Hotline 24/7
08983-08983

Dấu hiệu trẻ ngưng thở khi ngủ thường bị bỏ qua, gây ảnh hưởng đến hành vi, phát triển thể chất, tâm thần kinh

Cha mẹ dễ bỏ qua biểu hiện cảnh báo của trẻ như ngáy ngủ, tăng động khiến việc chẩn đoán và điều trị thường vào giai đoạn trễ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vấn đề này được PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, TTƯT.BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên, ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân chia sẻ sau đây.

1. Đại đa số trẻ bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn vùng hầu họng

Hội chứng ngưng thở khi ngủ thường được biết đến với tình trạng sức khỏe thường gặp ở người lớn. Trước tiên xin hỏi BS, hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em được mô tả như thế nào ạ?

TTƯT.BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên - Khoa thăm dò Chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trả lời: Hội chứng ngưng thở khi ngủ là vấn đề rối loạn giấc ngủ của trẻ, nhưng khi tình trạng trở nên nghiêm trọng sẽ gây ngưng thở khi con đang ngủ.

Giấc ngủ của trẻ vô cùng quan trọng, sự phát triển của giấc ngủ có liên kết chặt chẽ với sự phát triển của trí não, do đó có những vấn đề xảy ra trong khi ngủ như: em bé xảy ra các triệu chứng đi từ nhẹ đến nặng, mỗi trẻ sẽ có các biểu hiện khác nhau. Ví dụ như trẻ có thể ngủ ngáy, ngáy to nghe được rõ từ xa hoặc trẻ thở ồn ào, mẹ mô tả “thở như bò”, có những trẻ há miệng ra thở, vừa khịt mũi vừa ho rất khó chịu… thậm chí trẻ ngạt thở và phải thở bằng miệng.

Có những trường hợp rất đơn giản như trẻ lật như bánh phồng khi ngủ, trở người liên tục, nằm úp hoặc nằm nghiêng trẻ mới có thể thở, còn tư thế nằm ngửa khiến trẻ khó chịu, chân không yên, con không có giấc ngủ sâu ban đêm…

Tuy nhiên nếu những triệu chứng đó không được cha mẹ để ý, có những triệu chứng tưởng chừng không liên quan ví dụ như tiểu dầm, nghiến răng, buồn ngủ vào buổi sáng, ngủ ngày nhiều hơn, gật gù liên tục…

Trẻ em khác người lớn ở một điểm là không ngủ ngày nhiều mà trẻ sẽ quậy và bị người lớn cho là con bị tăng động, giảm chú ý, chạy nhảy liên tục… đó là các hành vi đi kèm với việc con bị mất ngủ vào ban đêm mà cha mẹ không để ý.

Có hai loại ngưng thở khi ngủ ở trẻ em là ngưng thở khi ngủ do trung ươngngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.

Trong đó, ngưng thở khi ngủ do trung ương là vấn đề trên não, điều khiển tất cả các hoạt động, trung ương là bộ phân trên não có nhiệm vụ kết nối với cơ hô hấp, phụ trách điều khiển tự động hít vào, thở ra. Nếu não không truyền tín hiệu gọi cơ hô hấp hoạt động thì lập tức cơ hô hấp nằm im khi trẻ đang trong giấc ngủ.

Tuy nhiên ngưng thở khi ngủ do trung ương rất ít gặp ở trẻ con, nhưng bù lại ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có tỷ lệ lên đến > 90% trường hợp ngưng thở khi ngủ, vấn đề này xảy ra do tại vùng hầu họng của trẻ bị hẹp gây ra tắc nghẽn. Tình trạng tắc nghẽn này có thể xảy ra một phần hoặc hoàn toàn. Tắc nghẽn hoàn toàn trẻ sẽ khiến ngưng thở rất lâu, hậu quả là trẻ sẽ bị thiếu oxy lên não, để lại hậu quả lâu dài về sau.

2. Đặc biệt chú ý vấn đề ngưng thở khi ngủ ở nhóm trẻ 2-6 tuổi

Theo các thống kê, tỷ lệ ngưng thở khi ngủ ở trẻ em chiếm khoảng bao nhiêu % ạ? Những trẻ nào và trong giai đoạn, độ tuổi nào ở trẻ em thì thường có nguy cơ gặp tình trạng này hơn, thưa BS?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Chủ tịch LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM trả lời: Các số liệu thống kê luôn thay đổi nhưng thống nhất chung khoảng 1-5% và ngày càng gia tăng số lượng trẻ con bị ngưng thở khi ngủ.

