Cẩm nang điều trị và phòng ngừa dị ứng mạt bụi nhà
Trong bối cảnh tỷ lệ dị ứng ngày càng gia tăng, TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú, Trung tâm Y Sinh học Phân tử, Trường Đại học Y Dược TPHCM chỉ ra rằng mạt bụi nhà là một tác nhân không thể xem nhẹ. Do đó, việc hỗ trợ phòng ngừa dị ứng mạt bụi nhà cho bệnh nhân dị ứng rất quan trọng bên cạnh việc dùng thuốc và kiểm soát bệnh.
1. Mạt bụi nhà là dị nguyên trong nhà hàng đầu gây triệu chứng dị ứng
Trong chương trình Hội nghị của Liên chi hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM, BS có bài báo cáo với chủ đề “Dị ứng mạt bụi nhà” với nhiều thông tin thú vị và được nhiều BS quan tâm. Xin phép nhờ BS chia sẻ vài thông tin thú vị đó ạ!
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời đại mà tỷ lệ dị ứng ngày càng cao, đặc biệt là các bệnh lý đường hô hấp. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này như sống trong môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với khói bụi, nguồn dị nguyên nhiều hơn. Ngay bên trong nhà chúng ta cũng có tồn tại dị nguyên, gọi tắt là dị nguyên trong nhà, là một tác nhân quan trọng khiến bệnh dị ứng không thể dứt điểm.
Điển hình là viêm mũi dị ứng, hen suyễn. Khi người bệnh sinh hoạt ngoài trời thì không sao nhưng khi về nhà, đặc biệt khi tiếp xúc với chăn gối trước khi ngủ thì lại có triệu chứng. Nguyên nhân do những dị nguyên trong nhà, đứng đầu là con mạt nụi nhà - vi sinh vật rất nhỏ không thể nhìn thấy bằng mắt thường tồn tại trong chăn, vỏ gối, những nơi ít khi quét bụi. Bên cạnh đó còn có dị nguyên về gián, lông thú như lông chó, lông mèo nuôi trong nhà. Đó là những dị nguyên làm tình trạng dị ứng không thể kiểm soát được. Do đó, việc hỗ trợ phòng ngừa dị ứng mạt bụi nhà cho bệnh nhân dị ứng rất quan trọng bên cạnh việc dùng thuốc và kiểm soát bệnh.
2. Người có làn da tổn thương hay quá khô là điều kiện lý tưởng để mạt bụi nhà xâm nhập
Thưa BS, nguyên nhân nào gây nên tình trạng dị ứng mạt bụi nhà ạ? Có phải ở nông thôn dễ bị dị ứng mạt bụi nhà hơn không ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Thứ nhất, chúng ta sẽ nói đến sự mẫn cảm từ khi còn nhỏ. Bản thân trẻ em từ khi sinh ra đa phần không bị dị ứng, nhưng dần dần theo thời gian, triệu chứng dị ứng phát triển. Một số trẻ có triệu chứng dị ứng rất sớm nhưng cũng có một số trẻ tới khi đi học, khi trưởng thành mới có triệu chứng. Nguyên nhân do sự tiếp xúc với mạt bụi nhà thông qua làn da. Làn da bình thường là một lớp nguyên vẹn, có những liên kết, tế bào biểu mô chống lại sự xâm nhập của mạt bụi nhà. Tuy nhiên, khi da bị tổn thương như có vết thương, da quá khô thì những liên kết đó không còn chặt chẽ và tạo thành kẽ hở. Từ đó những con mạt bụi nhà dễ dàng xâm nhập. Khi mạt bụi nhà tiếp xúc nhiều với cơ thể sẽ gây rối loạn miễn dịch, đó là nguyên nhân hình thành dị ứng.
Chúng ta thường bị mẫn cảm với mạt bụi nhà vì nó quá phổ biến. Mạt bụi nhà thích môi trường ẩm thấp, nhiệt độ ấm áp như môi trường Việt Nam, đó là điều kiện lý tưởng cho mạt bụi nhà. Bên cạnh đó, chúng ta có xu hướng sử dụng nhiều gối, tiếp xúc với vải nhiều hơn. Nếu không dọn dẹp thường xuyên thì đó là nơi để mạt bụi nhà bám lên.
