạ bác sĩ?”, “Như vậy là dễ thương mà bác sĩ”, “Con em ăn hoài nhưng không lớn” nhưng thực tế trẻ đã dư cân.

Vì vậy vấn đề dễ thương, bụ bẫm ở trẻ làm “hoa mắt” người lớn, kể cả người thầy thuốc cũng quên đi vấn đề thừa cân do bé quá dễ thương.

Riêng bệnh béo phì được gọi là khẩn cấp và là vấn đề cấp bách của y tế toàn cầu, vì đây là dịch tễ đã lan rộng và lớn rất nhanh theo con số hiện nay trên thế giới. Mối liên hệ giữa béo phì và những bệnh lý rối loạn chuyển hóa ví dụ như giảm dung nạp đường, dễ gây đái tháo đường và gây rối loạn chuyển hóa kể cả suy thận…

Bên cạnh đó biến chứng nguy hiểm nhất mà nhiều người cho rằng chỉ người lớn mới có đó là biến chứng tim mạch, trước đây rung nhĩ chỉ nghe ở người lớn giờ đây đã có ở trẻ con, đặc biệt các biến chứng như đột quỵ cũng xảy ra ở trẻ con nếu trẻ béo phì.

Một vấn đề cũng được cho là cấp bách là rối loạn không chuyển hóa, sự kỳ thị về cân nặng, một đứa trẻ có hình “thùng” đi tới sẽ bị bạn bè chê cười, tự ti, giảm lòng tự trọng và luôn cảm thấy mặc cảm trong xã hội, luôn lo lắng về chiều cao, cân nặng, sợ hãi và dẫn đến trầm cảm.

Như vậy trẻ sẽ chuyển sang trạng thái rối loạn hành vi, cách cư xử với xã hội, hành vi này cũng gắn liền với nhận thức của bố mẹ về đứa trẻ, họ mang những vấn đề đó ra để chì chiết con mình. Những vấn đề này trở thành gánh nặng không riêng cho trẻ con mà của cả gia đình, xã hội.

Nếu chỉ tính riêng béo phì đã gây ra rất nhiều vấn đề, vậy liệu có thể ngồi yên nếu trẻ bị béo phì và bên cạnh đó con còn có thêm hội chứng ngưng thở khi ngủ, đây này là biến chứng vô cùng quan trọng của béo phì.

Khi phát hiện ngưng thở khi ngủ, dấu hiệu của việc này chính là tiêu chuẩn hàng đầu để dự báo trong tương lai trẻ sẽ mắc các bệnh về sau của tim mạch, vì vậy đây là yếu tố tiên lượng quan trọng.

Việc xử lý amidan và triệt tiêu VA sẽ giúp bé hoàn toàn khỏi bệnh, đó là tin vui cho những trẻ chỉ đơn thuần tắc nghẽn vùng hầu họng do amidan, VA, viêm mũi dị ứng tại chỗ mà có thể can thiệp.

Tuy nhiên những trẻ được can thiệp cắt amidan, nạo VA nhưng trên một đứa trẻ có béo phì thì hiện tượng ngưng thở khi ngủ vẫn tiếp diễn, vấn đề này chiếm đến 80% các trường hợp tiếp diễn ngưng thở khi ngủ dai dẳng. Do đó cần giải quyết 2 trong 1 vì rất khó khăn trong việc nhận biết và can thiệp ngưng thở khi ngủ, giờ đây còn khó khăn trong nhận diện béo phì ở trẻ.

Nếu bác sĩ chỉ định ngừng ăn, kiêng nhiều loại thực phẩm mẹ lại bảo “Cho nó nhịn đói hả bác sĩ?” - đó là câu nói rất khổ sở trong lòng mới phát ra được, cho thấy rất khó khăn trong việc đối diện với béo phì. Một đứa trẻ béo phì đơn thuần có cha mẹ cho nhịn ăn chỉ uống nước nhưng lại phát hiện con giấu đồ ăn vặt và ăn vào ban đêm, ăn chống đói.

Như vậy việc điều trị béo phì về mặt dinh dưỡng cho trẻ vô cùng khó khăn, đây là thách thức cần đối diện và nếu xuất hiện ngưng thở khi ngủ, nguy cơ chồng lấp nguy cơ gấp 2 lần. Đó là điều khác biệt giữa béo phì đơn thuần so với trẻ béo phì có biến chứng ngưng thở khi ngủ hoặc vừa béo phì vừa ngưng thở khi ngủ sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều.

Thời điểm từ đêm (từ 21 giờ) đến gần sáng, hormon melatonin được tiết ra để thúc đẫy chiều cao cho trẻ, một giấc ngủ hoàn thiện sẽ mang lại sức khỏe vô cùng tuyệt vời cho một ngày hôm sau đầy năng lượng và sự phát triển trí não “đỉnh của đỉnh”.

