Hotline 24/7
08983-08983

Có thể điều trị khỏi ngáy và ngưng thở khi ngủ ở trẻ nếu do amidan hoặc VA quá phát

Vấn đề ngáy và ngưng thở khi ngủ ở trẻ phần lớn nguyên nhân do amidan hoặc VA quá phát, khi đó chỉ cần cắt, nạo amidan hay VA sẽ giải quyết được vấn đề, trẻ có thể khỏi hoàn toàn hội chứng này. Đó là chia sẻ của 2 vị chuyên gia ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân và BS.CK2 Lâm Hoàng Yến.

1. Những cận lâm sàng được chỉ định cho trẻ có nghi ngờ ngưng thở khi ngủ

Để chẩn đoán hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em, cần thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng nào, thưa BS? Những điều lưu ý khi cho trẻ thăm khám, làm các cận lâm sàng này là gì ạ?

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân - Khoa thăm dò Chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Phó Chủ tịch Chi hội Ngủ ngáy và Ngưng thở khi ngủ Việt Nam trả lời: Khi bé có các dấu hiệu nghi ngờ bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám cho trẻ, các vấn đề bác sĩ kiểm tra như amidan, tình trạng thừa cân của trẻ, hỏi bệnh sử như trẻ có bị tăng động hay không…

Thông thường các bé sẽ được cho nội soi mũi và họng. Amidan hay VA to là một vấn đề khá phổ biến, giống như “lô cốt” chặn ngay con đường đi vào và đi ra của không khí khiến bé bị ngưng thở khi ngủ, do đó trẻ cần được nội soi. Mặc dù nội soi khiến trẻ lo lắng, khó chịu và quấy khóc nhưng đây là vấn đề trẻ cần phải đối mặt.

Một vấn đề quan trọng trong chẩn đoán ngưng thở khi ngủ là con phải được đo đa ký giấc ngủ, bé phải ngủ trong bệnh viện, việc này có thể thực hiện ngay ngày đi khám hoặc về nhà chuẩn bị 2-3 ngày và quay lại theo lịch hẹn. Bác sĩ sẽ đưa thiết bị vào để theo dõi bé ngủ như thế nào, bé ngủ sâu hay không, khi ngủ bé có bị thiếu oxy hay không…

Thực tế nhiều cha mẹ ở tỉnh xa dẫn con đi khám không hẹn trước nên không chuẩn bị kịp phòng đo trong ngày, vì vậy cha mẹ phải chuẩn bị tâm thế đi khám sau đó vài ngày hoặc khoảng 2 tuần sau khi đã được sắp xếp, cha mẹ đưa con quay trở lại theo lịch để đo cho phù hợp.

Nhiều bậc cha mẹ cho rằng đi khám không cần đi qua đêm nhưng riêng vấn đề ngày cần phải thăm khám qua đêm, do đây là hội chứng ngưng thở khi ngủ chỉ xuất hiện lúc ngủ, vì vậy đo đa ký sẽ thực hiện khi bé đang ngủ.

Đã có trường hợp phụ huynh nói bác sĩ chỉ cần đo 15 phút để cho con về, nhưng việc đó sẽ không có kết quả và bác sĩ không biết được trẻ có bị ngưng thở khi ngủ hay không.

Đó là những vấn đề cha mẹ cần biết trước để sắp xếp khi đưa một bé có nghi ngờ hội chứng ngưng thở khi ngủ đi thăm khám và có các chỉ định cận lâm sàng phù hợp.

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân - Khoa thăm dò Chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Phó Chủ tịch Chi hội Ngủ ngáy và Ngưng thở khi ngủ Việt Nam

2. 90-95% trẻ được điều trị khỏi ngưng thở khi ngủ nếu nguyên nhân là amidan hay VA

Hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em sẽ được điều trị như thế nào, thưa BS? Nhiều phụ huynh có băn khoăn rằng, hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em có thể điều trị khỏi hoàn toàn?

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân trả lời: Việc điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em tương tự người lớn.

Thứ nhất là phẫu thuật, trong đó có các phẫu thuật can thiệp như cắt, nạo amidan, VA.

Thứ hai, đối với bé quá cân cần gặp bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn và thay đổi chế độ ăn phù hợp giúp bé để đạt cân nặng lý tưởng.

Tuy nhiên các phương pháp này không áp dụng cho tất cả các trẻ có nghi ngờ ngưng thở khi ngủ. Trong trường hợp những trẻ không áp dụng được 2 phương pháp trên, bé sẽ phải sử dụng đến máy thở có tác dụng tạo áp lực giữ đường thở của bé không bị đóng lại khi ngủ, chữa được tình trạng ngưng thở khi ngủ.

Ngưng thở khi ngủ ở trẻ liệu có điều trị khỏi được không là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Nếu trẻ chỉ mắc các vấn đề liên quan đến tai mũi họng như amidan hay VA to, sau khi mổ sẽ có 90-95% giải quyết được ngưng thở khi ngủ ở trẻ mà không cần làm thêm các phương pháp khác.

Một tin vui là amidan hay VA to đã chiếm đến 80-90% tỷ lệ trẻ bị ngưng thở khi ngủ, do đó cha mẹ không nên lo lắng, có thể con mình nằm trong 80-90% trẻ đó và nếu được đi khám, điều trị khỏi sẽ không tái lại ngưng thở khi ngủ.

Có những trường hợp mắc bệnh lý bẩm sinh, bị down hoặc các vấn đề bất thường, cấu trúc sọ mặt… là các vấn đề không thể sửa chữa, trẻ phải dùng máy thở lâu dài, có thể dùng suốt đời nhưng cũng có thể dùng đến khi sửa chữa được bất thường.

Ví dụ cằm lẹm, sọ mặt hay cằm bị tuột nhiều, đến năm 18 tuổi có thể thực hiện phẫu thuật điều chỉnh lại, khi đó nếu hết tình trạng ngưng thở khi ngủ bệnh nhân có thể ngưng sử dụng máy thở.

3. Nên chỉ định cắt amidan và VA để giải quyết ngưng thở khi ngủ cho trẻ

Amidan và VAphì đại là những nguyên nhân thường gặp gây hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em. Việc điều trị cho trẻ ở những nguyên nhân này có gì khác biệt so với những trẻ khác?

BS.CK2 Lâm Hoàng Yến - Uỷ viên BCH LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM, bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 trả lời: Khi trẻ bị ngáy và ngưng thở khi ngủ mà nguyên nhân do amidan hoặc VA lớn (phì đại, quá phát), đây là nguyên nhân thường gặp và có thể giải quyết.

Có thể nói “trong cái rủi có cái may”, nếu amidan hoặc VA là thể tích lớn làm đường thở hẹp lại, khi cắt bỏ sẽ giải quyết được chỗ hẹp, đường thở thông thoáng và giải quyết vấn đề ngưng thở khi ngủ cho trẻ. Việc này là tín hiệu vui cho các bậc cha mẹ vì có thể giải quyết gần như triệt để tình trạng của bé.

-Trong tình huống này có bắt buộc phải cắt amidan, nạo VA? Kết quả của việc phẫu thuật sẽ giúp cải thiện các triệu chứng, tình trạng ngưng thở khi ngủ như thế nào, thưa BS?

BS.CK2 Lâm Hoàng Yến trả lời: Khi biết trẻ có ngáy và ngưng thở khi ngủ mà nguyên nhân là là amidan và VA đã quá phát, chẹn đường thở, chỉ định cắt amidan và VA phải đặt ra và nên thuyết phục các bậc cha mẹ để giải phóng đường thở, khi đó mới có thể giải quyết hội chứng ngưng thở khi ngủ cho trẻ.

- Vậy, sau khi cắt amidan, nạo VA, phụ huynh đã có thể yên tâm về những rủi ro của hội chứng ngưng thở khi ngủ chưa ạ?

BS.CK2 Lâm Hoàng Yến trả lời: Đa số trường hợp có đến 95-98% cha mẹ có thể yên tâm nguyên nhân đã được giải quyết, bé sẽ không còn tình trạng ngáy và ngưng thở khi ngủ, trừ trường hợp con có mắc các bệnh kèm theo.

Ví dụ như trẻ có viêm mũi dị ứng, kháng nguyên tiếp xúc với niêm mạc mũi khiến niêm mạc phù nề có thể khiến trẻ nghẹt mũi, gây ra ngáy và ngưng thở khi ngủ. Tuy nhiên, những bệnh lý này có thể điều trị bằng phương pháp nội khoa.

Đối với các vấn đề dị thường bẩm sinh trong sọ mặt hoặc trẻ bị vẹo vách ngăn… các trường hợp này chiếm tỷ lệ rất thấp, có thể theo dõi. Ví dụ với vấn đề sọ mặt, đến 20 tuổi cơ thể phát triển hoàn thiện, tự thích nghi, hài hòa, tình trạng ngáy không còn nữa. 

4. Những lưu ý khi trẻ cắt amidan, nạo VA cha mẹ không nên bỏ qua

Quy trình cắt amidan, nạo VA như thế nào? Sau như phẫu thuật có cần kiêng cữ gì không?

BS.CK2 Lâm Hoàng Yến trả lời: Quy trình cắt amidan, nạo VA có thể chia làm 3 giai đoạn.

Thứ nhất là giai đoạn tiền phẫu, bé được thăm khám lâm sàng và hỏi bệnh sử một cách cẩn thận để phát hiện amidan của trẻ quá phát độ mấy, nếu độ 3-4 sẽ rất to làm cản trở đường thở.

Còn khi đánh giá VA với các phương tiện hiện nay có thể nội soi mũi cho trẻ để biết được VA che lấp đường mũi sau thế nào. Đồng thời bác sĩ cần hỏi ra các bệnh lý đi kèm như viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang cấp, viêm tai giữa… để điều trị các tình trạng này ổn định khi đó mới phẫu thuật thành công.

Bên cạnh đó có các bệnh lý kèm theo như hen suyễn, bác sĩ cần thực hiện khám tiền phẫu.

Thứ hai, giai đoạn tư vấn cho bé và gia đình. Đầu tiên cần tư vấn cho cha mẹ biết tại sao phải giải quyết các vấn đề đó để mang lại hiệu quả cho trẻ. Ngoài ra bác sĩ cần nói chuyện thêm với trẻ, ví dụ như một trường hợp thực tế, bác sĩ đã giải thích với trẻ là: “Đường thở của con đang trong tình trạng đó, con đã học giỏi rồi, nếu lấy được amidan quá phát ra con sẽ học giỏi hơn nữa vì oxy của con có đầy đủ”.

Trường hợp này trẻ rất thông minh, con hỏi lại bác sĩ là “mũi con nhỏ như vậy làm sao lấy được cục VA ra?”. Bác sĩ giải thích cho bé do trước đây không thấy được VA, nạo theo kỹ thuật làm mò, còn bây giờ nhờ vào các kỹ thuật nội soi, đặt ống vào mũi và nạo chính xác. Nhờ đó khi phẫu thuật bé rất vui vẻ, không sợ hãi và tâm lý thoải mái.

Qua đó cho thấy việc tư vấn trước mổ đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Ở giai đoạn tiền phẫu, bác sĩ phải tiến hành xét nghiệm tiền phẫu để kiểm tra trẻ có tình trạng nhiễm trùng hay không. Ví dụ bạch cầu cao thì trẻ đang bị nhiễm trùng, khi đó không được chỉ định phẫu thuật, các chức năng đông máu, chức năng gan thận phải được kiểm tra để đảm bảo cuộc mổ an toàn tối đa.

Thứ ba, ngày đầu tiên khi chuẩn bị mổ, trẻ nên nhịn ăn và vào bệnh viện thử máu, khi các kết quả bình thường trẻ sẽ được các bác sĩ gây mê khám và chuẩn bị tiền mê cho bé, sau đó bé được tiến hành phẫu thuật.

Bé được gây mê nội khí quản để đảm bảo đường thở an toàn, khi đó mới thực hiện phẫu thuật, nạo VA dưới nội soi.