Mạt bụi nhà có xuất hiện ở nông thôn nhiều hơn không còn tùy vào thói quen sinh hoạt của từng nhà. Theo một nghiên cứu đo nồng độ mạt bụi nhà trong đồ dùng, những nguồn có nhiều mạt bụi nhà nhất là vỏ chăn, vỏ gối, ga giường, vỏ ghế salon, tấm thảm lau chân, gối của trẻ, đồ chơi mềm... Trẻ em thường thích gối ghiền, thú bông ghiền, đôi khi cha mẹ đem giặt trẻ không cho. Do đó, nếu để lâu trong thời gian dài thì đó là nơi lý tưởng cho mạt bụi nhà sinh sống, phát triển. Vì vậy, nơi nào có nguồn mạt bụi nhà nhiều thì nơi đó xảy ra triệu chứng dị ứng nhiều hơn, không hẳn liên quan đến nông thôn hay thành thị.
3. Người bị dị ứng mạt bụi nhà có những triệu chứng gì?
Thưa BS, những triệu chứng nào giúp người bệnh nhận biết mình bị dị ứng mạt bụi nhà ạ? Và những dấu hiệu này có dễ gây nhầm lẫn với các dị ứng khác không ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Mạt bụi nhà là nguồn gây dị ứng nên biểu hiện đa phần giống các bệnh lý dị ứng khác. Tuy nhiên, dị ứng mạt bụi nhà có một số đặc điểm như biểu hiện ở bệnh nhân có triệu chứng đường hô hấp như hen suyễn, viêm mũi dị ứng. Nếu người dị ứng đi vào những nơi ít dọn dẹp sẽ có xu hướng hắt hơi, chảy nước mũi nhiều hơn. Đó là biểu hiện thường gặp ở người dị ứng mạt bụi nhà.
Bên cạnh đó, mạt bụi nhà có liên quan đến những người viêm da cơ địa nặng. Người viêm da cơ địa có làn da tổn thương, da khô, giống trẻ em bị chàm da viêm đỏ khiến mạt bụi nhà xâm nhập, gây dị ứng nhiều hơn, làm viêm da cơ địa nặng hơn.
Ngoài ra, mạt bụi nhà vô tình gây triệu chứng phản ứng chéo với thức ăn. Người ta phát hiện hội chứng Pancake, đó là những con mạt kho, chúng không sống trong bụi mà sống trong bột để lâu ngày bị nấm mốc. Những gia đình sử dụng bột làm bánh mà để lâu ngày thì mạt sẽ sống trong đó. Khi chúng ta làm bánh cho trẻ ăn sẽ xảy ra một số triệu chứng như mề đay, ngứa ngáy, hắt hơi, ho...
4. Dị ứng mạt bụi nhà được chẩn đoán bằng cách test lẩy da và xét nghiệm máu
Thưa BS, dị ứng mạt bụi nhà được chẩn đoán thế nào ạ? Sau khi khởi phát dị ứng có còn phát hiện được không ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Để chẩn đoán dị ứng mạt bụi nhà, trước tiên cần dựa vào bệnh sử. Đó là những bệnh sử điển hình như triệu chứng viêm mũi dị ứng, triệu chứng ngoài da của viêm da cơ địa... Sau đó sẽ thực hiện 2 xét nghiệm chính.
Đầu tiên là test lẩy da, chúng ta sẽ cho dị nguyên mạt bụi nhà lên tay, thường là mặt trong cẳng tay, đối với trẻ quá nhỏ có thể dùng vùng da trên lưng. Sau đó nhỏ dị nguyên mạt bụi nhà lên, dùng kim lẩy nhẹ qua lớp trên của da. Nếu làn da nổi lớp sẩn phù, thì bệnh nhân bị dị ứng mạt bụi nhà.
Một cách khác là xét nghiệm máu. Xét nghiệm này sẽ tầm soát kháng thể IgE đặc hiệu với mạt bụi nhà. Đó là dấu hiệu gián tiếp của mạt bụi nhà.