Còn nếu bị phân mảnh giấc ngủ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ về sau, do đó điều trị béo phì và điều trị ngưng thở khi ngủ phải được tiến hành đồng thời, áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có sự liên kết đa ngành bao gồm bác sĩ dinh dưỡng, bác sĩ tai mũi họng, bác sĩ nhi hô hấp, bác sĩ tâm lý về hành vi, tất cả các bác sĩ phải cùng nhau để giúp đỡ những trẻ không may mắc vấn đề này.

2. Những phương pháp giải quyết ngáy và ngưng thở khi ngủ cho trẻ

Bên cạnh các phương pháp điều trị nói trên, còn có những biện pháp hỗ trợ nào khác cho trẻ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ, thưa BS?

TTƯT.BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên trả lời: Việc điều trị những trường hợp trẻ có ngáy và ngưng thở khi ngủ, béo phì phải kết hợp dinh dưỡng, tiết chế và hành vi nhận thức, bên cạnh đó còn có các can thiệp cần thực hiện cho con, đặc biệt là trẻ béo phì quen ngồi im tại chỗ.

Khi trẻ bị phân mảnh giấc ngủ, việc chậm tăng trưởng và phát triển trí não là vấn đề rất thường gặp. Tuy nhiên có hai nhóm được phân cực hai đầu, khi mất ngủ cơ thể sẽ tiết ra một loại hormon gây thèm ăn, từ đó gây béo phì chồng béo phì.

Một số biện pháp nhỏ mà phụ huynh có thể áp dụng, theo nghiên cứu thấy rằng những trẻ vừa bị béo phì và ngưng thở khi ngủ có đến 2/3 trường hợp có giấc ngủ hỗn hợp, thay đổi tư thế ngủ liên tục lúc nằm ngửa, nằm nghiêng hoặc nằm úp. Số còn lại là một số nằm ngửa và một số nằm sấp, đặc biệt là nằm sấp với tư thế rất khó chịu và luôn ngủ ngáy.

Vì vậy các nhà khoa học đưa ra cách khắc phục như sau:

Đối với người lớn, kê một quả bóng sau lưng để không thể nằm ngửa.

Đối với trẻ con, cho con ôm gối ôm hoặc thú bông để con nằm nghiêng, cách đó sẽ giúp thay đổi tư thế. Trong thay đổi tư thế cũng mang lại một phần cho những trẻ ngưng thở khi ngủ.

Cách thứ hai đi kèm là giải quyết triệt để bằng phẫu thuật, đó là cách có thể lựa chọn tiếp theo nếu nguyên nhân xảy ra tại vùng hầu họng.

Cách thứ ba là dùng thiết bị mở đường thở, thay vì bị xẹp và đóng chặt lại, thiết bị đó giúp giữ được đường  thở luôn mở để con có thêm oxy. Nếu không có oxy con sẽ bị chới với, khủng hoảng trong đêm và nỗi kinh hoàng là ác mộng do mất oxy một đoạn dài, ảnh hưởng đến não, bị đánh thức liên tục và não không hồi phục.

Do đó cha mẹ sẽ dùng thiết bị thở áp lực dương, gắn máy cho con thở, tuy nhiên cho dù đã sử dụng thời gian dài con vẫn không hợp tác, vì vậy hãy dừng lại nếu thấy con ngủ ngáy, nhìn và lắng nghe con trong đêm và dừng lại quan sát con để đưa đến cơ sở y tế có nhiều chuyên khoa để phối hợp cùng nhau, chẩn đoán, giúp con khi đường thở còn khả năng phục hồi tốt nhất cho con trẻ, giúp con không bị ảnh hưởng tới nhận thức và hành vi về sau.

3. Ngáy và ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng hệ thống tuần hoàn gây ra tăng huyết áp ở trẻ

Các bệnh lý có thể đi kèm khi trẻ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ là gì? Tầm soát các bệnh lý này ra sao và khi nào cần làm, thưa BS?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Chủ tịch LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM trả lời: Trẻ bị ngáy và ngưng thở khi ngủ thì 90% do amidan và VA lớn lên, làm cho tai giữa không thông khí, gây nhiễm trùng dai dẳng, nghe kém, nói kém. Vì vậy khi một trẻ bị ngáy và ngưng thở khi ngủ ngoài việc thăm khám bác sĩ tai mũi họng để điều trị chính, bác sĩ sẽ kèm theo kiểm tra bé có bị viêm xoang hoặc tai giữa hay không.

Bên cạnh đó nếu trẻ bị chậm nói cần phải nhờ đến đơn vị huấn luyện phát âm.