Về độ tuổi cần chú ý là nhóm trẻ từ 2-6 tuổi, tỷ lệ riêng của nhóm này là từ 1,8-2,4%. Lí do cần đặc biệt chú ý nhóm tuổi này vì đây là thời điểm trẻ phát triển rất nhanh về mặt thể chất, não, thần kinh và thay đổi kiểu ngủ.

Nếu chia theo chỉ số giảm thở, ngưng thở khi ngủ ³ 5 là có vấn đề; từ 5-7 tuổi sẽ khoảng 5-7%; từ 8-11 tuổi khoảng 2,5%. Do đó tỷ lệ trẻ con bị ngưng thở khi ngủ có ít nhất 1% và nhiều nhất có thể lên đến 6,4%.

3. TOP những nguyên nhân gây ngưng thở ở trẻ em cha mẹ cần lưu ý

Ở trẻ em có những nguyên nhân nào gây hiện tượng ngưng thở khi ngủ, thưa BS? Các nguyên nhân này có điểm nào khác biệt so với người lớn ạ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Nguyên nhân ngưng thở khi ngủ ở trẻ khác người lớn, trong đó nguyên nhân gây ngưng thở ở người lớn đa phần do béo phì, còn trẻ con được chia làm 2 nhóm: thứ nhất là do hệ thần kinh không ra lệnh cho hệ hô hấp làm việc, được gọi là ngưng thở khi ngủ do trung ương, tuy nhiên nguyên nhân này có tỷ lệ khá thấp.

Thứ hai, đại đa số nguyên nhân ngưng thở khi ngủ ở trẻ do ngoại biên, vùng hầu họng chiếm tỷ lệ lớn nhất lên đến khoảng 90%, trẻ khi há miệng sẽ thấy amidan lớn lên và có nhiều mức độ, tối đa là amidan hai bên trạm vào nhau gây bít đường thở. Bộ phận thứ hai không thể thấy bằng mắt thường là VA, nằm phía trên mũi sau, vấn đề này cần bác sĩ tai mũi họng soi mới có thể phát hiện.

Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như trẻ có cấu trúc bất thường về mặt, đầu, đặc biệt là những trẻ có cằm lẹm (cằm ngắn) rất dễ bị ngưng thở khi ngủ; những trẻ bị hội chứng down; bại não; trẻ có trọng lượng thấp khi sinh ra; những trẻ trong gia đình có người thân bị ngưng thở khi ngủ…

Qua đó cho thấy nguyên nhân gây ngưng thở ở trẻ rất đa dạng nhưng phần lớn là vấn đề tai mũi họng, do đó người lớn khi nhận thấy con có triệu chứng về ban đêm cần đưa con đến gặp bác sĩ tai mũi họng.

4. Triệu chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ không điển hình, dễ bỏ qua

Việc chẩn đoán hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em thường gặp phải những khó khăn nào, thưa BS? Những khó khăn trong chẩn đoán đã và đang đưa đến những thách thức nào trong việc tiếp cận và điều trị trên trẻ em ạ?

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân - Khoa thăm dò Chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Phó Chủ tịch Chi hội Ngủ ngáy và Ngưng thở khi ngủ Việt Nam trả lời: Chẩn đoán hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ là một thách thức, khác với người lớn tuổi vì các triệu chứng của hội chứng ngưng thở ở trẻ em không điển hình gây khó khăn trong chẩn đoán.

Có những trẻ chỉ có biểu hiện tăng động, trẻ có dấu hiệu tư thế ngủ bất thường, ngủ ngáy… nhiều trường hợp mẹ thấy cha ngáy nhiều nên cho rằng con ngáy cũng là điều bình thường. Vì vậy dẫn đến khó khăn bắt đầu từ gia đình không nhận ra con có nguy cơ ngưng thở khi ngủ, các triệu chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ để dẫn đi khám.