5. Giải mẫn cảm là phương pháp điều trị dị ứng mạt bụi nhà dứt điểm và hiệu quả nhất
Thưa BS, hiện nay có những phương pháp nào để điều trị dị ứng mạt bụi nhà ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Hiện nay có nhiều cách điều trị mạt bụi nhà, chúng ta tạm chia thành 2 nhóm lớn: điều trị dứt điểm và điều trị hỗ trợ kèm theo. Mạt bụi nhà là một trong những nguyên nhân gây bệnh lý dị ứng, do đó đầu tiên phải điều trị triệu chứng trước. Khi giảm mạt bụi nhà, giúp triệu chứng được kiểm soát tốt hơn.
Điều trị dứt điểm mạt bụi nhà là giúp hệ miễn dịch của người bệnh thay đổi. Chúng ta sẽ dùng phương pháp giải mẫn cảm với dị nguyên mạt bụi nhà, giúp hệ miễn dịch thay đổi. Điều này giúp hệ miễn dịch không còn nhận diện mạt bụi nhà là dị nguyên bất thường.
Phương pháp giải mẫn cảm hiện nay có 2 đường được ưa chuộng nhất là dùng đường dưới lưỡi hoặc đường chích dưới da. Bác sĩ sẽ tổng hợp thành phần protein chính của mạt bụi nhà, sau đó đưa dần vào cơ thể với lượng rất nhỏ và tăng dần liều lượng theo thời gian. Như vậy chúng ta sẽ huấn luyện cho hệ miễn dịch nhận diện, dần dần tự điều hòa, biết mạt bụi nhà không còn là mối đe dọa với cơ thể. Sau khi áp dụng giải mẫn cảm, người bệnh sẽ không còn triệu chứng khi tiếp xúc mới mạt bụi nhà ngoài môi trường. Đây là phương pháp điều trị dứt điểm nhất hiện nay và hiệu quả. Tuy nhiên, phương pháp này có chi phí khá cao, thời gian điều trị lâu dài, từ 3-5 năm tùy từng người. Ngoài ra, trong quá trình điều trị sẽ có một số tác dụng phụ nên phải được theo sát bởi chuyên gia y tế.
Bên cạnh đó, nguyên tắc chung là nếu người bệnh không tiếp xúc với mạt bụi nhà thì sẽ không có triệu chứng. Vì vậy chúng ta sẽ dùng biện pháp hỗ trợ tránh tiếp xúc, giảm nồng độ mạt bụi nhà bằng cách dùng nhiệt độ. Mạt bụi nhà không thích nhiệt độ trên 55 độ, và cũng không sống được trong môi trường lạnh dưới -12 độ. Vì vậy nên:
- Thường xuyên giặt giũ vật dụng có mạt bụi nhà như vỏ chăn, vỏ gối bằng nước ấm (trên 55 độ càng tốt) và phơi nắng.
- Khi lựa chọn vật dụng trong nhà, nên lựa chọn đồ các chất liệu dễ giặt giũ, nên tránh chất liệu bằng lông vì sẽ khó dọn dẹp hơn.
- Đối với đồ chơi của trẻ không thể giặt giũ, chúng ta có thể cho vào ngăn đá tủ lạnh ít nhất trong 2 ngày, có thể làm xen kẽ 2-3 lần/tuần giúp ngăn chặn mạt bụi nhà sinh sống và phát triển.
- Duy trì độ ẩm, tuy nhiên ở Việt Nam rất khó áp dụng.
- Dùng máy hút bụi đặc biệt chống mạt bụi nhà có kết hợp hơi nước. Khi hút bụi thường xuyên lên vỏ chăn, vỏ gối cũng làm giảm đáng kể nồng độ mạt nhà.
- Ngoài ra, ở các nước phương tây hay các nước châu Á như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc có tỷ lệ dị ứng khá cao nên họ đã sản xuất những vật chuyên dụng chống lại mạt bụi nhà. Những vật dụng đó cũng chỉ là vỏ chăn, vỏ gối, vỏ bọc sofa nhưng liên kết sợi vải rất chặt, mạt bụi nhà không thể chui qua hay sống trên bề mặt đó. Chúng ta có thể sử dụng những dụng cụ chuyên dụng đó cũng giảm đáng kể nguy cơ tiếp xúc với mạt bụi nhà.