Một vấn đề ít nghĩ tới ở trẻ nhưng xảy ra ở những trẻ bị ngáy và ngưng thở khi ngủ, vì giấc ngủ bị rối loạn dẫn đến hệ thống tuần hoàn bị ảnh hưởng như cao huyết áp (một vấn đề không nghĩ đến ở trẻ con), hay trẻ bị tiền tiểu đường (đây là bệnh lý nguy hiểm chỉ sau ung thư vì làm tắc tất cả các mạch máu nhỏ, dẫn đến tai biến mạch máu não, ảnh hưởng đến mắt có thể gây mù mắt, ảnh hưởng tim, thận, suy thận, chạy thận, tắc nghẽn các mạch máu ở chi, đoạn chi).

Vì vậy những trẻ ngáy và ngưng thở khi ngủ có nguy cơ tiền tiểu đường là yếu tố rất nguy hiểm. Như vậy tất cả các vấn đề liên quan đến tim, mạch máu cũng ảnh hưởng, do đó nếu trẻ bị ngáy và ngưng thở khi ngủ cần phải điều trị ngay, nếu nguyên nhân do amidan hay VA lớn, điều trị bằng cách nạo đi đã có thể giải quyết ngáy và ngưng thở khi ngủ ở trẻ.

Còn đối với béo phì, đây là vấn đề “cực kỳ khó”, phải đảm bảo theo kỷ luật ăn uống, vận động, khó khăn trong việc thuyết phục trẻ, chỉ có cách cha mẹ phải làm gương, thức ăn trong gia đình phải lành mạnh, hạn chế thịt đỏ, đồ béo, cha mẹ phải vận động để con noi gương.

Các vấn đề bệnh lý đi kèm ở trẻ ngưng thở khi ngủ không đơn giản chỉ ở vấn đề này hay do tai mũi họng mà nguy hiểm hơn là các bệnh lý chuyển hóa, bệnh tim mạch, tiền tiểu đường. Bên cạnh đó nếu các nhiễm trùng ở đường hô hấp trên rớt liên tục xuống dưới có thể làm trẻ bị viêm phế quản, viêm kéo dài sẽ bị chuyển qua hen suyễn, mặt tâm lý của trẻ cũng là vấn đề cần quan tâm.

4. Sau khi nạo VA cắt amidan liệu trẻ có dễ nhiễm trùng hơn hay không?

Amidan như công an đứng chặn ngay cửa đi vào của cơ thể để lọc sạch vi trùng, virus. VA cũng tương tự, mặc dù VA sẽ teo khi trẻ được 5 tuổi, nhưng những trẻ nhỏ hơn cha mẹ rất lo sợ BS khi nạo VA hoặc amidan đi thì liệu trẻ có dễ nhiễm trùng hơn hay không?

BS.CK2 Lâm Hoàng Yến - Uỷ viên BCH LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM, bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 trả lời: Amidan, VA nằm trong hệ thống phòng thủ bảo vệ đường hô hấp trên để trước khi các vi khuẩn khác xâm nhập thì chính amidan, VA sẽ tạo ra kháng thể bảo vệ, đó là vòng phòng thủ tạo hóa đã ban tặng cho cơ thể.

Việc lý tưởng nhất và tốt nhất là amidan và VA làm tốt nhiệm vụ mà không gây ra ngáy và ngưng thở khi ngủ. Tuy nhiên do bất đắc dĩ vì ngáy và ngưng thở khi ngủ gây ra nhiều hậu quả cho bé nên phải cắt bỏ amidan và VA, nhưng đó là đã cân đo mặt lợi và mặt hại của việc cắt amidan, nạo VA ở trẻ ngáy và ngưng thở khi ngủ.

Ví dụ nếu amidan và VA của trẻ không quá lớn có thể điều trị bảo tồn, còn nếu kích thước quá lớn, độ 3, độ 4, trẻ ngưng thở 10-15 lần/ đêm, nồng độ oxy lên não, trong máu giảm, khi đó bắt buộc cắt amidan và nạo VA.

Các vị phụ huynh không nên quá lo lắng, bác sĩ sẽ tư vấn vì sao nên cắt và khi VA và amidan đã được lấy đi thì đường thở sẽ được giải phóng, tuy nhiên họng sẽ không được bảo vệ nhưng trong họng sẽ có các mô lympho bù trừ lên để bé có đủ kháng thể, bảo vệ đường hô hấp và cơ thể của trẻ.

Đối với một đứa trẻ bình thường bác sĩ sẽ không khuyến khích cắt amidan, nạo VA vì đây là nơi bảo vệ cơ thể mình, chỉ khi amidan và VA làm không đúng nhiệm vụ, quá phát gây cản trở đường hô hấp hoặc viêm nhiễm quá nhiều mới phải cắt bỏ.

>>> Phần 1: Dấu hiệu trẻ ngưng thở khi ngủ thường bị bỏ qua, gây ảnh hưởng đến hành vi, phát triển thể chất, tâm thần kinh

>>> Phần 2: Có thể điều trị khỏi ngaáy và ngưng thở khi ngủ ở trẻ nếu do amidan hoặc VA quá phát

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X