Đối với cắt amidan 2 phương pháp: phương pháp kinh điển, trước đây phương pháp này được áp dụng để bóc tách, sau này có những phương pháp dùng dao đốt điện như dao đốt điện cao tần (coblator) hoặc dao plasma, các kỹ thuật này giúp cuộc mổ nhanh chóng, ít mất máu.

Tuy nhiên cần cẩn thận cầm máu thật kỹ trong hố mổ cho trẻ để đảm bảo tai biến xảy ra ít nhất. Thường gặp nhất là trẻ chảy máu sau phẫu thuật, do đó việc tiến hành kỹ thuật phải an toàn và cầm máu cho bé tốt nhất.

Sau phẫu thuật, vấn đề quan trọng nhất là hố mổ amidan hay VA của trẻ, còn các biến chứng như mất tiếng thì đó là điều không xảy ra vì bác sĩ không can thiệp vào dây thanh. Sau phẫu thuật trẻ chỉ cần theo dõi trong 24 tiếng và tốt nhất là được theo dõi tại bệnh viện để nếu trường hợp chảy máu xảy ra có thể xử lý kịp thời.

Nhưng hiện tại các cuộc mổ luôn được bác sĩ làm rất cẩn thận, đa số cơ sở y tế khi mổ xong đến chiều bệnh nhân có thể ra về. Tuy nhiên bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên để trẻ tại bệnh viện một đêm để nếu xảy ra chuyên bất trắc có thể xử lý kịp thời.

Chế độ ăn uống sau mổ khá đơn giản, ngày hôm sau bé có thể nói chuyện bình thường, không bắt buộc “cấm khẩu” trong 7 ngày, tuy nhiên cần chú ý bé nên tránh la hét. Những ngày đầu sau mổ bé nên tránh ăn đồ cứng, nóng, cay vì bé còn đang đau.

Ngày đầu có thể cho bé uống sữa lạnh, ăn sữa chua, ngày sau mổ có thể cho trẻ ăn súp, sau 3 ngày bé được ăn cháo xay, súp, sau 5 ngày ăn cháo đặc và sau 7 ngày là ăn cơm bình thường.

BS.CK2 Lâm Hoàng Yến - Uỷ viên BCH LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM, bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115

5. Ngáy có thể là biểu hiện của amidan, VA quá phát ở trẻ

Trên trẻ có amidan, VA to thì khả năng mắc ngưng thở khi ngủ như thế nào? Các dấu hiệu nào cần nhận biết?

BS.CK2 Lâm Hoàng Yến trả lời: Khi các bé có amidan quá phát, đặc biệt là độ 3, độ 4, amidan đã che gần hết eo họng, khi há miệng ra có thể thấy amidan gần như chạm vào nhau, không thấy được thành sau họng, những trường hợp đó đã gây ngáy và ngưng thở khi ngủ ở trẻ. Trong trường hợp này, chính cha mẹ là người phải phát hiện triệu chứng của con.

Thực tế có những phụ huynh đưa con đến khám, quay video cho bác sĩ xem về tình trạng ngáy của con, bên cạnh đó trẻ còn có các triệu chứng lật người liên tục, hay nằm sấp… đó là những ghi nhận rằng bệnh nhân có ngáy và đa số sẽ xuất hiện ngưng thở khi ngủ. Lúc này, bác sĩ hỏi thêm bệnh sử, các triệu chứng như lăn lộn khi ngủ, trẻ tăng động… và cần lưu tâm đến vấn đề amidan, VA to, vì 90% trẻ bị ngưng thở khi ngủ có nguyên nhân này, đây là vấn đề có thể giải quyết cho bé thông thoáng đường thở trên.

>>> Phần 1: Dấu hiệu trẻ ngưng thở khi ngủ thường bị bỏ qua, gây ảnh hưởng đến hành vi, phát triển thể chất, tâm thần kinh

>>> Phần 3: Trẻ có thể bị tăng huyết áp, tiền tiểu đường nếu không điều trị sớm ngáy và ngưng thở khi ngủ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X