Bác sĩ từng gặp nhiều trường hợp đến năm 18 tuổi VA vẫn còn, amidan có kích thước lớn và đã chịu đựng tình trạng này suốt quá trình phát triển, cha mẹ không biết đó là triệu chứng ngưng thở khi ngủ, con buồn ngủ liên tục kể cả khi đi học, quậy phá trên trường lớp, thầy cô luôn cho rằng bé quậy phá tuy nhiên sự thật là trẻ bị ngưng thở khi ngủ nhưng không phát hiện cho đến năm 17-18 tuổi đã quá trễ.

Những khó khăn liên quan đến vấn đề ngưng thở khi ngủ ở trẻ bao gồm:

Thứ nhất, khó khăn đầu tiên là cha mẹ chưa nhận biết được triệu chứng hoặc nghi ngờ vấn đề ngưng thở khi ngủ ở trẻ.

Thứ hai, khi đưa trẻ đi khám nếu có nghi ngờ ngưng thở khi ngủ nên đưa con đến các bệnh viện, phòng khám có kinh nghiệm điều trị ngưng thở khi ngủ đặc biệt là ngưng thở khi ngủ ở trẻ. Còn nếu đi khám thông thường có thể bác sĩ chưa có kinh nghiệm điều trị vấn đề này, dễ dàng bỏ qua các triệu chứng của trẻ.

Thứ ba, khi chẩn đoán ngưng thở khi ngủ thường trẻ khó hợp tác trong việc đo, kiểm tra giấc ngủ dẫn tới kết quả không chính xác hoặc bé sợ không thể tiến hành đo.

5. Hậu quả nguy hiểm nếu trẻ không được phát hiện và điều trị ngưng thở khi ngủ

Hội chứng ngưng thở khi ngủ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm như thế nào với trẻ, thưa BS?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Hội chứng ngưng thở khi ngủ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm, bởi vì đối với người lớn ban đêm sẽ ngáy, ngưng thở khi ngủ và một biểu hiện rõ ràng là buồn ngủ ban ngày, đỉnh điểm vào khoảng 10 giờ sáng.

Thực tế nhiều bệnh nhân là người lớn than phiền với bác sĩ khi đi đoạn đường từ Sài Gòn xuống Bình Dương phải ngừng đến 4 lần vào quán cà phê chợp mắt sau đó mới tiếp tục hành trình. Các biểu hiện này khi bệnh nhân nói với bác sĩ đã có thể nghi ngờ hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Tuy nhiên đối với trẻ con các triệu chứng trên không rõ bằng người lớn, nhưng ở trẻ sẽ thay đổi về các biểu hiện hành vi. Những trẻ có hội chứng ngưng thở khi ngủ thường bị thầy cô than phiền do tăng động, giảm chú ý, cha mẹ than phiền con học kém. Đó là vấn đề nguy hiểm vì nếu chẩn đoán con tăng động, giảm chú ý sẽ chuyển trẻ qua bác sĩ tâm thần kinh và uống thuốc điều trị vấn đề này.

Thực tế đã có rất nhiều bệnh nhân rơi vào trường hợp này khiến bác sĩ lo lắng, khuyến cáo các bậc cha mẹ nếu thấy con có dấu hiệu trong giấc ngủ, ngủ không yên, ngáy khi ngủ cho thấy đường thở của con bị tắc nghẽn phải há miệng mới thở được, trẻ ngủ không yên, con lăn qua, lăn lại, chồm người dậy, chổng mông lên… là các dấu hiệu cha mẹ phải chú ý ngay. 90% nguyên nhân ngưng thở khi ngủ nằm ở đường hầu họng do đó phải cho con đến gặp bác sĩ tai mũi họng. 

Ngoài ra, còn biểu hiện là con chậm lên cân do ngủ không yên khiến con không thể phát triển, trẻ đổ mồ hôi ban đêm phải chú ý vấn đề ngưng thở khi ngủ, trẻ bị tiểu dầm, hoặc nằm thấy ác mộng, mệt mỏi vào buổi sáng khiến con khó tập trung khi học tập.

Khi hầu họng của con bị tắc nghẽn, đặc biệt do VA làm cho tai giữa của trẻ không thông khí tốt gây nhiễm trùng tai giữa, nghe kém, chậm nói… đây là những hậu quả rất nghiêm trọng của ngưng thở khi ngủ. Hay những trẻ có các triệu chứng giống viêm xoang mạn tính, viêm tai giữa mạn tính…

Tóm lại hậu quả của việc một đứa trẻ bị ngưng thở khi ngủ không được chẩn đoán và điều trị sẽ ảnh hưởng về hành vi, phát triển thể chất, tâm thần kinh, việc học và gây nhiễm trùng khắp vùng tai mũi họng.

Vì vậy cha mẹ cần cảnh giác, nếu con ngáy, ngủ lăn lộn phải đến gặp bác sĩ tai mũi họng, bác sĩ hô hấp có kinh nghiệm điều trị ngưng thở khi ngủ để được chẩn đoán và điều trị.

6. Dấu hiệu cảnh báo ngưng thở khi ngủ ở trẻ em

Vậy, đâu là những triệu chứng cảnh báo hội chứng ngưng thở khi ngủ, thưa BS? Ngáy và hội chứng ngưng thở ở trẻ em có mối liên quan như thế nào ạ?

- Theo BS đánh giá, những triệu chứng nào báo hiệu hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em mà phụ huynh hay bỏ sót nhất ạ?

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân trả lời: Đối với trẻ em, triệu chứng ngưng thở khi ngủ khá mơ hồ, ngay cả ở Mỹ - một quốc gia phát triển, độ tuổi trung bình có thể chẩn đoán trẻ em bị ngưng thở khi ngủ là 7-8 tuổi, điều đó cho thấy một đứa trẻ có thể bị ngưng thở khi ngủ từ năm 2-3 tuổi nhưng đến 7-8 tuổi mới được chẩn đoán.

Có nhiều lí do trẻ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ từ sớm nhưng phải đến 7-8 tuổi mới có thể chẩn đoán như triệu chứng mơ hồ, triệu chứng không đặc hiệu, chưa biết các triệu chứng của hội chứng này.

Tóm lại, các triệu chứng biểu hiện cho chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ bao gồm: trẻ bị ngáy từ 3 đêm/ tuần, đó là triệu chứng bất thường mà cha mẹ cần lưu ý và nên đi khám; trẻ ngủ ban đêm bị trằn trọc, thay đổi tư thể ngủ liên tục; ban ngày trẻ có thể ngủ ở mọi nơi, tình trạng học hành sa sút; giảm cân; một số trẻ ăn nhiều hơn gây ra béo phì và khiến tình trạng ngưng thở khi ngủ nặng hơn. Một số trẻ đứng ngồi không yên, tăng động, cha mẹ không cấp nhận được vấn đề này…

Đó là các triệu chứng cha mẹ nên nghi ngờ và đưa trẻ đi khám để các bác sĩ xem trẻ có bị ngưng thở khi ngủ hay không. Mối liên quan giữa ngáy và ngưng thở khi ngủ là nếu trong lúc ngủ, đường thở của trẻ được mở rộng sẽ dễ thở và không phát ra tiếng ngáy, nhưng một trẻ ngáy trong lúc ngủ nghĩa là đường thở của trẻ bị hẹp.

Nếu tình trạng đường thở của trẻ hẹp nặng hơn sẽ dẫn đến không khí vào ra bị hạn chế, khi đó tạo ra hiện tượng ngưng thở khi ngủ. Qua đó cho thấy ngưng thở khi ngủ là tình trạng đường thở bị hẹp nặng hơn so với khi ngáy, tuy nhiên người bình thường không thể nhìn một trẻ đang thở để chẩn đoán mà phải xem qua các dấu hiệu gián tiếp cảnh báo là biểu hiện ngáy nhiều, ngáy to.

Ngoài ra, một dấu hiệu đặc hiệu của ngưng thở khi ngủ ở trẻ là bé bị ngưng thở, vấn đề này ít gặp ở trẻ em mà chủ yếu thường thấy ở người lớn.

>>> Phần 2: Có thể điều trị khỏi ngaáy và ngưng thở khi ngủ ở trẻ nếu do amidan hoặc VA quá phát

>>> Phần 3: Trẻ có thể bị tăng huyết áp, tiền tiểu đường nếu không điều trị sớm ngáy và ngưng thở khi ngủ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X