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú – Trung tâm Y Sinh học Phân tử, Trường Đại học Y Dược TPHCM
6. Người dị ứng mạt bụi nhà có thể gặp những biến chứng nào?
Thưa BS, người dị ứng mạt bụi nhà có thể gặp những biến chứng nào và có nguy hại về sau không ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Biến chứng nặng nhất của mạt bụi nhà là các biểu hiện của triệu chứng dị ứng. Đối với người hen suyễn nguy hiểm nhất là triệu chứng của đợt cấp. Hiện nay, việc dùng corticoid dạng xịt cũng rất hiệu quả nhưng chúng ta có thể áp dụng phương pháp giải mẫn cảm để phòng ngừa mạt bụi nhà. Như vậy bệnh nhân sẽ tăng khả năng cải thiện triệu chứng, tránh được đợt cấp hen suyễn. Tổ chức GINA - một tổ chức toàn cầu lớn về hen suyễn đã khuyến cáo tầm soát dị ứng mạt bụi nhà cho bệnh nhân hen suyễn, chủ động áp dụng phương pháp giải mẫn cảm kết hợp thuốc corticoid dạng xịt để làm tăng hiệu quả điều trị.
Bên cạnh đó, viêm mũi dị ứng sẽ gây triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Việc điều trị giải mẫn cảm sớm sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống tốt hơn. Viêm mũi dị ứng lâu ngày có thể gây biến dạng cấu trúc sụn mũi, khi hắt hơi nhiều có xu hướng há miệng gây ảnh hưởng đến cấu trúc xương hàm... Tuy nhiên chúng ta có thể chủ động điều trị dị ứng mạt bụi nhà sớm hơn để làm giảm tác dụng phụ về sau và cải thiện về chất lượng sống.
Đối với trẻ viêm da cơ địa, nếu không kiểm soát, phục hồi làn da thì không chỉ mạt bụi nhà mà dị nguyên thức ăn, hay dị nguyên khác cũng xâm nhập nhiều, khiến trẻ dị ứng với nhiều thứ. Bên cạnh điều trị làn da thì việc hỗ trợ tránh tiếp xúc mạt bụi nhà cũng góp phần làm giảm triệu chứng và giúp trẻ có cuộc sống tốt hơn.
7. Lời khuyên từ chuyên gia để phòng ngừa dị ứng mạt bụi nhà
Nhờ BS đưa ra lời khuyên để bạn đọc có thể phòng ngừa dị ứng mạt bụi nhà ạ!
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Đối với người chưa có bệnh lý dị ứng nên vệ sinh sạch sẽ trong nhà.
Đối với người có dị ứng mà có dị ứng thêm với mạt bụi nhà lại càng tích cực phòng ngừa, tránh triệu chứng mạn tính nặng kéo dài.
Việc phòng ngừa nói chung chia thành 2 nhóm:
Dùng phương pháp vật lý:
- Dùng nhiệt độ.
- Dọn dẹp thường xuyên.
- Vệ sinh máy lạnh.
- Giặt giũ vỏ chăn, vỏ gối, vỏ bọc sofa định kỳ bằng nước nóng và phơi nắng.
- Đồ chơi trẻ em có thể để trong ngăn đá tủ lạnh.
- Có thể dùng máy hút bụi chuyên dụng để làm giảm nồng độ mạt bụi nhà.
- Những tổ chức chuyên về dị ứng của Mỹ khuyến cáo người có bệnh lý dị ứng nên đeo khẩu trang trong lúc dọn dẹp. Tốt nhất nên ra khỏi phòng trong 20 phút sau khi dọn xong vì lúc này lượng bụi trong nhà đang ở mức cao nhất.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể cân nhắc sử dụng phương pháp giải mẫn cảm. Hiện nay tại TPHCM đã có thể nhập được liệu pháp này, hy vọng trong thời gian sắp tới có thể triển khai. Lúc đó chúng ta có thể áp dụng nhiều phương pháp giúp làm giảm nồng độ mạt bụi nhà tới mức tối đa.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình